86. Tại sao doanh nghiệp “dị ứng” với pháp luật?

(ANVI) – Tham luận tại Đại hội Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp lần thứ 2 – năm 2007

Doanh nghiệp với pháp luật

Hoạt động của doanh nghiệp hiện nay không thể không dựa vào pháp luật. Có thể phân ra làm 4 loại ứng xử của doanh nghiệp đối với pháp luật: Bất chấp pháp luật, trốn tránh pháp luật, không biết pháp luật và tuân thủ pháp luật. Bất chấp, trốn tránh và không biết pháp luật đều sẽ phải trả giá. Điều day dứt là ở chỗ, những doanh nghiệp hiểu biết pháp luật và mong muốn tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật cũng vẫn “dị ứng” với pháp luật. Trước hết, lỗi là do pháp luật. Xin lấy ví dụ trong số hàng trăm vấn đề bất cập:

  • Điểm b, khoản 1, Điều 130, Luật Đất đai năm 2003 quy định: Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng tín dụng, các bên phải nộp hồ sơ đăng ký thế chấp đất. Như vậy, Luật ép người ta buộc phải ký ngay hợp đồng thế chấp (dù chưa cần thiết) và bất luận thế nào cũng phải vượt qua cánh cửa công chứng để kịp “chuyến tàu” đăng ký thế chấp không bao giờ chạy. Đây là một trong những quy định rất ngớ ngẩn.
  • Điều 474 và 476, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Lãi suất vay và lãi suất quá hạn không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố (tức là không quá 0,94%/tháng trong cả năm qua). Điều quá phi thực tế và trái ngược với cơ chế thị trường này đã làm cho gần như 100% các Hợp đồng vay vốn và thoả thuận về phạt chậm trả buộc phải phạm luật. Đây là một trong những quy định duy ý chí.
  • Cứ theo đúng khoản 3, Điều 93, Luật Nhà ở năm 2005, thì hợp đồng cho mượn nhà ở dù chỉ mượn 6 giờ đồng hồ cũng buộc phải công chứng, trong khi Hợp đồng thuê nhà dưới 6 tháng không bắt buộc phải công chứng. Đây là một trong những quy định sơ suất ngoài mong muốn.
  • Theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều Điều 103 “Thể thức tiến hành họp và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì số thành viên của ban kiểm phiếu tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông không quá 3 người. Với cuộc họp của công ty lớn có hàng nghìn cổ đông, vốn hàng trăm tỷ đồng để bầu 7-9 thành viên HĐQT và 3-5 thành viên BKS theo quy định bầu dồn phiếu, thì 3 người kiểm phiếu có khi phải kiểm phiếu đến 3 ngày mới xong (ví dụ vốn 1.000 tỷ, bầu 10 thành viên thì sẽ có 1 tỷ phiếu bầu). Đây là một trong những quy định phi thực tế và vô mục đích.
  • Công văn số 2217/NHNN-CNH ngày 19-3-2007 của NHNN về việc áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp, buộc quyết định của Đại hội đồng cổ đông phải đạt 65% số phiếu biểu quyết. Dù nó trái hẳn với mục 2, Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29-11-2006 của Quốc hội Phê chuẩn Nghị định thư gia nhận WTO (chỉ cần tối thiếu 51% số phiếu biểu quyết), nhưng các ngân hàng vẫn phải thực hiện theo Công văn. Đây là một công văn trái luật.
  • Có lẽ không dưới 90% công ty, cơ quan báo chí và cũng từng ấy cán bộ pháp chế không phân biệt rõ giữa khái niệm Đại hội đồng cổ đông và cuộc họp Đại hội đồng cổ đông. Nguyên nhân cũng lại xuất phát từ chính văn bản quy phạm pháp luật, ví dụ: Quyết định của Thống đốc NHNN, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính,…[1]

Doanh nghiệp cần gì ở Câu lạc bộ Pháp chế Doanh nghiệp?

Kinh doanh đúng luật là một trong những đòi hỏi tối thiểu nhất, đồng thời cũng là sự bức xúc nhất. Dưới con mắt của Doanh nghiệp, các vấn đề pháp luật được quan tâm dưới 4 khía cạnh sau:

  • Xây dựng pháp luật;
  • Hiểu biết pháp luật;
  • Tuân thủ pháp luật;
  • Phán xét pháp luật.

Hiểu biết pháp luật và tuân thủ pháp luật là bổn phận sống còn của doanh nghiệp, buộc họ phải tự vận động, tự lo lắng và tự làm tự chịu.

Nhưng xây dựng pháp luật và phán xét pháp luật thì các doanh nghiệp không tự lo được, mà cần đến tiếng nói chung, cần sức mạnh của tập thể cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có Câu lạc bộ Pháp chế Doanh nghiệp. Xây dựng được một văn bản quy phạm pháp luật tốt thì hàng vạn doanh nghiệp được hưởng thành quả. Phán xét pháp luật hợp lý thì người người sẵn sàng tìm hiểu và tuân thù pháp luật. Trên kia là ví dụ về xây dựng pháp luật. Dưới đây là ví dụ về phán xét pháp luật:

  • Một vụ tranh chấp đã qua rất nhiều lần xử nhưng vẫn luẩn quẩn do Toà án và Viện kiểm sát phán xét theo quan điểm kỳ lạ. Ngân hàng mở L/C nhập hàng của nước ngoài, là bảo lãnh cho người nhập khẩu. Theo nguyên tắc, khi nhận chứng từ thanh toán hợp lệ, thì thậm chí hàng không nhập về cũng vẫn phải trả tiền cho nước ngoài. Vậy mà một số cơ quan pháp luật cứ truy xét chúng tôi rằng, tại sao hàng nhập thiếu, kém chất lượng vẫn thanh toán cho nước ngoài. Xin đừng bắt doanh nghiệp từ bỏ cam kết và luật quốc tế để theo “cái lý của người mèo’.
  • Điều 77, Luật Các TCTD năm 1997 (sửa đổi năm 2004) cấm thành viên HĐQT vay vốn của chính ngân hàng đó. Không một câu chữ nào trong bất cứ văn bản pháp quy nào thể hiện rằng, thành viên HĐQT lại là một tổ chức. Nhưng trên thực tế, NHNN lại cứ cho rằng thành viên HĐQT ngân hàng không chỉ là 1 cá nhân mà bao gồm cả công ty có cá nhân đại diện được bầu làm thành viên HĐQT. Điều này dẫn đến ít nhất là 3 sự bất hợp lý mà cả chục năm nay đành cam chịu:
    • Thứ nhất, Luật cấm rất rõ ràng 1 thành viên HĐQT, nhưng lại áp vào đồng thời 2 đối tượng “cấm 1 phát trúng 2 đích”;
    • Thứ hai, chỉ có bầu 1 cá nhân cụ thể, chứ xưa nay chưa bao giờ có chuyện bầu 1 công ty làm thành viên HĐQT;
    • Thứ ba, ngay điểm tiếp theo trong cùng một khoản của Điều luật trên cũng có quy định: Cấm cho vay đối với “Bố, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên HĐQT”. Nếu thành viên HĐQT là công ty, thì phải chăng có loại công ty có vợ, có chồng?

Do vậy, kỳ vọng của doanh nghiệp chúng tôi là: Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp phải có tiếng nói thiết thực để sửa sai những điều luật ngang trái và chính đốn những phán xét phản lại công lý.

Xin đừng để doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật “dị ứng” với pháp luật.

 

—————————–

Bài được lưu ở đây:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

Ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch danh dự CLB Pháp chế Doanh nghiệp phát biểu sau đó đã rất tâm đắc và nhắc đến bài phát biểu này nhiều lần.

[1] Nhiều lần xuất hiện các cụm từ như: “Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất”, “Đại hội đồng cổ đông thường niên”, “Đại hội đồng cổ đông bất thường”, “giữa hai kỳ Đại hội đồng cổ đông”, ”bất kỳ Đại hội đồng cổ đông nào”, “triệu tập Đại hội đồng cổ đông”, “tiến hành Đại hội đồng cổ đông”, “đến Đại hội đồng cổ đông”, “tham dự Đại hội đồng cổ đông”, “phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông”, “biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông”, “bầu cử trong Đại hội đồng cổ đông”, “biên bản Đại hội đồng cổ đông”,… Một số đoạn còn bị viết sai thành “Đại hội Cổ đông”, thậm chí chỉ còn hai chữ “Đại hội” trong các văn bản sau:

  • Quy định về cổ đông, cổ phần, cổ phiếu và vốn điều lệ của ngân hàng TMCP của Nhà nước và nhân dân, ban hành kèm theo Quyết định số 1122/2001/QĐ-NHNN ngày 04-9-2001 của Thống đốc NHNN;
  • Mẫu Điều lệ Ngân hàng TMCP của Nhà nước và nhân dân, ban hành kèm theo Quyết định số 383/2002/QĐ-NHNN ngày 24-4-2002 của Thống đốc NHNN
  • Mẫu Điều lệ áp dụng cho các công ty niêm yết, ban hành kèm theo Quyết định số 07/2002/QĐ-VPCP ngày 19-11-2002 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
  • Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán/Trung tâm giao dịch chứng khoán, ban hành kèm theo Quyết định số 15/2007/QĐ-BTC ngày 19-3-2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,607