2.094. Khách hàng mất tiền gửi: Làm rõ trách nhiệm của cá nhân hay pháp nhân

(TC) – Những vụ khiếu kiện liên quan đến mất tiền gửi tại ngân hàng thời gian vừa qua hầu hết diễn biến theo hướng ngân hàng chờ đưa ra toà xét xử với thời gian kéo dài, khiến người gửi tiền rơi vào thế bị động.

Khách hàng gửi tiền nên đến thực hiện giao dịch tại trụ sở các TCTD.

Gửi tiền dễ, lấy tiền khó đang là nỗi lo của khách hàng. Điều này đòi hỏi ngân hàng phải sớm có giải pháp để đảm bảo uy tín lâu dài, cũng là đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngân hàng.

Làm đúng quy trình, rất khó xảy ra mất mát

Cho đến nay, hướng dẫn đầy đủ nhất của cơ quan quản lý nhà nước về tiền gửi tiết kiệm là Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/9/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về việc ban hành Quy chế về tiền gửi tiết kiệm. Sau đó, quyết định này đã được hợp nhất với Quyết định 47 năm 2016, Thông tư 04 năm 2011.

Quy chế quy định tổ chức nhận tiền gửi “chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng đối với tiền gửi tiết kiệm do lỗi của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm” và “được quyền từ chối việc chi trả tiền gửi tiết kiệm đối với thẻ tiết kiệm đã bị lợi dụng nhưng không phải do lỗi của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm”.

Theo luật sư Trương Thanh Đức trong đa số các trường hợp khách hàng khiếu kiện mất tiền gửi, vấn đề nằm ở phía ngân hàng. Lý do là bởi dù khách hàng có một số sơ hở, thiếu sót, thậm chí vi phạm nhưng nếu không có sự sơ hở, sai phạm quy trình của nhân viên ngân hàng thì cũng khó lòng lấy được tiền nếu không có sai phạm của người thứ hai, thứ ba. Quy trình giao dịch của ngân hàng rất chặt chẽ, bài bản, luôn có ít nhất hai chữ ký, hai khâu giám sát, nhất là với những số tiền lớn thì phải qua nhiều khâu đối soát. Thậm chí ngay chính khách hàng, nếu ký không chính xác chữ ký đã đăng ký thì cũng khó rút tiền của mình.

Với trường hợp rút tiền theo ủy quyền thì ngân hàng cũng phải xác định được chính xác và chắc chắn là ai lĩnh tiền thì mới được phép chi trả. Ngay cả khi ngân hàng chi tiền mà không phát hiện ra giấy ủy quyền (có công chứng, chứng thực hoặc do chính ngân hàng xác nhận) giả mạo thì cũng vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng. Cả trường hợp người được ủy quyền rút tiền hợp pháp, hợp lệ nhưng lại chính là cán bộ, nhân viên ngân hàng có nhiệm vụ giao dịch tiền gửi của khách hàng thì cũng vẫn phải xác định là lỗi của chính ngân hàng.

Trách nhiệm cá nhân hay trách nhiệm của ngân hàng?

Mặc dù vậy, khi có các vụ khiếu nại mất tiền gửi xảy ra, đa phần các ngân hàng không chọn cách giải quyết bồi thường ngay mà đưa vụ việc ra toà án xử lý và chờ đợi phán quyết của toà. Thực tế, nhiều vụ án kết luận theo hướng đẩy trách nhiệm đền bù cho cá nhân sai phạm, lừa đảo, do đó, nếu không thu hồi được tiền từ cá nhân này thì coi như người gửi tiền không lấy lại được tài sản.

Nhìn nhận về câu chuyện này, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đây là những giao dịch thể hiện thẩm quyền trách nhiệm và được thực hiện trên danh nghĩa của pháp nhân, có pháp nhân đó giao dịch mới được thực hiện. Chính vì thế, cho dù người của ngân hàng phạm tội tham ô hay lừa đảo thì sai phạm thuộc về phía nội bộ ngân hàng và xử lý theo các quy định của pháp luật cũng như quy chế hoạt động của ngân hàng. Còn về mặt ứng xử với khách hàng, ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm xử lý đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Điều 87 về “Trách nhiệm dân sự của pháp nhân”, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định, pháp nhân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện. Điều này cũng tương tự trong lĩnh vực hành chính, đó là Nhà nước phải bồi thường theo Luật Bồi thường của Nhà nước năm 2017 khi cán bộ, công chức làm sai, sau đó mới xử lý trách nhiệm của cá nhân.

Do đó, theo luật sư Trương Thanh Đức, mấu chốt để ngăn chặn tình trạng mất tiền là phải quy được trách nhiệm bồi thường khách hàng cho pháp nhân ngân hàng thay vì trách nhiệm của các cá nhân sai phạm. Nếu ngân hàng phải chịu trách nhiệm trong mọi mất mát của khách hàng thì “của đau con xót”, họ sẽ phải bằng mọi cách nâng cao yêu cầu an toàn, thắt chặt các quy trình kiểm soát, chấn chỉnh kỷ luật nội bộ, giảm thiểu rủi ro, sai phạm.

Chiều 2/4, trả lời phóng viên TBTCVN về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm hay cho vay tổ chức tín dụng (TCTD) với khách hàng là hoạt động ngân hàng tuân theo văn bản pháp luật hướng dẫn đầy đủ. NHNN đã có văn bản, quy định rõ về quy trình, trình tự, thủ tục nhận tiền gửi khách hàng, trong đó quy định rõ trách nhiệm các TCTD nhận tiền gửi là công khai minh bạch quy trình gửi tiết kiệm, đến hạn trả đủ lãi gốc cho người gửi, đặc biệt phải chịu trách nhiệm lỗi vi phạm để bị lợi dụng dẫn đến mất tiền do tổ chức mình gây ra.

H.Y


Thời báo Tài chính (Tiền tệ – Bảo hiểm) 05-4-2018:

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2018-04-05/khach-hang-mat-tien-gui-lam-ro-trach-nhiem-cua-ca-nhan-hay-phap-nhan-55779.aspx

(649/1.058)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,579