345. Bình luận về việc loay hoay “đẽo gọt” thuế thu nhập cá nhân.

(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC viết để trả lời báo chí.

Xét từ góc độ này, việc giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng là thấp, vì có khi vẫn thiếu trước hụt sau mà đã phải nộp thuế thu nhập. Nhưng nếu xét từ góc độ khác thì con số miễn trừ 9 triệu hiện hành cũng đã là quá cao, vì đa số người lao động có thu nhập thấp hơn nhiều mức đó. Người đã có thu nhập vượt mấy lần mức tiền lương tối thiểu, cũng chỉ phải đóng thuế ở mức vài phần trăm, với số tiền khá ít thì có gì là quá đáng? Tất cả là do ngành Thuế chưa lý giải thuyết phục được cơ sở, căn cứ và triết lý thu loại thuế này.

Thứ nhất, là không rõ triết lý, nguyên tắc đánh thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể, chẳng rõ đánh thuế thu nhập với mọi người có thu nhập hay chỉ với người có thu nhập cao? Thực tế có vẻ nghiêng về phía đánh thuế thu nhập cao, giống như thời bắt đầu xuất hiện loại thuế này cách đây gần 20 năm. Như vậy thì không đúng với tên gọi và tinh thần của Luật thuế thu nhập cá nhân.Tuy nhiên, lại rất mâu thuẫn khi có thu nhập từ cổ tức công ty thì dù vài ngàn đồng mỗi năm cũng phải nộp thuế, trong khi nếu có thu nhập từ tiền gửi ngân hàng thì dù hàng tỷ đồng mỗi tháng cũng không phải nộp đồng nào.

Thứ hai, là không rõ triết lý, nguyên tắc ấn định mức giảm trừ gia cảnh. Về nguyên tắc, phải đánh thuế đối với mọi khoản và mọi mức thu nhập. Tuy nhiên, để đơn giản, bớt việc, không hiệu quả, không cần thiết, nên loại trừ bớt số phải nộp mức thấp, không đáng kể, nên đặt ra mức giảm trừ gia cảnh.Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh không thấy dựa vào mức sống tối thiểu, không dựa vào thu nhập bình quân đầu người, cũng chẳng thấy căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng? Chẳng hạn, tại sao mức lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gấp 1,5 lần, mà mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau? Nếu căn cứ vào mức sống hay mức lương tối thiểu, thì mức giảm trừ gia cảnh lại là quá cao. Còn nếu tính hợp lý, thì phải tính giảm trừ kết hợp giữa 2 tiêu chí, khấu trừ cố định và khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu tối thiểu, có hoá đơn, chứng từ, căn cứ hợp lý. Ví dụ một người tuy thu nhập khá cao, nhưng sống vẫn khó khăn do phải chi phí cho học hành, bệnh tật, thuê nhà ở, mà vẫn phải nộp thuế nhiều hơn người sống sung sướng có thu nhập thấp hơn thì quá bất công.

Nếu theo đề xuất mới nhất là giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu, người phụ thuộc là 4,4 triệu, thì 2 vợ chồng nuôi 2 đứa con nhỏ, phần thu nhập từ trên 30,8 triệu đồng/tháng mới bắt đầu phải nộp thuế. Như vậy, mức thu nhập dưới 11 triệu chưa tính người phụ thuộc và bình quân dưới 7,7 triệu đồng/tháng nếu có 1 người phụ thuộc không phải nộp thuế.

Đặt ra mức đó với hàm ý, nếu chỉ có mức thu nhập tối thiểu bảo đảm cuộc sống thì chưa phải đóng thuế. Và trên thực tế thì mức đề xuất đơn thuần chỉ là cộng với tỷ lệ lạm phát so với mức hiện hành bắt buộc phải thay đổi theo luật định, chứ không hề có quan điểm gì mới. Vậy làm sao có thể lý giải được trong khi tại thời điểm này Nhà nước chỉ trả cho người lao động của mình mức thu nhập tối thiểu chung để bảo đảm cuộc sống là 1.490.000 đồng/tháng, chưa kể còn phải nuôi người phụ thuộc.

Thứ ba, vi phạm chính nguyên tắc đã đặt ra đối với việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnhkhi tỷ lệ tỷ lệ lạm phát trên 20%. Tỷ lệ này đã được ấn định rõ trong luật, nhưng lạivẫn cứ loay hoay mất mấy năm nay không thay đổi mức giảm trừ gia cảnh. Con số lạm phát là do Nhà nước công bố, vậy khi nào đạt mức ấy thì nó phải mặc định được áp vào việc thu thuế hằng năm theo thông báo của Tổng cục thuế, cùng lắm là Bộ Tài chính, chứ sao phải trình qua Chính phủ lên tận Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định?

Chưa kể, con số lạm phát trên 20% mới điều chỉnh là quá cao, cần giảm xuống một nửa. Nếu 1, 2 năm vượt mức này thì còn đỡ, nhưng giả sử xảy ra trường hợp, lạm phát đã tăng 20%, nhưng không vượt hơn trong nhiều năm, thì người nộp thuế sẽ bị thiệt dài hạn.Với thực tế như trên, việc quy định lạm phát 20% mới giảm trừ gia cảnh như trong thời gian qua thật là vô lý.

Thứ tư, là cần có quan điểm cải cách, thay đổi cơ bản Luật thuế thu nhập cá nhân cho hợp lý, công bằng hơn trong thời kỳ công nghệ phát triển như hiện nay và các doanh nghiệp chuẩn bị chuyển hết sang xuất hoá đơn điện tử. Cần cải cách thuế suất, bậc thuế và giảm trừ cái gì để cho rasố tiền phải nộp thuế, quan trọng hơn là chỉ loay hoay tính mức khởi điểm phải nộp thuế và giảm trừ gia cảnh. Cần giảm 7 bậc xuống còn 4 – 5 bậc thuế và giảm thuế suất bậc đầu tiên cũng như bậc cuối cùng. Nếu giảm thuế suất bậc 1 từ 5% hiện nay xuống còn 1 – 2% chẳng hạn, thì sẽ không còn quá quan trọng trong việc nâng mức giảm trừ gia cảnh, mà có thể giữ ổn định hàng chục năm, cho dù lạm phát lớn, vì mức độ biến động thấp, sẽ không bị phản đối mạnh mẽ như những năm qua.

Thứ nâm, cần tạo điều kiện cho người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ trong trường hợp có nhiều nguồn thu nhập, thay vì lâu nay vô cùng khó khăn trong việcquyết toán thuế. Chẳng hạn, đến hết quý 1, ngành Thuế đã có trong tay đầy đủ số liệu thuế của mỗi cá nhân thì chỉ cần thông báo là người nộp thuế chúng tôi sẽ nộp đủ ngay lập tức, thay vì phải cứ phải loay hoay thu thập chứng từ, cộng trừ tính toán quá khó để khớp đúng được số liệu, dẫn đến luôn phải chấp nhận làm chậm và phải chịu phạt. Nếu không làm được điều đơn giản như thế thi cần sửa lại luật thu thuế dứt điểm đối với từng khoản thu nhập giống như với thu nhập từ cổ tức, xổ số hay bán nhà đất hiện nay.

Hà Nội 01-3-2020

(1.222/1.222)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.712. Hàng loạt vụ mất tiền trên tài khoản,...

(KTĐT) - Dồn dập các vụ mất tiền trên tài khoản, rồi mất ở sổ...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,633