1.673. Có phải là “vẽ rắn thêm chân”?

(ANTD) – Không cần giấy ủy quyền chính hãng nhưng muốn nhập khẩu, kinh doanh ô tô các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng nhiều điều kiện về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, cam kết thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng…

Dự thảo mới về điều kiện sản xuất, kinh doanh ô tô tiếp tục làm khó doanh nghiệp

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Dự thảo do liên bộ Công Thương – GTVT xây dựng, đang gặp nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt từ phía các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô.

Thêm điều kiện kinh doanh

Điều 10 của dự thảo Nghị định này quy định về điều kiện vật chất đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Theo đó, doanh nghiệp có thể sở hữu hoặc thuê cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định này. Chậm nhất sau ngày 1-7-2020, doanh nghiệp phải sở hữu ít nhất 1 cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phù hợp với loại, chủng loại ô tô sản xuất, lắp ráp và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Tương tự, đối với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, Điều 21 dự thảo Nghị định quy định, doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô khi đáp ứng các điều kiện: Có ít nhất 1 cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phù hợp với loại ô tô nhập khẩu và đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này; Có cam kết bằng văn bản với Bộ Công Thương về việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu theo quy định tại Nghị định.

Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô này phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng với thời hạn tối thiểu 3 năm, hoặc thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp. Và kể từ ngày 1-7-2020, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải sở hữu tối thiểu 1 cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện theo quy định.

Có thể nói, nội dung dự thảo này đã thể hiện mong muốn của Bộ Công Thương trước đó. Cụ thể, khi chấp thuận việc bãi bỏ Thông tư 20/2011/TT-BCT về nhập khẩu ô tô, Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện đường bộ, bảo đảm xe được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.

Nói cách khác, thay vì dùng giấy ủy quyền của nhà sản xuất để quản lý thì các bộ, ngành hướng đến việc bảo dưỡng, bảo hành chính hãng. Theo Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành nghề, đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được Quốc hội thông qua, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Bảo vệ người tiêu dùng?

Theo lý giải của Bộ Công Thương, pháp luật hiện hành quy định, ô tô các loại thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, có yêu cầu rất cao về chất lượng, an toàn cho người sử dụng cũng như cộng đồng khi tham gia lưu thông trên đường. Đồng thời, ô tô còn là tài sản có giá trị lớn đối với phần lớn người tiêu dùng tại Việt Nam. Đây cũng là sản phẩm công nghệ cao, có cấu trúc phức tạp nên yêu cầu sử dụng, vận hành cũng như bảo dưỡng, bảo hành ô tô phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nhà sản xuất.

Trong trường hợp xe phát sinh các lỗi kỹ thuật, người tiêu dùng cần được đảm bảo quyền yêu cầu đơn vị sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng triệu hồi để khắc phục lỗi. “Tuy nhiên, quy định hiện hành của pháp luật chỉ mới nêu nguyên tắc chung về nghĩa vụ mà chưa có cơ chế, chế tài để bảo đảm thực hiện quyền này của người tiêu dùng cũng như ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thực hiện nghĩa vụ này” – cơ quan soạn thảo cho hay.

Bên cạnh đó, Nghị định nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn, tạo ra sản lượng đủ lớn nhằm tăng dung lượng thị trường cho ngành công nghiệp ô tô nội địa, hướng tới mục tiêu nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng sản xuất trong nước đối với ô tô phù hợp với mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa đặt ra trong Chiến lược, Quy hoạch ngành công nghiệp ô tô.

Theo ông Cao Bảo Anh – Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), Việt Nam luôn coi sản xuất ô tô là ngành sản xuất quan trọng, có tác động lan tỏa, tạo công ăn việc làm và tác động đến nhiều ngành nghề khác. Vì vậy, Chính phủ đang có phương án nghiên cứu để tăng dung lượng thị trường, nhằm tạo ra một thị trường đủ lớn, giúp các nhà sản xuất ô tô phát triển được, đặc biệt là các doanh nghiệp nội địa.

Cũng theo vị này, do có dân số đông nên Việt Nam là thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp ô tô. Dự kiến năm 2020, thị trường xe ô tô tại Việt Nam sẽ bùng nổ. Tuy nhiên, chiến lược quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô không khuyến khích các dòng xe cá nhân mà phát triển các phương tiện công cộng, xe tải, xe buýt… Về tỷ lệ nội địa hóa, đối với xe con, tỷ lệ này mới đạt 5-15%; và đối với xe tải, xe buýt, tỷ lệ này đạt 40-50%. Rất ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung ứng thiết bị, linh kiện cho sản xuất ô tô.

Vẽ rắn thêm chân?

Bình luận về điều kiện kinh doanh nêu trên, đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cho rằng “điều kiện này vẫn như quy định tại Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô ban hành năm 2011 và hết hiệu lực năm 2016. Khoản 1 Điều 2 Thông tư 20 nêu rõ thương nhân phải đáp ứng yêu cầu về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng. Có chăng đây chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Cũng theo vị này, trong suốt thời gian tồn tại, Thông tư 20 đã gây nhiều tranh cãi bởi các quy định làm khó cho doanh nghiệp.

Vì vậy, tháng 3-2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 04/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Theo Thông tư 04, các doanh nghiệp nhập khẩu xe ôtô sẽ không bắt buộc phải xây dựng các gara bảo hành, bảo dưỡng xe đi kèm để hạn chế tổn thất cho doanh nghiệp. Nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn, một lần nữa, dự thảo Nghị định lại gây thất vọng cho doanh nghiệp.

Cho rằng dự thảo đã “vẽ rắn thêm chân”, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI chia sẻ: “Các bộ, ngành không nên quy định doanh nghiệp phải đủ điều kiện mới cho hoạt động, bởi nếu cái gì cũng đủ thì doanh nghiệp chẳng phải làm gì nữa. Người tiêu dùng có thể mang đi nước ngoài bảo hành nếu họ thấy cần và có điều kiện”. Theo luật sư Trương Thanh Đức, nên yêu cầu doanh nghiệp có yêu cầu kỹ thuật cao hơn, sản phẩm bảo vệ môi trường tốt hơn thay vì áp đặt điều kiện vật chất.

Với việc triệu hồi sản phẩm, các nhà sản xuất muốn giữ uy tín thì đều thực hiện, không phải do doanh nghiệp nhập khẩu quyết định. “Nếu lấy lý do vì người tiêu dùng thì bất kỳ sản phẩm nào, từ đôi dép cũng phải bảo hành. Hoặc muốn nhập máy bay Boeing,  Airbus, họ yêu cầu lập trạm bảo hành, bảo dưỡng, thì có đáp ứng được không?” – luật sư Trương Thanh Đức đặt vấn đề. 

Hà Linh

—————-

An ninh Thủ đô (Ô tô – Xe máy) 04-6-2017:

http://anninhthudo.vn/oto-xe-may/co-phai-la-ve-ran-them-chan/730236.antd

 (187/1.544)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,716