2.026. Tỷ phú cũng là ‘thương hiệu quốc gia’.

(VNN) – Ngày nay, khẳng định vị thế của mỗi quốc gia, không chỉ là bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa, mà yếu tố hàng đầu là tiềm lực kinh tế, bao gồm cả hai vế dân giầu, nước mạnh, trong đó có sản nghiệp của các tỷ phú.    

Đó là nhận định của Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư;Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam. Nhân việc Forbes công bố danh sách tỷ phú 2018, trong đó Việt Nam có 4 tỷ phú và chủ tịch Tập đoàn Vingroup với những phát triển, đóng góp vượt bậc, đã gia tăng tài sản thêm 1,9 tỷ USD lên 4,3 tỷ USD so với năm ngoái, LS Đức đã chia sẻ quan điểm của mình về tỷ phú Việt.


– Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các tỷ phú đối với mỗi quốc gia?

Không phục nếu tỷ phú không đáp ứng được 3 tiêu chí

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng như hiện nay, nền kinh tế của mỗi nước chủ yếu dựa vào hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, doanh nhân. Trong đó, các tỷ phú là những người mở đường thành công, là người lãnh đạo các đầu tàu kinh tế, điển hình kinh doanh và là nguồn cảm hứng, khát vọng vươn lên của các thế hệ doanh nhân kế tiếp.

Vì vậy, theo tôi, tỷ phú chân chính không chỉ còn là một danh hiệu cá nhân, mà còn là thương hiệu quốc gia, cũng là một dạng hiền tài được ví như là nguyên khí quốc gia.

– Vậy các tỷ phú ở nước ngoài được đối xử ra sao? So với nước ta, có gì giống và khác?  

Ở các nước tư bản phát triển thì mặc nhiên thừa nhận tỷ phú là sự thành công cả về danh vọng lẫn tiền tài, không có một doanh nhân nghèo nào trên đời lại được coi là thành công.

Còn ở nước ta thì vẫn chưa được ghi nhận, đánh giá một cách đúng mức. Có vẻ như số đông mới chỉ kiêng nể chứ chưa kính nể tỷ phú.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, ta và tây thì cũng giống nhau ở chỗ: Tỷ phú bao giờ cũng phải là người giỏi kinh doanh, giỏi sử dụng đồng tiền. Về chuyện này, ông cha ta đã tổng kết xuất sắc: “Một người biết lo bằng một kho người biết làm”.

– Có nghĩa tỷ phú phải là người đóng góp nhiều cho xã hội?

Nếu không phải là tỷ phú do hưởng thừa kế hay trúng số độc đắc, thì bao giờ cũng phải đóng góp rất nhiều cho xã hội thông qua các công trình, sản phẩm, nộp thuế, trả lương,…. Siêu giàu chỉ do ăn may, bóc lột, lạm dụng, phạm pháp, thì không phải là tỷ phú đúng nghĩa.

Giàu mà không lao động, cống hiến, không gắn với thương hiệu sản phẩm dịch vụ gì thì cũng không đáng mặt là tỷ phú.

Tôi không phục tỷ phú nào nếu như không thấy được quy mô của 3 tiêu chí quan trọng là: Tạo ra hàng hóa, dịch vụ gì; nộp bao nhiêu thuế; và tạo được bao nhiêu công ăn việc làm cho người lao động.

– Tỷ phú Việt thường bị suy diễn, quy kết là tài sản không minh bạch, giàu nhờ cơ chế….

Vì chúng ta còn nhiều thứ chưa minh bạch, pháp luật, cơ chế còn bất cập, đang hoàn thiện nên người ta có quyền nghi ngờ điều đó.

Có lẽ ở đâu và thời nào cũng thế, thành công hay thất bại trong đầu tư, kinh doanh đều phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế, luật pháp, kể cả trong thời kỳ bao cấp.

Chính sách đổi mới, cởi mở đã tạo cơ hội lớn và công bằng cho tất cả, nhưng chỉ một số rất ít người giỏi, nhanh nhạy, cộng với cả sự may mắn nữa, thì mới biết tận dụng, phát huy được cơ hội và bứt phá thành công.

– Thế còn nhận thức của những người thường hay “phán xử” thì sao? 

Dường như người ta đã quá quen thuộc với cảnh nhà nghèo khó nên còn đội ngũ đông đảo chưa “chấp nhận” đồng đội, đồng bào mình có vị trí khác biệt, gọi là tỷ phú. Nhất là, tỷ phú Việt Nam cũng mới chỉ bắt đầu xuất hiện trên bản đồ thế giới vài năm nay và cho đến thời điểm này vẫn chưa vượt quá số ngón trên một bàn tay…

– Ở một số quốc gia, khi thấy ngột ngạt, bị gây khó dễ, có tỷ phú đã chuyển tài sản và di cư sang nước khác…

Xưa nay, quốc gia nào cũng sẵn sàng giang tay chào đón những người giỏi, người giàu. Giàu như nước Mỹ cũng không muốn tỷ phú mang tiền đi nơi khác, thì nghèo như nước ta, đang rất mong muốn kêu gọi nguồn vốn đầu tư nước ngoài, càng cần phải thu hút và giữ chân các triệu phú, tỷ phú.

Cho nên, tôn vinh các tỷ phú không chỉ là vì chính cá nhân họ mà còn có ý nghĩa lớn hơn, vì sẽ là tấm gương sống động để các thế hệ doanh nhân soi vào. Vì vậy, cần phải xóa tan sự băn khoăn, nghi ngại, lo lắng của người giầu nói chung, của các tỷ phú nói riêng bằng việc bảo đảm đầu tư, bảo vệ sở hữu, thực sự trọng dụng và tạo cơ hội cho họ phát huy hết khả năng. Tôi tin chắc rằng sự đóng góp của họ cho phát triển sẽ trở nên dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều so với việc trông chờ từ các nguồn lực khác.

– Ở giác độ kinh doanh và tuân thủ pháp luật, ông đánh giá cao doanh nhân/tỷ phú nào ở Việt Nam?   

Ấn tượng nhất với tôi là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người gắn liền với hệ sinh thái Vingroup với 3 điểm khác biệt, dẫn dắt thị trường. Thứ nhất, là sự nổi bật của sản phẩm, dịch vụ về tốc độ, chất lượng và tiện ích. Thứ hai, là sự thành công đa dạng từ nhà ở, du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, cho đến trường học, bệnh viện,… Thứ ba là sự quyết tâm đột phá vào lĩnh vực sản xuất, với việc canh tác nông nghiệp trồng trọt rau quả và đặc biệt gần đây là công nghiệp chế tạo ô tô, xe máy điện.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên lọt top 500 tỷ phú thế giới và giữ vững ngôi vị người giàu nhất Việt Nam theo công bố mới nhất của Forbes​

Ông Vượng là tỷ phú đi lên từ sản xuất và đang vững vàng kinh doanh với thế chân kiềng gồm: Thương mại, Dịch vụ và Sản xuất.

– Xin cảm ơn ông!

Việt Nam đã có các tập đoàn sẵn sàng ra biển lớn

“Việc xuất hiện và chính thức được thế giới ghi nhận tỷ phú của Việt Nam là kết quả của nhiều năm phát triển kinh tế với chính sách cởi mở của Việt Nam. Các tỷ phú như ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo… cho giới kinh doanh Úc thấy rằng ở Việt Nam có nhiều cơ hội để doanh nhân phát huy khả năng của mình và thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân là thị trường có thể tạo ra giá trị to lớn.

Các tỷ phú cũng làm cho người dân và doanh nghiệp Úc hiểu rằng Việt Nam đã có tập đoàn kinh tế lớn, như những con tàu sẵn sàng ra biển lớn, để khám phá, chinh phục những vùng đất mới. Họ sẽ có thể là đối tác tiềm năng tốt cho các doanh nghiệp Úc.”

Nguyễn Hải Đăng (Luật sư liên danh của Hãng luật hàng đầu thế giới Squire Patton Boggs. Ông có gần 20 năm kinh nghiệm đại diện, tư vấn tại Úc cho các tập đoàn hàng đầu thế giới về đầu tư, tài chính).

Duy Linh


 

Vietnamnet (Kinh doanh) 07-3-2018:

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/ty-phu-cung-la-thuong-hieu-quoc-gia-434298.html

(1.226/1.431)

——————————————-

 

Bài chưa rút gọn

 

Hà Nội 07-02-2018:

Tỷ phú cũng là thương hiệu quốc gia

 

Ngày nay, khẳng định vị thế của mỗi quốc gia, không chỉ là bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa, mà yếu tố hàng đầu là tiềm lực kinh tế, bao gồm cả hai vế dân giầu, nước mạnh. Đó là nhận định của Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC.

 

  1. Vai trò, đóng góp của các tỷ phú đối với mỗi quốc gia như thế nào thưa ông?

Hơn ba thập kỷ trước, từ khi bắt đầu chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, chúng ta đã thay đổi quan điểm phát triển kinh tế tư nhân, từ chỗ kỳ thị đi đến chấp nhận, rồi khuyến khích việc làm giàu. Nền kinh tế thị trường đã hiện thực hóa giấc mơ làm giàu, đi cùng với nó là việc xuất hiện nhiều triệu phú và vươn lên tốp đầu đương nhiên là các tỷ phú.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng như hiện nay, nền kinh tế của mỗi nước chủ yếu dựa vào hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, doanh nhân, trong đó các tỷ phủ là những người mở đường thành công, trở thành các đầu tàu kinh tế, điển hình kinh doanh và là nguồn cảm hứng, khát vọng vươn lên của các thế hệ doanh nhân kế tiếp. Vì vậy, theo tôi, tỷ phú chân chính không chỉ còn là một danh hiệu cá nhân, mà còn là thương hiệu quốc gia, cũng là một dạng hiền tài được ví như là nguyên khí quốc gia.

  1. Các tỷ phú nước ngoài được đối xử ra sao? So với nước ta, có gì giống và khác?  

Ở các nước tư bản phát triển, thì mặc nhiên thừa nhận tỷ phú là sự thành công cả về danh vọng lẫn tiền tài. Không có một doanh nhân nghèo nào trên đời lại được coi là thành công. Còn ở nước ta, thì vẫn chưa được ghi nhận, đánh giá một cách đúng mực. Có vẻ như số đông mới chỉ kiêng nể chứ chưa kính nể và mới chỉ bàn tán về sự tai tiếng, chứ chưa thừa nhận về sự nổi tiếng của các tỷ phú.

Tôi cho rằng, ta và tây thì cũng giống nhau ở chỗ, tỷ phú không phải là người tai tiếng, cũng không cứ phải là nhà từ thiện, nhưng bao giờ cũng phải là người giỏi kinh doanh, giỏi sử dụng đồng tiền. Về chuyện này, ông cha ta đã tổng kết xuất sắc, một người biết lo bằng một kho người biết làm.

Nếu không phải là tỷ phú do hưởng thừa kế hay trúng số độc đắc, thì bao giờ cũng phải đóng góp rất nhiều cho xã hội thông qua các công trình, sản phẩm, nộp thuế, trả lương,…. Siêu giàu chỉ do ăn may, bóc lột, lạm dụng, phạm pháp, thì không phải là tỷ phú đúng nghĩa. Giàu mà không lao động, cống hiến, không gắn với thương hiệu sản phẩm dịch vụ gì thì cũng không đáng mặt là tỷ phú.

Tôi không phục tỷ phú nào nếu như không thấy được 3 tiêu chí quan trọng là tạo ra hàng hóa, dịch vụ gì; nộp bao nhiêu thuế; và tạo được bao nhiêu công ăn việc làm cho người lao động?

  1. Tỷ phú Việt thường bị quy kết là tài sản không minh bạch, giàu nhờ cơ chế. Là người lăn lộn với giới kinh doanh ở Việt Nam và am hiểu, tham gia sâu vào các chính sách kinh tế, ý kiến của ông như thế nào? 

Vì chúng ta còn quá nhiều thứ không minh bạch, pháp luật, cơ chế còn rất bất cập, nên người ta có quyền nghi ngờ điều đó. Nhưng tỷ phú trên sàn chứng khoán thì tôi cho là minh bạch hơn hẳn ở các chỗ khác.

Có lẽ ở đâu và thời nào cũng thế thôi, thành công hay thất bại trong đầu tư, kinh doanh đều phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế, luật pháp, kể cả trong thời kỳ bao cấp. Chính sách đổi mới, cởi mở đã tạo cơ hội lớn và công bằng cho tất cả, nhưng chỉ một số rất ít người giỏi, nhanh nhạy, cộng với cả sự may mắn nữa, thì mới biết tận dụng, phát huy được cơ hội và thành công. Không mạnh dạn lựa chọn con đường kinh tế thị trường, thì không bao giờ có sự phát triển giàu có.

Dường như người ta đã quá quen thuộc với cảnh nhà nghèo và khốn khổ đến đâu thì cũng vẫn không quá xa lạ với nhà chị Dậu, nhưng rất ít người quen với nhà giàu triệu phú, chứ nói gì đến tỷ phú. Vì vậy, còn đội ngũ rất đông đảo chưa “chấp nhận” đồng đội, đồng bào mình có vị trí khác biệt, gọi là tỷ phú. Nhất là, tỷ phủ Việt Nam cũng mới chỉ bắt đầu xuất hiện trên bản đồ thế giới vài năm nay và cho đến thời điểm này vẫn chưa vượt quá số ngón trên một bàn tay. Tất nhiên đó là con số dựa trên số liệu công khai trên sàn chứng khoán và đặc biệt là chưa tính đến các khoản nợ song hành với tài sản. Còn tỷ phú bí mật thì không nên tính đến, vì không chính danh và khó có thể đóng góp, tác  động, ảnh hưởng nhiều cho xã hội.

Vấn đề cốt lõi là các tỷ phú được ghi nhận và tôn trọng thì phải tạo ra được những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tốt cho xã hội và đặc biệt là không làm giầu bằng mọi giá, không bất chấp đạo đức và pháp luật.

  1. Ở giác độ kinh doanh và tuân thủ pháp luật, ông đánh giá cao doanh nhân tỷ phú nào ở Việt Nam? Vì sao?   

Về tốc độ bay bổng thì không ai bằng nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, người sở hữu hãng bay Viet Jet Air. Về tốc độ giầu có thì không ai qua mặt được tỷ phú Trịnh Văn Quyết, vì gần như bỏ qua giai đoạn triệu phú.

Nhưng ấn tượng nhất với tôi là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người gắn liền với hệ sinh thái Vingroup với 3 điểm khác biệt, dẫn dắt thị trường. Thứ nhất, là sự nổi bật của sản phẩm, dịch vụ về tốc độ, chất lượng và tiện ích. Thứ hai, là sự thành công đa dạng từ nhà ở, du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, cho đến trường học, bệnh viện,… Thứ ba là sự quyết tâm đột phá vào lĩnh vực sản xuất, với việc canh tác nông nghiệp trồng trọt rau quả và công nghiệp chế tạo ô tô, xe máy điện. Ông Vượng là tỷ phủ đi lên từ sản xuất và đang vững vàng kinh doanh với thế chân kiềng gồm: Thương mại, dịch vụ và sản xuất.

Tôi cũng có cơ duyên dính dáng đến Vingroup và ông Vượng, dù chưa từng trông thấy ông ấy ở ngoài đời bao giờ. Lần đầu tiên tôi biết đến họ là khi Vincom đang xây Tòa nhà 21 tầng, cao nhất Hà Nội vào đầu năm 2004. Chúng tôi ở phía Ngân hàng TMCP Quốc tế cho Vincom vay chỉ có 1,5 triệu USD, nhưng phải lách luật bằng cách đặt cọc thuê sàn tòa nhà hình thành trong tương lai. Lúc đó cũng vào khoảng đầu năm như bây giờ, công trình mới chỉ lên được vài tầng, nhưng họ cam kết cuối năm sẽ hoàn thành. Chúng tôi đinh ninh rằng, sẽ được hưởng lãi phạt hợp đồng, vì không thể hoàn thành nhanh như vậy. Nhưng không thể ngờ là đến tháng 11 năm đó Vincom Center Bà Triệu đã được khai trương và thành công một cách ngoạn mục. Và từ đó, tôi để ý thấy công trình nào của Vingroup cũng rất nhanh và đắt hàng, tất nhiên là giá cũng đắt. Hiện nay, tôi cũng đang là cư dân đã mua nhà giá đắt của Vingroup, nhưng quan trọng là cảm thấy hài lòng.

  1. Ở một số quốc gia có tình trạng các tỷ phú chuyển tài sản ra nước ngoài. Điều này gây hậu quả như thế nào? Cần làm gì để Việt Nam không rơi vào vết xe đổ đó?

Thông thường, người nghèo thì không có gì nhiều để mất, nên họ chỉ quan tâm đến sự mưu sinh, lấy việc ăn mặc làm trọng và mong muốn được khép giữ mình. Người giầu thì không còn lo cơm áo gạo tiền, nên dành mối quan tâm hơn đến sự an toàn, chất lượng và mong muốn được thể hiện mình. Còn người rất giàu thì có nhu cầu cao hơn vượt lên trên những sự thông thường, quan tâm đến những vấn đề lớn của xã hội, đất nước và mong muốn được khẳng định mình.

Đã là tỷ phú rồi, mà thấy không có sự bảo đảm an toàn cao về sinh mệnh, tài sản và sự nghiệp, không được đóng góp, cống hiến và ghi nhận, thì họ sẽ rất lo lắng, thất vọng, tìm cách giải quyết, trong đó có việc chuyển tài sản ra nước ngoài, thậm chí là rời bỏ tổ quốc. Nhất là xưa nay, quốc gia nào cũng sẵn sàng giang tay chào đón những người giỏi, người giầu. Giàu như nước Mỹ cũng không muốn người giàu mang tiền đi nơi khác, thì nghèo như nước ta, đang rất mong muốn kêu gọi nguồn vốn đầu tư nước ngoài, càng cần phải thu hút và giữ chân các triệu phú, tỷ phú.

Tôn vinh các tỷ phú không chỉ là vì chính cá nhân họ mà còn có ý nghĩa lớn hơn, vì sẽ là tấm gương sống động để các thế hệ doanh nhân soi vào. Vì vậy, cần phải xóa tan sự băn khoăn, nghi ngại, lo lắng của người giầu nói chung, của các tỷ phú nói riêng bằng việc bảo đảm đầu tư, bảo vệ sở hữu, thực sự trọng dụng và tạo cơ hội cho họ phát huy hết khả năng. Với năng lực, nguồn vốn sẵn có, nếu tạo được sự yên tâm, thu phục được nhân tâm thì tin chắc rằng sự đóng góp của họ cho phát triển sẽ trở lên dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều so với việc trông chờ từ các nguồn lực khác.

———————————-

 

 

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,738