99. Gia tăng giá trị cho thuê nhưng đừng làm giảm giá trị pháp lý.

(ANVI) – Theo đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tôi xin tham gia một số ý kiến vào Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng như sau:

Hoàn toàn cần thiết có một Luật Thuế giá trị gia tăng thay thế cho Luật hiện hành. Dự thảo đã đưa ra nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề vẫn cần bàn thêm và xem xét lại. Xin đề cập đến một số khía cạnh dưới đây:

  1. Dù thuộc Luật nhưng vẫn không làm được theo Luật:

Luật Thuế giá trị gia tăng đã được xây dựng cách đây 10 năm và đã 2 lần được sửa đổi, bổ sung, nhưng cho đến Dự thảo lần này vẫn còn quá sơ lược,. ngắn ngủi. Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành (bản sửa đổi) chỉ có 14 trang, nhưng Nghị định cụ thể hoá gồm 21 trang và Thông tư chính hướng dẫn thi hành thì lên đến 147 trang. Việc Dự luật hiện nay chỉ còn lại 14 Điều, bớt đi 16 Điều so với Luật hiện hành (vì đã chuyển sang Luật Quản lý thuế), thì càng cần phải và có điều kiện thuận lợi để đi vào cụ thể, chi tiết hơn.

Chẳng hạn, một trong những hoạt động được miễn thuế giá trị gia tăng là “Dịch vụ tín dụng” được quy định trong Luật Thuế Giá trị gia tăng hiện hành cũng như tại khoản 7, Điều 4 của Dự thảo, nhưng không thể biết được đó là những hoạt động nào. Vì tại tất cả các các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, không hề có khái niệm “dịch vụ tín dụng” (chỉ có khái niệm “cấp tín dụng”, “hoạt động tín dụng”). Không ai có thể hiểu được chính xác khái niệm tưởng chừng như rất đơn giản, rõ ràng này. Và như vậy thì tất nhiên là sẽ để cho Nghị định, Thông tư muốn hướng dẫn thế nào cũng được.[1]

Quan điểm làm luật như vậy không có gì tiến bộ hơn so với mấy chục năm trước. Vẫn là luật khung, luật ống, luật nguyên tắc, luật khẩu hiệu. Luật này đã bị và sẽ tiếp tục bị nghị định, thông tư thoải mái nhào nặn và trói buộc như đa số các đạo luật khác.

  1. Một ý tưởng hay nhưng thể hiện thì chưa đạt yêu cầu:

Khoản 2, Điều 8 của Dự thảo quy định: “Hàng hóa, dịch vụ mua vào phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng trừ các trường hợp đặc biệt và hàng hoá, dịch vụ mua từng lần có giá trị thấp. Chính phủ quy định các trường hợp đặc biệt và mức tiền không phải thanh toán qua ngân hàng”. Những vấn đề quan trọng như thế này, thì nhất thiết phải được quy định ngay trong Luật. Lâu nay, rất nhiều nội dung không được quy định cụ thể trong Luật với các lý do sợ vướng mắc, sợ biến động, sợ trượt giá, sợ phản ứng, sợ không biết quy định thế nào,… Riêng vấn đề này thì hoàn toàn cần chốt cứng trong Luật để lập lại trật tự giao dịch công khai, minh bạch, an toàn và tiết kiệm tiền bạc cho nền kinh tế.

Chỉ 540.000 đồng tiền lương hiện nay cũng đã bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, thì giao dịch hàng chục triệu trở lên đã đến lúc phải đưa vào khuôn khổ pháp lý. Ví dụ, có thể quy định điều kiện để khấu trừ thuế giá trị gia tăng là phải thanh toán qua ngân hàng với khoản tiền từ 100 triệu đồng trở lên. Chúng ta đã buông lỏng bao nhiêu năm trời (gần đây mới giới hạn việc giao dịch tiền mặt của khối Nhà nước), thì nay cũng không nên đặt ra mức giới hạn quá thấp, quá đột ngột. Con số này có ý nghĩa rất khác biệt so với những số tiền cụ thể trong các quy định khác. Trường hợp này, xét về tổng thể, nếu lách luật thì sẽ thiệt hại ngay về lợi ích, không như các trường hợp vi phạm tài chính khác là để được lợi ngay trước mắt. Hay giả sử 5, 10 năm nữa, số tiền đó mất giá một nửa, thì vẫn không cần phải điều chỉnh tăng lên, vì đó chính là mục tiêu đúng đắn cần hướng tới dần dần: Hạn chế tối đa việc thanh toán bằng tiền mặt. Việc này còn giúp cho xã hội sẵn sàng chấp nhận, dễ dàng thực hiện và mục tiêu sẽ đạt được một cách nhẹ nhàng.

Nếu không ấn định số tiền cụ thể trong trường hợp này, thì làm sao có thể lý giải cho được việc quy định tại Điều 10 của Dự thảo về hoàn thuế như sau: “Trường hợp cơ sở kinh doanh đầu tư mới đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, đang trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động, nếu thời gian đầu tư từ 01 năm trở lên mà số thuế giá trị gia tăng sử dụng cho đầu tư từ 200 triệu [cần thêm một chữ “đồng” ở đây] trở lên thì được hoàn thuế theo quý”.

Tất nhiên, Dự luật vẫn nên dành quyền cho Chính phủ hướng dẫn các trường hợp đặc biệt chưa phải chấp hành theo đúng hạn mức trên.

  1. Bỏ bớt thuế suất, được nhiều hơn mất:

Luật Thuế giá trị gia tăng đầu tiên ban hành vào năm 1997 đã từng đưa ra khá nhiều mức thuế suất. Sau này mạnh dạn giảm xuống chỉ còn 2 mức là 5% và 10% thì thấy đơn giản, hợp lý hơn rất nhiều. Vậy, nay đã đến lúc chỉ nên để 1 mức thuế suất duy nhất là 10%. Mọi sự sẽ hiệu quả và tốt đẹp hơn nữa.

Xin lý giải thêm một số khía cạnh cho đề xuất này: Nếu là thuế doanh thu thì rất cần phân thành nhiều mức thuế suất vì “đánh” đâu biết đấy. Nhưng thuế giá trị gia tăng công bằng hơn hẳn là ở chỗ được khấu trừ thuế đầu vào. Về tổng thể, nhìn chung đầu vào và đầu ra của các hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ được điều tiết một cách cân đối, nhịp nhàng. Do vậy san đi, bù lại sẽ tránh khỏi tình trạng sưu cao, thuế nặng rơi vào một số hàng hoá, dịch vụ. Một số hoạt động khó khăn hay lĩnh vực cần đặc biệt khuyến khích hoặc đầu vào ít kèm theo thuế giá trị gia tăng thì đã được xử lý bằng cơ chế miễn giảm thuế (thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp). Một điều quan trọng nữa là, trong nền kinh tế thị trường, cung cầu hàng hoá, dịch vụ sẽ nhanh chóng đạt tới xu thế cân đối tự nhiên mà không phụ thuộc nhiều vào chính sách thuế. Thực tế cho thấy, nhiều hàng hoá, nhiều thời điểm đánh thuế cao cũng không mấy tác dụng hạn chế, ngược lại giảm thấp thuế cũng chẳng tăng nhiều.

Dự luật dường như vẫn nghiêng hẳn về hướng bảo vệ người sản xuất truyền thống, chứ chưa thể hiện rằng phải bảo vệ người nộp thuế trong trường hợp này, đó là người tiêu dùng, người mua hàng hoá, dịch vụ, trong đó người sản xuất, cũng đóng vai là người kinh doanh và người tiêu dùng (mua hàng hoá, dịch vụ). Dự luật chưa thể hiện theo quan điểm kích cầu, ngược lại hoàn toàn với quan điểm ăn dè, hà tiện, thắt lưng, buộc bụng như thời kỳ xây dựng Luật này trước đây.

  1. Dịch vụ pháp lý – loại hình bị hạ thấp ý nghĩa:

Nếu tinh thần của Luật vẫn như trên, thì lại cần xem xét xử lý đối với một số loại hàng hoá, dịch vụ khác, trong đó có dịch vụ pháp lý.

Dịch vụ pháp lý là loại hình dịch vụ quan trọng, rất cần khuyến khích phát triển để góp phần tạo ra sự an toàn, ổn định cho nền kinh tế, xã hội. Đây là loại dịch vụ mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, chứ không chỉ là kinh doanh thuần tuý. Dịch vụ này cũng ít phát sinh thuế giá trị gia tăng đầu vào để có thể được khấu trừ. Do vậy, việc miễn miễn thuế hoặc áp dụng mức thuế ưu đãi là thật sự cần thiết và có ý nghĩa.

Một trong những lực lượng chủ yếu đảm nhận về dịch vụ pháp lý là đội ngũ luật sư, thì hiện nay còn rất thiếu và yếu. Xin dẫn ra đây Điều 3 của Luật Luật sư năm 2006 với tên gọi “Chức năng xã hội của luật sư”: “Hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”

Thiết nghĩ, có nhiều hàng hoá, dịch vụ trong Dự luật không cần thiết phải miễn giảm thuế bằng dịch vụ pháp lý.

  1. Vẫn phải bàn về kỹ thuật soạn thảo Luật:

Nên nhập chung quy định hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất 0% tại Điều 7 vào cùng loại hàng hoá, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế tại Điều 4, vì bản chất là một. Nếu muốn có bất kỳ sự điều chỉnh, thay đổi nào giữa hai đối tượng hàng hoá, dịch vụ này hoặc với các hàng hoá, dịch vụ phải nộp thuế khác thì cũng đều phải sửa đổi Luật.

Cần bỏ cách viết lạc hậu và dài dòng trước đây, xuất phát từ việc bắt đầu của một điều luật không có tên gọi. Với cách viết đã có tên điều xác định rõ vấn đề, thì không nên thêm một dòng đệm sau tên điều kiểu như “Hàng hóa, dịch vụ dưới đây không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng” tại Điều 4 hay tương tự như vậy tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 10. Đoạn văn này không thuộc bố cục khoản hay điểm nào, như vậy là không chặt chẽ và hợp lý về lô gíc. Hay một số đoạn văn được viết ngay sau dưới một khoản hoặc điểm, nhưng lại không phải là một phần nội dung của chính khoản hay điểm đó, như các đoạn cuối Điều 4, đoạn sau tên của khoản 2, Điều 8. Những đoạn như vậy cần được kết cấu lại thành một khoản hay điểm riêng để bảo đảm tính chính xác, chặt chẽ của điều luật.

Một số từ ngữ, khái niệm cần chỉnh lại cho thống nhất với các Luật khác. Ví dụ thuật ngữ “Hộ kinh doanh cá thể” tại điểm a, khoản 2, Điều 8, cần sửa thành “Hộ kinh doanh” theo quy định mới của Luật Doạnh nghiệp năm 2005.

 

—————————–

Bài được lưu ở đây:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

[1] Khoản 7, Điều 4 Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10-12-2003 Quy định chi tiết thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (đã được sửa đổi, bổ theo Nghị định số 148/2004/NĐ-CP ngày 23-7-2004 và 156/2005/NĐ-CP ngày 15-12-2005) định nghĩa Dịch vụ tín dụng bao gồm: Hoạt động cho vay vốn; bảo lãnh cho vay; chiết khấu thương phiếu và giấy tờ có giá; bán tài sản đảm bảo tiền vay để thu hồi nợ, cho thuê tài chính của các tổ chức tài chính, tín dụng tại Việt Nam

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,580