ANVI. Luận cứ: 7 nỗi uẩn ức của 1 bị cáo trong cái lò thép đại án TISCO.

(ANVI) – Bản Luận cứ 7 nỗi uẩn ức (1.975 chữ, phát biểu ngàn 2 phần đầu, phí nhời 10 phút):
Luận cứ Bào chữa cho bị cáo Lê…, trong Vụ án xảy ra tại TISCO, do TAND cấp cao Hà Nội xét xử phúc thẩm từ 09 – 11/11/2021.

Kính thưa Hội đồng Xét xử TAND cấp cao Hà Nội!

Tôi là Luật sư Trương Thanh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bảo vệ cho bị cáo Lê…, đã bị Bản án sơ thẩm xử phạt 2 năm tù và bồi thường 20 tỷ đồng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Trước phiên toà hôm nay, tôi mong muốn được Hội đồng xét xử minh xét một cách hết sức khách quan, thấu đáo nhằm giải tỏa 7 nỗi uẩn ức (uẩn khúc & ấm ức) của Bị cáo Lê cũng như của nhiều bị cáco khác như sau:

1. Nỗi uẩn ức thứ nhất của Bị cáo Lê là, trong suốt quá trình bị điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm, rồi phúc thẩm là: Không mong chạy tội, không hề đổ tội, nhưng lại không muốn nhận tội. Dù bị cáo chỉ xin giảm nhẹ hình phạt & mức bồi thường, nhưng nhiều lần Bị cáo Lê đã từng cho rằng mình không đáng bị kết tội, thậm chí là không phạm tội, vì không có vai trò gì đáng kể dẫn đến sai phạm cũng như hậu quả tổn thất đã xảy ra đối với dự án.

2. Nỗi uẩn ức thứ 2 của Bị cáo Lê là, sự day dứt, băn khoăn, trăn trở rằng đã bị Bản án sơ thẩm kết luận là đồng phạm với hành vi giúp sức, trong khi đã làm hoàn toàn đúng chức trách, làm đúng trách nhiệm, làm đúng nghĩa vụ, làm đúng nhiệm vụ, làm đúng bổn phận, làm đúng quyền hạn và làm đúng công việc của một cán bộ, một nhân viên kế toán doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của công ty.

3. Nỗi uẩn ức thứ 3 của Bị cáo Lê là, hành vi giúp sức của bị cáo chỉ là việc cần làm và phải làm theo đúng quy định của pháp luật, không có quyền từ chối và không có bất kỳ sự lựa chọn nào khác. Bị cáo Lê không đề xuất, không tư vấn, không đàm phán, không thương thảo, không thẩm định, không phê duyệt, không quyết định và không ký kết văn bản điều chỉnh, thay đổi dự án để dẫn đến rủi ro. Khi được phân công dự họp thì phải dự họp; khi được yêu cầu kiểm tra, đối chiếu dự thảo hợp đồng thì phải kiểm tra, đối chiếu; và khi làm các công việc đó thì phải ký vào chứng từ, giấy tờ, tài liệu, dự thảo văn bản.

4. Nỗi uẩn ức thứ 4 của Bị cáo Lê là, cho dù Bị cáo Lê có không làm những việc mà Bản án kết luận, thì hậu quả thiệt hại xảy ra trong trường hợp này cũng vẫn không thay đổi. Vì vậy về bản chất, Bị cáo Lê đã bị rơi vào tình thế vô tình giúp sức, vô ý giúp sức, là tai nạn nghề nghiệp, là đáng thương hơn đáng trách, là đáng tha hơn đáng tội và đáng khoan hồng hơn đáng nghiêm trị.

5. Nỗi uẩn ức thứ 5 của Bị cáo Lê là, trong quá trình xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, cũng đã cho thấy một điều đau xót trong Vụ án này. Đó là một dự án lớn ở tầm đại sự quốc gia, đã gặp phải rủi ro lớn sau khi đã phải tháo gỡ, xử lý rủi ro để giảm thiểu thiệt hại, với sự tham gia của hàng trăm người và hàng chục cơ quan, đơn vị & cá nhân từ Công ty đến Tổng công ty cho đến 1 loạt bộ ngành & Chính phủ, từ Trưởng phòng, Giám đốc, Tổng giám đốc, Chủ tịch cho đến Phó Thủ tướng.

Vậy những người giúp sức ở những công việc đơn giản nhất, bình thường nhất; ở những khâu thứ yếu nhất và có những vai trò, vị trí thấp nhất như Bị cáo Lê phải tham gia vào dự án, thì làm sao có thể biết và càng không buộc phải biết đó là quyết định sai trái của tầng tầng lớp lớp ở trên dẫn đến phạm tội trong tương lai, khi dự án bị đổ bể?

Tôi không muốn đi vào việc tranh cãi: Công ty thì không phải là doanh nghiệp nhà nước, thiệt hại thì suy diễn tù mù không dựa vào nguyên tắc đầu tư kinh doanh & thị trường, vì tuy nó là yếu tố quyết định trong việc định tội, nhưng lại rất xa vời với bị cáo mà tôi bảo vệ.

6. Nỗi uẩn ức thứ 6 của Bị cáo Lê là, bị cáo không có một tình tiết tăng nặng nào, nhưng lại có tới 6 tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm mới chỉ ghi nhận 5 tình tiết, còn thiếu 1 tình tiết giảm nhẹ là bị cáo “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, theo quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 51 về “Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”, Bộ luật Hình sự năm 2015):

6.1. Tuy bị cáo bị truy tố và xét xử theo quy định tại khoản 3, Điều 219 là tội phạm nghiêm trọng, nhưng vẫn “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.

Việc này đã được quy định tại 5 tình tiết định khung giảm nhẹ hình phạt nhưng vẫn có mức hình phạt từ 2 đến 3, 5, 7, 10 và thậm chí 15 năm tù, tại 5 điều luật của cả 3 Bộ luật Hình sự 1985, 1999 và 2015.

Việc này cũng đã được TAND TC hướng dẫn ít nhất 3 lần, trong đó có giải thích tại đoạn thứ 2, Mục 4, phần I, Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07-4-2017 của Toà án Nhân dân Tối cao “Giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ” như sau:
Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là “Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm”.

Giải thích này là rất rõ ràng & hoàn toàn phủ hợp, khớp đúng với trường hợp của Bị cáo Lê mà chưa được ghi nhận trong Bản án sơ thẩm.

6.3. Ngoài ra, sau phiên tòa sơ thẩm, Bị cáo Lê đã nộp thêm 30 triệu đồng để tự nguyện khắc phục hậu quả.

7. Nỗi uẩn ức thứ 7 của Bị cáo Lê là, trong vụ án này, việc xét xử càng nghiêm minh, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật thì càng cần phải xem xét một cách đặc biệt nhân văn, đặc biệt nhân đạo và đặc biệt khoan hồng, thay vì xử quá nặng, quá nghiêm khắc, quá mức vi phạm, nhất là việc quy kết trách nhiệm bồi thường với số tiền quá lớn với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của bị cáo.

Vì vậy, kính đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng chính sách hình sự đặc biệt đối với Bị cáo Lê, vì có vai trò rất thứ yếu, xếp cuối cùng trong nhóm tội, có đủ các điều kiện để được hưởng án treo.
—————————
Phần tranh luận, tôi chỉ đề nghị Đại diện Viện kiểm sát tranh luận về 2 điểm sau:
Một là, theo luật thì bị cáo Lê có được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội lần đầu & thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” không?
Hai là, theo luật thì bị cáo Lê có đủ điều kiện để được hưởng án treo hay không?
VKS trả lời, chúng tớ chỉ theo Luật & Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán tối cao, chứ không theo công văn của Tòa. Ơ hay, 5 điều của Bộ luật Hình sự là giấy lộn à?
Câu thứ 2 không trả lời
————————–

Để dành tranh luận:

1. Các cấp thông qua việc sửa đổi hợp đồng:

1.1. Từ các phó và trưởng phòng ban; các phó và tổng giám đốc, các thành viên và Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty; các phó và trưởng phòng ban Tổng Công ty lớn; các Phó và Tổng giám đốc Tổng Công ty; các thành viên và Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Nhà nước tầm cỡ lớn nhất quốc gia; các vụ phó và vụ trường; các thứ trưởng và bộ trưởng và cuối cùng lên đến tận Phó Thủ tướng Chính phủ.

1.2. Bị cáo Lê làm sao thế đánh giá được từng ấy cấp xem xét xử lý đúng hay sai? Là người đảm nhận phần hành kế toán, Bị cáo Lê thì chỉ biết làm đúng phận sự của một cán bộ kế toán theo quy định tại Điều 5 về “Nhiệm vụ kế toán”, Điều 6 về “Yêu cầu kế toán”, Điều 7 về “Nguyên tắc kế toán”, Luật Kế toán năm 2003 (nay là 2015) và các quy định liên quan về tài chính kế toán, chứ không làm gì dẫn đến rủi ro và hậu quả thiệt hại.

2. Trường hợp ít nghiêm trọng:
2.1. Trong đó Bộ luật Hình sự 2015 hiện hành quy định như sau:
– Khoản 2, Điều 110: “2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm”;
– Khoản 2, Điều 114: “2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm”;
– Khoản 2, Điều 115: “2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm”;
– Khoản 2, Điều 116: “2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”;

– Khoản 2, Điều 119: “2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm”.

2.2. Câu thứ 3, Mục I về “Hình sự”, Công văn số 16/1999/KHXX ngày 01-02-1999 của TNNDTC về “Một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng” giải thích ý này:

“Chỉ nên áp dụng hình phạt tiền là phạt chính trong các trường hợp người phạm tội có nhân thân tốt, thật thà khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (nếu áp dụng hình phạt tù, thì cũng không quá ba năm”. Tức “áp dụng hình phạt tù”, chứ không phải là “khung hình phạt” không quá 3 năm.

3. Doanh nghiệp nhà nước:

3.1. DNNN theo Luật DNNN năm 1995 là DN có 100%, Luật DNNN 2003 là trên 50%, Luật DN 2005 là 100%, Luật DN 2014 là 100% & Luật DN 2020 là có trên 50% vốn Nhà nước.

3.2. Tuy nhiên, theo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào SXKD tại doanh nghiệp 2014, Luật DN 2005, 2014 và 2020 thì vốn Nhà nước phải là vốn ngân sách, do Chính phủ, Bộ, UBND tỉnh thành, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước hoặc ít nhất là Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn NN trực tiếp quản lý.

3.3. Tức là, Tổng Công ty Thép VN mới là DNNN, còn Công ty Gang thép Thái Nguyên chỉ là công ty con của DNNN, công ty có 65% là vốn của DNNN, chứ không phải là DNNN. Nhà nước không phải là chủ sở hữu của TISCO.

3.4. Tất nhiên, Tổng công ty thép, là cổ đông lớn của TISICO, muốn biểu quyết thì lại phải xin ý kiến của Chủ sở hữu Tổng công ty Thép, tức của Nhà nước.

3.5. Đây là khái niệm pháp lý cơ bản, nếu không xác định đúng luật thì rất có thể dẫn đến việc làm sai lệch bản chất của vụ án./.

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2021
Luật sư Trương Thanh Đức./.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,921