3.007. Phải làm rõ căn cứ

(ĐBND) – Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề xuất Chính phủ tạm dừng cấp phép thành lập các hãng hàng không mới đến năm 2022 để tập trung phục hồi ngành hàng không do tác động của dịch Covid – 19. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần xem xét kỹ căn cứ của đề xuất này.

Dừng cấp phép mới để khắc phục hậu quả Covid

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ GTVT cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường vận tải hàng không thế giới cũng như Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo nhu cầu thị trường sẽ giảm 80% trong thời gian tới.

Riêng tại Việt Nam, tổng thị trường vận chuyển năm 2020 ước đạt 42,7 triệu khách, giảm 46% so với năm 2019 và bằng 50% so với dự báo trước đó. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt 32,6 triệu khách, giảm 40,7% so với năm 2019, chỉ bằng 54% sản lượng dự báo. Đến hết năm 2022, tổng thị trường vận chuyển Việt Nam dự báo đạt 78 triệu khách, bằng 74% so với dự báo, trong đó các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt hơn 57 triệu khách, bằng 75% so với dự báo. Hiện tại, đội máy bay của các hãng hàng không trong nước là 214 máy bay nhưng mới chỉ khai thác các đường bay nội địa và một số chuyến bay chở hàng quốc tế với tỷ lệ trọng tải cung ứng chưa tới 50% so với năng lực.

Do đó, Bộ GTVT đề xuất “trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động. Việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi, dự kiến năm 2022”.

Lo hộ doanh nghiệp?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, xét ở góc độ pháp lý, đề xuất tạm dừng cấp phép bay trong giai đoạn từ nay đến năm 2022 của Bộ GTVT có một số điểm cần làm rõ.

Cụ thể, mặc dù diễn biến Covid – 19 vẫn còn phức tạp, nhu cầu đi lại bằng hàng không giảm sút song được dự báo sẽ dần phục hồi, tăng trở lại sau khi các nước đã khống chế được dịch. Do vậy, trong giai đoạn này, doanh nghiệp chuẩn bị gia nhập thị trường hàng không dân dụng để đón đầu đà tăng trở lại này là kế hoạch hợp lý, bởi từ lúc được cấp phép đến khi chính thức vận hành cần có thời gian. Đây cũng là quyền của tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, mỗi tổ chức khi gia nhập thị trường đều có chiến lược phát triển riêng và sẽ có điều chỉnh để phù hợp với thị trường. Vì thế, việc có tiếp tục tham gia thị trường hay tạm hoãn, thậm chí rút lui hoàn toàn nên để doanh nghiệp tự quyết định. “Việc Bộ GTVT lấy lý do khắc phục hậu quả của dịch Covid – 19 để tạm dừng cấp phép hãng bay mới là không thuyết phục, bởi các dự báo đều cho rằng ngành hàng không sẽ dần phục hồi. Điều này chẳng khác nào cơ quan quản lý đang lo hộ doanh nghiệp”, ông Hà bình luận.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, đề xuất này đang trái với các quy định hiện hành. Bởi lẽ, quy định trong các luật về đầu tư, hàng không dân dụng đều khẳng định các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế khi đầu tư kinh doanh được bình đẳng trước pháp luật. Thêm nữa, hàng không dân dụng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Trong trường hợp nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện thì cần được cấp phép. Có chăng, trong trường hợp dịch Covid – 19 tác động nặng nề, cơ quan quản lý có thể khuyến cáo doanh nghiệp chứ không thể vin vào lý do đó để tạm ngừng cấp phép cho các hãng bay.

Tuy nhiên, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) lại cho rằng, về mặt lý thuyết, việc tham gia thị trường vận tải hàng không là quyền của doanh nghiệp nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, để cấp phép cho các hãng bay mới không chỉ là vấn đề cạnh tranh (liên quan quyền lợi của người tiêu dùng) mà còn là vấn đề về năng lực của Nhà nước (bao gồm năng lực quản lý và hạ tầng).

Trong trường hợp này, Bộ GTVT cần làm rõ vấn đề hạ tầng ở 4 yếu tố như: Nhà nước có tính đến việc mở rộng cơ sở hạ tầng không? Để làm việc này cần bao nhiêu thời gian, nguồn lực và có thực sự hấp dẫn? Chính phủ có cam kết cụ thể nào khi hội nhập về việc sẽ không mở cửa thêm ngành hàng không trong khoảng thời gian nào đó? Các nhà cung cấp đã bão hòa, giá cả hợp lý chưa? “Bộ GTVT cần công khai, minh bạch các yếu tố này trước khi ra quyết định tạm dừng cấp phép thành lập hãng bay mới”, ông Huỳnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, đối với các tổ chức đã xúc tiến, hoàn thiện thủ tục để được cấp phép, Bộ GTVT cần có đánh giá cụ thể về những tác động tiêu cực, kể cả thiệt hại về mặt kinh tế (nếu có) nếu tạm ngừng cấp phép hãng bay mới. Nếu không, đề xuất của Bộ GTVT sẽ khó thuyết phục.

Duy Anh

—————–

Đại biểu Nhân dân 23-5-2020:

http://daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=436377

(133/1.020)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,387