2.414. Mua cổ phiếu hợp lệ vẫn… rủi ro.

(TT) – Đặt lệnh thành công mua cổ phần của Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt nhưng 7 nhà đầu tư lại bị phong tỏa toàn bộ cổ phần đã mua.

Có 7 nhà đầu tư đặt lệnh mua cổ phần của Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt (DLR) theo mẫu của Công ty cổ phần chứng khoán Phú Gia, nhưng xảy ra tranh chấp một số lượng cổ phần tương đương từ vụ án trước đó.

Tòa ra lệnh phong tỏa toàn bộ số cổ phần của 7 nhà đầu tư và đưa họ tham gia tố tụng.

Cả 7 người đều không biết người bán là ai, lệnh mua được khớp, tiền được chuyển đi, số cổ phần đặt mua của từng người đã được sang chuyển tên của họ.

Bị phong tỏa sau khi mua thành công

Ông Đặng Lâm Thành (người đã đặt mua 195.000 cổ phần của DLR) cho biết ngày 8-1-2018, ông đặt lệnh bằng cách viết phiếu lệnh mua chứng khoán theo mẫu của Công ty cổ phần chứng khoán Phú Gia, chuyển phiếu lệnh cho nhân viên môi giới chứng khoán của công ty này.

Nhân viên môi giới nhập lệnh mua của ông vào hệ thống giao dịch trên sàn chứng khoán Hà Nội để mua cổ phiếu DLR với giá 8.200 đồng/cổ phần. Thời gian đặt lệnh từ ngày 8 đến 15-1-2018.

Sau đó, lệnh mua của ông Thành khớp lệnh bán của các nhà đầu tư. Giao dịch được chuyển đến Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) để kiểm tra, thực hiện và xác nhận giao dịch thành công.

195.000 cổ phần DLR được chuyển sang tài khoản của ông Thành và toàn bộ tiền mua cổ phần cũng đã được chuyển sang bên bán.

“Việc đặt lệnh mua cổ phiếu của tôi được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, quy chế của sàn giao dịch chứng khoán.

Việc đặt mua được thực hiện tự động, không phụ thuộc vào người bán, không biết bên bán là ai… Đây là hình thức giao dịch cơ bản và phổ biến trên thị trường chứng khoán được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Thời điểm tôi mua, cổ phiếu này cũng không bị cấm giao dịch. VSD xác nhận giao dịch đã thành công, do đó việc mua cổ phiếu này được pháp luật bảo vệ và không thể bị hủy vì bất cứ lý do gì” – ông Thành nói.

Tuy nhiên, ngày 17-1, ông Thành nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP.HCM cấm chuyển dịch toàn bộ 195.000 cổ phần mà ông đã mua. Không chỉ ông Thành, 6 nhà đầu tư khác đã mua cổ phần này cũng nhận quyết định tương tự.

“Chúng tôi mua bán ngay tình, cổ phiếu được bán trên sàn chứ đâu có mua lén lút, thế nhưng mua xong bị phong tỏa. Tôi mua cổ phiếu để bán đi, chứ không phải để giữ lại. Tiền mua cũng là tiền vay. Bị phong tỏa thế này ảnh hưởng uy tín ghê lắm” – bà Nguyễn Lê Quỳnh Như, 1 trong 7 nhà đầu tư cổ phiếu DLR, bức xúc.

 

Phong tỏa vượt quá số cổ phần liên quan đến vụ án

Đến ngày 13-6, cả 7 nhà đầu tư nhận được giấy triệu tập của TAND TP.HCM với tư cách là người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp “hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu” giữa nguyên đơn là ông Trịnh Ngọc Thanh với bị đơn là ông Nguyễn Minh Trí và Công ty cổ phần chứng khoán Phú Gia.

Theo hồ sơ vụ án, ông Thanh vay của ông Trí 7 tỉ đồng và có ký giấy thế chấp kèm ủy quyền bán 1.323.036 cổ phần DLR nếu không có tiền trả. Hết thời gian quy định, ông Thanh vẫn không trả.

Ông Trí và người đại diện của Công ty Phú Gia làm lệnh bán số cổ phiếu trên sàn. Có hai người mua được số cổ phiếu này và đến tháng 1-2018, hai người này tiếp tục bán trên sàn Hà Nội. Thời điểm này, 7 nhà đầu tư trên đặt lệnh mua 1.385.000 cổ phần (chênh lệch 61.964 cổ phần).

Cụ thể các nhà đầu tư: Hoàng Trung Sơn mua 205.000 cổ phần, Hoàng Đình Vương 195.000 cổ phần, Nguyễn Lê Quỳnh Như 195.000 cổ phần, Phan Vũ Minh Nhẫn 205.000 cổ phần, Phạm Công Điền 195.000 cổ phần, Văn Thị Tú Nga 195.000 cổ phần và Đặng Lâm Thành mua 195.000 cổ phần.

Các nhà đầu tư cho rằng việc đặt lệnh, khớp lệnh mua số cổ phần trên đúng quy định trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Tất cả hoạt động mua bán cổ phiếu trên sàn giao dịch đều được thực hiện theo hình thức khớp lệnh tự động. Vậy cơ sở nào để tòa xác định số cổ phiếu mà 7 nhà đầu tư đã mua liên quan đến vụ tranh chấp mua bán cổ phần mà tòa án đang thụ lý giải quyết?

Hơn nữa, theo hồ sơ vụ án tranh chấp “hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu” giữa các bên thì số cổ phần DLR liên quan đến tranh chấp nói trên chỉ là 1.323.036 cổ phần, trong khi số cổ phần mà 7 nhà đầu tư đã mua là 1.385.000 cổ phần (chênh lệch 61.964 cổ phần).

Vậy lý do gì tòa án lại cấm giao dịch đối với toàn bộ số cổ phần mà 7 nhà đầu tư đã mua?

 

Luật dân sự bảo vệ người thứ ba ngay tình

Luật sư Trương Thanh Đức, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho rằng nhà đầu tư đặt lệnh mua được trên sàn là hoàn toàn hợp pháp và hợp lệ.

Hơn nữa, Bộ luật dân sự quy định rất rõ về quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ 3 ngay tình.

Do đó, 7 nhà đầu tư đã đặt lệnh mua cổ phần trên sàn, đương nhiên không thể biết được số cổ phần này nằm trong một vụ tranh chấp.

Việc tòa án ra quyết định ngăn chặn giao dịch số cổ phần trên là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.

Sự thật, dù trước đó các giao dịch có mang tính chất lừa đảo hay vi phạm pháp luật, nhưng người thứ 3 đã mua ngay tình thì quyền lợi của người thứ 3 vẫn phải được đảm bảo.

Luật hôn nhân gia đình cũng quy định đối với cổ phiếu thì ai đứng tên trong tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, đứng tên cổ phiếu thì người đó được giao dịch.

Như vậy, cần phải gỡ bỏ phong tỏa giao dịch trên để không ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư.

 

Mua mà không biết tài sản có vấn đề thì rất rủi ro

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Sơn – chủ tịch hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán – cho biết về mặt lý thuyết, giao dịch đã thành công rồi nhưng vì một lý do nào đó mà cơ quan có thẩm quyền yêu cầu nhà đầu tư tạm ngưng chuyển nhượng.

Tài sản mua rồi nhưng chưa được bán có thể do bị phong tỏa, hoặc có tranh chấp chưa được xử lý. Trước đây đã có xảy ra trường hợp tương tự.

“Khi đặt lệnh mua trên thị trường thì hệ thống tự động khớp trên máy mà nhà đầu tư không thể biết người bán là ai. Câu chuyện là nhà đầu tư mua mà không biết tài sản đang có vấn đề và không được bán thì rất rủi ro cho họ” – ông Sơn nói.

Về vụ việc này, bà Vũ Thị Chân Phương – phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán VN – cho hay nhà đầu tư nên chuyển đơn phản ánh đến Ủy ban Chứng khoán. Nhận được, ủy ban sẽ xem xét giải quyết ngay.

Tuy nhiên, dưới góc độ của nhà đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Hải, tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, cho rằng trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.

Những sự việc như vậy thì cơ quan quản lý phải nắm bắt được và giải quyết ngay, chứ không thể đợi nhà đầu tư kêu cứu.

Với những trường hợp cổ phần, cổ phiếu có vấn đề thì Ủy ban Chứng khoán phải thông tin công khai cho thị trường biết.

Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cần phải tạo niềm tin cho thị trường, cho nhà đầu tư để không mua phải những cổ phần, cổ phiếu mà mua xong lại bị phong tỏa, không được bán.

(L.THANH), HOÀNG ĐIỆP


Tuổi trẻ (Pháp luật) 16-11-2018:

https://tuoitre.vn/mua-co-phieu-hop-le-van-rui-ro-20181116083353177.htm

(219/1.518)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,581