371. Bình luận về “tín dụng đen” từ góc nhìn của Luật sư

(ANVI) – Tham luận 5.000 chữ tại Hội thảo do Báo Lao động & NHNN tổ chức ngày 12-11-2021:

Bình luận về “tín dụng đen” từ góc nhìn của Luật sư.

Luật sư Trương Thanh Đức,
Giám đốc Công ty Luật ANVI,

Trọng tài viên VIAC.

Căn cứ xác định và xử lý tình trạng “tín dụng đen” là các yếu tố bất hợp pháp, nhưng trong đó có 3 yếu tố điển hình là: “Cho vay bất hợp pháp”, “lãi suất bất hợp pháp” và “đòi nợ bất hợp pháp”.
1. Nhận diện “tín dụng đen”:
1.1. 3 yếu tố nhận diện “tín dụng đen”:
Pháp luật chưa có định nghĩa chính thức thế nào là “tín dụng đen”, nhưng hiểu theo ngữ nghĩa thông thường thì cụm từ đó nhằm mô tả một hoạt động tín dụng, mà điển hình là việc cho vay là hoạt động tín dụng với một số yếu tố bất hợp pháp.
Hoạt động cho vay bao gồm nhiều nội dung khác nhau, trong đó có đồng tiền cho vay, mục đích vay, phương thức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, bảo đảm tiền vay,… Tuy nhiên, không hẳn là cứ cho vay trái với quy định của pháp luật thì đều bị coi là “tín dụng đen”. Nếu các cá nhân, pháp nhân mà cho nhau vay ngoại tệ trong trường hợp không được phép của pháp luật là vi phạm quy định tại Điều 22 về “Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối”, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013 . Hay cho nhau vay với lãi suất cao hơn 20%/năm là trái với quy định tại khoản 1, Điều 468 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên trên thực tế, việc cho vay ngoại tệ hay vượt lãi suất trái pháp luật đó chưa được coi “tín dụng đen”.
Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”” đã nhận định về “tín dụng đen” như sau:
“Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao (từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay) nhằm thu lợi bất chính”.
“Thực tế cho thấy, “tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Chủ nợ thường thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm có thể thực hiện các tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần và chiếm đoạt, hủy hoại tài sản của người đi vay, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân”.
Theo tôi, nói đến “tín dụng đen” đồng nghĩa với hoạt động tín dụng bất hợp pháp, bao gồm 3 yếu tố điển hình là: “Cho vay bất hợp pháp” (người cho vay không được phép cho vay), “lãi suất bất hợp pháp” (lãi suất cho vay vi pham pháp luật) và “đòi nợ bất hợp pháp”. Nhưng để khẳng định là “tín dụng đen” thì thường phải phải có ít nhất 2 yếu tố, trong đó có yếu tố “đòi nợ bất hợp pháp”. Ngoài ra, “tín dụng đen” cũng thường gắn liền với việc lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình cho vay, tính lãi và đòi nợ.
1.2. Về “cho vay bất hợp pháp”:
Có thể xác định “cho vay bất hợp pháp” là hoạt động cho vay thường xuyên, liên tục, với mục đích kinh doanh, nhưng không có giấy phép hay không được phép kinh doanh về hoạt động cho vay.
Việc cho vay với mục đích sử dụng vốn bất hợp pháp, như cho vay để đánh bạc, để buôn lậu thì cũng được coi là “cho vay bất hợp pháp”.
Cho vay cầm đồ không có tài sản cầm cố; cầm cố bằng giấy tờ pháp lý không phải là giấy tờ có giá như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, bằng đại học, giấy phép lái xe, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ sinh viên; hay bảo đảm bằng việc thế chấp tài sản (hàng hoá, ô tô, xe máy, nhà đất và các tài sản khác) cũng là “cho vay bất hợp pháp”, vì trái với quy định tại khoản 4, điều 3 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và phạm vi quản lý” của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01-7-2016 của Chính phủ “Quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26-3-2021.
Tuy nhiên, một cá nhân hay một công ty nào đó hoạt động cho vay, dù không đăng ký hoạt động kinh doanh và không có chức năng cho vay động thì cũng chưa thể khẳng định đó là “cho vay bất hợp pháp”. Kể cả trường hợp cá nhân, pháp nhân hoạt động cho vay bất hợp pháp thì cũng chưa thể khẳng định rằng đó là “tín dụng đen”.
Ngoài các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, các tổ chức dịch vụ cầm đồ và một số tổ chức khác như quỹ đầu tư, phát triển địa phương, được phép hoạt động cho vay một cách chuyên nghiệp, hợp pháp, thì nhìn chung mọi cá nhân và pháp nhân đều có thể được phép đi vay (huy động) và cho vay, mà không cần phải đáp ứng các điều kiện về đầu tư, kinh doanh và cũng không vi phạm điều cấm theo quy định tại khoản 2, Điều 8 về “Quyền hoạt động ngân hàng”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) . Có ít nhất 8 nhóm cá nhân và pháp nhân vẫn được phép hoạt động cho vay hợp pháp mà không cần có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.
Vì nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 và các Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, chẳng những không cấm hoạt động cho vay của cá nhân và pháp nhân, mà còn có nhiều quy định trực tiếp cũng như gián tiếp thể hiện việc được phép cho vay, huy động vốn. Thậm chí tiền lãi cho vay (không chỉ đối với các tổ chức tín dụng) còn được miễn thuế giá trị gia tăng theo quy định tại điểm b, khoản 8, Điều 5 về “Đối tượng không chịu thuế”, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013 và 2016.
Trên thực tế cũng đang có một số công ty cho vay có tính chất chuyên nghiệp dựa trên cơ sở đăng ký kinh doanh theo mã ngành kinh tế “Hoạt động cấp tín dụng khác” mà không cần có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước hoặc thực hiện điều kiện về đầu tư, kinh doanh. Mã ngành nghề 6492 theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam”.
1.3. Về “lãi suất bất hợp pháp”:
Khác với “cho vay bất hợp pháp, mọi trường hợp cho vay có mức lãi suất vượt quá 20%/năm đều là bất hợp pháp.
Khoản 1, Điều 468 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng “không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá 20% thì “mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.
Nếu cho vay với mức lãi suất từ 100% trở lên thì sẽ có dấu hiệu phạm vào “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trường hợp này thì đã thể hiện rõ dấu hiệu của “tín dụng đen”.
Trên thực tế rất phổ biến tình trạng cho vay vượt mức lãi suất 20%/năm. Tuy nhiên, nếu lãi suất không vượt giới hạn lãi suất 20% quá nhiều thì cũng chưa nên coi là “tín dụng đen”. Chẳng hạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay với lãi suất 25%/năm (vượt quá 5%/năm) thì chưa thể gọi là “tín dụng đen” (có thể coi như “tín dụng xám”. Hay trong trường hợp ngân hàng chỉ được phép cho vay ưu đãi lãi suất không quá 5%/năm mà đã cho vay với mức lãi suất 10%/năm (vượt quá 5%/năm) thì cũng không thể gọi là “tín dụng đen”.
Kể cả trường hợp hoạt động “cho vay bất hợp pháp” với mức “lãi suất bất hợp pháp”, nhưng nếu vượt giới hạn 20% không quá nhiều, thì cũng chưa nên coi đó là “tín dụng đen”. Trường hợp này chỉ nên coi là tín dụng đen nếu kèm theo một số dấu hiệu, thủ đoạn gian dối, lừa gạt, ép buộc người vay hoặc “đòi nợ bất hợp pháp”.
1.4. Về “đòi nợ bất hợp pháp”:
“Đòi nợ bất hợp pháp” là việc đòi nợ theo các cách thức trái với quy định của pháp luật, như xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật, sức khoẻ, tính mạng và tài sản của người khác theo quy định của pháp luật, mà điển hình là Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đòi nợ cũng là một giao dịch dân sự, nên việc sử dụng các hành vi “lừa dối, đe doạ, cưỡng ép” là bất hợp pháp theo quy định tại Điều 126 về “Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép”, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Riêng đối với việc đòi nợ cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng thì phải thực hiện theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 7 về “Quy định nội bộ”, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 04-11-2019 như sau:
“Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 05 (năm) lần/01 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật”.
Trước đây, các điểm a, b và c, khoản 2, Điều 11 về “Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động dịch vụ đòi nợ”, Nghị định số 104/2007 ngày 14-6-2007 của Chỉnh phủ về “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” đã từng quy định cấm một số hoạt động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ như sau:
“a) Thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ, chủ nợ và tổ chức, cá nhân khác liên quan;
b) Sử dụng các thông tin có được từ hoạt động dịch vụ đòi nợ gây bất lợi tới chủ nợ và khách nợ để phục vụ cho các mục đích khác ngoài nội dung được ủy quyền hoặc tiết lộ những thông tin đó cho tổ chức, cá nhân khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
c) Thực hiện các hoạt động, hành vi vượt quá quyền được pháp luật công nhận hoặc vượt quá phạm vi đã được chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền”
“Đòi nợ bất hợp pháp” là dấu hiệu quan trọng nhất để xác định “tín dụng đen”.
Tuy nhiên, việc đòi một phần hay toàn bộ phần nợ gốc “cho vay bất hợp pháp” hay “lãi suất bất hợp pháp” thì lại không phải là hành vi bất hợp pháp.
Từ năm 2021 trở đi, hoạt động “đòi nợ bất hợp pháp” còn bao gồm cả việc “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” (“đòi nợ thuê”) theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 6 về “Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh”, Luật Đầu tư năm 2020.
1.5. “Công thức” tính toán “tín dụng đen”:
Có thể kết hợp 3 yếu tố “cho vay bất hợp pháp”, “lãi suất bất hợp pháp” và “đòi nợ bất hợp pháp” để xác định “tín dụng đen” như sau:
Thứ nhất, trường hợp chỉ có 1 trong 3 yếu tố “cho vay bất hợp pháp” hoặc “lãi suất bất hợp pháp” hoặc “đòi nợ bất hợp pháp”, thì chưa thể xác định đó là “tín dụng đen”. Đặc biệt, dù có cho vay với lãi suất cao ngất ngưởng vài trăm %/năm, nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, thì người cho vay vẫn được pháp luật cho phép đòi đủ nợ gốc cộng với mức lãi suất 20%/năm theo quy định tại đoạn thứ 3, khoản 1, Điều 468 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 2015;
Thứ hai, trường hợp có 2 yếu tố “cho vay bất hợp pháp” và “lãi suất bất hợp pháp”, thì vẫn khó có thể xác định đó là “tín dụng đen”, trừ trường hợp lãi suất cho vay đến mức phạm tội hình sự từ 100%/năm trở lên;
Thứ ba, trường hợp có 2 yếu tố “lãi suất bất hợp pháp” và “đòi nợ bất hợp pháp”, thì dấu hiệu “tín dụng đen” đã rõ ràng hơn. Tuy nhiên vẫn chưa chắc chắn, vì một ngân hàng được mặc định là thuộc đối tượng được phép “cho vay hợp pháp” nếu có cho vay với mức “lãi suất bất hợp pháp” và “đòi nợ bất hợp pháp”, thì cũng chưa thể xác định đó là “tín dụng đen”;
Thứ tư, trường hợp có 2 yếu tố “cho vay bất hợp pháp” và “đòi nợ bất hợp pháp” thì có thể xác định đó là “tín dụng đen”;
Thứ năm, trường hợp có đủ cả 3 yếu tố “cho vay bất hợp pháp”, “lãi suất bất hợp pháp” và “đòi nợ bất hợp pháp” chắc chắn đó chính là “tín dụng đen”.
Vì vậy, yếu tố quyết định và quan trọng nhất để xác định có phải là “tín dụng đen” hay không chính là ở dấu hiệu “đòi nợ bất hợp pháp”, yếu tố quan trọng thứ 2 là người “cho vay bất hợp pháp” và yếu tố thứ 3 là cho vay với “lãi suất bất hợp pháp.
2. Chế tài xử lý “tín dụng đen”:
2.1. Chế tài xử lý:
Như đã phân tích ở trên, “tín dụng đen” được cấu thành chủ yếu bởi 3 yếu tố “cho vay bất hợp pháp”, “lãi suất bất hợp pháp” và “đòi nợ bất hợp pháp”. Vì vậy, việc xử lý tín dụng đen chủ yếu là xử lý 3 yếu tố này, mà trọng tâm là việc “đòi nợ bất hợp pháp”.
Có 3 chế tài xử lý vi phạm đối với “tín dụng đen”, đó là “chế tài dân sự”, “chế tài hành chính” và “chế tài hình sự”.
2.2. Chế tài dân sự:
Trường hợp người cho vay thực hiện việc “cho vay bất hợp pháp”, thì chế tài dân sự là Toà án có thể tuyên vô hiệu hợp đồng cho vay, tức không được quyền thu lãi đối với người vay và bị xung công khoản thu lợi bất chính theo quy định tại Điều 122 về “Giao dịch dân sự vô hiệu” và Điều 131 về “Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu”, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trường hợp người cho vay áp đặt “lãi suất bất hợp pháp” cao hơn giới hạn lãi suất 20%/năm hoặc mức trần khác theo quy định của pháp luật, thì chế tài dân sự là Toà án sẽ tuyên “mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực” theo quy định tại đoạn thứ 3, khoản 1, Điều 468 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trường hợp người cho vay và “đòi nợ trái pháp luật” mà gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ, tính mạng và tài sản của người khác thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại và khắc phục hậu quả khác gây ra theo quy định tại Điều 13 về “Bồi thường thiệt hại”, Bộ luật Dân sự năm 2015.
2.3. Chế tài hành chính:
Chế tài hành chính đối với “cho vay bất hợp pháp”:
Hoạt động kinh doanh không đáp ứng được các điều kiện đối với những ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 thì có thể bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng, theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 13. Vi phạm các quy định về hoạt động đầu tư tại Việt Nam”, Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01-6-2016 của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư”. Tuy nhiên, Luật Đầu tư không quy định hoạt động “cho vay” là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Vì vậy, chưa có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người hoạt “động cho vay bất hợp pháp”.
Trường hợp rút vốn, cho vay, thu nợ, đăng ký khoản vay hoặc cho vay nước ngoài không đúng quy định của pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt tiền từ 20 đến 200 triệu đồng theo quy định tại điểm g, khoản 3; điểm g, khoản 4 và điểm a, khoản 7, Điều 23 về “Vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối”, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14-11-2019 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”.
Chế tài hành chính đối với “lãi suất bất hợp pháp”:
Trường hợp cơ sở cho vay cầm đồ cho vay với mức lãi suất “vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay” thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 – 15 triệu đồng theo quy định tại Điều 11 về “Vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự”, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình”. Tuy nhiên, quy định “vượt quá 150% lãi suất cơ bản” đã hết hiệu lực từ năm 2017 theo quy định tại Điều 468 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trường hợp “cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác” thì cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 26 về “Hành vi đánh bạc trái phép” trong Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013.
Trường hợp tổ chức tín dụng “Áp dụng lãi suất cấp tín dụng không đúng quy định của pháp luật”, có thể bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng, theo quy định tại khoản 3, Điều 14. Vi phạm quy định về cấp tín dụng”, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14-11-2019 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”. Việc này chỉ áp dụng đối với một số trường hợp đặc biệt, theo quy định của pháp luật phải cho vay ưu đãi về lãi suất. Còn về cơ bản, các tổ chức tín dụng được cho vay với mức lãi suất trên 20%/năm, thậm chí đến mức 99%/năm vẫn không bị xử phạt, vì không vượt quá giới hạn về lãi suất cho vay. Việc này được giải thích tại Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11-01-2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về ‘Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm”. Thời kỳ 1987 – 1989, kỷ lục lãi suất huy động của các ngân hàng đã từng lên tới 144%/năm (12%/tháng), lãi suất cho vay lên tới gần 119%/năm (9,9%/tháng) và lãi suất nợ quá hạn lên tới 252%/năm (21%/tháng) để chống lạm phát.
Trường hợp công ty chứng khoán “vi phạm quy định về hạn chế vay nợ hoặc về hạn chế cho vay” sẽ bị phạt tiền từ 150 đến 200 triệu đồng, theo quy định tại điểm d, khoản 5, Điều 25 về “Vi phạm quy định về những thay đổi phải được chấp thuận”; “vi phạm quy định về hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ, về ngừng thực hiện giao dịch ký quỹ” sẽ bị phạt tiền từ 70 đến 100 triệu đồng, theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 26 về “Vi phạm quy định về hoạt động của công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam”, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán”.
Trường hợp các cá nhân và pháp nhân khác khi cho vay với mức lãi suất từ trên 20% đến dưới 100%/năm, tuy vi phạm điều cấm của luật, nhưng lại không bị xử phạt vi phạm hành chính, vì chưa có quy định xử phạt.
Chế tài hành chính đối với “đòi nợ bất hợp pháp”:
Việc “đòi nợ bất hợp pháp” thì sẽ bị xử lý đối với các hành vi vi phạm tương ứng gây mất trật tự an toàn xã hội theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
2.4. Chế tài hình sự:
Chế tài hình sự đối với “cho vay bất hợp pháp”:
Hiện nay, việc “cho vay bất hợp pháp” không bị xử lý về tội phạm hình sự, trừ trường hợp phạm “tội cho vay lãi nặng”. Trước năm 2017, hành vi “cho vay bất hợp pháp” có thể cấu thành tội phạm hình sự về tội kinh doanh trái pháp.
Chế tài hình sự đối với “lãi suất bất hợp pháp”:
Trường hợp cho vay “lãi suất bất hợp pháp”, với mức lãi suất từ 100%/năm trở lên, đồng thời thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì mới phạm “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuỳ theo mức thu lợi bất chính, mà tội phạm này có thể bị phạt tiền từ 50 đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Chế tài hình sự đối với “đòi nợ bất hợp pháp”:
Trường hợp “đòi nợ bất hợp pháp” mà gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ, tính mạng và tài sản của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm liên quan như làm nhục người khác, cố ý gây thương tích, huỷ hoại tài sản của người khác,…
3. Giải pháp hạn chế “tín dụng đen”:
3.1. Sửa đổi quy định pháp luật ngân hàng:
Sửa đổi quy định khoản 2, Điều 8 về “Quyền hoạt động ngân hàng”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 theo hướng: Quy định rõ ràng để có thể phân biệt được giữa các cá nhân và pháp nhân được phép cho vay với hoạt động cho vay, “hoạt động ngân hàng” và hoạt động “cho vay bất hợp pháp”, thay vì quy định mâu thuẫn với các luật khác, rất khó hiểu và không phù hợp với thực tế là “Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng” (cho vay là một hoạt động ngân hàng điển hình).
3.2. Sửa đổi quy định pháp luật dân sự:
Sửa đổi quy định tại Điều 268 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 2015 về giới hạn lãi suất cho vay theo hướng:
Thứ nhất, áp dụng giới hạn lãi suất theo lãi suất thị trường, để tránh tình trạng phần lớn giao dịch cho vay lâu nay rơi vào tình trạng “lãi suất bất hợp pháp”, dẫn đến khó phân biệt và khó xử lý “tín dụng đen”;
Thứ hai, trường hợp cho vay vượt quá giới hạn lãi suất theo luật định thì áp dụng chế tài vô hiệu đối với toàn bộ lãi suất (kể cả trong và vượt giới hạn), vì quy định chỉ bô hiệu đối với phần lãi suất vượt quá như hiện nay thì đồng nghĩa với việc khuyến khích vi phạm pháp luật. Tất nhiên, quy định này chỉ đặt ra nếu thực hiện được điều kiện thứ nhất.
3.3. Sửa đổi pháp luật hành chính:
Sửa đổi quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” theo hướng, bổ sung quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi “cho vay bất hợp pháp”, “lãi suất bất hợp pháp” và “đòi nợ bất hợp pháp” (bao gồm cả việc “đòi nợ thuê”).
3.4. Sửa đổi pháp luật hình sự:
Sửa đổi quy định tại Điều 201 về “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng:
Thứ nhất, phi hình sự háo tội “cho vay lãi nặng” nếu là việc cho vay hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng. Lãi suất cho vay trong trường hợp này cao hay thấp là do hai bên hoàn toàn thoả thuận theo nguyên tắc “thuận mua, vừa bán” trên cơ sở “giá cả dịch vụ” được tự do kinh doanh và do thị trường quyết định.
Thứ hai, giữ lại tội này nhưng không chỉ dựa vào các tình tiết định tội là các yếu tố “cho vay bất hợp pháp”, “lãi suất bất hợp pháp”, “đòi nợ bất hợp pháp”, trong đó có lãi suất cao, khoản thu lợi bất chính và các thủ đoạn lừa đảo, gian dối, gài bẫy, gây nhầm lẫn, cưỡng bức, ép buộc, bóc lột,… Đối với lãi suất, không phụ thuộc vào quy định của Bộ luật Dân sự, mà cần phải quy định mức cụ thể (có thể là từ 100%/năm trở lên) và bỏ “trong giao dịch dân sự” trong tên điều luật, để tránh tình trạng rất khó khăn trong việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử về tội phạm này trong những năm qua.
3.5. Các giải pháp khác:
Thực hiện các giải pháp đã được đề ra và yêu cầu thực hiện đối với 12 cơ quan, nhóm cơ quan hữu quan tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen””.
12/11/2021

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

431. Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật...

Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật Lao động. (VTV3)...

Phỏng vấn 

4.383. Cần thận trọng khi đặt hàng trên Temu.

Cần thận trọng khi đặt hàng trên Temu. (HTV1) - Chương trình có sự...

Trích dẫn 

3.903. Bộ Tài chính: Chưa thể điều chỉnh mức...

Bộ Tài chính: Chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. (MK) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 230,348