2.086. Gửi tiền ngân hàng cần kiểm tra thường xuyên: Người dân “tá hỏa” với lời khuyên của Ngân hàng nhà nước.

(PL) – Liên quan đến các vụ mất tiền trong tài khoản ngân hàng, đại diện Ngân hàng nhà nước (NHNN) khuyến nghị khách hàng khi gửi tiền nên đến tận nơi thực hiện giao dịch tại trụ sở các TCTD và nên thường xuyên kiểm tra, rà soát số dư tiền gửi để tránh bị mất cắp… 

Eximbank, ngân hàng bị khách hàng tố mất 245 tỷ đồng trong tài khoản

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018, trả lời câu hỏi của báo chí về việc người dân khiếu nại mất tiền trong một số tài khoản tiết kiệm thời gian gần đây Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là vấn đề mà NHNN đang tìm cách khắc phục và đưa ra những khuyến nghị đối với người dân khi gửi tiền.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, với một số vụ mất tiền, NHNN đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực phối hợp với khách hàng, các cơ quan chức năng khác để đưa ra phương án xử lý bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp người gửi tiền.

“NHNN cũng khuyến nghị khách hàng gửi tiền nên đến tận nơi thực hiện giao dịch tại trụ sở các TCTD, nên thường xuyên kiểm tra, tra soát số dư tiền gửi. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho TCTD và các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn việc lạm dụng chiếm đoạt tài sản của khách hàng”- đại diện NHNN đưa ra lời khuyên.

Thông tin này khiến cho nhiều người dân hoang mang. Chị Vũ Bích Ngọc (Quận Đống Đa, Hà Nội) băn khoăn: “Thường xuyên là bao lâu? 1 tuần, 1 tháng hay hàng ngày?”. Chị Ngọc cho biết, chị có ít tiền chia ra gửi dài hạn một số ngân hàng, cũng để tránh rủi ro và đối phó với quy định của bảo hiểm tiền gửi, “Như thế đã cẩn thận lắm rồi, bây giờ lại chạy sô các ngân hàng nhờ nhân viên kiểm tra số dư???”– Chị Ngọc băn khoăn.

Ông Lương Hoài Nam, chuyên gia kinh tế bình luận: “Đây là một ý kiến đáng ngại của NHNN!”. Theo vị chuyên gia này, tài khoản ngân hàng của một cá nhân không phải là một cái hộp sắt đựng tiền gửi ở ngân hàng để chủ tài khoản có thể đến mở ra xem trong đó có còn tiền gửi của mình hay là bị mất rồi. “Về bản chất, tài khoản là một trang ghi chép công nợ giữa chủ tài khoản và ngân hàng. Số dư tài khoản thể hiện số tiền ngân hàng nợ chủ tài khoản. Khi tôi mang 1 tỷ đồng tiền mặt đến giao cho nhân hàng, ngân hàng ghi thêm một tỷ đồng vào tài khoản của tôi, có nghĩa là ngân hàng nợ tôi thêm 1 tỷ đồng. Còn số tiền vật lý 1 tỷ đồng với các số series cụ thể mà tôi nộp vào thì ngân hàng cho vào két, hoà cùng với các khoản tiền khác và mang đi cho vay lấy lãi, chứ ngân hàng không bọc giấy lại rồi giữ đó cho tôi. Nếu vì một lý do nào đó mà số tiền tôi đưa cho ngân hàng bị mất, thì đó là mất tiền của ngân hàng chứ không phải mất tiền của tôi. Sau khi tôi giao tiền cho ngân hàng và ngân hàng đã xác nhận thì số tiền đó đã là của ngân hàng, không còn của tôi nữa. Của tôi là khoản ngân hàng nợ tôi và có nghĩa vụ trả cho tôi khi đến hạn…”- Ông Nam phân tích.

Theo vị chuyên gia này, đây là chuyện quan trọng và không thể im lặng.

Trao đổi với  PV Báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định, lời khuyên của NHNN là sai cơ bản. “Trách nhiệm bảo dảm an toàn là của ngân hàng. Kiểm tra chỉ để biết mất hay chưa, tức buồn nhanh hay buồn chậm chứ không tránh được rủi ro!”- Luật sư Đức khẳng định. 

Về lời khuyên khách hàng gửi tiền nên đến tận nơi thực hiện giao dịch tại trụ sở các TCTD, theo Luật sư Đức, đây cũng là lời khuyên ngược đời, bởi khác hàng đến giao dịch tại TCTD hay hình thức khác vẫn hợp pháp, hợp lệ, và được được phép. Việc ngân hàng đến tận nơi khách hàng làm thủ tục không sai quy định, quy trình và như thế là hợp lý, vì lợi ích của cả 2 bên. “Không những khách hàng VIP, mà khách thường nhiều ngân hàng vẫn sẵn sàng đến thu tiền, giải ngân lẻ tẻ…”- Luật sư Đức cho biết và khẳng định: “Rủi ro nào thì ngân hàng cũng phải kiểm soát đầu tiên!”

Trao đổi với Luật sư Đức về các quy định liên quan đến hình thức gửi tiền, Luật sư khẳng định, không có quy định nào cấm (làm thủ tục tại địa điểm của khách hàng- PV), trong khi các ngân hàng có quy định về dịch vụ ngân hàng tại nhà/ tại chỗ.

Luật sư Đức cũng đưa ra lời khuyên cho người gửi tiền: Thứ nhất, người gửi tiền cần thực hiện đúng nguyên tắc, thủ tục giao dịch; kiểm tra đầy đủ, chính xác các giấy tờ, nội dung; Thứ hai, để tạm thời đối phó với “thời rối ren” (lời Luật sư Đức- PV), người gửi tiền cần hạn chế giao dịch ở môi trường phi chính thống (ngoài quầy giao dịch của ngân hàng), vì dễ bị lợi dụng; Thứ ba, đăng ký tin nhắn và kiểm tra số dư đế kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý để phần nào hạn chế rủi ro.

“Còn điều quan trọng nhất là gửi lời khuyến nghị đến các ngân hàng và nhà nước: Đừng tiếp tay cho việc tái diễn tình trạng mất tiền bằng việc phủi tay của ngân hàng và đẩy trách nhiệm bồi thường cho cá nhân phạm tội!”- Luật sư Đức nhắn gửi.

Thanh Thanh


Pháp luật Việt Nam (Chính trị) 03-4-2018:

http://baophapluat.vn/chinh-tri/gui-tien-ngan-hang-can-kiem-tra-thuong-xuyen-nguoi-dan-ta-hoa-voi-loi-khuyen-cua-ngan-hang-nha-nuoc-386747.html

(401/1.079)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,714