92. Có sự thiếu thống nhất giữa các quy định của pháp luật về phá sản các tổ chức tín dụng.

(ANVI) – Góp ý Dự thảo Nghị định Quy định việc áp dụng Luật Phá sản đối với tổ chức tín dụng (do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam soạn thảo)

  1. Hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng có nhiều nét đặc thù và mang tính chuyên ngành cao, do đó vấn đề phục hồi hoạt động kinh doanh được áp dụng đối với tổ chức tín dụng tương tự như đối với các doanh nghiệp khác theo quy định của Luật Phá sản là hoàn toàn không khả thi, không có hiệu quả, chỉ là một thủ tục mang tính hình thức. Dự thảo Nghị định cũng đã quy định: Không lặp lại quá trình phục hồi hoạt động sản xuất – kinh doanh đối với Tổ chức tín dụng, khi Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng Kiểm soát đặc biệt hoặc đã chấm dứt áp dụng biện pháp Kiểm soát đặc biệt (khoản 2, Điều 2 của Dự thảo). Tuy nhiên cần xem lại quy định trong trường hợp Tòa án tiến hành thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh khi Ngân hàng Nhà nước không áp dụng biện pháp Kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng. Nếu vẫn áp dụng thủ tục này, thì cần phải quy định rất cụ thể và khác biệt so với các doanh nghiệp khác. Khi đã lâm vào tình trạng phá sản, thì ngoài những hạn chế về quyền hạn hoạt động theo Luật Phá sản, còn rất nhiều hạn chế do Ngân hàng Nhà nước áp đặt, nên khó có khả năng phục hồi (không thể có việc “Mọi hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản vẫn được tiến hành bình thường” như quy định tại khoản 1, Điều 16 của Dự thảo). Vì vậy, cần tạo ra một thiết chế đặc thù với những quy định cụ thể để hỗ trợ tổ chức tín dụng có thể tiếp tục hoạt động.
  2. Quy định về điều kiện áp dụng tỉnh trạng kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng thường xảy ra sớm hơn so với việc lâm vào tình trạng phá sản doanh nghiệp.
  • Điều 3, Luật Phá sản quy định: Doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản khi “không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu”. Trong khi đó khoản 2, Điều 92 (Áp dụng kiểm soát đặc biệt), Luật Các Tổ chức tín dụng quy định: Tổ chức tín dụng có thể được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong những trường hợp sau đây:
  • Có nguy cơ mất khả năng chi trả”;
  • Nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ mất khả năng thanh toán”;
  • Khi số lỗ luỹ kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% tổng số vốn điều lệ thực có và các quỹ”.
  • Trên cơ sở quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Điều 5, Quy chế Kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng cổ phần Việt Nam, ban hành kèm theo Quyết định số 215/1998/QĐ-NHNN5 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (đã được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 646/2002/QĐ-NHNN ngày 21-6-2002 và Quyết định số 1071/2002/QĐ-NHNN ngày 2-10-2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) hướng dẫn về việc tổ chức tín dụng có thể được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi xảy ra:
  • Có nguy cơ mất khả năng chi trả, được biểu hiện: ba lần trong một tháng không đảm bảo tỷ lệ về khả năng chi trả tối thiểu bằng 1 giữa tài sản “Có” có thể thanh toán ngay so với các loại tài sản “Nợ” phải thanh toán ngay” “Có nguy cơ mất khả năng thanh toán, được biểu hiện:
    • Liên tục trong ba tháng liên tiếp không duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% giữa vốn tự có so với tài sản “Có”, kể cả các cam kết ngoại bảng, được điều chỉnh theo mức độ rủi ro;
    • Các khoản nợ xấu (bao gồm: các khoản nợ quá hạn, nợ chờ xử lý, nợ cho vay được khoanh được thể hiện trên Bảng cân đối kế toán hàng tháng, nợ chuyển cho Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản để xử lý thu hồi vốn cho tổ chức tín dụng cổ phần), chiếm từ 10% trở lên so với tổng dư nợ cho vay hoặc từ 100% tổng vốn tự có trở lên”.
  • Số lỗ luỹ kế và số tiền chưa trích lập đủ dự phòng rủi ro theo quy định, lớn hơn 50% tổng vốn tự có”.
  • Nhìn chung các dấu hiệu kiểm soát đặc biệt được sớm hơn so với quy định lâm vào tình trạng phá sản. Điều này cũng phù hợp với quy định tại Điều 97, Luật Các tổ chức tín dụng về một trong những trường hợp kết thúc kiểm soát đặc biệt là “Tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản“. Do đó, điểm đ, khoản 1, Điều 12 của Dự thảo Nghị định quy định một trong những căn cứ trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng là “Tổ chức tín dụng đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt hoặc có quyết định áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán đang còn hiệu lực” (phù hợp với quy định tại Điều 98, Luật các Tổ chức tín dụng). Điểm a, khoản 1, Điều 14 của Dự thảo quy định một trong những căn cứ để Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản là “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản về việc không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của tổ chức tín dụng”. Do đó cũng cần sửa đổi khoản 3, Điều 15 của Quy chế Kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng cổ phần Việt Nam, nói trên lại quy định một trong những căn cứ để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định chấm dứt việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng cổ phần là: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tuyên bố phá sản tổ chức tín dụng.
  1. Kết hợp giữa các quy định của Luật Phá sản và Luật các tổ chức tín dụng, thì không nên quy định như khoản 3, Điều 7 của Dự thảo là: “Trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nếu nhận thấy tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật có nhiệm vụ thông báo bằng văn bản cho những người nêu tại khoản 1 Điều này biết để họ xem xét việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Cơ quan thông báo phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông báo đó”, vì mâu thuẫn với quy định tại khoản 1, Điều 14 của Dự thảo là: Toà án chỉ ra quyết định mở thủ tục phá sản khi “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản về việc không áp dụng hoặc chám dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của tổ chức tín dụng”. Quy định này là cần thiết và phù hợp với đặc thù cơ bản của các tổ chức tín dụng. Ví dụ, Điều 96, Luật Các tổ chức tín dụng quy định: “Trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm khả năng chi trả tiền gửi của khách hàng, tổ chức tín dụng có thể được các tổ chức tín dụng khác hoặc Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt. Khoản vay đặc biệt này sẽ được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác của tổ chức tín dụng.“ Như vậy, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, việc kiếm soát đặc biệt được áp dụng sớm hơn việc phá sản, đồng thời kể cả trường hợp đã đủ điều kiện phá sản, vẫn có thể áp dụng cơ chế “cho vay“ và ưu tiên “hoàn trả“ trước tất cả các khoản nợ khác theo quy định của Luật Phá sản.
  2. Sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản, ngoài hoạt động “Cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng, bán, tặng cho, cho thuê tài sản” phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thẩm phán trước khi thực hiện, được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 16, cần bổ sung thêm hoạt động “bảo lãnh”, vì đây là một hoạt động nghiệp vụ phổ biến và đặc thù của ngân hàng (bảo đảm nghĩa vụ dân sự không bằng tài sản).
  3. Nên bỏ những điều khoản không có nội dung quy định, hướng dẫn cụ thể khác so với quy định chung của pháp luật phá sản như: Điều 8 (Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản), Điều 9 (Phí phá sản), Điều 10 (Thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản),…
  4. Để bảo đảm sự thống nhất của pháp luật, bảo đảm giá trị pháp lý đối với vấn đề quan trọng này, sau khi Dự thảo Nghị định được ban hành, cần phải sửa đổi Điều 5, Quy chế Kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng. Đồng thời phải đưa nội dung cụ thể về kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng vào Luật Các tổ chức tín dụng và Nghị định của Chính phủ.

—————————–

Bài được lưu ở đây:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,939