2.189. Tại sao giữ nguyên trạm, giảm giá là tối ưu cho BOT Cai Lậy?

(CP) – Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng, phương án giữ nguyên trạm BOT Cai Lậy, giảm giá cho xe con, miễn phí cho người dân xung quanh là phương án hợp lý.

Cụ thể, theo phương án này, Bộ GTVT đề nghị giữ nguyên vị trí trạm hiện tại, tiếp tục giảm giá chung cho tất cả các phương tiện qua trạm, tức khoảng 30% so với ban đầu.

Lúc này các phương tiện nhóm 1 (xe 4 chỗ) sẽ tiếp tục được giảm từ 25.000 đồng/lượt xuống còn 15.000 đồng/lượt. Đây là mức thu thấp nhất trong tất cả các dự án BOT trên Quốc lộ 1 hiện nay.

Đồng thời mở rộng phạm vi miễn giảm giá cho các phương tiện vùng lân cận. Chẳng hạn, đối với Thị xã Cai Lậy sẽ áp dụng miễn giảm thêm xã Long Khánh và phường 2. Đối với huyện Cái Bè giảm thêm xã An Cư, xã Mỹ Hội. Giảm giá 100% cho các loại xe buýt và các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh; giảm 50% cho các loại phương tiện sử dụng để kinh doanh.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư (PPP), Bộ GTVT cho biết, phương án ưu tiên lựa chọn phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả 3 bên: Người dân, Nhà nước và nhà đầu tư trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Nếu ưu tiên lựa chọn phương án đặt trạm BOT trên tuyến tránh, không thu trên QL1, các xe sẽ đi vào trung tâm Thị xã Cai Lậy trên tuyến QL1 để trốn trạm, gây ùn tắc, gia tăng tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường cho nội đô Thị xã Cai Lậy khiến dự án không đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Đặc biệt, khi thực hiện phân luồng cũng gây nên phản ứng của người dân với lý do ép các phương tiện đi vào tuyến tránh có mua vé, nhất là các doanh nghiệp vận tải, kinh doanh gạo có trụ sở, giao dịch trong Thị xã Cai Lậy. Hơn nữa, theo tính toán của đơn vị tư vấn, khi đặt trạm trên tuyến tránh, chỉ có khoảng 3.800 lượt xe lưu thông/ngày đêm, dẫn tới ngân sách Nhà nước phải hỗ trợ cho cả vòng đời dự án khoảng 1.250 tỷ đồng để đảm bảo phương án tài chính khả thi.

Còn đối với phương án xóa bỏ Trạm BOT Cai Lậy dùng ngân sách Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư sẽ giải quyết triệt để phản ứng của một phận người dân.

“Tuy nhiên, chúng ta phải xét đến bối cảnh nguồn lực của Nhà nước hiện nay đang rất khó khăn, nếu lựa chọn phương án này sẽ dẫn tới hệ lụy cho các dự án khác. Khi đó, ngân sách Nhà nước có thể phải hỗ trợ 5 dự án khác có đầu tư tuyến tránh, thu giá trên tuyến chính tương tự Cai Lậy và 6 trạm thu cả trên tuyến quốc lộ và cao tốc của 4 dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc, kết hợp cải tạo quốc lộ song hành khoảng trên 30.000 tỷ đồng”, ông Nguyễn Viết Huy cho hay.

Ông Nguyễn Viết Huy cho biết thêm, lý do Bộ GTVT kiến nghị phương án giữ lại trạm và tiếp tục giảm giá cho tất cả phương tiện, mở rộng phạm vi miễn giảm giá cho khu vực lân cận bởi so với phương án tài chính ban đầu, mức giá cho tất cả phương tiện đã giảm tới 60%, giá vé này là thấp nhất trên toàn tuyến QL1.

“Khi thực hiện phương án này, Nhà nước sẽ không phải bố trí ngân sách hỗ trợ dự án, đồng thời, người dân được lợi khi giảm một phần chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí đi lại và dự án cũng đảm bảo mục tiêu là phân luồng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường trong trung tâm Thị xã Cai Lậy”, ông Huy nói.

Trao đổi riêng với Báo điện tử Chính phủ, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chuyên gia tham vấn thẩm tra các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Văn phòng Chính phủ, cho rằng: “Trong bối cảnh Ngân sách Nhà nước không đủ khả năng mua lại trạm BOT Cai Lậy và đường đã xây rồi thì kiểu gì cũng phải thu lại để hoàn cho nhà đầu tư. Do vậy, phương án giữ nguyên trạm như hiện nay, tiến hành giảm giá cho xe con, miễn phí cho người dân xung quanh còn xe tải, xe container giữ nguyên mức thu là tối ưu nhất”.

Thông tin thêm, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật cho biết, Bộ GTVT liên tục làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và các Bộ KH&ĐT, Tài chính, Công an để chốt phương án, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Trước đó, cả 5 phương án xử lý Trạm Cai Lậy đều đã được đưa ra thảo luận hai lần tại cuộc họp giữa Bộ GTVT với các bộ, ngành, địa phương dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Trong hai cuộc họp này, đa số các bộ, ngành đều đánh giá phương án giữ lại trạm BOT Cai Lậy và tiếp tục giảm giá, mở rộng phạm vi miễn giảm là khả thi nhất.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chấp thuận các đề xuất của Bộ GTVT và giao bộ này làm việc với các Bộ KH&ĐT, Tài chính, Công an và tỉnh Tiền Giang để chốt phương án tối ưu.

Phan Trang

——-

Chính phủ (Xã hội) 01-6-2018:

http://baochinhphu.vn/Doi-song/Tai-sao-giu-nguyen-tram-giam-gia-la-toi-uu-cho-BOT-Cai-Lay/337936.vgp

(268/1.011)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,827