2.220. Doanh nghiệp họp Đại hội muộn, cổ đông có thể kiện

(ĐTCK) – Với những doanh nghiệp vi phạm quy định về thời hạn tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2018, chuyên gia pháp lý cho rằng, cổ đông có thể kiện nếu vi phạm này xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Vượt giới hạn đỏ

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, ĐHCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Theo đề nghị của HĐQT, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính… Điều này có nghĩa là với mùa ĐHCĐ năm nay, ngày 30/6 là thời hạn cuối cùng các doanh nghiệp phải họp ĐHCĐ thường niên năm 2018. Thế nhưng, có những doanh nghiệp niêm yết đang ngấp nghé vi phạm quy định này, vì lịch họp ĐHCĐ được công khai sẽ diễn ra vào tháng 7/2018.

Tuy năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12 hàng năm, nhưng Công ty cổ phần (CTCP) CMISTONE Việt Nam (CMI) vừa công khai thời điểm cuối cùng chốt danh sách cổ đông là ngày 10/7/2018 để tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2018. Tuy không nêu lý do chậm tổ chức, nhưng nhìn vào kết quả hoạt động bết bát của Công ty có thể phần nào hiểu được vì sao CMI không sốt sắng họp ĐHCĐ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018, CMI chỉ ghi nhận 607,5 triệu đồng doanh thu, lỗ 8,5 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 3,2 tỷ đồng. Tuy mức lỗ này không lớn, nhưng vì thua lỗ triền miên, nên đến hết quý I/2018, CMI lỗ lũy kế gần hết vốn chủ sở hữu, khi số lỗ lên tới 159,4 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 4,5 tỷ đồng.

Dù không tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm nay vào tháng 7/2018, nhưng rất nhiều doanh nghiệp tổ chức họp vào những ngày cuối cùng của tháng 6/2018. Chẳng hạn, CTCP Dầu thực vật Sài Gòn (SGO) triệu tập họp vào ngày 30/6/2018; CTCP PGT Holdings (PGT), CTCP Nông nghiệp và thực phẩm Hà Nội – Kinh Bắc (HKB) đều họp vào ngày 29/6/2018…

Câu hỏi đặt ra là với những trường hợp này, nếu trong lần triệu tập họp đầu tiên không đủ điều kiện tổ chức đại hội, thì các lần triệu tập tiếp theo sẽ vào rơi vào tháng 7/2018, khi đó doanh nghiệp có vi phạm Luật Doanh nghiệp hay không?

Doanh nghiệp chậm trễ trong họp ĐHCĐ thường niên bị coi là “mất điểm” trong con mắt nhà đầu tư về chất lượng quản trị. Điều này tiềm ẩn những rủi ro xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông.

Thật khó hình dung đến quá nửa chặng đường hoạt động một năm, doanh nghiệp mới trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm, cũng như chiến lược hoạt động của công ty.

Khi tình huống doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch này, có hay không việc lãnh đạo doanh nghiệp tìm cách thoái thác trách nhiệm bằng cách viện lý do kế hoạch kinh doanh được thông qua muộn, dẫn đến việc tổ chức triển khai không kịp?

Có thể khởi kiện

Theo quy định, với các doanh nghiệp niêm yết được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp phép hoạt động, thẩm quyền quyết định gia hạn tổ chức ĐHCĐ cho doanh nghiệp là cơ quan đăng ký kinh doanh. Nếu doanh nghiệp vi phạm thì sẽ bị xử phạt.

Thực tế cho thấy, chế tài xử phạt quá nhẹ đang là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không ngại vi phạm về thời hạn họp ĐHCĐ.

Theo quy định tại Nghị định 50/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, doanh nghiệp không tiến hành họp ĐHCĐ thường niên trong thời hạn quy định, thì bị xử phạt từ 5 – 10 triệu đồng.

Còn những doanh nghiệp do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cấp phép hoạt động như: công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ…, theo một lãnh đạo cơ quan thanh tra UBCK, khi doanh nghiệp vi phạm về thời hạn tổ chức họp ĐHCĐ, thì cơ quan này sẽ xem xét xử phạt và công khai. Thực tế thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp bị UBCK xử phạt.

Trong bối cảnh chế tài xử phạt doanh nghiệp không đủ sức răn đe, làm cách nào để nhà đầu tư bảo vệ mình nếu doanh nghiệp họp ĐHCĐ muộn, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông? Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) cho rằng, căn cứ vào quy định của Luật Doanh nghiệp, những doanh nghiệp có năm tài chính từ ngày 1/1 – 31/12 hàng năm, thì thời gian tổ chức ĐHCĐ vào tháng 7 trong năm là vi phạm Luật Doanh nghiệp.

Đương nhiên, doanh nghiệp triệu tập họp ĐHCĐ vào những ngày cuối cùng của tháng 6, mà cụ thể như năm nay là ngày 30/6, thì trong lần triệu tập thứ nhất không đủ điều kiện tổ chức đại hội, mà phải triệu tập các lần tiếp theo vào tháng 7/2018 cũng phạm luật.

“Khi nhận thấy việc doanh nghiệp tổ chức ĐHCĐ muộn mà xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của mình, cổ đông, nhà đầu tư có quyền khởi kiện”, ông Đức cho hay.

Còn một cách trừng phạt khác mang tính thị trường, mà nhà đầu tư có thể chủ động thực hiện là “cạch mặt” cổ phiếu của những doanh nghiệp này. Cách này nếu được áp dụng triệt để trên diện rộng sẽ tạo ra sức ép buộc doanh nghiệp sẽ phải thay đổi hành vi nếu không muốn bị nhà đầu tư quay lưng.

Nguyễn Hữu

—————

Đầu tư Chứng khoán (Chứng khoán) 05-7-2018:

http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/doanh-nghiep-hop-dai-hoi-muon-co-dong-co-the-kien-234340.html

(106/1.052)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,623