2.323. Thông tư 19 phù hợp với thực tiễn thanh toán thương mại biên giới Việt Nam và Trung Quốc: Tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các giao dịch thu, chi

(LĐ) – Ngày 28.8.2018, Thống đốc NHNN ký ban hành Thông tư số 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc (Thông tư 19).

Nếu vận chuyển trái phép qua biên giới số tiền VND hay CNY có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử phạt hình sự. Ảnh: P.V

Thông tư 19 được ban hành là nhằm hướng dẫn việc thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc theo nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 14 và khắc phục những bất cập trong thực tiễn thanh toán đã thực hiện từ nhiều năm nay. Theo đại diện NHNN, thông tư quy định cụ thể hoạt động sử dụng tài khoản Nhân dân tệ (CNY), VND nhằm tạo cơ sở pháp lý để thương nhân Việt Nam, Trung Quốc thực hiện các giao dịch thu, chi bằng đồng bản tệ trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ.

Các quy định của Thông tư 19 hợp pháp và hợp hiến

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 12.9, LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, – cho biết: “Đây không phải là thông tư đầu tiên quy định về việc này, mà đã có những quy định tương tự từ 24 năm trước đây theo Thông tư số 06/TT-NH8 ngày 18.3.1994 và Quyết định số 689/2004/QĐ-NHNN ngày 7.6.2004 của Ngân hàng Nhà nước”.

Luật Các tổ chức tín dụng, Pháp lệnh Ngoại hối hiện hành đều khẳng định rõ nguyên tắc trên lãnh thổ Việt Nam, đồng tiền Việt Nam là đồng tiền duy nhất được lưu hành. Đó cũng là tinh thần của Hiến pháp. Các ngoại tệ có thể được sử dụng làm phương tiện giao dịch, thanh toán trong các giao dịch dân sự, nhưng đều phải qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng được phép giao dịch ngoại hối, và chịu sự giám sát, kiểm soát của Nhà nước.

Vậy các quy định trong Thông tư 19 có trái với Hiến pháp quy định “Đơn vị tiền tệ quốc gia là Đồng Việt Nam” hay không?

Theo LS Trương Thanh Đức, quy định về việc thanh toán bằng đồng tiền Nhân dân tệ (CNY) và ngoại tệ mạnh như USD tại khu vực biên giới không hề trái với quy định “Đơn vị tiền tệ quốc gia là Đồng Việt Nam” tại Điều 55 Hiến pháp năm 2013, càng không trái với luật và pháp lệnh, nhất là theo nguyên tắc chung thì ưu tiên áp dụng quy định của Hiệp định khi có quy định khác với luật. Như vậy, có thể hiểu là VND vẫn là đồng tiền pháp định, được lưu hành thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam và càng không có chuyện Thông tư 19 quy định việc thanh toán bằng đồng tiền CNY tại khu vực biên giới là vi hiến.

Vận chuyển trái phép tiền qua biên giới phạt 10 năm tù

Thông tư 19 đã quy định, việc mua bán hàng hóa, dịch vụ tại chợ và khu vực biên giới của Việt Nam thì chỉ được phép thanh toán tiền mặt VND, còn đối với đồng CNY thì chỉ được thanh toán qua tài khoản ngân hàng (Điều 9). Chỉ riêng đối với việc mua bán hàng hóa, dịch vụ qua biên giới của thương nhân thì mới được phép thanh toán bằng tiền mặt CNY trên cơ sở hợp đồng xuất khẩu hàng hóa (Điều 4.2). Trong trường hợp này, thương nhân phải nộp tiền ngay vào tài khoản mở tại ngân hàng thương mại trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tiền mặt CNY.

Trước các ý kiến lo ngại việc cho phép thanh toán bằng đồng CNY tại khu vực biên giới có thể dẫn đến việc đồng CNY sẽ được dùng thanh toán tương tự như VND trên lãnh thổ Việt Nam, LS Trương Thanh Đức cho biết, cũng giống như đối với các ngoại tệ khác, việc thanh toán bằng đồng CNY ngoài khu vực biên giới là bất hợp pháp và người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với số tiền rất lớn, đồng thời bị tịch thu toàn bộ số tiền thanh toán vi phạm. Nếu người dân nắm rõ quy định này và các cơ quan chức năng làm hết trách nhiệm thì không đáng lo ngại. Hơn nữa, việc thanh toán tương tự không phải mới phát sinh mà đã được thực hiện từ năm 1994.

Cụ thể, theo LS Trương Thanh Đức, nếu sử dụng đồng tiền mặt CNY để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ trái với quy định trên thì cá nhân có thể bị xử phạt từ 200 – 250 triệu đồng và tổ chức có thể bị xử phạt gấp đôi số tiền này theo quy định. Nếu vận chuyển trái phép qua biên giới số tiền VND hay CNY có trị giá trừ 5 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử phạt đến 100 triệu đồng (đối với cá nhân) hoặc 200 triệu đồng (đối với tổ chức). Nếu vận chuyển trái phép qua biên giới số tiền VND hay CNY có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử phạt hình sự theo quy định tại Điều 189 về “Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”, Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù.

Thông tư 19 hướng dẫn Nghị định 14/2018/NĐ-CP ngày 23.1.2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới (Nghị định 14) và thay thế Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN ngày 7.6.2004 về việc ban hành quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc (Quyết định 689).

LAN HƯƠNG

——————

Lao Động (Kinh doanh) 13-9-2018:

https://laodong.vn/kinh-te/thong-tu-19-phu-hop-voi-thuc-tien-thanh-toan-thuong-mai-bien-gioi-viet-nam-va-trung-quoc-tao-co-so-phap-ly-de-thuc-hien-cac-giao-dich-thu-chi-630588.ldo

(630/1.064)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.730. Ra mắt cuốn “cẩm nang” tra cứu về pháp...

(ND) - Cuốn sách “Cẩm nang pháp luật ngân hàng (Nhận diện những vấn...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,550