2.565. Thương mại điện tử và hàng giả: Tăng trưởng nóng, quản lý lỏng

(LĐ) – Mới đây Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa có thông tin cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên website vì có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Trong khi các cơ quan chức năng đang loay hoay xử lý thì người tiêu dùng vẫn đối mặt với nguy cơ dùng phải hàng giả, kém chất lượng. Việc quản lý thị trường thương mại điện tử đang rất lỏng lẻo với việc hàng loạt các sàn thương mại điện tử bỏ mặc quyền lợi của người tiêu dùng. Thậm chí, nhiều sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng quốc cấm (vũ khí, tiền giả…) được rao bán tràn lan.

Tăng trưởng quá “nóng”, quản lý rất lỏng

Chỉ trong vòng 3 năm, từ năm 2015 tới nay, tốc độ tăng trưởng của thị trường TMĐT lên gần gấp đôi, đi từ con số 4 tỉ USD lên 7,8 tỉ USD. Chỉ riêng năm 2018, thị trường này đã đạt tốc độ tăng trưởng trên 30%. Thậm chí, các chuyên gia còn dự báo đến năm 2020, với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, quy mô thị trường TMĐT của chúng ta có thể đạt tới 13 tỉ USD. Đó là con số do ông Nguyễn Kỳ Minh – Giám đốc Trung tâm Ecomviet (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương) – đưa ra tại họp báo giới thiệu về Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 (Vietnam Online Business Forum – VOBF) hồi đầu tuần trước. “Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020” – ông Minh nhận định.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, đến năm 2020, quy mô vượt tới trên 30% so với dự báo. Điều này đồng nghĩa với việc cần có môi trường, hệ sinh thái thuận lợi như hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, tiêu chí, cơ chế quản lý và nguồn nhân lực phù hợp mới đảm bảo công tác quản lý, giám sát mới có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong tương lai.

Tuy nhiên, thực tế trong thời gian vừa qua, thị trường TMĐT đã thể hiện công tác quản lý rất có vấn đề khi để xảy ra hàng loạt vụ việc gây thiệt hại cho người tiêu dùng, song không một tổ chức hay cơ quan quản lý nào phải chịu trách nhiệm. Trong một báo cáo gửi Chính phủ về tình hình hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ của Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhận định: “Nhiều doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận với thương mại điện tử thông qua thành lập các website để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng qua mạng. Đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến, do đó nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…”. Song vì “hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chồng chéo; Các chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh, quy định chưa rõ ràng, cụ thể khiến việc xử lý các vi phạm cũng như công tác phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng còn gặp khó khăn, vướng mắc”.

Trong khi đó, Bộ TTTT đánh giá, hiện nhiều tổ chức, doanh nghiệp phát triển các phần mềm kinh doanh thương mại điện tử phát hành qua App Store và CH Play trên các máy điện thoại, máy tính nên công tác quản lý hoạt động kinh doanh thương mại trên các phần mềm rất phức tạp. Từ đó, Bộ TTTT kiến nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp với bộ để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hóa, kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng trên các ứng dụng này.

Việc quảng cáo hàng hóa, giao dịch mua bán trên mạng khá tự do khiến cho quyền lợi của khách hàng dễ dàng bị xâm phạm. Ảnh: PV
Việc quảng cáo hàng hóa, giao dịch mua bán trên mạng khá tự do khiến cho quyền lợi của khách hàng dễ dàng bị xâm phạm. Ảnh: PV

Ai chịu trách nhiệm?

Trước thực tế thị trường TMĐT phát triển nóng song cơ chế quản lý lại chưa đáp ứng kịp thời, Bộ TTTT đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính rà soát, phát hiện và xử lý sai phạm, tham mưu với Chính phủ chính sách quản lý hoạt động sử dụng thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ khác được pháp luật cho phép. Đồng thời, Bộ Công an tăng cường phòng ngừa, đấu tranh…

Đánh giá về các vụ việc gây tổn hại tới quyền lợi của khách hàng hoặc vi phạm pháp luật trên các giao dịch TMĐT, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho rằng, “có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động TMĐT, kể cả thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT nếu có vi phạm cũng sẽ bị xử lý nghiêm”. Vậy nhưng, đến lúc này vẫn chưa thấy tổ chức, cá nhân nào bị đưa ra truy cứu một cách công khai. Gần nhất, vụ việc sai phạm tại các sàn giao dịch TMĐT như Lazada, Sendo… bất quá cũng chỉ bị xử phạt ở mức vài chục triệu đồng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) nhận định hình thức kinh doanh TMĐT tại Việt Nam cho dù còn mới mẻ nên việc kiểm soát, quản lý còn hạn chế. Tuy nhiên, không thể buông lỏng. Đặc biệt là các cơ quan quản lý cần phải khẩn trương xây dựng chế tài thực sự nghiêm khắc mới có thể kiểm soát hiệu quả, nếu không sẽ xảy ra hiện tượng “nhờn” luật vì mức độ xử phạt quá thấp so với lợi nhuận đạt được dù sai phạm.

Một đôi lần, Cục Cạnh tranh & Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng lên tiếng cảnh báo về các hiện tượng giao dịch TMĐT có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở mức độ cảnh báo, hướng người tiêu dùng tới việc thận trọng hơn chứ không hề có cảnh báo tổ chức, doanh nghiệp sai phạm sẽ bị xử lý cụ thể như thế nào. Đặc biệt, một tổ chức chuyên bảo vệ người tiêu dùng là Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) thì gần như rất ít thấy có phát ngôn hay động thái nào quyết liệt để yêu cầu cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ của mình với các vụ việc.

Trước khi các cơ quan quản lý xây dựng được các chế tài đủ răn đe và các tổ chức xã hội lên tiếng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mạnh mẽ hơn, hiện tại, người dân tiếp tục phải tự bảo vệ mình trong muôn vàn cạm bẫy của những kẻ kinh doanh vô lương tâm.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra lời cảnh báo về thực phẩm chức năng Calsea Bone quảng cáo sai quy định, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Ảnh: HN
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra lời cảnh báo về thực phẩm chức năng Calsea Bone quảng cáo sai quy định, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Ảnh: HN

Quảng cáo thuốc lừa dối người tiêu dùng

Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế vừa có thông tin cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên website benh.edu.vn, nhathuoclongchau.com, calseabone.wordpress.com.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong thời gian vừa qua trên các website benh.edu.vn, nhathuoclongchau.com, calseabone.wordpress.com quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe CALSEA BONE quảng cáo sai quy định của pháp luật, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Sản phẩm này được Công ty TNHH Dược phẩm Cẩm Tú (781/B9 Lê Hồng Phong (Nối Dài), phường 12, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) công bố và chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm.

Cục An toàn thực phẩm đã mời công ty lên làm việc, tuy nhiên Công ty không thừa nhận các website nhathuoclongchau.com, calseabone.wordpress.com, benh.edu.vn là của công ty, công ty không thực hiện quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe CALSEA BONE trên các website này.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe CALSEA BONE trên các trang website/internet nêu trên.

——————

Lao động online (Kinh doanh) 19-03-2019:

Thương mại điện tử và hàng giả: Tăng trưởng nóng, quản lý lỏng | Tin tức mới nhất 24h – Đọc Báo Lao Động online – Laodong.vn

(98/1.548)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,727