2.008. Quy định pháp luật về hoạt động của các tổ chức tín dụng cần phải rõ ràng và nghiêm minh.

(PL) – Là những đề xuất kiến nghị của các chuyên gia pháp lý gửi tới cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan chức năng có nhiệm vụ xây dựng chính sách pháp luật và cơ quan bảo vệ pháp luật, để ngành ngân hàng tới đây không còn xảy ra những đại án kinh tế gây thiệt hại nghìn tỷ cho nền kinh tế và xã hội.

Luật pháp cần phải rõ ràng hơn

Đóng góp ý kiến để hoàn thiện khung pháp lý về việc mua bán, sáp nhập ngân hàng, Luật sư Trương Thanh Đức thẳng thắn nói: Hiện tại, không còn khái niệm mua bán nữa, mà chuyển qua khái niệm “chuyển giao” rồi. Nhưng cần phải làm rõ chuyển giao như thế nào, chứ không lại tù mù hơn cả mua bán, không thể cứ nói chung chung được, vì rất nhiều người đang nhầm khái niệm mua bán và sáp nhập.

Luật sư Trương Thanh Đức 

Ở những vụ mua bán ngân hàng đã diễn ra, Luật sư Đức nhận xét: nếu giải quyết kịp thời hơn, khi các ngân hàng chưa lâm vào tình trạng âm vốn quá lớn, hậu quả đã không quá nặng nề, đã không để xảy ra tình trạng giá trị cổ phần, cổ phiếu bằng 0 đồng, vốn của các cổ đông chân chính không bị mất trắng. Quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém của NHNN là một việc làm vô cùng đặc biệt, ảnh hưởng khá mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư nói chung, của các cổ đông ngân hàng nói riêng. Vì vậy rất cần thiết phải công bố thông tin một cách cụ thể, đầy đủ, kịp thời, minh bạch và giải thích rõ ràng, chính xác về cơ sở pháp lý, cũng như thực trạng của các ngân hàng bị mua với giá 0 đồng.

“Để bảo đảm chắc chắn và rõ ràng về cơ sở pháp lý cho việc xử lý đối với các trường hợp tương tự nêu trên, cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện, biện pháp và thủ tục xử lý. Hoặc cần phải sửa Luật Trưng mua, trưng dụng năm 2008 theo hướng cho phép nhận chuyển nhượng bắt buộc phần vốn góp hoặc cổ phần, cổ phiếu của các tổ chức tín dụng trong các trường hợp cần thiết. Trước mắt, cần xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg, ngoài việc cho phép NHNN trực tiếp góp vốn và mua cổ phần của các tổ chức tín dụng (mua của chính công ty), còn cần phải cho phép việc nhận chuyển nhượng phần vốn góp của các thành viên công ty TNHH và mua bán cổ phiếu, nhận chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông công ty cổ phần, thì mới bảo đảm khớp hoàn toàn theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Chứng khoán”, Luật sư Trương Thanh Đức góp ý.

Ông Đức nêu quan điểm: NHNN cho rằng các ngân hàng thuộc dạng yếu kém nhất trong hệ thống nên phải bị mua với giá 0 đồng, thì việc cứu sống để các ngân hàng tiếp tục tồn tại và phát triển có phần không hợp lý. Nếu như đằng nào Nhà nước cũng chấp nhận phải bỏ ra một cách trực tiếp và gián tiếp rất nhiều tiền bạc và công sức để cứu vãn các ngân hàng, thì hoàn toàn có thể tính đến bài toán bảo đảm quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc phá sản một cách từ từ, có kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm khả năng chi trả tiền gửi cho công chúng và an toàn cho hệ thống tài chính, ngân hàng.

Luật sư Phan Trung Hoài, Trưởng VPLS Phan Trung Hoài

Tiếp lời, Luật sư Phan Trung Hoài phân tích: Luật pháp quy định không rõ, nên khi vận dụng rất khó. Vì vậy phải quy định rõ ràng hơn. Ví dụ, liên quan đến trưng mua, cưỡng chế mua ngân hàng với giá 0 đồng, không có căn cứ pháp lý, vậy vì sao chúng ta không cho phá sản. Trong khi đã có Luật Phá sản rồi. Chính các tổ chức tín dụng là những pháp nhân trong nền kinh tế thị trường, khi bị âm vốn, lỗ lũy kế, Nhà nước phải tiến hành các thủ tục cho phá sản theo quy định của Luật Phá sản, chứ không thể mua cưỡng chế bắt buộc 0 đồng được.

Còn theo Luật sư Võ Đình Đức, nếu tiếp tục thực hiện mua ngân hàng với giá 0 đồng, phải thực hiện “hoạt động mua lại” một cách công khai, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào quá trình cơ cấu lại các ngân hàng đó.

Với quan điểm của một chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu đề xuất: để ngăn ngừa những trường hợp rủi ro không lan tỏa ra toàn hệ thống, NHNN khi thanh tra, phát hiện ra sai phạm của ngân hàng cần khoanh vùng và xử lý kịp thời. Nếu ngân hàng đó vẫn không thể tự xử lý, tự điều chỉnh nên cho phá sản. Dù nhạy cảm, nhưng đây là điều kiện tiên quyết để hệ thống ngân hàng trở nên trong sạch lành mạnh và bền vững hơn. Điều này cũng có nghĩa, các ngân hàng sẽ bị thị trường đào thải, nếu không hoạt động hiệu quả. Còn như bây giờ vẫn trong tình trạng bao cấp, nếu hoạt động tồi quá, dở quá, NHNN lại đến tiếp quản, “bắt” trở thành ngân hàng con dưới sự bảo trợ của NHNN để tiếp tục hoạt động. Cách này theo tôi chỉ mang tính chất đối phó tình thế. Chúng ta không thể bảo trợ, bao cấp các ngân hàng mãi được. Đã đến lúc các ngân hàng cần phải tự đứng vững bằng đôi chân của mình trong nền kinh tế thị trường.

Cần một bản án nghiêm khắc để làm án lệ

Từ thực tế xét xử những vụ án cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế hoặc những vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra ở các tổ chức tín dụng thời gian qua, Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định: Các quy định pháp luật đã có rồi, nhưng có những vụ án, việc áp dụng và giải thích pháp luật không thống nhất (thậm chí áp dụng sai luật) dẫn đến xử chưa đúng tội danh hoặc xử nhẹ dẫn đến tác dụng răn đe chưa mạnh. Theo tôi, vấn đề quan trọng là bài học rút ra cho công tác quản lý và vấn đề xử lý trách nhiệm của ngân hàng với những vụ việc xảy ra. Nếu một vụ vi phạm pháp luật không xử lý nghiêm minh, không quy kết được trách nhiệm, xử không đúng tội đúng người sẽ dẫn đến tràn lan vi phạm, dẫn đến nhờn luật. Ví dụ ở vụ án Huỳnh Thị Huyền Như tại Vietinbank, bản thân ngân hàng làm sai, nhân viên cũng làm sai, khách hàng không có lỗi. Nhưng khi mất tiền khách hàng lại phải chịu trách nhiệm. Đại án này đã phải tách ra một phần để buộc Vietinbank phải đền tiền cho khách hàng. Tuy vậy, dù tòa đã trả hồ sơ để điều tra lại, nhưng công an vẫn cứ kết luận là lừa đảo. Ở vụ án Nguyễn Đức Kiên, ngân hàng cũng phủi trách nhiệm. Đại án xảy ra tại Vietinbank, theo tôi là một trong những vụ án cần xem lại vấn đề tội danh, truy trách nhiệm quản lý của ngân hàng, xử thật nghiêm minh, cần thiết xem xét lấy làm án lệ. Nếu không làm rõ được vấn đề tội danh, nếu không xử nghiêm, không quy được trách nhiệm ngân hàng… thì còn đó những nhức nhối và hệ lụy.

Để người dân không mất niềm tin tuyệt đối vào hệ thống tín dụng, Luật sư Đức cho rằng: Quan trọng là ở tòa án, tòa án phải ra một bản án nghiêm khắc để làm án lệ cho những vụ án khác. Cụ thể, những trường hợp khách hàng giao dịch với cán bộ ngân hàng, cán bộ ngân hàng đã chuyển thông tin đến bộ phận giao dịch của ngân hàng rồi, thì sau đó dù ngân hàng có đưa tiền vào hệ thống hay không đưa vào hệ thống, dân cứ đến gửi tiền lấy giấy tờ xong là xong, còn khi mất tiền, ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Nghĩa là trong mọi trường hợp ngân hàng phải chịu trách nhiệm quản lý cán bộ, nhân viên của mình, đấy là trách nhiệm của pháp nhân đã được Luật Dân sự quy định cụ thể rồi. Ngân hàng không được đẩy cái khó cho người gửi tiền, người gửi tiền không buộc phải biết và không có trách nhiệm phải biết cán bộ, nhân viên đó là thế nào? Nghĩa là phải quy trách nhiệm ngân hàng, ngân hàng phải đền bù cho khách hàng khi cán bộ ngân hàng lừa đảo khách hàng.

Hoàn thiện các thiết chế, thanh kiểm tra giám sát nội bộ

Luật sư Võ Đình Đức – Công ty Luật Đông Nam Á

Luật sư Võ Đình Đức góp ý: Để khắc phục những lỗ hổng và tạo nên một nền tài chính vững mạnh, ổn định chúng ta cần sớm hoàn thiện các khung pháp lý về pháp luật Ngân hàng nói riêng và hoạt động của các tổ chức tín dụng nói chung. Cụ thể, hoàn thiện các cơ chế về cho vay, thanh tra giám sát các hoạt động của các ngân hàng đảm bảo không vi phạm tính bí mật kinh doanh của các Ngân hàng và của chính khách hàng, đồng thời cũng giúp giám sát từng cá nhân, từng bộ phận và thậm chí của từng phòng giao dịch khi có các dấu hiệu, mầm mống của các hành vi chiếm đoạt, lừa đảo hay lợi dụng để chiếm đoạt tài sản từ hoạt động Ngân hàng. Có quy chế rõ ràng, nghiêm ngặt về trách nhiệm của người đứng đầu, quản lý các phôi, mẫu biểu các loại sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi để các chi nhánh, nhân viên tín dụng hay đại diện tại các phòng giao dịch không thể thực hiện được các hành vi lập sổ khống. Nâng cao chế tài và biện pháp thu hồi tài sản do phạm tội mà có. Thường xuyên kiểm tra để hạn chế tốt nhất tiêu cực, bổ sung các chế tài, thậm chí có thể rút giấy phép hoạt động nếu phát hiện các khoản chi lãi ngoài, lãi vượt qui định như thời gian qua. Chính hoạt động chi lãi ngoài đã dẫn đến hậu quả của các vụ việc tại Ngân hàng xây dựng và Ngân hàng Oceanbank thời gian qua. Kiểm tra giám sát nội bộ và giám sát chéo giữa các tổ chức tín dụng trong phạm vi hợp lý. Hạn chế quyền hạn của các Giám đốc chi nhánh, Trưởng phòng giao dịch và đặc biệt có các chế tài về các hoạt động ký kết, cho vay ngoài chi nhánh ngân hàng. Trường hợp hơn 400 tỷ ở ngân hàng Oceanbank Hải Phòng vừa qua là một ví dụ điển hình cho việc ký và giao dịch, nhận tiền ngoài chi nhánh ngân hàng. Điều đó có nghĩa cần xây dựng quy trình nghiệp vụ chuẩn đối với hoạt động giao dịch và quy trình cho vay đối với hoạt động ngân hàng nói chung trên cơ sở quyền tự quyết hợp lý và trong phạm vi an toàn của các ngân hàng khi tham gia vào thị trường.

Ngày 8/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình (63 tuổi), nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Bình bị khởi tố vì liên quan đến “đại án” kinh tế Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát 9.000 tỉ đồng. Cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Đặng Thanh Bình. Ông Đặng Thanh Bình từng 25 năm công tác trong ngành ngân hàng theo quyết định phân công công tác của Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Đặng Thanh Bình giúp Thống đốc giải quyết các công việc được ủy nhiệm. Phụ trách công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; phòng chống rửa tiền; thông tin tín dụng; công tác pháp chế; hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân, hoạt động bảo hiểm tiền gửi, hoạt động của các hiệp hội trong ngành ngân hàng. Trực tiếp chỉ đạo, phụ trách các đơn vị: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Pháp chế, Trung tâm Thông tin tín dụng.

Đình Nguyễn (thực hiện)

———————————–

Tạp chí Pháp lý (Kinh doanh) 26-2-2018:

http://phaply.net.vn/kinh-doanh-phap-luat/kinh-doanh-phap-luat-kinh-doanh-phap-luat/quy-dinh-phap-luat-ve-hoat-dong-cua-cac-to-chuc-tin-dung-can-phai-ro-rang-va-nghiem-minh.html

(591/2.270)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.712. Hàng loạt vụ mất tiền trên tài khoản,...

(KTĐT) - Dồn dập các vụ mất tiền trên tài khoản, rồi mất ở sổ...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,627