2.799. Luật Quản lý thuế sửa đổi hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu mới: Xác lập rõ trách nhiệm phối hợp quản lý thuế của hệ thống ngân hàng

(TCT) – Với việc bổ sung thêm một số điều khoản, trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan thuế với các ngân hàng thương mại trong quản lý thuế, nhất là đối với hoạt động thương mại điện tử, đã được quy định cụ thể tại Luật Quản lý thuế sửa đổi. Để hiểu rõ hơn về những quy định này, phóng viên Tạp chí Thuế có cuộc trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI. 

So với Luật Quản lý thuế năm 2006, Luật Quản lý thuế sửa đổi vừa được Quốc hội khoá XIV thông qua có những điểm mới về phối hợp giữa cơ quan quản lý thuế với Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại, cụ thể là về thương mại điện tử, các vấn đề liên quan đến nộp thuế, hoàn thuế điện tử, giám sát các giao dịch qua ngân hàng. Quan điểm của ông như thế nào về những quy định mới này?

Đây là sự sửa đổi, bổ sung cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với sự phát triển của hoạt động kinh doanh trong tình hình mới. Mặc dù trong Luật Quản lý thuế 2016 đã có những quy định liên quan đến trách nhiệm của hệ thống ngân hàng trong công tác phối hợp thu thuế, nhưng sự phát triển ngày càng nhanh của khoa học, công nghệ và các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đòi hỏi trách nhiệm và nghĩa vụ của hệ thống ngân hàng trong công tác phối hợp phải cao hơn. Theo đó, những quy định về công tác phối hợp cũng phải nâng cao và bổ sung ngay vào Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là, những quy định này không làm cản trở hoạt động của người nộp thuế, không làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, mà sự kết nối, chia sẻ dữ liệu còn giúp người nộp thuế thuận tiện hơn, giảm hồ sơ, thủ tục trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế, từ đó giảm thêm thời gian và chi phí. Không chỉ vậy, sự phối hợp còn tạo điều kiện cho công tác quản lý thuế được chính xác, đúng quy định của pháp luật.

Ông có thể phân tích rõ hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ của hệ thống ngân hàng thương mại được quy định tại Luật Quản lý thuế sửa đổi?

Nghĩa vụ và trách nhiệm của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng tham gia phối hợp thu NSNN là hỗ trợ các cá nhân, tổ chức tuân thủ quy định pháp luật. Do đó, có thể hiểu, các ngân hàng không chỉ đơn giản là cung cấp thông tin như quy định tại Luật Quản lý thuế năm 2006, mà là phối hợp sâu rộng hơn trong quản lý thuế hiện đại, thương mại điện tử xuyên biên giới. Cụ thể, tại Điều 27 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại nêu rõ, ngân hàng thương mại khi tham gia phối hợp thu thuế và các khoản thu khác thuộc NSNN không chỉ là nộp thuế, hoàn thuế điện tử, mà còn phải xử lý, đối soát dữ liệu về các quy trình này. Ngoài ra là truyền, nhận thông tin chứng từ nộp thuế điện tử, chuyển tiền thanh toán cho kho bạc nhà nước một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời, cung cấp thông tin, phong tỏa tài khoản… theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế. Trong trường hợp người nộp thuế có bảo lãnh về tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, nhưng không nộp đúng thời hạn, thì ngân hàng bảo lãnh phải chịu trách nhiệm nộp số tiền này thay cho người nộp thuế trong phạm vi bảo lãnh. Luật Quản lý thuế sửa đổi cũng bổ sung quy định việc khấu trừ, nộp thay tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; cung cấp thông tin để quản lý thuế phù hợp với phương thức điện tử, đảm bảo phù hợp với pháp luật về an toàn thông tin, an ninh mạng.

Ngoài những quy định trên, Luật còn bổ sung các nội dung về giám sát thuế đối với tất cả các giao dịch qua ngân hàng. Tại Khoản 1 Điều 35 quy định: “Người nộp thuế phải ghi mã số thuế được cấp và hoá đơn, chứng từ, tài liệu khi thực hiện các giao dịch kinh doanh; mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác”. Đồng thời, Khoản 4 Điều 35 cũng nêu rõ: “Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác phải ghi mã số thuế trong hồ sơ mở tài khoản và các chứng từ giao dịch qua tài khoản của người nộp thuế”. Như vậy, mọi giao dịch qua ngân hàng của người nộp thuế sẽ gắn liền với mã số thuế và đây là cơ sở giúp cơ quan thuế theo dõi các giao dịch của người nộp thuế để xác định chính xác nghĩa vụ thuế.

Ngoài các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của các ngân hàng thương mại, Luật còn nêu rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong công tác phối hợp quản lý thuế. Ông đánh giá như thế nào về những quy định này?

Khoản 5 Điều 15 quy định Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm: “xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử; thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử”. Việc xác định rõ trách nhiệm của tất cả các cấp trong hệ thống ngân hàng tham gia phối hợp trong quản lý thuế hiện đại là tất yếu và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển dịch sang nền kinh tế số và đặc biệt Bộ Tài chính đang đi đầu trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, thì việc ngân hàng phối hợp với cơ quan thuế, kho bạc nhà nước là một việc cần làm, vì quyền lợi của người nộp thuế.

Nền kinh tế đang hướng tới những tiêu chí rõ ràng, minh bạch trong mọi mặt của công tác quản lý, đặc biệt đối với thu NSNN, kiểm soát dòng tiền, từ đó kiểm soát các hoạt động thương mại nói riêng và nền kinh tế nói chung. Với những quy định mới được bổ sung tại Luật Quản lý thuế sửa đổi về sự phối hợp giữa ngân hàng và cơ quan thuế, sẽ giúp đảm bảo nguồn thu được minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân và DN.

Xin cảm ơn ông!

————-

Tạp chí Thuế (Chuyên đề) 25-10-2019:

http://tapchithue.com.vn/trang-chuyen-de/210-chuyen-de-aa/16850-luat-qlt-sua-doi-hoan-thien.html

(1.271/1.271)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,694