2.442. Giá điện tại nhà trọ “thỏa thuận miệng”: Sinh viên, người thu nhập thấp “lãnh đủ”.

(NĐT) – Hơn 1 tháng Thông tư 25/2018/TT-BCT (Thông tư 25) của Bộ trưởng bộ Công Thương quy định về thực hiện giá bán điện chính thức có hiệu lực, tuy nhiên, nhiều chủ nhà cho thuê và người thuê nhà ở vẫn chưa thực hiện theo mức giá mới.

Giá điện cao “chót vót”

Thông tư 25 của bộ Công Thương được áp dụng từ ngày 26/10/2018 nêu rõ, các trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình), có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).

Qua khảo sát của PV báo Người Đưa Tin ngày 9/12/2018, tại Hà Nội, một số khu trọ quanh các trường đại học trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, những khu vực có số lượng sinh viên ở trọ khá đông đúc, rất nhiều sinh viên vẫn đang thực hiện chi trả tiền điện tại các phòng trọ theo “thỏa thuận miệng” của các chủ nhà trọ, với mức giá cao ngất ngưởng.

Đặc biệt, nhiều người thuê trọ vẫn đang trong tình trạng “ngày này qua tháng khác” phải chi trả số tiền lớn cho việc tiêu thụ điện, mà chủ yếu là chủ nhà trọ “buôn bán” điện với những mức giá không hề “nhẹ nhàng”, 3.500 đồng/kWh, hay phổ biến hơn là 4.000 – 4.500 đồng/kWh và đặc biệt một số nơi giá “cắt cổ” ở mức  5.000 đồng/kWh.

Bạn Ma Thị Thúy Nga, sinh viên học viện Báo chí & Tuyên truyền chia sẻ: “Hiện tại mình đang thuê phòng trọ tại phường Dịch Vọng, Cầu Giấy đã được 4 năm, giá điện tại đây là 4.500 đồng/kWh. Mình cảm thấy mức tiền này khá cao so với sinh viên  và hy vọng giá tiền điện sẽ giảm đúng theo những quy định đã ban hành”.

Bạn Lê Duy Linh, sinh viên đại học Thủy Lợi cho biết: “Mình thuê phòng trọ tại Triều Khúc, Thanh Xuân, giá tiền điện đang là 4.5000 đồng/kWh”.

Bạn Bùi Thanh Huyền còn cho biết giá điện cao chót vót ở khu trọ: “Mình trọ ở Khâm Thiên, Đống Đa, giá điện 5.000 đồng/kWh – mức giá “cắt cổ” so với túi tiền của sinh viên. Nhưng cũng chẳng biết làm sao, mình đi trọ thì phải theo quy tắc nhà người ta, bây giờ đòi hỏi, người ta không cho ở lại nữa thì cũng khó khăn. Giá như tiền điện tại nhà trọ giảm xuống được thì tốt quá!”.

Sống trong một khu nhà trọ đã có công tơ điện riêng cho từng phòng nhưng bạn Lê Nguyễn Linh Trang vẫn không khỏi bức xúc vì giá tiền điện: “Mình đang thuê trọ tại phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, với giá tiền điện là 4.500 đồng/kWh. Thực sự mình thấy hơi cao so với khả năng tài chính của đại đa số sinh viên nói chung. Đối với riêng bản thân mình, giá điện chiếm một khoản khá lớn trong tổng chi phí sinh hoạt cuối tháng”.

Nhiều khu trọ vẫn chưa áp dụng giá bán điện theo Thông tư 25.

Bạn Nguyễn Văn Khánh chia sẻ: “Giá tiền điện ở khu trọ của mình tại Thanh Xuân Bắc hiện tại đang là 4.000 đồng/kWh, cao gấp gần ba lần giá điện tại quê mình.

Tại một khu trọ ở Hà Đông, bạn Cao Thị Hà cho biết, đang trọ với giá điện 4.500 đồng/kWh. Bạn Hoàng Thị Ngọc Bích, trọ tại Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy với số tiền trả 4.000 đồng/kWh.

Không chỉ ở Hà Nội, giá điện thuê trọ tại một số khu trọ ở TP.Hồ Chí Minh cũng chưa hề giảm. Bạn Nguyễn Anh Tú, sinh viên trường đại học Công nghệ Thông tin – đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho biết đang phải chi trả tiền điện hàng tháng với mức 4.500 đồng/kWh, tại quận Bình Thạnh.

Không kiểm soát được, sao đảm bảo lợi ích?

Theo Thông tư 25, trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà có thời hạn thuê nhà dưới 12 tháng, nếu chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 từ 101 – 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.

Ngoài ra, chủ nhà kê khai đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức sử dụng điện cho chủ nhà, căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan công an quản lý địa bàn.

Theo đó, cứ 4 người được tính là 1 hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Cụ thể, 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức.

Khi có sự thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện.

Tuy nhiên, cũng theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin tại một số khu trọ ở Hà Nội, đến nay vẫn còn nhiều chủ nhà trọ chưa thực hiện theo Thông tư mới này.

Nhiều cá nhân xây nhà cho thuê mặc dù đã lắp đặt công tơ tính tiền điện riêng cho mỗi phòng trọ, nhưng những người thuê trọ vẫn chưa được hưởng quyền lợi như một hộ sử dụng điện độc lập.

Tại khu nhà trọ của ông Lê Mạnh Cường ở phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, với căn phòng khoảng 15 – 18m2, giá thuê 2 triệu đồng/tháng, việc sử dụng điện tại đây đã có công tơ riêng từng phòng, nhưng vẫn thu tiền điện với mức giá 4.000 đồng/kWh.

Khu trọ nhà bà Nguyễn Thu Giang gần đó cũng thu tiền điện giá 4.000 đồng/kWh, nhưng sinh viên và người đi làm vẫn thực hiện theo thỏa thuận từ trước. Các chủ nhà trọ tại đây khi được hỏi, đều khẳng định, chưa hề tiếp cận thông tin về giá điện theo Thông tư 25.

Các trường hợp thu tiền điện sai quy định vẫn chưa kiểm soát được, chỉ có thể phát hiện nhỏ lẻ trong quá trình thanh toán.

Thậm chí, tại một số khu trọ, chủ nhà trọ tính tiền điện nước gộp chung với tiền nhà thành một khoản cố định, nhưng nhiều sinh viên vẫn thực hiện nộp theo.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đại diện ban Quan hệ cộng đồng của Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN cho biết: “Về mặt quy định, các chủ nhà trọ không được thu giá cao hơn mức giá đã đưa ra, còn trên thực tế, giá điện tại mỗi khu trọ lại liên quan đến sự thỏa thuận, nhất trí riêng của chủ nhà trọ và người thuê.

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện được trường hợp nào vi phạm thì sẽ tiến hành xử lý. Giá điện đã được công khai, thông báo đến các chủ nhà trọ, chỉ được thu tiền theo mức giá này. Còn trong thực tế, việc kiểm soát áp dụng giá điện tại từng nhà trọ cũng khó khăn, hiện tại chủ yếu dựa trên sự thỏa thuận của chủ nhà trọ và người thuê trọ”.

PV Người Đưa Tin đã liên hệ nhiều lần với đại diện sở Công Thương TP.Hà Nội, tìm hiểu kết quả rà soát, kiểm tra thực tế sau hơn 1 tháng Thông tư 25 có hiệu lực, cũng như các giải pháp, phương thức quản lý, tuy nhiên, vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức nào.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Chính sách  đưa ra được thực hiện quá chậm, như vậy là bất hợp lý cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người yếu thế, người nghèo khó, phải đi thuê nhà trọ. Đưa ra những quy định nhưng không được giải quyết triệt để, chỉ đưa ra để đó, chỉ là “quy định trên trời”, việc thực hiện chậm trễ, nhiều vướng mắc, gây thiệt hại, bất lợi, nếu cứ so đo tính toán thì sẽ không bao giờ thực hiện được”.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp, đoàn luật sư TP.Hà Nội chỉ ra: “Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN cũng chỉ như một doanh nghiệp bình thường khác, giống như những cá nhân, tổ chức kinh doanh khác, phát hiện ra các trường hợp thu sai quy định là trách nhiệm của sở Công Thương. Cần quản lý, thanh tra sát sao, đưa ra biên bản vi phạm quyết định xử phạt”.

Luật sư Trương Thanh Đức nhận định: “Đây là việc phải làm, là một trong những chính sách xã hội. Nếu tiếp tục “dây dưa” không giải quyết kịp thời, sẽ gây bất lợi, ảnh hưởng xấu tới cuộc sống khó khăn của người dân. Chỉ có người trung gian ở giữa, là các chủ nhà trọ trục lợi. Chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước khi thực hiện không nghiêm túc ở khâu trung gian lại trở thành phản cảm, tạo những suy nghĩ không có lợi, ảnh hưởng tới lòng tin, cuộc sống người dân”.

Theo luật sư Đức, phương án lắp công tơ điện hoàn toàn không gây quá tốn kém về mặt kinh phí. Vì thế, cần xử lý nhanh, không thể cứ hô hào tinh thần tự nguyện của chủ nhà trọ, bao nhiêu lợi nhuận vào túi chủ trọ hết. Việc tổ trưởng quản lý nhà trọ chỉ có thể tham khảo thêm, còn cái chính, là chính quyền phải quản lý đến tận nơi, trực tiếp, về hộ khẩu, tạm trú, vì còn liên quan trực tiếp nhiều vấn đề như thuế, bầu cử…

Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định, quan trọng nhất là công cụ và biện pháp cụ thể, rõ ràng để giải quyết triệt để.

“Quan trọng nhất là phải có công cụ và biện pháp cụ thể, rõ ràng. Không thể để chủ nhà trọ thu hộ phí điện của người thuê trọ nữa, hãy thu trực tiếp như các hộ thuê tại chung cư. Riêng những trường hợp nào người thuê trọ có thể tin tưởng ủy quyền thì để chủ trọ thu giúp.

Để giải quyết, trước mắt cần thay đổi, quản lý sát sao, trực tiếp chứ không thể hô hào chung chung rồi để đó, chờ chủ trọ tự nguyện. Về quản lý Nhà nước, bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm, nhưng không trực tiếp làm được thì phải nhờ vào các công ty điện lực thành viên thanh, kiểm tra”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là ở khâu tuyên truyền, chưa thực sự đi sâu vào đời sống của người dân, chưa đảm bảo thông tin  rộng rãi tới nhân dân. Đưa ra một quy định mà tính thực thi trong thực tế không cao, rõ ràng là sự thất bại của quy định đó, gây hậu quả, khiến quy định pháp luật không đi được vào đời sống của người dân, trở thành “quy định chết”, sinh ra mà không có tác dụng.

Cẩm Mịch


Người đưa tin (Dân sinh) 11-12-2018:

https://www.nguoiduatin.vn/gia-dien-tai-nha-tro-thoa-thuan-mieng-sinh-vien-nguoi-thu-nhap-thap-lanh-du-a413577.html

(526/2.012)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,382