3.570. Có được phép “dùng” dân để diễn tập sự cố trên tàu Cát Linh – Hà Đông?

(DT) – Luật sư cho rằng, chưa có cơ sở pháp lý cho phép Metro Hà Nội tổ chức diễn tập sự cố bất ngờ, không báo trước cho hành khách đi tàu Cát Linh – Hà Đông; không thể mang người dân ra… “thí nghiệm”.

Mang hành khách ra làm “chuột bạch”?

Mới đây, trao đổi với báo chí về sự cố tàu mất tín hiệu vào ngày 7/12, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) Vũ Hồng Trường cho biết đây chỉ là một sự cố diễn tập. Ông Trường cho biết thêm, sắp tới tuyến đường sắt đô thị (metro) Cát Linh – Hà Đông sẽ có thêm những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ, không báo trước cho hành khách.

Cụ thể, theo khuyến cáo của Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống ACT (Pháp), trong năm đầu khai thác tuyến Cát Linh – Hà Đông, đơn vị vận hành cần diễn tập một số tình huống sự cố khẩn cấp, có yếu tố bất ngờ (không báo trước) nằm trong 63 tình huống khẩn cấp có thể gặp.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội cho biết, sắp tới tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ có thêm những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ, không báo trước cho hành khách (Ảnh: Metro Hà Nội).

Thông tin nêu trên ngay sau khi được báo chí đăng tải đã lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và có nhiều ý kiến trái chiều.

Cụ thể, tài khoản mạng xã hội S.L. cho rằng, ngay cả khi diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, lực lượng chức năng cũng phải có lịch và thông báo trước. Vì vậy, việc đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông gặp sự cố vào ngày 7/12 rồi sau đó thông tin lại rằng, đây chỉ là diễn tập là “vụng chèo khéo chống”.

Tài khoản N.T.N. thì thắc mắc không rõ pháp luật có cho phép “dùng” người dân để diễn tập không báo trước hay không? Trong trường hợp diễn tập rồi xảy ra sự cố ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Tài khoản N.V.M. bình luận nặng nề rằng, nếu tiếp tục có thêm những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ, không báo trước thì Metro Hà Nội đang định mang hành khách ra làm “chuột bạch” (!?).

Cùng quan điểm này, tài khoản N.T. nêu ý kiến, nếu thật sự đây là tình huống diễn tập bất ngờ, Metro Hà Nội đang đem tính mạng, sự an toàn, thời gian và công việc của người dân ra diễn tập. Bởi lẽ, không có luật nào cho phép thu tiền vé của hành khách rồi “bắt” diễn tập.

Trong khi đó, tài khoản Q.N. lại bày tỏ sự đồng tình với động thái từ Metro Hà Nội. “Tôi nghĩ hợp tác với ban quản lý vài lần cũng không sao. Các tình huống diễn tập bất ngờ đều đã tính toán đến sự an toàn của hành khách. Không phải vì như thế mà chê bai, bỉ bôi, quy chụp, tẩy chay các kiểu… Khó khăn lắm mới đưa tàu vào hoạt động được. Đáng để ủng hộ vì phát triển” – tài khoản Q.N. nêu quan điểm.

Thông tin Metro Hà Nội sẽ tiếp tục diễn tập các sự cố không báo trước đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội (Ảnh: Mạnh Quân).

Thiếu cơ sở pháp lý?

Nêu quan điểm về vụ việc trên, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết, trong một số lĩnh vực, pháp luật có những quy định về việc diễn tập để ứng phó với nguy cơ sự cố, tai nạn xảy ra.

Cụ thể, việc diễn tập cấp cứu trong hoạt động y tế, hay phòng cháy, chữa cháy, đều phải dựa trên các quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cách thức triển khai theo phương án được phê duyệt và đặc biệt là những việc ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và sinh hoạt của người dân thì luôn phải được thông báo trước.

“Nếu là diễn tập thì phải có sự đồng ý của hành khách hoặc ít nhất là cũng phải thông báo trước một cách rõ ràng, hợp lý. Tuy nhiên, bất kể vì lý do gì cũng không thể mang người dân ra làm “thí nghiệm” và đẩy họ hoàn toàn bị động, rơi vào tình thế bất ngờ như vậy được” – ông Đức bày tỏ.

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, các tình huống diễn tập nếu ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và sinh hoạt của người dân thì luôn phải được thông báo trước (Ảnh: Tiến Tuấn).

Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, ông chưa thấy quy định nào trong Luật Đường sắt năm 2017 cũng như các nghị định, thông tư đề cập đến việc diễn tập mà “diễn viên” là những hành khách bất đắc dĩ. Thậm chí cũng chưa thấy có luật quy định nào về việc diễn tập trong hoạt động giao thông đường bộ, đường thủy, đường biển, hàng không và kể cả đối với hệ thống đường sắt quốc gia.

Theo nguyên tắc pháp quyền đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015 thì các cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Và chỉ có luật của Quốc hội mới được phép đặt ra những quy định cấm đoán hay hạn chế quyền của người dân khi họ đang tham gia giao thông công cộng.

Khoản 2, Điều 41 về “Điều hành giao thông vận tải đường sắt”, Thông tư số 3/2018/TT-BGTVT ngày 4/5/2018 “Quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt và phân tích, thống kê báo cáo về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt”, có 43 điều nhưng không có bất cứ quy định nào về diễn tập hay thử nghiệm, mà chỉ có quy định về việc điều hành giao thông vận tải đường sắt có nội dung “Chỉ huy xử lý các sự cố khẩn cấp hoặc bất thường xảy ra trên đường sắt”.

Vì vậy, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh, kể cả trường hợp cần phải diễn tập thì cũng không được phép tiến hành mà không dựa trên quy định của luật và không có thông báo trước cho hành khách. Thậm chí cần phải tuyển tình nguyện viên để làm việc đó, chứ không thể coi thường sức khỏe, tính mạng của người dân, trong đó bao gồm cả bệnh nhân, người già yếu, trẻ em, phụ nữ có thai, người khuyết tật.

Luật sư Trương Thanh Đức nhìn nhận, việc bắt hành khách tham gia diễn tập mà không hề báo trước đối với tàu đường sắt đô thị có nguy cơ rất lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, công việc, tinh thần, sức khỏe và thậm chí là tính mạng của hành khách.

“Việc diễn tập không phải là sự kiện bất khả kháng, cũng không phải là tình thế cấp thiết, vậy khi xảy ra tai nạn hay hậu quả nghiêm trọng thì doanh nghiệp vận tải và cơ quan nhà nước, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm hay là phó mặc người dân? Mà nếu có ai đó phải chịu trách nhiệm thì chịu trách nhiệm thế nào và chịu đến đâu lại không có cơ sở pháp lý rõ ràng. Do đó, việc diễn tập như vừa xảy ra cần phải được dừng lại để giải quyết khắc phục lỗi về pháp lý trước khi xảy ra lỗi trên hiện trường dẫn đến hậu quả đáng tiếc” – ông Đức nêu quan điểm.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, pháp luật hiện hành chưa cho phép cơ quan chức năng được diễn tập các sự cố bất ngờ mà không báo trước cho người dân (Ảnh: Tiến Tuấn).

“Dùng” dân để diễn tập sự cố không báo trước là quá nguy hiểm!

Khi nghe thông tin sắp tới tuyến metro Cát Linh – Hà Đông sẽ có thêm những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ, không báo trước cho hành khách, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM, giật mình thốt lên: “Làm vậy thì nguy hiểm quá. Không thể lấy tính mạng của người dân ra để diễn tập được!”.

Theo luật sư Hậu, pháp luật hiện hành chưa cho phép cơ quan chức năng được diễn tập các sự cố bất ngờ mà không báo trước cho người dân. Việc Metro Hà Nội diễn tập như vậy mà không báo trước thì có thể coi là hành vi lấy người dân ra để thí nghiệm.

“Nếu diễn tập thì phải thông báo trước để người dân lựa chọn đồng ý hay ko đồng ý tham gia. Trong trường hợp không báo trước rồi gây ra thiệt hại, tổn thất về tinh thần, vật chất, tài sản hoặc tính mạng cho người dân thì đơn vị đứng ra tổ chức diễn tập sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm” – ông Hậu nêu quan điểm.

Tối 7/12, máy đếm trục tín hiệu ga Cát Linh bất ngờ xảy ra sự cố. Sau 30 phút “đóng cửa” xử lý sự cố, có nhiều chuyến tàu không thể đến/đi từ nhà ga này.

Tối cùng ngày, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết sự cố này chỉ là tình huống diễn tập bất ngờ mà Sở Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra trong quá trình vận hành khách thác.

“Chúng tôi không hề được báo trước. Tuy nhiên, chúng tôi đã ứng phó và khôi phục chạy tàu đúng theo kịch bản” – ông Trường cho hay.

Nguyễn Trường

———————-

Dân trí (Xã hội) 15-12-2021:

https://dantri.com.vn/xa-hoi/co-duoc-phep-dung-dan-de-dien-tap-su-co-tren-tau-cat-linh-ha-dong-20211214230443575.htm

(749/1.749)

——————–

Diễn tập đường sắt thiếu cơ sở pháp lý

Theo quy định của pháp luật hiện hành có cho phép các cơ quan chức năng tổ chức diễn tập tình trạng khẩn cấp, cứu hộ cứu nạn, cung cấp dịch vụ công… bỗng nhiên gặp sự cố bất ngờ, không báo trước đối với người dân hay không?

Trong một số lĩnh vực, pháp luật có những quy định về việc diễn tập để ứng phó với nguy cơ sự cố, tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, việc diễn tập cấp cứu trong hoạt động y tế, hay phòng cháy, chữa cháy, đều phải dựa trên các quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cách thức triển khai theo phương án được phê duyệt và đặc biệt là những việc ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng và sinh hoạt của người dân thì luôn  phải được thông báo trước.

Nếu là diễn tập thì phải có sự đồng ý của hành khách hoặc ít nhất là cũng phải thông báo trước một cách rõ ràng, hợp lý. Bất kể vì lý do gì cũng không thể mang người dân ra làm thí nghiệm và đẩy họ hoàn toàn bị động, rơi vào tình thế bất ngờ như vậy được.

Như vậy, đòi hỏi phải có quy định của pháp luật như thế nào về việc diễn tập đã và còn có khả năng sẽ xảy ra nhiều lần đối với tàu đường sắt như tuyên bố của …?

Trong hoạt động đường sắt nói chung, đường sắt đô thị nói riêng, thì tôi chưa thấy quy định nào trong Luật Đường sắt năm 2017 cũng như các nghị định, thông tư đề cập đến việc diễn tập mà “diễn viên” là những hành khách bất đắc dĩ. Thậm chí cũng chưa thấy có luật quy định nào về việc diễn tập trong hoạt động giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường biển, hàng không và kể cả đối với hệ thống đường sắt quốc gia.

Theo nguyên tắc pháp quyền đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015 thì các cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Và chỉ có luật của Quốc hội mới được phép đặt ra những quy định cấm đoán hay hạn chế quyền của người dân khi họ đang tham gia giao thông công cộng.

Khoản 2, Điều 41 về “Điều hành giao thông vận tải đường sắt”, Thông tư số 3/2018/TT-BGTVT ngày 04-5-2018  “Quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt và phân tích, thống kê báo cáo về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt”, có 43 điều, nhưng không có bất cứ quy định nào về diễn tập hay thử nghiệm, mà chỉ có quy định về việc điều hành giao thông vận tải đường sắt có nội dung Chỉ huy xử lý các sự cố khẩn cấp hoặc bất thường xảy ra trên đường sắt”.

Vì vậy, kể cả trường hợp cần phải diễn tập thì cũng không được phép tiến hành mà không dựa trên quy định của luật và không có thông báo trước cho hành khách. Thậm chí cần phải tuyển tình nguyện viên để làm việc đó, chứ không thể coi thường sức khoẻ, tính mạng của người dân, trong đó bao gồm cả bệnh nhân, người già yếu, trẻ em, phụ nữ có thai, người khuyết tật.

Dư luận đặt ra giả thuyết do diễn tập bất ngờ, không báo trước và điều này dẫn đến hậu quả làm ảnh hưởng, gián đoạn tới đời sống, công việc, thậm chí đe doạ đến tính mạng của họ thì trách nhiệm và lỗi thuộc về cơ quan, tổ chức nào?

Việc bắt hành khách tham gia diễn tập mà không hề báo trước đối với tàu đường sắt đô thị có nguy cơ rất lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, công việc, tinh thần, sức khoẻ và thậm chí là tính mạng của hành khách. Chẳng hạn, tình huống diễn tập là sự cố cháy nổ, đâm va, tai nạn, bắt cóc, trộm cướp, khủng bố,… có thể làm cho hành khách có bệnh về tim mạch có thể bị đột quỵ hoặc ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ với nhiều mức độ khác nhau. Chưa kể, nếu diễn ra nhiều cuộc diễn tập, thì cả những người tham gia điều hành giao thông và hành khách sẽ không thể phân biệt được khi nào là sự cố, tai nạn, nguy thật, khi nào là giả định.

Việc diễn tập không phải là sự kiện bất khả kháng, cũng không phải là tình thế cấp thiết, vậy khi xảy ra tai hạn hay hậu quả nghiêm trọng thì doanh nghiệp vận tài và cơ quan nhà nước, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm hay là phó mặc người dân? Mà nếu có ai đó phải chịu trách nhiệm thì chịu trách nhiệm thế nào và chịu đến đến đâu lại không có cơ sở pháp lý rõ ràng.

Do đó, việc diễn tập như vừa xảy ra cần phải được dừng lại để giải quyết khắc phục lỗi về pháp lý trước khi xảy ra lỗi trên hiện trường dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

 

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Việc bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc tại...

(VNB) Việc bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc tại VNG có bất thường? (VNB) -...

Trích dẫn 

3.855. Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Cần...

3.855. Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Cần hài hòa lợi ích để phát...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 223,131