2.308. Tặng 50% giá trị thẻ nạp dịp 2.9

Khách hàng là người được hưởng lợi nhiều nhất khi nhà mạng “phá rào”, khuyến mại tới 50% giá trị thẻ nạp. Ảnh: PV

(LĐ) – Các nhà mạng bắt đầu chiến dịch khuyến mại “khủng” trở lại, lên tới 50% giá trị thẻ nạp, chiểu theo Thông tư 47/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) là đã vượt quá 20% theo quy định. Trong khi lãnh đạo Cục Viễn Thông còn đang “xem lại thông tin này” thì về mặt pháp luật, các nhà mạng không sai khi áp dụng Nghị định 81/2018 của Chính phủ.

Nhà mạng khuyến mại khủng

Các nhà mạng vừa tung chiến dịch khuyến mại “khủng” chào mừng dịp Quốc khánh 2.9, Viettel công bố tặng 50% giá trị tất cả các thẻ nạp trong ngày 31.8. Tiền khuyến mại không phân biệt sử dụng nội, ngoại mạng và giới hạn thời gian sử dụng trong một khoảng nhất định.

Trong khi đó, đại diện VinaPhone cũng khẳng định sẽ triển khai chương trình khuyến mại tặng 50% giá trị thẻ nạp cùng thời điểm ngày 31.8. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho rằng không quá hào hứng bởi việc giới hạn về thời gian gây khó cho người dùng, buộc người dùng phải sử dụng hết tài khoản khuyến mại trước khi hết hạn.

Nếu chiểu theo Thông tư 47/2017/TT-BTTTT ngày 29.12.2017 của Bộ TTTT quy định tại Điều 4, khoản 1: Mức giá trị vật chất tối đa dùng để khuyến mại cho một đơn vị dịch vụ thông tin di động, hàng hóa viễn thông chuyên dùng đối với dịch vụ thông tin di động của thuê bao dịch vụ thông tin di động trả trước không được vượt quá 20% giá của đơn vị loại hình dịch vụ thông tin di động, hàng hóa viễn thông chuyên dùng đối với dịch vụ thông tin di động được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại, thì nhà mạng đang khuyến mại vượt quá tới 30%.

Thế nhưng, nếu chiểu theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22.5.2018 của Chính phủ thì việc khuyến mại của các nhà mạng không sai. Bởi Nghị định 81 ra đời sau Thông tư 47, đồng thời có hiệu lực cao hơn.

Trong đó, tại Điều 6, khoản 1 của Nghị định 81 quy định Hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại như sau: Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại…

Quy định chồng chéo, làm khó doanh nghiệp

Theo luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI), hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật được phân cấp từ cao xuống thấp bắt đầu từ Hiến pháp, tới Luật (hoặc Nghị quyết của Quốc hội), Pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán tối cao, Thông tư liên tịch, Thông tư.

Rõ ràng, đang có sự mâu thuẫn giữa Thông tư 47 và Nghị định 81 của Chính phủ. Trong khi đó, người dân hay doanh nghiệp chỉ cần tuân thủ các quy định của pháp luật, quy định càng mới càng có cơ sở áp dụng vào thực tế, việc có sự mâu thuẫn, xung đột, chồng chéo là trách nhiệm của các cơ quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Doanh nghiệp hoàn toàn có quyền áp dụng theo quy định của Nghị định 81 nhưng lại bị sự ràng buộc của Thông tư 47 dẫn tới sự băn khoăn không biết làm như vậy có bị xử lý hay không, mặc dù giá trị hiệu lực của Nghị định cao hơn hẳn so với Thông tư do Bộ ban hành.

Theo luật sư Đức, về nguyên tắc doanh nghiệp có thể áp dụng như vậy mà không hề vi phạm, nhưng trên thực tế lại rất khác. Hiếm khi doanh nghiệp “dám” làm khác đi dù có lợi cho cả doanh nghiệp và người dân, vì cấp quản lý có thể “vận dụng” rằng quy định của Nghị định là mức trần, còn Thông tư quy định cụ thể hơn trong trường hợp này.

Đối với trường hợp cụ thể như Thông tư 47 và Nghị định 81, Bộ cần phải có một văn bản rõ ràng để lý giải về vấn đề này, tạo cơ chế phù hợp cho doanh nghiệp
hoạt động.

Ngày 30.8, trả lời Báo Lao Động, lãnh đạo Cục Viễn thông cho rằng cần phải “xem lại thông tin này” trước khi trả lời các vấn đề phóng viên đưa ra.

——————

Lao động (Thị trường) 31-08-2018:

Tặng 50% giá trị thẻ nạp dịp 2.9 | Tin tức mới nhất 24h – Đọc Báo Lao Động online – Laodong.vn

(317/797)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,813