99. Hai mặt của chính sách.

(DĐDN) – Chính sách thay đổi nhanh chóng, là một bước tiến đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sản xuất, kinh doanh. Nhưng nếu thay đổi đột ngột hoặc nhanh bị phá bỏ, thì lại là tiến một bước mà lùi hai bước.

Năm 2008, trong nước lạm phát tăng cao, thế giới khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, dẫn đến khó khăn đủ đường đối với doanh nghiệp. Lãi suất vay vốn quá cao nhưng cũng không dễ dàng vay được. Giá vật tư nguyên liệu tăng chóng mặt, trong khi đó sức tiêu thụ hàng hoá sụt giảm ghê gớm.

Được thua trên thương trường, trước tiên là do sự xoay xở của doanh nghiệp, sau là phụ thuộc vào sự thuận nghịch của thị trường. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, thì cơ chế quản lý và chính sách thuế má lại mang tính quyết định sống còn. Nếu như cơ chế, chính sách hợp lý hơn, linh hoạt hơn, kịp thời hơn thì đã tránh được nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tăng giảm giá là điều tất yếu của kinh tế thị trường, nhưng nếu tăng, giảm quá đột ngột thì sẽ phá vỡ mọi sự tính toán, đảo lộn sản xuất, kinh doanh.

Giá xăng dầu sau khi được hứa hẹn giữ vững lại bất ngờ tăng lên từ 31- 44%. Chưa đầy một tháng, hai lần tăng thuế nhập khẩu ôtô với mức tăng đầy “ấn tượng” từ 60% lên 70% rồi 83%. Trần lãi suất cho vay sau nhiều tháng bất động đã bất thình lình tăng lên 37%, rồi lên 60% so với trước đó.

Khi giá gạo ở thị trường quốc tế lên đỉnh cao, hàng hoá tồn đọng rất nhiều nhưng lại không được phép xuất khẩu, vì lý do dự báo thiếu chính xác. Khi giá thép trong nước xuống quá thấp, thừa một số lượng lớn thép và phôi thép, nhưng cũng không xuất khẩu (tái xuất) được, do thuế quá cao. Trong trường hợp này, tiếng kêu khẩn thiết và hoàn toàn hợp lý của doanh nghiệp là tăng cường xuất khẩu, nhưng không những đã không được ủng hộ, mà ngược lại còn bị giáng một đòn tăng mạnh thuế xuất khẩu. Việc tăng thuế xuất khẩu thép từ 2% lên 10% rồi 20% là một sai lầm. Vì vậy trong vòng 1 tháng sau đó đã phải liên tục giảm thuế trở lại 3 lần xuống mức 0%. Tuy nhiên lỗi không phải chỉ là do cơ quan quản lý, mà còn xuất phát từ chính phía doanh nghiệp. Trước đó, Tổng Công ty Thép Việt Nam, doanh nghiệp lớn nhất trong ngành, đã kiến nghị tăng thuế xuất khẩu lên 30%.

Việc cấm sớm và cấm đột ngột đối với xe 3, 4 bánh tự chế cũng gây ra sự điêu đứng, choáng váng cho nhiều người. Cấm mà không có giải pháp thay thế, khắc phục khả thi đã dẫn đến những thiệt hại lớn cho vận chuyển và cuộc sống của hàng chục vạn hộ sản xuất kinh doanh nhỏ.

Năm 2008 hàng chục thông tư, quyết định của các bộ, ngành đã phải bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung chỉ sau một vài tháng ban hành, như điều kiện sức khoẻ đối với người lái xe cơ giới.

Chính sách lạc hậu, không được thay đổi kịp thời, không theo kịp cuộc sống là một rào cản đối với sản xuất, kinh doanh. Nhưng chính sách thay đổi quá nhanh, quá nhiều, quá gấp cũng lại gây “sốc” cho DN. Như vậy năm 2008, doanh nghiệp vừa chật vật đối phó với khủng hoảng thị trường, lại vừa khổ sở trước nhiều chính sách thay đổi đột ngột. DN mong chờ năm 2009, chính sách thật sự là định hướng, dẫn dắt và tạo thế chủ động cho DN.

Luật sư Trương Thanh Đức.

—————

Bài đăng trên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp số Tết Kỷ Sửu:

Cập nhật lúc 10:35 – Thứ bảy, 03/01/2009.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.373. Vàng tăng như lên đồng, ôm đống tiền ăn...

Vàng tăng như lên đồng, ôm đống tiền ăn chực nằm chờ vẫn không mua...

Trích dẫn 

3.888. Ngân hàng sẽ giải bài toán kinh doanh Banca...

Ngân hàng sẽ giải bài toán kinh doanh Banca ra sao? (CFF) - Theo các chuyên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 227,566