2.518. Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Tạo cơ sở thu thuế giao dịch thương mại điện tử

(ĐBND) – Trước sự phát triển mạnh của thương mại điện tử thời gian qua, dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động này. Dù đây là lựa chọn phù hợp, song nhiều ý kiến đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện quy định liên quan, nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc quản lý các giao dịch thương mại điện tử thời gian tới. 

Mở rộng cơ sở thu thuế

Người mua hàng có thể đặt hàng qua facebook hoặc điện thoại và sau đó giao dịch bằng tiền mặt khi hàng được giao đến tận tay. Tuy nhiên, thực tế có tình trạng nhiều chủ tài khoản bán hàng không công khai giá khi đăng hàng hóa mà khuyến khích khách hàng nhắn vào hộp thư hoặc để lại lời nhắn để nhân viên gọi điện tư vấn. Do vậy, không thể xác định được giao dịch, doanh thu dù cho có nắm lượng theo dõi của tài khoản cá nhân hay fanpage trên facebook. Ngoài ra, nhiều trang bán hàng online không có cửa hàng, không có thông tin thật sự đầy đủ nên nếu họ có chủ động khai doanh thu thấp thì cơ quan chức năng cũng không dễ quản lý được.

Luật sư Trương Thanh Đức

Thực tế, trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trình QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Sáu đã đưa ra một số quy định liên quan đến quản lý các hoạt động thương mại điện tử theo hướng này. Lý giải được Tờ trình dự án Luật đưa ra là, thời gian gần đây đã phát triển mạnh loại hình kinh doanh thương mại điện tử như việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo… thông qua các phương tiện như phát sóng truyền hình, các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội của nước ngoài. Mô hình kinh doanh này ngày một phát triển do sự thuận lợi từ những đặc điểm của loại hình kinh doanh qua mạng.

Do vậy, để thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế nói chung và thương mại điện tử nói riêng ở khía cạnh vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa bảo đảm ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của thương mại điện tử, mở rộng cơ sở thu thuế, Ban soạn thảo cho rằng, cần phải có các quy định cụ thể, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh mới này. Những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử được đưa vào dự thảo Luật theo hướng: Xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế online; bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, quản lý giám sát dòng tiền, thực hiện khấu trừ thuế đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thương mại điện tử trong trường hợp tổ chức kinh doanh không có hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Bên cạnh các quy định điều chỉnh trực tiếp với hoạt động thương mại điện tử, tại dự thảo Luật cũng có điều chỉnh quan trọng, tạo cơ sở để kiểm soát hiệu quả hơn hình thức kinh doanh qua mạng, khi dành một chương quy định về áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử. Đồng thời, do quy định hiện hành về hóa đơn đã không còn phù hợp với bối cảnh triển khai thủ tục hành chính điện tử, dự thảo Luật đã quy định rõ các doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ để khắc phục những gian lận trong việc sử dụng hóa đơn giấy, nâng cao tính cạnh trạnh của toàn nền kinh tế, để góp phần ứng dụng quản lý thuế hiện đại, xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn để góp phần xây dựng cơ quan thuế điện tử.

… là lựa chọn phù hợp

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã đi theo hướng tạo cơ sở để thu thuế hiệu quả với các hoạt động thương mại điện tử, không xác định mức thuế, các hình thức thu, hoàn thuế riêng cho loại hình này. Trước khi trình UBTVQH tại Phiên họp thứ 31 tới đây, dự thảo Luật cũng chưa có thay đổi về hướng điều chỉnh đối với quản lý hoạt động thương mại điện tử. Lựa chọn này của các cơ quan chức năng được Luật sư Trương Thanh Đức tán thành, vì điều kiện để bắt buộc tổ chức, cá nhân phải thực hiện đăng ký với cơ quan thuế để được hướng dẫn kê khai, thu nộp thuế hiện vẫn được giữ như Luật hiện hành (khi xác định được doanh thu kinh doanh trên 100 triệu đồng/năm). Và điều kiện này không phân biệt hình thức kinh doanh truyền thống hay kinh doanh thương mại điện tử. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, khi điều kiện đăng ký thuế không thay đổi có nghĩa sẽ chỉ áp dụng các biện pháp quản lý hành chính với tổ chức, cá nhân kinh doanh chuyên nghiệp, còn hành vi kinh doanh qua mạng mang tính chất “bán hàng xén” vẫn chưa bị ràng buộc. Nói cách khác, không nên hiểu sẽ truy thu với tất cả các hoạt động bán hàng trên mạng xã hội, mà phần nhiều điều chỉnh với hoạt động mang đầy đủ đặc điểm của kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

Trên thực tế, dù Luật Quản lý thuế hiện hành có quy định mở đường cho cơ quan thuế chủ động trong quản lý người nộp thuế kinh doanh trong môi trường thương mại điện tử, nhưng đến nay vẫn còn nhiều khó khăn khi triển khai. Đơn cử như, Cục Thuế TP Hà Nội đã liên hệ với hơn 13.400 chủ tài khoản facebook có các hoạt động quảng cáo và bán hàng qua mạng để yêu cầu kê khai thuế, trong đó có thông báo, hướng dẫn việc đăng ký, kê khai đối với các cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Cục Thuế TP Hà Nội cũng gửi tin nhắn trên hệ thống SMS đến các chủ tài khoản được xác định là chưa đăng ký thuế, hướng dẫn truy cập trang thông tin của cơ quan thuế để hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích người kinh doanh đăng ký theo quy định. Tương tự, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cũng có động thái tương tự khi gửi thư mời khoảng 13.500 chủ tài khoản có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đến kê khai nộp thuế. Tuy nhiên, việc thu thuế với các loại hình kinh doanh qua mạng internet vẫn không dễ thực hiện, vì khó có điều kiện thống kê, nắm chắc những giao dịch thành công, qua đó xác định doanh thu kinh doanh của cá nhân, tổ chức.

Một số ĐBQH cho rằng, phương thức quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử đã có hướng đi phù hợp, song để phát huy hiệu quả trong thực tế cần có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị. Do vậy, trước khi trình QH thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy tới, vẫn cần tiếp tục hoàn thiện quy định liên quan để tạo cơ sở vững chắc cho việc quản lý các hoạt động thương mại điện tử.

Lê Bình

———–

Đại biểu Nhân dân (Diễn đàn) 21-02-2019:

http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=416992

(326/1.364)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.730. Ra mắt cuốn “cẩm nang” tra cứu về pháp...

(ND) - Cuốn sách “Cẩm nang pháp luật ngân hàng (Nhận diện những vấn...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,596