90. Cổ phiếu “rỗng ruột” và cổ đông “dự khuyết”.

(NQL) – Một người than phiền: Mua cổ phiếu của một Ngân hàng đã “tám đời” rồi mà không được nhận cổ tức, vì họ cứ chia cho người bán. Còn người khác thì thật thà kể rằng: Sau khi đã bán hết cổ phiếu từ “mục thất” rồi, thế mà Công ty cứ “bắt”đến nhận cổ phiếu thưởng. Đau khổ và hoan hỉ đều không đáng có.

Cổ phần và cổ đông

Công ty cổ phần là một trong những sản phẩm rất văn minh của nền kinh tế thị trường. Để bảo vệ quyền lợi của cổ đông, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đòi hỏi loại doanh nghiệp này tính chuyên nghiệp và minh bạch cao. Ví dụ, một người có thể làm nhiều giám đốc của công ty TNHH, nhưng đã là Giám đốc công ty cổ phần, thì không được đồng thời làm Giám đốc của doanh nghiệp khác (Điều 116, Luật Doanh nghiệp).

Mô hình này giúp cho doanh nghiệp có thể huy động được nhiều vốn, mở rộng kinh doanh, còn công chúng thì ai cũng có cơ hội mua và sở hữu cổ phần (cổ phiếu). Chỉ với 10.000 đồng là có thể trở thành cổ đông, tức là đóng vai “ông chủ” công ty, đàng hoàng ngồi vào “cái ghế” Đại hội đồng cổ đông của một doanh nghiệp. Nhưng nhiều ông chủ đang bị người ta vô tình lẫn hữu ý truất ngôi: Mất quyền và mất tiền oan.

Mất quyền, mất ghế…

Luật Doanh nghiệp năm 1999 cũng như năm 2005 đều quy định, bất kỳ cổ đông phổ thông nào cũng có quyền tham dự các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông. Điều đó có nghĩa là, chỉ cần sở hữu 1 cổ phần là đã có đủ quyền dự mọi cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công ty đặt ra “luật chơi” riêng, chỉ cho phép cổ đông nhiều tiền hội họp. Ví dụ, tháng 4-2008, Công ty Xây dựng S. chỉ cho phép cổ đông nắm giữ tối thiểu 2.000 cổ phần dự họp. Hay tháng 5-2008, Công ty Dược phẩm P. chỉ mời họp đối với cổ đông sở hữu từ 500 cổ phần trở lên. Thôi thì trái luật, nhưng cũng chưa động chạm trực tiếp đến cơm áo gạo tiền. Thế là hầu hết cổ đông vui vẻ từ bỏ quyền được ngồi vào cái ghế chủ sở hữu công ty.

… đến mất cổ phiếu  

Không ít câu chuyện khóc cười chung quanh việc mua bán cổ phần. Không ai lừa ai, thế mà khối người mua lại mất oan cổ phiếu.

Tháng 6-2005, Ngân hàng K. trả gần 10% cổ phiếu thưởng cho các cổ đông tính đến thời điểm 31-12-2004. Tháng 12-2007, Ngân hàng V. phát hành hơn 15 triệu cổ phiếu thưởng cho các cổ đông sở hữu vốn điều lệ năm 2005 (và ghi rõ: Các cổ đông sở hữu cổ phiếu năm 2006 và 2007 không thuộc diện được hưởng). Đặc biệt là Ngân hàng P., thưởng 28% cổ phiếu trong tháng 7-2008 cho cổ đông hiện hữu vào ngày 31-12-2006, tức là được chốt lùi lại trước đó hơn một năm rưỡi.

Thế là, người đã bán hết cổ phiếu, đã “dứt tình đoạn nghĩa” với công ty cả năm, nay bỗng dưng được hàng chục phần trăm tiền thưởng từ trên giời rơi xuống. Tất nhiên, người bỏ tiền ra mua “hy vọng”, đến ngày “hái quả”, đành phải “ngậm bồ hòn”. Điều đáng nói là, Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vẫn đồng tình với phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn kiểu “giật lùi” này (!?).

Và mất cổ tức

Tháng 7-2008, Ngân hàng A. thông báo chi trả cổ tức 10,34% theo danh sách cổ đông chốt vào ngày 15-4-2008. Tháng 8-2008, Ngân hàng H. thông báo trả cổ tức 8,25%/năm theo danh sách cổ đông tính đến ngày 31-12-2007.

Như vậy, người bán cổ phiếu chán chê rồi vẫn được hưởng cổ tức, trong khi người mua chẳng khác nào “vớ” phải cổ phiếu bị “rút ruột”. Các công ty trả cổ tức kiểu này hẳn là căn cứ vào khoản 4, Điều 93 của Luật Doanh nghiệp: “Trường hợp cổ đông chuyển nhượng cổ phần của mình trong thời gian giữa thời điểm kết thúc lập danh sách cổ đông và thời điểm trả cổ tức thì người chuyển nhượng là người nhận cổ tức từ công ty”. Thực chất quy định này là dành cho tình huống mua bán cổ phiếu tại thời điểm đã xác định rõ bên bán là người được nhận cổ tức, như vậy giá cổ phiếu đã loại trừ cổ tức.

Trong hai trường hợp trên, người mua cổ phiếu vào tháng 6-2008, chưa thấy thông báo trả cổ tức, thì cứ đinh ninh rằng mình sẽ là người được hưởng. Nếu không thoả thuận thật rõ rằng bên mua được hưởng cổ tức, thì đương nhiên là mất tiền. Kể cả đã thoả thuận rõ người mua được hưởng mọi quyền lợi, thậm chí ghi cụ thể là được hưởng cổ tức năm 2007, thì cũng vẫn bị loại khỏi danh sách lĩnh cổ tức. Cổ đông mới chỉ còn biết nhờ vả hoặc đòi nợ cổ đông cũ. Đã xảy ra rất nhiều sự tranh chấp, phức tạp trong chuyện này.

Còn gì vô lý hơn là việc Ngân hàng H. nói trên đã loại người bán khỏi danh sách cổ đông và công nhận tư cách cổ đông đối với người mua từ tháng 01-2008, thế mà 8 tháng sau vẫn mặc nhiên xem họ như là cổ đông “chui”, không được thừa nhận quyền lợi quan trọng nhất đối với người sở hữu cổ phần là được hưởng cổ tức.

Pháp lý ở đâu?

Người mua cổ phiếu là mua tương lai của công ty, chịu nghĩa vụ, đồng thời cũng được hưởng các lợi ích của Công ty theo tỷ lệ cổ phần sở hữu. Giá mua bán cổ phiếu đã đương nhiên bao hàm toàn bộ giá trị của công ty, trong đó có các quỹ, thặng dư vốn, lợi nhuận chưa chia,… Người đã bán cổ phiếu đi, mà công ty bị phá sản, thì chắc chắn là vô can, còn người mua sẽ phải gánh chịu. Thế thì, trả cổ tức hay cổ phiếu thưởng cho người đã bán cổ phiếu (trước ngày có thông báo trả cổ tức) là một sự vô lý không thể chấp nhận được.

Và còn nhiều trường hợp, cổ phiếu phát hành thêm chỉ được tính cổ tức theo số tháng cũng gây ra thiệt hại cho cổ đông. Trong khi lẽ ra phải trả cổ tức như nhau, cho dù cổ phiếu phát hành trước đó 3 năm hay 3 tháng, thì mới đúng với quy định tại khoản 5, Điều 78, Luật Doanh nghiệp: “Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu nó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau”. Với sự phân biệt đối xử như thế, rất có thể dẫn đến kết luận, cổ phiếu phổ thông phát hành 10 năm trước sẽ có giá trị gấp chục lần cổ phiếu mới phát hành?

Nhưng cũng chính Luật Doanh nghiệp là “kẻ tòng phạm” dẫn đến việc nhiều người mua cổ phiếu bị thua thiệt một cách vô lý. Thay vì quy định rõ là danh sách trả cổ tức phải được ấn định sau khi đã thông báo trả cổ tức, thì khoản 3, Điều 93, Luật Doanh nghiệp lại quy định: “Hội đồng quản trị phải lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất ba mươi ngày trước mỗi lần trả cổ tức”. Quy định này dễ bị hiểu sai thành: Danh sách trả cổ tức chốt lùi lại bao lâu cũng vẫn đúng luật, miễn là trước ngày trả tiền ít nhất 1 tháng. Việc chốt tiền bạc kiểu hồi tố như thế, sau khi kết hợp với quy định tại khoản 4, Điều 93 nói trên, thì đã biến cổ đông sở hữu hợp pháp cổ phiếu của công ty thành ông chủ “chầu rìa”, cổ đông “dự khuyết”.

Cái lờ mờ của luật pháp, việc lơ mơ của các công ty, cộng với sự mơ hồ của các cổ đông đã biến hành cái bẫy đối với nhà đầu tư cổ phiếu. Rất cần có văn bản hướng dẫn, giải thích chính thức của cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ thực trạng trên.


Cơ sở pháp lý về việc chia cổ tức cho các cổ phần mới tăng vốn

  1. Về quyền lợi bình đẳng của người sở hữu cổ phần:
  • Khoản 5, Điều 78 về “Các loại cổ phần”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định:

“5. Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu nó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau.”

  • Điều đó có nghĩa là, ngày nào đã xác định là cổ phần của Công ty thì dù là cổ phần mua trước đó 10 năm hay trước đó 1 ngày đều có quyền lợi như nhau, cùng được chia cổ tức, cùng được tham dự họp đại hội đồng cổ đông, cùng được quyền ưu tiên mua cổ phần phát hành mới,… Ngược lại, cổ đông vừa mua cổ phần xong mà Công ty bị phá sản thì cũng chịu mất tiền như đối với cổ đông cũ.

Nếu cho rằng năm nay mua cổ phần không được hưởng cổ tức năm ngoài, thì đồng nghĩa với việc mua cổ phần tháng 1 sẽ được chia cổ tức 11 – 12 tháng, mua tháng 6 được chia 6 – 7 tháng, mua tháng 12 được chia 0 -1 tháng. Đó là điều rất bất hợp lý.

  1. Về quyền hưởng cổ tức của cổ đông phổ thông:
  • Điểm b, khoản 1, Điều 79 vể “Quyền của cổ đông phổ thông”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định một trong các quyền của cổ đông phổ thông là:

“b) Được nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;”

  • Điều có có nghĩa là, đã là cổ đông phổ thông, thì được nhận cổ tức như nhau. Đại hội đồng cổ đông quyết định mức cổ tức là bao nhiêu phần trăm thì tất cả các cổ đông phổ thông sẽ được hưởng như nhau, không phân biệt cổ đông cũ hay cổ đông mới (cổ phần cũ hay cổ phần mới).
  1. Về danh sách cổ đông được nhận cổ tức:
  • Khoản 3, Điều 93 vể “Trả cổ tức”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định:

“3. Hội đồng quản trị phải lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất ba mươi ngày trước mỗi lần trả cổ tức. Thông báo về trả cổ tức phải được gửi bằng phương thức bảo đảm đến được địa chỉ đăng ký tất cả cổ đông chậm nhất mười lăm ngày trước khi thực hiện trả cổ tức. Thông báo phải ghi rõ tên công ty; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cổ đông là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh của cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần từng loại của cổ đông; mức cổ tức đối với từng cổ phần và tổng số cổ tức mà cổ đông đó được nhận, thời điểm và phương thức trả cổ tức; họ, tên, chữ ký của Chủ tịch hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty.”

  • Quy định trên nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông và người nhận chuyển nhượng trong trường hợp có chuyển nhượng cổ phần. Tức là nếu ngày 30-6-2014 trả cổ tức, thì “danh sách cổ đông được nhận cổ tức” phải được lập trước 01-6-2014.
  1. Về chốt danh sách chia cổ tức đối với cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán:

Vấn đề hoàn toàn theo các nguyên tắc quy định của Luật Doanh nghiệp.

  1. Tài liệu tham khảo bài “Cổ phiếu rỗng ruột và cổ dông dự khuyết”:

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Bài viết đăng Tạp chí Nhà Quản lý số 64/10-2008 

Đăng lại

Diễn đàn doanh nghiệp

http://www.doanhnhan360.com/Desktop.aspx/Thi-truong-360/Dau-tu-360/Co_phieu_co_dong/

http://www.sbsc.com.vn/news/detail.do?category=SO&id=38682

http://www.sbsc.com.vn/news/print.do?id=38682

http://tintucthuongmai.vn/?url=detail&id=1727

https://sites.google.com/site/toakinhte/tham-lu

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,404