95. Ngập lụt ở Hà Nội và những câu hỏi về quản lý.

(NQL) – Không lũ quét, chưa vỡ đê, càng chẳng có sóng thần, thế nhưng Hà Nội đã chìm trong biển nước. Giao thông ách tắc, hỗn loạn đến nỗi có người đã đề nghị áp dụng ngay Luật giao thông đường thuỷ cho phố xá Thủ đô. Chìm nghỉm suốt mấy cây số của “con đường đẹp nhất Việt Nam”: Liễu Giai – Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng. Khu đô thị Linh Đàm, Mỹ Đình – những điển hình của “công trình kiến trúc thời đổi mới” biến thành những hòn đảo không một tấc đất. Những vật gia dụng thiết yếu, những chiếc xe sang trọng, những hồ nước đẹp đẽ, những con phố phồn hoa bỗng chốc biến thành muôn vàn cái bẫy hiểm nguy đe doạ mấy triệu đồng bào và sự thật thì chúng đã cướp đi mạng sống của mấy chục con người xấu số. Sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, vận chuyển,… tê liệt, rối loạn, thiệt hại lên đến 3.000 -4.000 tỷ đồng.

Nhưng dù có tới hàng trăm khu vực mênh mông sóng nước vẫn không kinh hoàng bằng thời gian bị ngập úng với sự gia tăng của mầu sắc, mùi vị do đồ vật, phân rác thối rữa. Hơn chục ngày sau vẫn còn nhiều khu vực phải bì bõm đi lại, sinh hoạt trong bể nước cống thông thiên. Rồi “đại hồng thuỷ” cũng qua, nước đã rút cạn. Nhưng không thể im lặng cho qua một sự kiện động trời này. Hàng loạt câu hỏi về quản lý được nêu ra, đòi hỏi những người có trách nhiệm phải trả lời trước dân.

Lẽ nào ngập lụt như vậy chỉ do khách quan, mưa lớn và lâu quá? Những sự khiếm khuyết, bất cập về cơ chế, trình độ, năng lực, trách nhiệm quản lý đô thị; sự ngắn hạn về tầm nhìn và cách thức quy hoạch, xây dựng, cấp phép nhà cửa, đường xá, cống rãnh,… với bài toán lợi ích trước mắt đã đánh đổi cả chất lượng và tương lai của thành phố ngàn năm văn hiến?

Gần 3.000 tỷ đồng đã chi cho dự án thoát nước và trên 100 tỷ đồng chi thêm cho việc thoát nước mỗi năm ở Hà Nội đưa lại hiệu quả đến đâu? Thanh tra Chính phủ vửa tuyên bố “sẽ thanh tra các dự án thoát nước của Hà Nội” vào năm 2009, nhưng liệu có quy trách nhiệm cụ thể vào ai?

Đầy rẫy ví dụ về sự vô lý của các công trình thoát nước. Ví dụ như trường hợp con ngõ Thịnh Hào (phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa). Trong khi cống cạn mà đường vẫn ngập, vì hàng trăm mét bê tông đường không hề có cửa thu, hàm ếch để cho nước chảy thoát như thời xưa. Nước chỉ được phép len lỏi qua khe hở bé xíu của những cái nắp ga. Chẳng lẽ những “kỹ sư”, “thạc sĩ”, “tiến sĩ” trong ngành xây dựng các công trình thoát nước đều chưa thuộc bài?

Vì sao cả một hệ thống chính trị trùng điệp thế kia mà không trợ giúp dân một cách hiệu quả, kịp thời? Vì sao việc sử dụng những chiếc xe tải, xe lội nước và cả những chiếc cầu phao vào việc hỗ trợ dân đi lại ở những nơi ngập, lụt, những cơ quan quản lý có trách nhiệm vẫn “chạy theo” một vài tư nhân năng động? Ai đó sao vô cảm, lạnh lùng đến thế.

Người ta lại chữa rằng động đất, sóng thần, núi lửa, bão biển, mưa ngàn là rất khó dự báo. Nhưng chẳng lẽ, một trận mưa ngay trên đầu Cơ quan Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cũng không thể dự báo?

Cứ cho là dự báo thời tiết đúng 100% đi chăng nữa, thì thảm trạng ập xuống dân Hà Nội có thể xoay chuyển được không? Câu trả lời là không. Bởi chúng ta không  kiểm soát được nguy cơ ngập lụt; công tác quản lý đã không dám đối mặt với đất trời rằng, ngập lụt nghiêm trọng đã và sẽ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Thực trạng yếu kém về xây dựng đô thị có còn tiếp diễn sau trận lụt thế kỷ này? Với cái lý do “ngăn chặn thảm họa ngập lụt ở Thủ đô”, sẽ có bao nhiêu dự án nữa được phê duyệt? Tiền của dân cứ chảy đi, còn ngập, lụt thì vẫn vô tư ở lại? Dân thi nhau tôn cao nền nhà, dẫn đến vô cùng tốn kém về tiền bạc, bất tiện về sinh hoạt và tạo ra một bộ mặt kiến trúc phố phường khấp khểnh. Các đường phố, ngõ ngách cứ được ngành GTCC tôn cao dần, bỏ mặc nền nhà dân ngày càng tụt xuống. Đó là một cuộc đua tai hại, một sự lãng phí khủng khiếp, một cách làm phản khoa học.

Chúng ta chờ mong những chính sách kịp thời ngăn chặn bi kịch này đối với cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.

 

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 


Bài đăng trên mục “Tiêu điểm” – Tạp chí Nhà Quản lý số 66/12-2008

 

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,922