2.579. Tạm rút đề xuất sửa đổi Luật Đất đai: “Số phận” condotel bị bỏ ngỏ

(ĐĐDN) – Việc tạm rút đề xuất sửa đổi Luật Đất đai 2013 để tiếp tục nghiên cứu, chuyển sang chương trình năm 2020 là bước đi hợp lý và thận trọng bởi có quá nhiều vấn đề phức tạp cần phải được rà soát.

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội đề nghị rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 do nội dung dự thảo còn một số vấn đề phức tạp, trong đó có liên quan đến căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn.

Nhà đầu tư condotel đang đối mặt với nhiều rủi ro

“Số phận” bị bỏ ngỏ

Mặc dù nhiều năm nay thị trường đã xuất hiện loại hình sản phẩm bất động sản officetel hay condotel nhưng do tính pháp lý chưa rõ ràng nên đã gây ra nhiều khó khăn và rủi ro cho những người mua, chủ đầu tư cũng như các cơ quan quản lý.

Trong cách thức xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung, quy định về hợp đồng nói riêng đối với condotel là dù pháp luật không cấm nhưng cũng lại không được chính thức thừa nhận. Đầu tư condotel đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn khiến cho loại hình tiềm năng này rơi vào cuộc khủng hoảng thừa trong thời gian qua cũng vì thiếu khung pháp lý đất đai.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng, những vấn đề vướng mắc pháp lý đối với loại hình condotel hay officetel còn rất nhiều và cần phải được giải quyết để pháp luật không đi ngược lại thực tế, bảo đảm an toàn giao dịch và thúc đẩy phát triển.

“Vì tính chất khác biệt của condotel, officetel nên cần phải có quy định riêng, cụ thể, rõ ràng của pháp luật để điều chỉnh cho phù hợp, vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng của cá nhân, pháp nhân, vừa bảo đảm sự quản lý của Nhà nước một cách hợp lý. Trong đó, có việc cần sửa đổi quy định của Luật Ðất đai và Luật Nhà ở theo hướng thừa nhận một loại đất đai và nhà kết hợp giữa nhà đất kinh doanh, thương mại, dịch vụ và nhà ở”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh. 

Do đó, yêu cầu bức xúc đặt ra đó là cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho loại hình bất động sản này và cụ thể là Luật Đất đai 2013 cần sớm được thông qua.

Cần rõ ràng về pháp lý

Từ cuối năm 2017, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu sửa đổi những bất cập, vướng mắc trong Luật Đất đai 2013 và sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua vào năm 2019. Đây là một trong số những dự án nhận được sự quan tâm của người dân, nhà đầu tư và giới chuyên môn. Việc rút dự án Luật Đất đai 2013 ra khỏi Chương trình năm 2019 đồng nghĩa “số phận” của loại hình officetel, condotel sẽ tiếp tục bị bỏ ngỏ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho hay, thị trường căn hộ officetel, condotel trong khu du lịch đang có sự phát triển rất mạnh, rất nhiều trong thời gian qua và có dấu hiệu cung vượt cầu. Trong đó, tỷ lệ căn hộ condotel hiện chiếm khoảng 56%, cao hơn nguồn cung phòng khách sạn, resort (chỉ chiếm 44%) là không bình thường, vì thông thường ở các nước, nguồn cung căn hộ condotel thường thấp hơn nguồn cung phòng khách sạn, resort.

Ông Châu đưa ra nhận định: “Sau một thời gian phát triển quá nóng, thị trường condotel đã bắt đầu chững lại và đối diện với nhiều thách thức về hiệu quả kinh doanh, tính thanh khoản, thực hiện cam kết đảm bảo lợi nhuận và cấp “sổ đỏ” cho khách hàng”.

Theo ông Châu, để tháo gỡ khó khăn, các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cấp ngay “sổ đỏ” có thời hạn cho người mua căn hộ condotel để đảm bảo quyền lợi khách hàng và cần có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư dự án condotel thực hiện nghĩa vụ đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư thứ cấp như đã cam kết trong hợp đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng phải có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dự án condotel có trách nhiệm như công bố đầy đủ thông tin về dự án, về quyền sở hữu căn hộ condotel và quyền sử dụng đất có thời hạn khi bán căn hộ condotel cho nhà đầu tư thứ cấp để tránh nhầm lẫn… “Thực hiện tốt các công việc nêu trên sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu và tránh thất thoát ngân sách nhà nước, giúp cho thị trường condotel phát triển minh bạch và bền vững” – ông Châu cho biết.

Tương tự, ông Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam cũng nêu quan điểm, condotel là một dạng căn hộ khách sạn, mà đã là loại hình khách sạn thì chỉ đầu tư trong giới hạn thời gian bao nhiêu năm nhất định.

Do đó, theo ông Tùng với loại hình condotel chỉ có thể cấp sổ đỏ có thời hạn tạm thời, có giá trị pháp lý khẳng định người sở hữu có quyền để sử dụng. Tuy nhiên giá trị sổ đỏ sẽ phụ thuộc giá trị dự án đó (là 30 năm hoặc 50 năm), hết thời hạn sẽ không còn giá trị.

“Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở có thời hạn và thời hạn cụ thể như thế nào thì giữa chính quyền và nhà đầu tư sẽ cùng thống nhất. Đây chính là giải pháp tốt nhất ở thời điểm hiện nay” – ông Tùng bày tỏ quan điểm.

Hồng Hương

——————

Diễn đàn doanh nghiệp (Bất động sản) 28-3-2019:

http://enternews.vn/tam-rut-de-xuat-sua-doi-luat-dat-dai-so-phan-condotel-bi-bo-ngo-147429.html

(199/1.059)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,580