2.664. Hệ lụy áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(ĐTTC) – Cổ đông khởi kiện HĐQT, ban điều hành doanh nghiệp ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình là điều bình thường ở nhiều nước. Việc tòa thụ lý, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) để ngăn thiệt hại có thể xảy ra, bảo vệ cổ đông cũng là cần thiết. Tuy nhiên, nếu áp dụng sai, sau đó phải hủy quyết định, trách nhiệm thuộc về ai khi doanh nghiệp bị thiệt hại, lại không dễ xác định.

 

Người gửi đơn sai, tòa thụ lý cũng sai?
Vụ nhóm cổ đông tại Tổng CTCP Xây dựng và xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex) có đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự gần đây, là trường hợp khá điển hình của việc áp dụng BPKCTT vội vã, ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp.

Tháng 3-2019 nhóm cổ đông gồm Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (sở hữu 21,28% vốn điều lệ) và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (sở hữu 7,57%), cùng ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà (những người được Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel ủy quyền tham gia đại hội sau khi Viettel thoái vốn), đã gửi đơn đến TAND quận Đống Đa, Hà Nội, yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết 01/2019/NQ-ĐHĐCĐ ngày 11-1-2019 của ĐHCĐ bất thường năm 2019 của Vinaconex, yêu cầu áp dụng BPKCTT, với nội dung buộc Vinaconex tạm dừng thực hiện Nghị quyết 01.

Sau đó, TAND quận Đống Đa đã có quyết định thụ lý vụ việc và áp dụng BPKCTT theo đơn. Tuy nhiên, 2 tổ chức có đơn yêu cầu lại chưa đủ thời gian nắm giữ cổ phần liên tục ít nhất 6 tháng; 2 cá nhân được Viettel ủy quyền chỉ để tham dự đại hội, không được ủy quyền gửi đơn đến tòa án. Như vậy, những tổ chức, cá nhân có đơn gửi TAND quận Đống Đa đều không có quyền gửi đơn, không đáp ứng được các yêu cầu của Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty.

 

Việc áp dụng BPKCTT tại Vinaconex đã làm đình trệ nơi hoạt động sản xuất của công ty, gây tâm lý hoang mang CBCNV.

Khoảng 1 tháng sau, ngày 25-4, TAND quận Đống Đa đã có quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu giải quyết kinh doanh thương mại, đồng thời có quyết định hủy bỏ BPKCTT.

Trong đơn gửi báo ĐTTC, đại diện bộ phận pháp chế của Vinaconex, khẳng định 2 công ty Cường Vũ và Star Invest liên minh cùng làm đơn yêu cầu gửi TAND quận Đống Đa là hành vi coi thường pháp luật, có dấu hiệu dân sự hóa các hoạt động kinh tế thương mại, mượn các chế định công quyền thay cho các chế định kinh doanh thương mại để phục vụ nhóm lợi ích.

 Việc áp dụng BPKCTT để bảo vệ cổ đông nhỏ, các nhóm cổ đông khác có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu tòa ra quyết định vội vàng và không đúng, bị đơn có thể kiện ngược lên tòa án cấp cao hơn. Còn nếu nguyên đơn đưa ra bằng chứng không xác thực cũng phải chịu trách nhiệm, vì làm ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng

Việc áp dụng BPKCTT đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hoạt động của tổng công ty (giá trị cổ phiếu VCG giảm 1.236 tỷ đồng trong ngày 27-3, ngày TAND quận Đống Đa áp dụng BPKCTT); làm đình trệ mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinaconex và các công ty thành viên, khiến cán bộ công nhân viên không có việc làm, không có tiền lương, gây tâm lý hoang mang và mất niềm tin; ảnh hưởng tiêu cực tới thương hiệu, uy tín doanh nghiệp; các bạn hàng và đối tác dừng ký hợp đồng, chấm dứt các quan hệ bạn hàng, giao dịch hợp tác, làm mất cơ hội kinh doanh…

Một trường hợp khác gần đây cũng liên quan đến việc áp dụng BPKCTT, là Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Ngân hàng này đã bất ngờ thay đổi vị trí chủ tịch HĐQT khi chỉ còn 1 tháng nữa đến kỳ họp ĐHCĐ thường niên 2019.

Người “bị thay” có đơn kiện gửi tòa án, và tòa án đã nhanh chóng ra quyết định áp dụng BPKCTT, dừng thực hiện Nghị quyết 112/2019/EIB/NQ-HĐQT của HĐQT Eximbank về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm chủ tịch HĐQT. Sau đó, người gửi đơn rút đơn, tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng BPKCTT.

Theo một chuyên gia, với chủ thể là ngân hàng, bị đơn là các lãnh đạo cấp cao, là cổ đông chiến lược nước ngoài, sự việc cần được xem xét ở nhiều giác độ. Bởi lẽ ngân hàng là tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, tiền tệ, có thể ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ quốc gia và môi trường đầu tư. Quyết định của tòa án nếu được đưa ra vội vàng sẽ tiềm ẩn những nguy cơ.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng cần tìm hiểu có vấn đề về lợi ích nhóm, tham nhũng, hay có hối lộ không cơ quan điều tra phải phải xác minh, làm rõ. Áp dụng pháp luật khó tránh hoàn toàn sai sót, nhưng sai sót có do khách quan và sửa sai có kịp thời, cần xem lại.

Với trường hợp của Vinaconex, ông Giang cho rằng các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải kiểm tra xác minh và kết luận cụ thể việc can thiệp của cơ quan nhà nước tại Vinaconex, báo cáo với công luận. Luật Bồi thường nhà nước quy định rõ, nếu cố ý làm sai phải bồi thường toàn bộ, còn nếu vô ý phải bồi hoàn. “Trong Luật bồi thường nhà nước, tôi đề nghị bổ sung trường hợp khi áp dụng BPKCTT vượt quá quy định pháp luật và gây thiệt hại cho doanh nghiệp, phải bồi thường” – ông Giang nói.

Còn theo đại diện bộ phận pháp chế Vinaconex, thẩm phán TAND quận Đống Đa đã áp dụng BPKCTT sai khi căn cứ vào điều khoản xử lý khác với đơn yêu cầu. Như vậy, tòa án áp dụng BPKCTT không đúng gây thiệt hại cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ ba, tòa án phải bồi thường.

Trong khi đó, theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, người viết đơn yêu cầu tòa án áp dụng BPKCTT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình; trường hợp yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng gây thiệt hại cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ ba, phải bồi thường. Tuy nhiên, theo LS. Trương Thanh Đức, luật đã quy định rõ trường hợp nào thẩm phán áp dụng BPKCTT, nếu sai gây hậu quả phải bồi thường. Song việc vận dụng luật ở Việt Nam rất khó quy trách nhiệm, cũng như không dễ xác định thiệt hại của doanh nghiệp từ quyết định sai.

Trong những tình huống này, vai trò công tâm của thẩm phán rất quan trọng. Nếu thẩm phán có trình độ, lương tâm, họ sẽ đưa ra quyết định hài hòa, cân bằng hơn, không ảnh hưởng đến lợi ích chung của doanh nghiệp. Còn nếu họ tiêu cực, lạm dụng sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp. 

Theo Bộ luật Tố tụng dân sự, điều kiện áp dụng BPKCTT bao gồm các yếu tố: Thứ nhất, quyền và lợi ích liên quan của bên yêu cầu đang bị xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm và không được vượt quá các yêu cầu trong tranh chấp đang được giải quyết.

Thứ hai, bối cảnh, tình huống áp dụng BPKCTT phải có tính khẩn cấp. BPKCTT có chức năng ngăn chặn các tình huống, hoàn cảnh tiêu cực tác động đến quyền, lợi ích của các bên trước khi tranh chấp được giải quyết bằng phán quyết cuối cùng của cơ quan tài phán.

Thứ ba, các thiệt hại có thể xảy ra nếu không áp dụng BPKCTT phải lớn hơn so với thiệt hại sẽ xảy ra đối với bên bị áp dụng hoặc bên thứ ba. Mục đích của BPKCTT là bảo vệ quyền lợi của bên có yêu cầu, nhưng việc áp dụng BPKCTT phải đem lại hiệu quả chung cho xã hội, tức phải cân nhắc đến khả năng gây ra những thiệt hại khác cho bên bị áp dụng hoặc bên thứ ba.

Trên thực tế, các thiệt hại này chưa xảy ra tại thời điểm xem xét yêu cầu và việc so sánh các thiệt hại dự kiến có sai số rất lớn. Do vậy, chỉ khi sự chênh lệch giữa thiệt hại do việc không áp dụng BPKCTT và thiệt hại do áp dụng BPKCTT đáng kể, mới áp dụng BPKCTT.

 

Hà My


Đầu tư tài chính (Kinh tế) 10-6-2019:

http://saigondautu.com.vn/kinh-te/he-luy-ap-dung-bien-phap-khan-cap-tam-thoi-69007.html

(121/1.570)

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,562