2.185. Sớm loại bỏ chi phí không chính thức trong hoạt động kinh doanh

(TBTC) – Trong thời gian qua, chi phí không chính thức gây khá nhiều bức xúc cho doanh nghiệp (DN), khi thực hiện các thủ tục hành chính. Với sự quyết tâm cải cách của Chính phủ kiến tạo, DN kỳ vọng sẽ giảm tối đa chi phí không chính thức, trong thời gian tới.

Có DN chi trả tới hơn 10% doanh thu cho khoản chi phí không chính thức. Ảnh minh họa

Chi phí khá lớn để “bôi trơn”

Theo khẳng định của các chuyên gia kinh tế và DN, lâu nay DN vẫn thường phải chi trả nhiều khoản “bôi trơn”, khoản ưu đãi, quà tặng… để hoàn tất các thủ tục, công việc. Điều này không chỉ tăng chi phí hoạt động kinh doanh mà hơn thế còn tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của DN.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, chi phí kinh doanh của DN có ba yếu tố chính cấu thành là chi phí sản xuất, chi phí tuân thủ pháp luật và chi phí không chính thức. Đây là khoản chi phí có thể DN tự nguyện, cũng có thể bị ép buộc để trả cho cơ quan, cá nhân có liên quan trong quá trình kinh doanh, nhất là khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch với cơ quan nhà nước.

Trên thực tế, khoản chi phí không chính thức mà DN chi trả hàng năm không hề nhỏ so với các khoản chi phí sản xuất, chi phí tuân thủ pháp luật.

Theo số liệu khảo sát của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 109/137 nền kinh tế về các khoản chi không chính thức và hối lộ.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư kí VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chi phí không chính thức là chỉ số thành phần thứ 5, chiếm trọng số 10%. Báo cáo PCI năm 2017 cho thấy, có tới gần 60% DN cho biết đã phải trả chi phí không chính thức, thậm chí có DN chi trả tới hơn 10% doanh thu.

“Cũng theo khảo sát ý kiến nhiều DN cho biết, có rất nhiều hoạt động của DN phải cần dùng đến chi phí không chính thức mới đạt được hiệu quả như xuất nhập khẩu hàng hóa, cấp chứng nhận…” – bà Hằng cho biết thêm.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Thu Hằng – Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản – thực phẩm Việt Nam chia sẻ, từ các thủ tục như thay đổi địa điểm kinh doanh, hay chứng nhận sản phẩm… đôi khi thủ tục rườm rà, mất thời gian, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và cơ hội phát triển của DN. Do đó, DN phải nghĩ đến các khoản chi phí “bôi trơn” để thúc đẩy công việc nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Quan trọng nhất là cải cách “con người”

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, nguyên nhân phát sinh chi phí không chính thức nằm ở chất lượng yếu kém của hệ thống thể chế, quy định pháp luật với nhiều thủ tục hành chính không rõ ràng, phức tạp… Điều này đã tạo không gian cho sự nhũng nhiễu, tham nhũng. Nhiều DN cho biết cán bộ thi hành công vụ đã sử dụng quy định để làm khó DN, nhất là trong hoạt động thanh, kiểm tra.

Chia sẻ về câu chuyện này, Luật sư Nguyễn Tiến Lập – Văn phòng luật sư NHQuang và cộng sự cũng cho biết, thông qua việc thực hiện khá nhiều hoạt động hỗ trợ như xin cấp phép cho DN, chúng tôi thấy rằng có rất nhiều thủ tục mà luật và nghị định quy định rõ ràng như thế này, nhưng khi đến thông tư lại “đẻ” ra thêm vài quy định khác, thậm chí khi đến cơ quan công quyền thực hiện thủ tục lại có thêm quy định nữa gây nhiều phiền hà cho DN.

“Thậm chí khi cần giải quyết tranh chấp, DN cũng e ngại các phương thức chính thức như tòa án, hòa giải bởi sợ chi phí không chính thức, hay sự không công bằng… Như vậy, vấn đề quan trọng nhất nằm ở yếu tố con người, khi mà các cán bộ thực hiện thủ tục cố tình hạch sách, gây nhũng nhiễu cho DN. Đây mới là điều gây bức xúc thực sự cho các DN” – ông Lập nhấn mạnh.

Do đó, các luật sư đều cho rằng, điều cần nhất là phải thay đổi thái độ hành xử của phía cơ quan nhà nước, cán bộ thừa hành trong việc thực hiện công việc hàng ngày của mình.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân còn đến từ tâm lý bị động và muốn lách luật để thực hiện mục đích của DN. Theo ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, khi tiếp cận các dịch vụ công như đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, xin cấp phép, giấy phép trong lĩnh vực đất đai, tín dụng…, nhiều DN vẫn có tâm lý thực hiện “lách luật”. Do vậy, để giảm thiểu các khoản chi phí không chính thức bản thân DN cũng phải thay đổi tư duy và suy nghĩ.

“Hiện cộng đồng DN đang rất mong chờ sự ra đời và thực thi có hiệu quả trong thực tế của chương trình hành động của Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm đáng kể chi phí tuân thủ pháp luật và chi phí chính thức, phi chính thức cũng như tạo dựng một môi trường kinh doanh chi phí thấp cho DN” – ông Thân nhấn mạnh./.

Tố Uyên

——-

Thời báo Tài chính (Kinh doanh) 31-5-2018:

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2018-05-31/som-loai-bo-chi-phi-khong-chinh-thuc-trong-hoat-dong-kinh-doanh-58168.aspx

(172/1.013)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,384