94. Mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước: Bốn câu hỏi lớn.

(KTSG) – Ngày 21-11 vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo góp ý cho dự thảo “Nghị định hình thành, tổ chức, hoạt động và quản lý đối với tập đoàn kinh tế nhà nước”. Trong bài viết riêng cho TBKTSG dưới đây nhân cuộc hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức nêu ra bốn câu hỏi nhằm góp phần làm  sáng tỏ vấn đề: đi tìm mô hình phù hợp quản lý tập đoàn nhà nước.

Địa vị pháp lý nào cho tập đoàn?

Tám tập đoàn kinh tế nhà nước đã được thành lập trong ba năm qua khác với quy định trong Luật Doanh nghiệp và không giống mô hình tập đoàn trên thế giới. Nay dự thảo trên buộc phải chốt lại điểm mấu chốt: tập đoàn không có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, nó có phải là một tổ chức hay không và nếu có, thì hình hài cụ thể ra sao, giá trị pháp lý như thế nào?

Do vậy, nếu có một nghị định về tập đoàn kinh tế, trong đó phải quy định thật rõ về việc sử dụng thuật ngữ “tập đoàn” như: có được chèn từ tập đoàn vào tên công ty mẹ, để rồi đàng hoàng gọi tắt là tập đoàn? Có hay không có chức danh chủ tịch và tổng giám đốc tập đoàn? Có hay không có con dấu của tập đoàn?

Nếu không có con dấu thì khi nào được sử dụng danh xưng “tập đoàn” trong khi pháp luật đã quy định: “Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức…” (điều 1, Nghị định số 58/2001/NĐ-CP ngày 24-8-2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu).

Tự nguyện hay bắt buộc?

Tập đoàn phải được hình thành từ sự tự nguyện thỏa thuận liên kết, hợp tác giữa các pháp nhân. Nhưng theo dự thảo này yếu tố này quá mờ nhạt, nếu không muốn nói là đã được giải quyết hoàn toàn bằng mệnh lệnh hành chính. Tấm vé vào cửa tập đoàn kinh tế nhà nước là những thủ tục vô cùng khó khăn, phức tạp, giống hệt việc lập ra tổng công ty 91 trước đây.

Quan hệ giữa công ty mẹ với các thành viên của tập đoàn nhà nước cũng không rõ ràng, ngoài dựa trên cái gốc “đối vốn” thì còn được xây dựng nặng về “đối nhân” giống như các tổng công ty cũ. Ví dụ, công ty mẹ chỉ đóng vai trò định hướng, điều hòa, phối hợp, nhưng lại đương nhiên được giao quyền “chủ trì”, “làm đầu mối” mọi thứ trong tập đoàn.

Công ty mẹ muốn hoàn thành trọng trách “hạt nhân lãnh đạo, chi phối” mà nghị định giao phó, thì hoặc phải áp đặt mệnh lệnh hành chính hoặc đành bất lực với các công ty con, nếu mẹ chỉ sở hữu một số vốn không đủ tỷ lệ quyết định cuộc chơi theo Luật Doanh nghiệp, trong đó có tỷ lệ biểu quyết tối thiểu là 75% để sửa đổi Điều lệ.

Đa số các nội dung trong dự thảo, nếu là bắt buộc thì không phù hợp với luật pháp hiện hành và không đúng với bản chất của tập đoàn kinh tế. Còn nếu chỉ là những gợi ý, thì lại không cần có trong một nghị định, mà nên đưa thành tài liệu về kỹ năng quản trị tập đoàn nói riêng và doanh nghiệp nói chung.

“Nhà nước hóa” công ty cổ phần?

Theo dự thảo, tập đoàn kinh tế nhà nước bao gồm cả các công ty mẹ có 51% vốn nhà nước, công ty con có 51% vốn của công ty mẹ và công ty “cháu” có 51% của công ty con. Như vậy, công ty “cháu” cũng “ngồi” chung “mâm” tập đoàn kinh tế nhà nước và tất nhiên cũng phải chịu sự chi phối của Nhà nước.

Tiêu chí hình thành tập đoàn cũng còn nhiều điều phải bàn, nếu không nói là có điểm chưa ổn. Cứ theo như Danh mục ngành nghề kèm theo dự thảo nghị định, thì chỉ là sự đổi tên tổng công ty 91 sang tập đoàn. Nếu mấy chục tập đoàn nhà nước được thành lập để thế chỗ các tổng công ty, thì sau hàng chục năm gian nan hoàn tất công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phần lớn các doanh nghiệp này sẽ trở lại sinh sôi nảy nở dưới trướng tập đoàn nhà nước. Như vậy, khác nào lại “nhà nước hóa” công ty cổ phần?

Chức năng của tập đoàn kinh tế là kinh doanh, nhưng tập đoàn kinh tế nhà nước thì tất nhiên không được tự do kinh doanh. Bình thường thì đòi hỏi tập đoàn phải biến thành thương nhân chuyên nghiệp, nhưng lại luôn luôn có cảnh báo nghiêm khắc về quyền tự chủ kinh doanh. Đó là một mâu thuẫn lớn của Nhà nước – đóng vai “trọng tài” kiêm “cầu thủ” trên cùng “sân” kinh tế, vừa thích “đá bóng” nhưng vẫn muốn “thổi còi”.

Vừa là “quân”, vừa là “vua” ?

Nếu ví các doanh nghiệp như các cầu thủ trong một trận bóng đá, thì cơ quan quản lý nhà nước phải đóng vai của một trọng tài – ông vua sân cỏ. Nhưng nếu lại có những “hoàng tử” và “thái tử” là cầu thủ xung trận, thì khó tránh khỏi việc “hoàng đế” cũng lâm trận cứu quân.

Với vai trò quản lý nền kinh tế, cơ quan quản lý nhà nước phải rất công bằng, vô tư với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nhưng nếu ông chủ quản lý lại kiêm cả vai của ông chủ sở hữu doanh nghiệp, thì dù tự răn mình đến đâu, cũng sẽ nghiêng theo lẽ tự nhiên là “xót” cho túi tiền của “con đẻ” hơn “con nuôi”.

Để quản lý một cách thật sự công bằng, hiệu quả, tôi cho rằng đã đến lúc ông chủ quản lý chung cần thực hiện triệt để việc cổ phần hóa, hình thành các tập đoàn kinh tế cổ phần đúng nghĩa, dứt bỏ mọi lo toan trực tiếp về kinh doanh, không đưa “ruột thịt, thân thích” vào thương trường.

Tóm lại, giống như một đoàn tàu cần có đường ray, tàu càng lớn, chở càng nhiều hàng hóa thì đường ray càng phải vững chắc để đảm bảo đoàn tàu vận hành an toàn trong mọi điều kiện thời tiết. Tương tự, có thể vẫn cần có một nghị định về tập đoàn, nhưng phải là một nghị định chung cho các loại tập đoàn chứ không chỉ dành riêng cho tập đoàn nhà nước.

Quan trọng hơn là các nhà làm chính sách dụng công sao cho khéo, xây dựng hành lang pháp lý cho tốt để giám sát chặt khu vực doanh nghiệp nhà nước có đặc quyền sử dụng vốn nhà nước. Mục tiêu lớn nhất của bất kỳ văn bản pháp lý nào liên quan đến tập đoàn chính là hiệu quả của việc sử dụng vốn nhà nước.

Suy cho cùng, tập đoàn nào thì cũng cần hướng tới mục tiêu kinh doanh có hiệu quả, nộp nhiều thuế, mang lại lợi ích cho xã hội. Nếu chỉ lo củng cố tập đoàn nhà nước, tập trung nhiều quyền lực và ưu đãi hơn nữa, e rằng sẽ khó tránh khỏi việc bảo hộ độc quyền, thủ tiêu tự do kinh doanh và vi phạm Luật Cạnh tranh.

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

————————-

Thời báo Kinh tế Sài Gòn 

Số 49, Thứ Năm,  27/11/2008, 10:12 (GMT+7)

(1.300)

  • Giật tít lớn nhất ở bìa 1 “Những câu hỏi lớn”.

———————–

  • Đăng lại
  1. http://beta.baomoi.com/Info/Bon-cau-hoi-lon/146/2216117.epi
  2. http://gocnhin.com/kinhte/1343422/Mo-hinh-tap-doan-duoi-goc-do-quan-tri-doanh-nghiep
  3. http://tintuc.vibonline.com.vn/Home/xdpl/2008/11/3267.aspx
  4. http://tintuc.xalo.vn/00-1582800889/bon_cau_hoi_lon.html?mode=print
  5. http://www.vietstock.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=96886&ChannelID=38
  6. http://www.dddn.com.vn/2008112806482918cat50/Mo-hinh-tap-doan-kinh-te-nha-nuoc-Bon-cau-hoi-lon.htm

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,921