208a. Luận cứ Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NAVIBANK trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

(ANVI) – Luận cứ của Luật sư Trương Thanh Đức trình bày tại Phiên tòa sơ thẩm TAND TP HCM ngày 16-01-2014.

Kính thưa: Hội đồng Xét xử!

Tôi là Luật sư Trương Thanh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng TMCP Nam Việt (NAVIBANK) trong việc thông qua 4 nhân viên gửi 200 tỷ đồng tại VietinBank.

Vụ án này là một bài học xương máu liên quan đến quyền lợi vô cùng quan trọng và chính đáng của hàng triệu người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, vì vậy tôi không thể không nói kỹ, không thể không làm rõ, không thể không bảo vệ trước những nguy cơ quy kết giản đơn theo kiểu, vì không giữ thẻ tiết kiệm nên phải chịu mất oan 200 tỷ đồng gửi vào ngân hàng.

Cũng tương tự như trang 14 Kết luận điều tra, trang 11 Cáo trạng số 16/KSĐT-VKSTC-V1 ngày 16-10-2013 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao viết như sau: “…Như đã đồng ý thoả thuận với Luật nhận tiền gửi của Navibank với lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm. Để Navibank tin tưởng chuyển tiền, từ ngày 14/7/2011 đến ngày 26/7/2011, Như đã đề xuất lãnh đạo VietinBank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh ký 18 hợp đồng tiền gửi với các nhân viên Navibank để nhận gửi 500 tỷ đồng, lãi suất 14%/năm, thời hạn 4 tháng, không báo cáo với lãnh đạo về phần chênh lệch ngoài hợp đồng phải trả cho Luật. Đến ngày 07/9/2011, Như đã tất toán 12 hợp đồng số tiền 300 tỷ đồng, còn lại 200 tỷ đồng đứng tên các cá nhân gồm: Huỳnh Linh Chi 63,3 tỷ đồng, Cao Thị Thuỳ Anh 27,3 tỷ đồng, Lương Thị Thuỷ Tiên 67,2 tỷ đồng và Lê Thị Thu Hương 42,2 tỷ đồng, các cá nhân này đã không giữ thẻ tiết kiệm mà để Như đã tự trích chuyển từ tài khoản tiền gửi của các cá nhân này mở tại VietinBank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đi trả nợ cho các cá nhân, tổ chức mà Như đã vay trước đó. Với thủ đoạn đó Như đã lừa đảo chiếm đoạt của Navibank 200 tỷ đồng.”

Cáo trạng viết tiếp:

“Xác minh tại VietinBank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh: Ngân hàng này xác định số tiền 200 tỷ đồng có trong tài khoản tiết kiệm của 04 nhân viên Navibank mở tại VietinBank do các cá nhân này không giữ thẻ tiết kiệm và không mở tài khoản tiết kiệm đúng trình tự nên đã bị Như chiếm đoạt trả cho nhiều đơn vị và cá nhân”.

Hồ sơ, chứng cứ liên quan đến NAVIBANK trong vụ án này đã khá rõ. Vấn đề chỉ còn là nhìn nhận, đánh giá nó thế nào mà thôi. Có điều khó hiểu là Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định đây là 1 trong số 10 vụ đại án tham nhũng tại buổi làm việc ngày ngày 12-9 với ông Nguyễn Bá Thanh – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, tuy nhiên cho đến thời điểm sắp kết thúc gia đoạn tranh luận, vẫn không thấy có hành vi nào được coi là tham nhũng?

Riêng về phần liên quan đến NAVIBANK, có thể tóm tắt thành 10 vấn đề là lý do, nguyên nhân, điều kiện mà Kết luận điều tra, Cáo trạng và Luận tội của đại diện Viện kiểm sát cũng như nhận định của VietinBank cho rằng bị cáo Như lừa đảo và phải có trách nhiệm bồi thường NAVIBANK như sau:

  1. Xác định NAVIBANK là nguyên đơn dân sự và bị cáo Như là bị đơn dân sự;
  2. Người gửi tiền vi phạm quy định của pháp luật về trần lãi suất;
  3. Người gửi tiền hám lợi và chấp nhận rủi ro;
  4. Người gửi tiền tin nhầm vào tội phạm lừa đảo;
  5. Việc giao dịch không đúng đối tượng và địa chỉ;
  6. Người gửi tiền “Không mở tài khoản tiết kiệm đúng trình tự” (cáo trạng);
  7. Người gửi tiền tiết kiệm “không giữ thẻ tiết kiệm” (cáo trạng);
  8. Người gửi tiền đã không thực hiện trách nhiệm quản lý tài khoản của mình;
  9. VietinBank không phải chịu trách nhiệm về các lệnh chi giả;
  10. Đạo lý và pháp lý của việc yêu cầu Vietin bank bồi thường.

Vậy đâu là sự thật khách quan, đâu là suy diễn chủ quan, trái ngược với thực tế, không có căn cứ pháp lý? Tôi xin lần lượt phân tích về 10 vấn đề trên.

1. Về việc xác định người bị hại và nguyên đơn dân sự

1.1. NAVIBANK được Tòa án xác định là “Nguyên đơn dân sự”. Tuy nhiên NAVIBANK đã có đơn kiến nghị không thừa nhận tư cách này, với lý do như sau:

  • NAVIBANK không có đơn yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1, Điều 52 về “Nguyên đơn dân sự”, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: “Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.”;
  • NAVIBANK không “Được thông báo về kết quả điều tra” theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 52 về “Nguyên đơn dân sự”, Bộ luật Tố tụng hình sự.
  • NAVIBANK chỉ biết mình bị coi là nguyên đơn dân sự khi nhận được Giấy triệu tập và Quyết định của Tòa án về việc đưa vụ án ra xét xử.

1.2. Vì vậy, theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, khi xác định trách nhiệm bồi thường 200 tỷ đồng, thì NAVIBANK không phải là nguyên đơn dân sự trong mối quan hệ với bị cáo Như, mà phải là Nguyên đơn dân sự trong mối quan hệ với bị đơn dân sự là VietinBank.

2. Về việc Người gửi tiền vi phạm quy định của pháp luật về trần lãi suất:

2.1. Kết luận điều tra, thẩm vấn và luận tội đề cập đến việc người gửi tiền:

  • Không tuân thủ quy định của Nhà nước về quản lý vốn;
  • Vi phạm trần lãi suất huy động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2.2. Trên thực tế, NAVIBANK có nhu cầu gửi tiền, VietinBank có nhu cầu nhận tiền gửi, đơn thuần là các bên hướng đến nguyên lý cân bằng nguồn vốn và sử dụng vốn của thị trường. Tại thời điểm NAVIBANK mang tiền đi gửi VietinBank, không có quy định nào về việc không được phép mang tiền của ngân hàng này đi gửi ngân hàng khác. Hiện nay, vấn đề này chỉ có thay đổi một chút, đó là giữa các ngân hàng thay vì vừa gửi vừa vay tiền lẫn nhau, thi nay thống nhất còn một hình thức là vay tiền của nhau.

2.3. Xin phép Hội đồng xét xử nói về bối cảnh xảy ra việc vi phạm gửi tiền của phía bị hại và nhận tiền gửi của phía bị cáo vượt trần lãi suất huy động trong vụ án này. Có lỗi chủ yếu từ cơ chế, chính sách, pháp luật: Không điều hoà đươc nguồn vốn, không điều tiết được dòng tiền, không cân bằng được cung cầu thị trường tiền tệ, tạo ra trạng thái tiến thoái lưỡng nan cho cả hệ thống Ngân hàng. Lãi suất tiền gửi đối với hàng chục loại kỳ hạn từ 1 tuần cho đến 1 năm đều thẳng căng một mức như nhau. Cơ chế hành chính trái ngược hoàn toàn với nguyên lý sơ đẳng của thị trường, đã phủ nhận toàn bộ yêu cầu của thực tế, đi ngược lại tất cả đòi hỏi của cuộc sống, đã huỷ diệt đường cong lãi suất, đẩy tất cả vào chân tường, huy động vượt trần cũng chết mà không vượt trần cũng chết. Không thể nào đi trên một con đường mà đi nhanh thì gặp biển cấm vượt tốc độ, tức vượt trần lãi suất, mà đi chậm thì bị loại khỏi sân chơi, tức không thể huy động được vốn, đồng nghĩa với tự sát, mất khả năng thanh khoản và sụp đổ nhanh chóng. Cả hệ thống Ngân hàng đã phải chịu sức ép ghê gớm, sống còn từ việc này. Cuộc chơi khắc nghiệt và bất đắc dĩ, buộc các ngân hàng phải nhập cuộc. Và việc phá rào dường như là câu chuyện tất yếu, dù không ai muốn. Gần như không ngân hàng nào đứng ngoài cuộc chạy đua lãi suất, không nhận tiền vượt trần thì gửi tiền vượt trần lãi suất, bằng đủ mọi hình thức như cộng thêm lãi suất, tặng tiền mặt, tặng vàng, tặng quà, chiết khấu, hợp đồng đầu tư, hoán đổi lãi suất, vay lãi thấp để gửi lại lãi cao, cố tình trả chậm 1 ngày thành quá hạn trả nợ để “được” trả phạt bằng 150% lãi suất trong hạn,… Không phải tình thế bắt buộc thì chẳng có ai dại gì tự nhiên đi huy động tiền, tức đi mua hàng, lại cứ muốn mua đắt, tìm mọi cách trả thêm cho người gửi, tức người bán. Trả thêm lãi suất vượt trần rõ ràng để làm hại mình, thế mà vẫn buộc phải làm. Chẳng qua là cực chẳng đã trong bối cảnh quay cuồng. Nhà nhà, người người, khắp chốn cùng nơi đều vi phạm một cách công khai, kéo dài; gian lận tràn lan, phổ biến. Trong hồ sơ vụ án cũng đã thể hiện rõ, không chỉ bị cáo Huyền Như mà cả VietinBank cũng thực hiện việc nhận tiền gửi vượt trần lãi suất. Trần lãi suất đã gây ra cho hệ thống Ngân hàng những hậu quả vô cùng khủng khiếp, đã huỷ hoại đạo đức, phá tan kỷ cương, tàn phá tuân thủ của cả Hệ thống. Tất cả đã bị nhấn chìm trong hậu quả tai hại của trần lãi suất. Tất cả những điều này đã được hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng của đảng và nhà nước liên tục phản ánh và khẳng định. Bản tin Tài chính Kinh doanh của VTV1 vào 7 giờ sáng hôm qua (15-01-2014) vẫn tiếp tục đề cập đến việc một số ngân hàng vượt trần lãi suất huy động. Thế nhưng suốt mấy năm qua, chỉ có 1-2 vụ bị phát hiện và xử lý. Vậy thì qua vụ án này, cần phải xem xét lại lỗi hệ thống ở đâu, cần phải xử lý nghiêm khắc nhằm chấm dứt tình trạng vượt trần lãi suất hay vì quy định bất cập, không hợp lý, không đi vào cuộc sống, thì cần phải bỏ ngay trần lãi suất.

2.4. Tất nhiên, việc gửi tiền vượt trần lãi suất là sai, nhưng sai đến đâu thì chịu đến đấy. VietinBank trả lãi suất vượt trần thì không được phép hạch toán hợp pháp vào chí phí. NAVIBANK gửi tiền vượt trần lãi suất thì không được phép hưởng phần lãi suất vượt quá. VietinBank trích chuyển tiền khỏi tải khoản tiền gửi sai, chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi theo hợp đồng tiền gửi sang tài khoản thẻ tiết kiệm sai, nhận cầm cố tiền gửi sai, thì toàn bộ những giao dịch đó là vô hiệu. Số tiền gửi 200 tỷ đồng của 4 nhân viên NAVIBANK là loại hình hợp pháp, huy động hợp pháp, nguồn tiền hợp pháp, tài khoản hợp pháp, thủ tục hợp pháp, hợp đồng hợp pháp, chữ ký hợp pháp và con dấu hợp pháp. Vì vậy, đương nhiên hợp đồng tiền gửi có giá trị pháp lý và tiền gửi phải được bảo vệ. Chỉ duy nhất có phần lãi suất vượt trần 14%/năm là bất hợp pháp, và chỉ vô hiệu phần lãi suất vượt trần. Việc này đã được quy định tại khoản 1, Điều 476 về “Lãi suất” của Bộ luật Dân sự năm 2005. Đó là lãi suất vay do các bên thoả thuận “nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Và trong trường hợp các bên thoả thuận vượt quá mức lãi suất này, thì “áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.” theo quy định tại khoản 2, Điều 476 về “Lãi suất” của Bộ luật Dân sự năm 2005. Tương tự trong trường hợp này sẽ chỉ được áp dụng mức lãi suất tiền gửi bằng mức trần lãi suất 14% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2.5. Điều này cũng đã được giải thích cụ thể tại khoản 4, Mục I về “Trường hợp đối tượng của nghĩa vụ về tài sản là các khoản tiền, vàng”, Thông tư liên tịch số 01-TT/LT ngày 19-6-1997 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính Hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản và vẫn đang được áp dụng cho đến hiện nay.

2.6. Việc gửi tiền vượt trần lãi suất và không tuân thủ quy định của Nhà nước về quản lý vốn (nếu có) thì cũng không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả mất 200 tỷ đồng của NAVIBANK. Việc mất tiền của NAVIBANK là do bị cáo Như đã chiếm đoạt tiền của VietinBank, và VietinBank đã chuyển đổi hậu quả cho NAVIBANK.

3. Về việc Người gửi tiền hám lợi và chấp nhận rủi ro:

3.1. Trong bản tuận tội của vị đại diện Viện kiểm sát có nhận định về việc các tổ chức, cá nhân gửi tiền vào VietinBank, bị mất tiền là vì:

  • Lòng tham của cán bộ quản lý;
  • Người gửi tiền chấp nhận mọi rủi ro.

3.2. Đúng là vì lòng tham nên gặp rủi ro, vì lòng tham nên chiếm đoạt tiền và vì lòng tham nên không trả tiền người gửi. Tuy nhiên, “lòng tham” gây ra cái gì thì phải chịu cái đó, nếu “lòng tham” mang gửi tín dụng đen thì đành mất tiền. Còn “lòng tham” gửi tiền vào VietinBank thì VietinBank phải trả lại tiền gửi thuộc sở hữu của “lòng tham”. Có pháp luật và đạo lý nào để giải thích cho việc, nếu gửi tiền vào ngân hàng vượt trần lãi suất, thì phải mất quyền sở hữu toàn bộ số tiền gửi.

3.3. Còn chấp nhận mọi rủi ro, thì có thể đúng với ai đó, chứ không phải với NAVIBANK. NAVIBANK đã làm đúng quy định về việc gửi tiền vào VietinBank, đã thận trọng cân nhắc kỹ lưỡng trước giao dịch gửi tiền. NAVIBANK không mang tiền gửi cá nhân Huyền Như, không mang tiền gửi nhiều ngân hàng hạng B, C, D, với lãi suất chênh lệnh vượt trần còn lớn hơn, mà mang gửi một ngân hàng được xếp hạng A, uy tín thương hiệu hàng đầu Việt Nam, mà còn không an toàn thì còn ở đâu an toàn hơn. Rủi ro là do VietinBank không trả tiền cho người gửi tiền hợp pháp. Nếu VietinBank hành xử đúng pháp lý và đạo lý, thì NAVIBANK không bao giờ mất tiền.

3.4. Các lệnh chi tiền hoàn toàn giả mạo, cũng như việc tự tiện chuyển từ hợp đồng tiền gửi sang thẻ tiết kiệm rồi cầm cố thẻ tiết kiệm hoàn toàn giả mạo của VietinBank, hoàn toàn không có sự đồng ý và hoàn toàn không có lỗi của người gửi tiền, mới chính là yếu tố quyết định và duy nhất gây ra việc tội phạm chiếm đoạt 200 tỷ đồng tiền gửi đang trong tài khoản tiền gửi hợp pháp của 4 nhân viên NAVIBANK tại VietinBank. Chính VietinBank đã nhận cầm cố tài sản bất hợp pháp, Khoản 1, Điều 320 về “Vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2005: “Vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và được phép giao dịch.”

4. Về việc Người gửi tiền tin nhầm vào tội phạm lừa đảo:

4.1. Phần luận tội của vị đại diện Viện kiểm sát đã cho rằng các đơn vị và cá nhân bị thiệt hại do:

  • Đã không cảnh giác và thận trọng trước thông tin do bị cáo Như đưa ra;
  • Đã tin vào Huyền Như một cách vô căn cứ.

4.2. Về việc không cảnh giác và thận trọng trước thông tin do bị cáo Như đưa ra, thì điều này hoàn toàn không xảy ra đối với giao dịch gửi tiền của 4 viên NAVIBANK. Họ đã không hề cuốn theo, không hề nhầm lẫn và không bị lừa bởi các thông tin mà Như đưa ra. Tiền đã được chuyển vào đúng tài khoản của mình tại VietinBank và không làm bất kỳ điều gì sai trái để tiền bị mất đi.

4.3. NAVIBANK cũng không tin vào Huyền Như một cách vô căn cứ. Huyền như chính là một người được VietinBank tuyển dụng, bố trí, phân công, khen thưởng, bổ nhiệm, đề cao, trọng dụng và giao cho trách nhiệm, quyền hạn thực thi nhiệm vụ, đại diện cho VietinBank. Vì vậy, không thể cho rằng những người bị hại, trong đó có NAVIBANK tin vào Huyền Như vô căn cứ. Nếu nói tin vào Huyền Như một cách vô căn cứ, thì cũng đồng nghĩa với việc tin vào VietinBank một cách vô căn cứ. Chỉ vô căn cứ nếu Huyền Như là một lao động tự do nhưng đã mạo danh cán bộ của VietinBank để lừa đảo.

5. Về việc giao dịch không đúng đối tượng và địa chỉ:

5.1. Kết luận điều tra và phần luận tội của vị đại diện Viện kiểm sát cho rằng các đơn vị và cá nhân bị thiệt hại đã có những lỗi lầm, sai trái sau:

  • Gửi số tiền rất lớn nhưng không tìm hiểu thông tin, không gặp người đại diện ký hợp đồng;
  • Gửi tiền nhưng không đến địa điểm giao dịch của VietinBank; mọi giao dịch đều thông qua bị cáo Như ngoài trụ sở VietinBank.

5.2. Thiết nghĩ không thể đòi hỏi người gửi tiền phải tìm hiểu những thông tin gì nữa về một ngân hàng lớn, uy tín, đường đường chính chính được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Người gửi một vài chục tỷ đồng vào ngân hàng khá nhiều (20% số khách hàng chiếm 80% số dư tiền gửi tại ngân hàng), đặc biệt gửi tiền tại một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Theo thông lệ, với uy tín sừng sững của ngân hàng, thì với các giao dịch này, khách hàng chẳng có lý do gì phải làm việc với người ký hợp đồng. Điều này cũng giống như việc, các Tổng giám đốc doanh nghiệp cũng thường xuyên làm việc và ký hợp đồng thế chấp với nhân viên tín dụng của các ngân hàng tại các phòng (văn phòng) công chứng.

5.3. Việc nhận hồ sơ đăng ký mở tài khoản (nhất là tài khoản thẻ) và việc giao dịch gửi và rút tiền gửi ngoài trụ sở ngân hàng không có gì sai pháp luật. Thậm chí nhiều ngân hàng đã và vẫn đang khuyến khích sử dụng để phục vụ khách hàng, cạnh tranh thu hút tiền gửi và dịch vụ. Chính VietinBank cũng có hình thức dịch vụ giao dịch tại nhà khách hàng. Các ngân hàng còn khuyến khích, thậm chí là bắt buộc mọi nhân viên tham gia huy động vốn cho ngân hàng như VietinBank. Đối với NAVIBANK, thì những giao dịch quan trọng nhất đã được thực hiện đúng luật và diễn ra tại trụ sở VietinBank: Tài khoản, hợp đồng thật của VietinBank cấp cho khách hàng và tiền đã được chuyển vào đúng tài khoản của chính khách hàng. VietinBank không thể từ chối sự thật là các giao dịch tài khoản tiền gửi đã có trong Bảng cân đối kế toán hằng ngày của VietinBank chứ không phải giao dịch ngoài luồng, không vào sổ sách.

5.4. Giả sử có thật việc mọi giao dịch đều thông qua bị cáo Như ngoài trụ sở VietinBank, thì cũng là điều pháp luật cho phép. Điều 403 về “Địa điểm giao kết hợp đồng dân sự” Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định như sau: “Địa điểm giao kết hợp đồng dân sự do các bên thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng dân sự là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng.”

5.5. Nếu như vì lý do không tìm hiểu thông tin, không gặp người đại diện ký hợp đồng, không đến địa điểm giao dịch của VietinBank mà dẫn đến tiền bị chuyển mất đi đâu đó, thì đúng là đã tạo điều kiện cho tội phạm chiếm đoạt. Tuy nhiên, đối với NAVIBANK, thì điều này chẳng có ảnh hưởng gì vì tiền gửi của khách hàng đã được chuyển qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (CITAD), đã vào đúng tài khoản của mình. Chỉ có điều, nó đã bị VietinBank chuyển đi và định đoạt một cách sai trái, hoàn toàn vô căn cứ và không có có sở pháp lý.

6. Về việc Người gửi tiền “Không mở tài khoản tiết kiệm đúng trình tự”:

6.1. Đây là một trong hai nội dung được ghi trong Cáo trạng, phần viết về NAVIBANK. Tuy nhiên 4 nhân viên NAVIBANK gửi tiền tại VietinBank là gửi tiền theo hình thức tài khoản hợp đồng tiền gửi, chứ không phải tài khoản tiết kiệm và đã hoàn thành thủ tục tài khoản tiền gửi và được cấp tài khoản hợp pháp.

6.2. Khoản 3, Điều 4 về “Hồ sơ mở tài khoản tiền gửi”, Quy chế Mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng, ban hành kèm theo Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN2 ngày 21-11-2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc mở tài khoản tiền gửi đối với cá nhân chỉ gồm 2 loại giấy tờ chính là “Giấy đề nghị mở tài khoản” “Các giấy tờ chứng minh tư cách của người đại diện, người giám hộ hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự.”. Như vậy, nhận định của Cáo trạng là sai lầm, không có giá trị pháp lý.

7. Về việc Người gửi tiền tiết kiệm “không giữ thẻ tiết kiệm”:

7.1. Cáo trạng nhận định: Các nhân viên của Navibank gửi tiền nhưngđã không giữ thẻ tiết kiệm mà để Như đã tự trích chuyển từ tài khoản tiền gửi của các cá nhân này mở tại VietinBank”:

7.2. Bốn nhân viên NAVIBANK gửi tiền theo hình thức Hợp đồng tiền gửi, đã giữ các Hợp đồng tiền gửi hợp pháp do VietinBank HCM ký tên, đóng dấu. Như vậy, giao dịch gửi 200 tỷ đồng của 4 nhân viên NAVIBANK đã hoàn tất. Người gửi tiền đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình theo đúng quy định của pháp luật cũng như quy định của VietinBank. Người gửi tiền không gửi tiền theo hình thức tiền gửi tiết kiệm, vì vậy không bao giờ có thẻ tiết kiệm, và không bao giờ được giữ thẻ tiết kiệm. Điều này cũng vô lý chẳng khác nào đòi hỏi khách hàng mua một nải chuối trong siêu thị, ngoài phiếu mua hàng, còn phải có hợp đồng kinh tế mua bán chuối thì mới được ra khỏi siêu thị.

7.3. Như vậy, Cáo trạng đã sai lầm đặc biệt nghiêm trọng về pháp lý, trái hoàn toàn với thực tế và ngược với bản chất sự việc khi nhận định: “số tiền 200 tỷ đồng có trong tài khoản của 04 nhân viên Navibank mở tại VietinBank do các cá nhân này không giữ thẻ tiết kiệm và không mở tài khoản tiết kiệm đúng trình tự nên đã bị Như chiếm đoạt trả cho nhiều đơn vị và cá nhân”.

8. Về việc Người gửi tiền đã không thực hiện trách nhiệm quản lý tài khoản của mình:

8.1. Đại diện VietinBank đã đọc văn bản trả lời các câu hỏi của luật sư tại Phiên tòa ngày 10-01-2014 cho rằng, khách hàng có trách nhiệm quản lý tài khoản, VietinBank không có trách nhiệm quản lý tài khoản. Cần phải khẳng định rằng, trách nhiệm quản lý tài khoản trước hết và chủ yếu thuộc về ngân hàng. Cụm từ về trách nhiệm “quản lý tài khoản” của ngân hàng đã được nêu tại khoản 2, Điều 67 về “Phong tỏa tài khoản”, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định “Cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải thực hiện ngay quyết định của Chấp hành viên về phong toả tài khoản.” Đương nhiên phải hiểu rằng người “quản lý tài khoản” là ngân hàng chứ không phải là chủ tài khoản, vì nghiệp vụ “phong tỏa tài khoản” chỉ dành riêng cho ngân hàng, chứ không bao giờ là của khách hàng. Khoản 5, Điều 3 về “Nhận biết khách hàng”, Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04-10-2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Phòng chống rửa tiền cũng quy định, ngân hàng phải có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong “dịch vụ quản lý tài khoản của khách hàng”. Trong một mục trên trang web của VietinBank tại thời điểm sáng hôm nay (16-01-2014) giới thiệu lợi ích đầu tiên trong số 10 lợi ích của dịch vụ tài khoản là: “Tiền trên tài khoản của Quý khách sẽ được VietinBank quản lý an toàn, chính xác và bảo mật”. Rất hay và đúng luật!

8.2. Khoản 2, Điều 10 về “Trách nhiệm của chủ tài khoản”, Quy chế số 1284/2002/QĐ-NHNN2 quy định chủ tài khoản có trách nhiệm “Tự tổ chức hạch toán, theo dõi số dư trên tài khoản, đối chiếu với Giấy báo Nợ, Giấy báo Có, hoặc Giấy báo số dư tài khoản do Ngân hàng nơi mở tài khoản gửi đến.” Một trong những quyền quan trọng nhất của chủ tài khoản là được ra lệnh cho ngân hàng thực hiện các yêu cầu thanh toán, rút tiền, chuyển tiền. Nhưng để thực hiện được quyền này, thì đồng thời khách hàng phải có trách nhiệm theo dõi số dư tài khoản, để biết tiền còn hay hết để thanh toán tiền hàng hay trả lương, để ra lệnh chi hay hạch toán kế toán,… chứ không thể yêu cầu ngân hàng thanh toán cho mục đích trái luật hay chuyển tiền khi tài khoản trống rỗng. Khách hàng theo dõi số dư còn để, nếu thấy có dấu hiệu bị xâm phạm, thì lập tức yêu cầu ngân hàng xử lý, ngăn chặn để bảo vệ. Tuy nhiên, về nguyên tắc, đã gửi tiền vào ngân hàng, dù không kiểm tra tài khoản, không đối chiếu, thậm chí bỏ quên hẳn tài khoản tại ngân hàng một vài chục năm, thì cũng không vì thế mà bị mất tiền gửi. Vì trách nhiệm quan trọng nhất của ngân hàng, đồng thời cũng là đòi hỏi cao nhất của pháp luật, nhà nước và công chúng, là ngân hàng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối tiền gửi của khách hàng.

8.3. Chủ tài khoản không thể tự mình giao dịch rút tiền, chuyển tiền, thanh toán nếu như không có sự cho phép của ngân hàng. Thậm chí đúng là chủ tài khoản đã ký lệnh thanh toán, nhưng nếu chữ ký không giống với đăng ký hay ký bằng mực đỏ, thì ngân hàng có quyền đồng thời phải có nghĩa vụ từ chối thực hiện lệnh chi. Việc này có thể ví như khách hàng cầm chìa khóa, còn ngân hàng giữ ổ khóa. Chìa khóa hoàn toàn vô tác dụng nếu không được phép mở khóa, nhưng ngược lại khóa vẫn có thể bị mở tung mà không cần có đúng chìa của khách hàng, vì có thể dùng chìa khác hoặc bị xâm phạm. Điều đó có nghĩa là, dù tội phạm có giật được chìa, thì cũng không dễ gì chiếm đoạt được tiền trong tài khoản của khách hàng, vì ngân hàng mới là người quyết định cuối cùng trong việc mở khóa và xuất tiền. Ngân hàng là hầu bao giữ tiền, tội phạm muốn lấy tiền gửi ngân hàng, thì buộc phải tìm cách rút ruột ngân hàng.

8.4. Quy chế số 1284/2002/QĐ-NHNN2 cũng đã đồng thời quy định tại Điều 10 và Điều 12, khách hàng thì phải “chịu trách nhiệm về những sai sót hay hành vi lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình.”, còn ngân hàng thì phải “chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản của khách hàng do lỗi của mình.” Khách hàng để lộ mật khẩu chuyển tiền điện tử, nếu bị mất tiền thì là do lỗi của khách hàng, nhưng nếu ngân hàng để kẻ gian (nhất là nội bộ) đánh cắp mật khẩu của khách hàng thì xin ngân hàng đừng nói là khách hàng tự chịu mất tiền. Các khách hàng là nhân viên NAVIBANK không hề ký lệnh chi tiền, hay hình thức khác để định đoạt tiền tiền gửi,… thì đương nhiên là không có lỗi trong việc tiền bị “biến mất” khỏi tài khoản của mình.

8.5. Đại diện VietinBank đã đọc văn bản trả lời các luật sư tại Phiên tòa ngày 10-01-2014 cho rằng, những quy định trên chỉ áp dụng đối với tài khoản tiền gửi, chứ không áp dụng đối với tài khoản thanh toán của khách hàng. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì tài khoản thanh toán cũng chính là một loại tiền gửi và cơ bản không có sự khác nhau về trách nhiệm pháp lý giữa hai loại tài khoản này. Khoản 22, Điều 4, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã giải thích rõ “Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng.” Không những thế, Quy chế số 1284/2002/QĐ-NHNN2 còn xác định cụ thể hơn, “tài khoản tiền gửi tiết kiệm, tài khoản séc bảo chi, tài khoản chuyển tiền, tài khoản tiền vay,…” đều là “các tài khoản thanh toán khác”.

9. Về việc VietinBank không phải chịu trách nhiệm về các lệnh chi giả:

9.1. Lời luận tội của vị đại diện Viện kiểm sát có nhận định: Tội phạm lừa đảo coi như đã hoàn thành ngay sau khi ACB và NAVIBANK chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi (theo Điều 2 của Hợp đồng tiền gửi). Đến thời điểm này, coi như tiền đã bị mất, mục đích của bị cáo đã đạt được theo sự dẫn dụ của bị cáo. Các lệnh chi tiền giả do VietinBank thực hiện chỉ là những bước tiếp theo để chuyển số tiền đã chiếm đoạt được. Tức là VietinBank không phải chịu trách nhiệm về các lệnh chi giả làm mất tiền trong tài khoản của khách hàng.

9.2. Nhận định trên là vô cùng lạ lùng, hoàn toàn vô căn cứ, sai pháp luật một cách cơ bản, trái với yếu tố cấu thành tội phạm của tội lừa đảo, vì:

  • Thứ nhất, tội phạm chỉ có thể chiếm đoạt được tiền, nếu như tiền bị chuyển vào tài khoản của kẻ lừa đảo, còn trên thực tế các nhân viên NAVIBANK đã chuyển tiền vào tài khoản của chính mình tại Ngân hàng Công thương, thì chỉ có thể nói là tiền bắt đầu dính vào quá trình phạm tội, liên quan đến tội phạm, chứ không thể nói là tội phạm đã hoàn thành, tức đã mất tiền;
  • Thứ hai, luật là luật, tội là tội, đúng là đúng, sai là sai, chứ không thể có chuyện “coi như được hoàn thành”. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139, Bộ luật Hình sự chỉ hoàn thành kể từ thời điểm tội phạm đã thực hiện xong hành vi chiếm đoạt, số tiền đã bị mất khỏi khả năng kiểm soát của chủ sở hữu và ngân hàng. Vừa mới chuyển tiền thật vào tài khoản thật của mình tại một ngân hàng thật, thì không thể coi như mất, không thể coi như đã bị lừa đảo xong. Nnư vậy, thì cứ bắt đầu nộp gửi tiền vào VietinBank là coi như đã bị chiếm đoạt, nếu chẳng may có cán bộ của VietinBank lừa đảo;
  • Thứ ba, Điều 2 cũng nhưng toàn bộ Hợp đồng tiền gửi là các điều khoản hợp đồng theo mẫu chung của VietinBank, ký với tất cả các khách hàng, chứ không phải bị cáo Như đã dẫn dụ người gửi tiền tự đặt mình vào tình thế bất lợi. Và quan trọng là, điều khoản này chỉ là kỹ thuật thông thường của ngân hàng, cho phép chuyển từ tài khoản không kỳ hạn sang tài khoản có kỳ hạn của chính khách hàng, chứ không hề cho phép VietinBank chuyển sang tài khoản tài khoản tiền gửi tiết kiệm và càng không hề có việc cho phép VietinBank được chuyển sang tài khoản của người khác, cũng như dùng số tiền này để cầm cố, thế chấp, bảo lãnh cho nghĩa vụ của khác.

9.3. Số tiền gửi 200 tỷ đồng của các nhân viên NAVIBANK nằm trong tài khoản hợp pháp của chính người gửi tiền tại VietinBank. VietinBank không được phép “tự xử” số tiền đó, trừ 3 trường hợp dưới đây, ngân hàng “được chủ động trích tài khoản của khách hàng” theo quy định tại khoản 1, Điều 11 về “Quyền của Ngân hàng”, Quy chế số 1284/2002/QĐ-NHNN2:

a) Các khoản nợ đến hạn, quá hạn, các khoản lãi, chi phí hợp lệ khác phát sinh trong quá trình quản lý tài khoản và cung ứng các dịch vụ thanh toán theo quy định.

  b) Các nghĩa vụ thanh toán theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền buộc chủ tài khoản phải thanh toán.

  c) Các trường hợp khác theo thoả thuận giữa Ngân hàng và khách hàng”.

9.4. Trên thực tế, sau khi giao dịch gửi tiền của các nhân viên NAVIBANK vào VietinBank đã hoàn tất, không hề có bất kỳ sự đồng ý nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp của người gửi tiền, bị cáo Như đã thực hiện các thủ đoạn gian dối, lừa VietinBank để chuyển tiền khỏi các Hợp đồng tiền gửi và chuyển đổi thành hình thức tiền gửi tiết kiệm. Hồ sơ vụ án đã phản ánh rõ, 4 khách hàng không ký vào các giấy tờ mở thẻ tiết kiệm, không ký hợp đồng dùng thẻ tiết kiệm để cầm cố, thế chấp hay bảo lãnh cho bất kỳ khoản vay nào. Xét ở khía cạnh khác, tiền gửi của khách hàng cũng chính là tiền vay của VietinBank. Nếu theo đúng quy định tại Điều 472 về “Quyền sở hữu đối với tài sản vay”, Bộ luật Dân sự năm 2005 thì VietinBank, tức “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó.” Như vậy, bị cáo Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng tiền gửi hợp pháp của NAVIBANK tại VietinBank, tức là đã lấy tiền của VietinBank. Việc để bị cáo chiếm đoạt tiền là do nội bộ hệ thống VietinBank đã có những sơ hở đặc biệt nghiêm trọng trong việc quản lý hồ sơ, chứng từ gửi tiền của VietinBank, đã để cho bị cáo Như và người trong nội bộ rút ruột chiếm đoạt tiền trong túi của mình bằng 2 thủ đoạn sau:

  • Làm giả lệnh chi, ký giả chữ ký của chủ tài khoản để 140,3 tỷ đồng để trả nợ cho các cá nhân, tổ chức khác;
  • Tự ý trích 59,7 tỷ đồng để lập thành 8 thẻ tiết kiệm giả, rồi giả chữ ký của chủ thẻ tiết kiệm để cầm cố vay 57,5 tỷ đồng tại VietinBank. Sau đó, VietinBank đã tự ý trích tiền từ 8 thẻ tiết kiệm để thu nợ.

9.5. Gửi tiền tại ngân hàng không hề đơn giản như gửi xe vào bãi, ai đó cứ cầm thẻ gửi xe là có thể dễ dàng lấy được xe, người giữ vô can. Đối với ngân hàng, nếu không phải là chính người gửi tiền hoặc người được người gửi tiền uỷ quyền hợp pháp, mà cầm hợp đồng tiền gưir hoặc thẻ tiết kiệm đến ngân hàng thì cũng không thể rút được tiền. Nguyên tắc bắt buộc quan trọng nhất là ngân hàng phải xác định được chính xác việc chi trả cho chủ sở hữu, trong đó có việc đối chiếu, nhận dạng qua chứng minh nhân dân. Thực tế đã cho thấy, việc đổi chứng minh nhân dân từ 9 sang 12 số vừa qua đã dẫn đến tinh trạng rất nhiều khách hàng là chủ sở hữu thật, xuất trình chứng minh nhân dân hợp pháp của chính mình, nhưng cũng không rút được tiền gửi của mình tại ngân hàng. Trong trường hợp này, ngân hàng không cho rút là đúng luật, hợp lý và cần thiết để bảo đảm an toàn cao nhất tiền gửi của khách hàng. Đặc biệt, với số tiền giao dịch 200, nay là 300 triệu đồng trở lên, thì ngân hàng còn phải có trách nhiệm nhận biết khách hàng chặt chẽ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Nếu ngân hàng sơ suất cho người cầm hợp đồng tiền gửi hay thẻ tiết kiệm, mà không phải là chủ sở hữu rút tiền, thì chắc chắn ngân hàng phải đền bù đủ tiền gửi cho khách hàng. Bởi vậy, hợp đồng tiền gửi hay thẻ tiết kiệm bị mất thì chỉ việc đến ngân hàng báo mất, sau đó được cấp thẻ khác để rút tiền hoặc vẫn được rút tền mà không cần có thẻ tiết kiệm, vì cả hợp đồng tiền gửi và thẻ tiết kiệm đều không phải là giấy tờ có giá. Điều này càng thấy rõ, khi mà hiện nay đã có nhiều ngân hàng nhận tiền gửi của dân cư mà không cần giao cho khách hàng hợp đồng tiền gửi hay thẻ tiết kiệm. Ví dụ như Vietcombank.

9.6. Bao nhiêu sơ hở, sai sót, vi phạm của các nhân viên NAVIBANK cũng không phải là nguyên nhân trực tiếp, không có quan hệ nhân quả với hậu quả tiền gửi bị chiếm đoạt. Nguyên nhân trực tiếp, quyết định, là quan hệ nhân quả dẫn đến mất 200 tỷ đồng của NAVIBANK là VietinBank đã để cho tội phạm tự tung, tự tác dễ dàng chiếm đoạt tiền đang thuộc trách nhiệm quản lý trực tiếp của mình. Vì vậy, hiển nhiên là VietinBank phải “Chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản của khách hàng do lỗi của mình.” theo quy định tại khoản 8, Điều 12 về “Trách nhiệm của Ngân hàng”, Quy chế số 1284/2002/QĐ-NHNN2 và quy định tại Điều 18 về “Bồi thường thiệt hại”, Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 20-9-2001 của Chính phủ về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

9.7. Về nguyên tắc, cán bộ ngân hàng làm sai, thì trước hết ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Điều này cũng giống như lái xe gây tai nạn, thì tổ chức có lái xe phải chịu trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân, sau đó mới yêu cầu lái xe bồi thường cho tổ chức. Cũng tương tự như người thi hành công vụ là cán bộ, công chức nhà nước thực hiện các hành vi trái pháp luật (gồm “không thực hiện hoặc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn không đúng quy định của pháp luật”) thì cơ quan nhà nước phải bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại theo quy định tại các Điều 2 và 3 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Hay như Điều 618 về “Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra” Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng đã quy định rõ: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

9.8. Nếu người làm việc cho pháp nhân có hành động sai trái hoặc vượt quyền, gây ra thiệt hại cho người khác, mà pháp nhân lại đẩy hết rủi ro ra ngoài xã hội, phủ nhận sạch trơn trách nhiệm của mình, thì pháp nhân đó chẳng khác nào một pháp nhân ảo. Và muốn trốn tránh trách nhiệm, thi chỉ cần chứng minh mỗi điều là nhân viên phạm tội hình sự. Điều này thì dường như quá dễ dàng đối với các vụ việc thất thoát tiền tỷ. Và như vậy thì chẳng hóa ra, nhân viên của pháp nhân gây ra thiệt hại càng lớn, thì pháp nhân càng “mừng”, vì họ càng có nhiều cơ hội “thoát tội”, thoát khỏi trách nhiệm bồi thường.

9.9. Tuy các bị cáo là những kẻ trực tiếp gây ra thiệt hại, nhưng trong vụ án này không thể phủ nhận một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định chính là sự sơ hở, yếu kém chết người đã chọc thủng hệ thống quản trị rủi ro của VietinBank: Nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra liên tiếp. Nhiều cán bộ, nhân viên liên quan cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm. Nhiều công đoạn sai sót chết người nối tiếp nhau mà không hề gặp trở ngại. Nhiều chứng từ và chữ ký giả vẫn lọt qua mọi cửa kiểm soát. Nhiều ngàn tỷ đồng đã được chuyển đi và rút ra bất hợp pháp một cách dễ dàng. Nhiều chục giao dịch phạm tội đã hoàn thành một cách chót lọt. Có thể nói, trong vụ án này, sự sơ hở, yếu kém của hệ thống quản trị rủi ro tại VietinBank chính là môi trường tạo ra các hành vi phạm tội của Huyền Như. Vì vậy, tiếp theo đề nghị của Viện kiểm sát về việc xem xét trách nhiệm của VietinBank HCM, đề nghị khởi tố vụ án để xem xét trách nhiệm của lãnh đạo VietinBank trong việc gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

9.10. Đại diện VietinBank đã đọc một văn bản được chuẩn bị kỹ lưỡng trả lời các luật sư tại Phiên tòa ngày 10-01-2014 với khẳng định rằng: “Nếu các hợp đồng khách hàng ký với VietinBank xác định là thật, con dấu thật, chữ ký thật thì VietinBank chịu trách nhiệm”. Con số 200 tỷ đồng tiền gửi của NAVIBANK chính là hợp đồng thật, con dấu thật, chữ ký thật của VietinBank. Do vậy không còn bất cứ lý do gì để VietinBank từ chối nghĩa vụ thanh toán.

9.11. Như vậy toàn bộ 9-10 điểm mà Kết luận điều tra, Cáo trạng và Luận tội cho rằng NAVIBANK sai phạm, sơ suất dẫn đến mất tiền, thì 10 đều không đúng thực tế, tráí với pháp luật và không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả số tiền bị chiếm đoạt.

10. Về đạo lý và pháp lý của việc yêu cầu VietinBank bồi thường.

10.1. Nếu VietinBank không trả tiền gửi cho khách hàng, thì tất cả các bị cáo là nhân viên của VietinBank đang bị xét xử oan sai về Tội vi phạm các quy định về cho vay gây hậu quả nghiêm trọng.

10.2. Nếu VietinBank không trả tiền gửi cho khách hàng, thì đúng là tội phạm coi như đã hoàn thành việc chiếm đoạt ngay từ khi khách hàng vừa chuyển tiền vào tài khoản của chính mình tại ngân hàng, như luận tội của vị đại điện Việt kiểm sát.

10.3. Nếu VietinBank không trả tiền gửi cho khách hàng, thì đúng là chức danh Trưởng phòng của VietinBank chỉ là trò đùa, không có giá trị đại diện cho VietinBank trong giao dịch với khách hàng, như lời của người đại diện VietinBank trước Tòa án.

10.4. Nếu VietinBank không trả tiền gửi cho khách hàng, thì đúng là ngân hàng không chịu trách nhiệm quản lý tài khoản của khách hàng, như lời của bị cáo Huyền Như và người đại diện VietinBank trước Tòa án.

10.5. Nếu VietinBank không trả tiền gửi cho khách hàng, thì hệ thống quản trị rủi ro nội bộ của VietinBank là rất tốt, rất ổn, vì nó chẳng hề gây ra thiệt hại về tiền bạc nào cho VietinBank.

10.6. Nếu VietinBank không trả tiền gửi cho khách hàng, thì có nghĩa là phía sai sót 1 phải gánh mọi hậu quả, trong khi bên sai trái 10 thì hoàn toàn miễn trách.

10.7. Nếu VietinBank không trả tiền gửi cho khách hàng, thì tiền gửi của khách hàng có thể bị tự động trở thành tài sản cầm cố để trả nợ thay cho một nghĩa vụ nào đó.

10.8, Nếu VietinBank không trả tiền gửi cho khách hàng, thì tiền gửi của khách hàng có nguy cơ mất trắng, nếu chẳng may “dính” phải một cán bộ ngân hàng lừa đảo.

10.9. Nếu VietinBank không trả tiền gửi cho khách hàng, thì làm sao có thể giải thích được với công chúng rằng, tiền gửi nằm trong tài khoản hợp pháp tại ngân hàng, theo hợp đồng thật, con dấu thật và chữ ký thật cũng chẳng có gì bảo đảm.

10.10 Cuối cùng, tôi đề nghị Hội đồng Xét xử đặc biệt quan tâm xem xét trách nhiệm dân sự của Vietibank trong vụ án này. Nếu VietinBank, một ngân hàng thuộc loại lớn nhất Việt Nam, không trả tiền gửi cho khách hàng, thì:

  • Mất con người là mất ít;
  • Mất tiền bạc là mất nhiều;
  • Nhưng mất lòng tin thì mới là mất hết.

Đó cũng chính là “Thập đại nghịch lý” trong số 10 đại án, nếu VietinBank không trả tiền gửi cho NAVIBANK.

(8.000 chữ)
Audio Luận cứ tại Toà 53 phút của LS Trương Thanh Đức:

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,721