2.240. HUD bán một phần trụ sở thu hồi vốn: Đúng luật nhưng…

(DV) – Chuyển nhượng dự án là bình thường và được pháp luật cho phép, điều quan trọng là hiệu quả làm ăn của doanh nghiệp thế nào.

Bộ Xây dựng vừa có văn bản đồng ý cho Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) chuyển nhượng một phần dự án HUD Tower – trụ sở kết hợp văn phòng cho thuê trên đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội để thu hồi vốn.

HUD là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, từng được coi là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực phát triển nhà ở và đô thị, trong đó có Linh Đàm – một trong những khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước.

Doanh nghiệp hiện có hơn 20 đơn vị thành viên trong các lĩnh vực đầu tư, xây lắp, tư vấn thiết kế nhà và đô thị; sản xuất dịch vụ xây dựng; dịch vụ đô thị… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với sự lớn mạnh của các tập đoàn bất động sản tư nhân cũng với những biến động, khủng hoảng trên thị trường, HUD cũng gặp không ít khó khăn.

HUD được phép chuyển nhượng một phần dự án HUD Tower để thu hồi vốn.

Trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia đều khẳng định, việc nhà đầu tư chuyển nhượng dự án cho một nhà đầu tư khác đã được pháp luật cho phép.

Theo LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), quy định cũ trước đây chỉ cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án, nhưng Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã quy định chủ đầu tư dự án bất động sản được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án cho chủ đầu tư khác để tiếp tục đầu tư kinh doanh. 

Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo không làm thay đổi mục tiêu của dự án; không làm thay đổi nội dung của dự án; bảo đảm quyền lợi của khách hàng và các bên có liên quan.

LS Trương Thanh Đức cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp nhà nước cũng giống hệt như doanh nghiệp bên ngoài. Nếu doanh nghiệp bên ngoài cá nhân, cổ đông làm chủ thì đối với doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước làm chủ sở hữu. Tuy nhiên, mọi quyền lợi, nghĩa vụ của các loại hình doanh nghiệp này đều bình đẳng như nhau, đều được phép kinh doanh, được phép chuyển nhượng.

Đồng quan điểm, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định việc chuyển nhượng dự án (một phần hay toàn bộ) được pháp luật cho phép. Bản thân doanh nghiệp nhà nước cũng được giao đất như các loại hình doanh nghiệp khác, trừ khi doanh nghiệp nhà nước sử dụng đất không phải trả tiền mới nên chuyện.

Trước băn khoăn dự án được chuyển nhượng thì việc xác định giá trị doanh nghiệp sẽ như thế nào khi cổ phần hóa, GS.TS Đặng Hùng Võ cho biết, đây cổ phần hóa và chuyển nhượng dự án là hai câu chuyện khác.

Theo đó, khi cổ phần hóa, tài sản của doanh nghiệp sẽ được định giá, trong đó có những cái thuộc vốn cố định nằm ở giá trị đất đai, chẳng hạn như đất làm trụ sở doanh nghiệp, đất được doanh nghiệp giữ để phục vụ hoạt động cho họ chứ không phải kinh doanh. Còn đối với dự án là đất kinh doanh bao giờ cũng phải để riêng ra, đó là phần doanh nghiệp làm và có thể chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác.

“Đất đai được giao mà có thu tiền, doanh nghiệp làm dự án thì doanh nghiệp nhà nước cũng giống như tất cả các doanh nghiệp khác, việc chuyển nhượng dự án là bình thường và được pháp luật cho phép”, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Trong khi đó, cũng khẳng định việc chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác là bình thường, thuộc nguyên tắc chung nhưng LS Trương Thanh Đức chỉ ra một điều vô lý nằm ở hiệu quả làm ăn của doanh nghiệp nhà nước như thế nào.

Trước dự án HUD Tower, HUD cũng đã chuyển nhượng lại nhiều dự án, một phần dự án cho các doanh nghiệp khác.

Nhiều dự án đầu tư vượt xa khả năng tài chính của HUD đã phải chuyển nhượng cho đối tác khác. Đơn cử như khu đất vàng Tổ hợp Ánh Dương tại Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ.

“Điều đó cho thấy doanh nghiệp ăn lãi chính là ở chuyển nhượng dự án chứ không phải nhờ tài sản xuất, kinh doanh. 

Họ tận dụng lợi thế của doanh nghiệp nhà nước, đó là xin dễ, chi ít, mọi thủ tục được tạo điều kiện hơn…, nhưng cuối cùng họ lại mang bán dự án, chẳng khác gì tư nhân.

Điều đó cho thấy doanh nghiệp nhà nước làm ăn không tốt, thế nên phải dựa vào chuyện bán dự án thay vì có được hiệu quả từ sản xuất kinh doanh, sản phẩm khác”, LS Trương Thanh Đức lưu ý. 

Thành Luân

—————————–

Đất Việt (Bất động sản) 19-7-2018:

http://baodatviet.vn/kinh-te/bat-dong-san/hud-ban-mot-phan-tru-so-thu-hoi-von-dung-luat-nhung-3362075/

(340/929)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,694