368. Bình luận về việc đấu giá “biển số xe”.

(ANVI) – Tham luận tại Hội thảo “Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá”, do Cục Cảnh sát Giao thông tổ chức ngày 22-9-2021 tại Hà Nội.

1. Tài sản “biển số”:

1.1. Quy định của pháp luật về “biển số”:

Khoản 1, Điều 105 về “Tài sản”, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về “tài sản” bao gồm 4 loại như sau:

1. Tài sản vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”.

Khoản 7, Điều 4 về “Phân loại tài sản công”, Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm2017 đã quy định phân chia tài sản công thành 7 nhóm, trong đó, nhóm thứ 7 gồm các tài sản sau:

7. Đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và các tài nguyên khác do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật.

Khoản 5, Điều 119 về “Tài nguyên”, Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 đãquy định một trong những tài nguyên là:

5. Kho số viễn thông, kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh.

Khoản 1, Điều 54 về “Cấp, thu hồi đăng ký và biển số xe cơ giới”, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về cấp biển số xe như sau:

1. Xe cơ giới có nguồn gốc hợp pháp, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của Luật này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký và biển số”.

1.2. Như vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 và Luật Giao thông đường bộ năm 2008, thì có thể hiểu, “biển số xe” (sau đây gọi tắt là “biển số”) là một loại tài sản thuộc kho số, được phân chia cụ thể thành 2 phần: Phần hình thức vật chất tạo nên chiếc biển số, gọi là “vật” và phần có ý nghĩa thực sự là dãy số, gọi là “quyền tài sản”. Phần “vật” thì có thể được thể hiện trên các chất liệu, kiểu cách khác nhau, hư hỏng thì làm lại, nhưng phần “quyền” là bất biến và luôn phải gắn liền với một phương tiện nào đó khi lưu thông. Và đến lượt phương tiện lưu thông thì lại luôn phải gắn liền với một chủ sở hữu cá nhân hoặc pháp nhân xác định.

2. Đấu giá “quyền tài sản”:

2.1. Pháp luật quy định về đấu giá “quyền tài sản”:

Điều 118 về “Các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất”, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định các trường hợp sử dụng đất giao, đất thuê thông qua 2 hình thức đấu giá hoặc không đấu giá.

Khoản 1, Điều 77 về “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Luật Khoáng sản năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định:

Nhà nước thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá hoặc không đấu giá”.

Điểm a, khoản 2, Điều 48 về “Phân bổ, sử dụng, hoàn trả kho số viễn thông, tài nguyên Internet”, Luật Viễn thông năm 2009 quy định, việc phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên Internet được thực hiện theo các phương thức:

a) Đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet có giá trị thương mại cao, có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ

Khoản 2, Điều 5 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Đấu giá năm 2016 quy định:

 “2. Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục được quy định tại Luật này” (trừ trường hợp chỉ có 1 người tham gia).

Khoản 7, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Quản lý tài sản công năm 2017 quy định:

7. Đấu giá tài sản công là hình thức bán tài sản công theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản”.

2.2. Như vậy, cấp quyền sử dụng, cấp quyền khai thác khác có thể hoặc thông không thông qua đấu giá. Nhưng đã là “đấu giá” “quyền tài sản” nói chung, đấu giá “biển số” nói riêng, thì chính là hình thức bán “quyền tài sản”.

2.3 Tuy nhiên, khác với kho số điện thoại, Nhà nước “bán buôn” cho các công ty viễn thông, sau đó các công ty bán lại cho các thuê bao, kho “biển số” cũng bao gồm nhiều số, nhưng Nhà nước không “bán buôn”, mà “bán lẻ” cho từng người mua.

3. Chuyển nhượng “quyền tài sản”:

3.1. Pháp luật từ chỗ cấm, đến chỗ đã cho phép chuyển nhượng các “quyền tài sản” như “quyền sử dụng đất”, “quyền khai thác khoáng sản”, “quyền sử dụng tên miền” và kể cả quyền triển khai “Dự án” đầu tư như sau:

  • Từ năm 1992 trở đi, các tổ chức, cá nhân mới được “chuyển quyền sử dụng đất” theo quy định tại đoạn 3, Điều 18, Hiến pháp năm 1992. Trước đó, từ ngày 01-7-1980, người sử dụng đất không được “cho thuê, cầm cố hoặc bán nhượng đất dưới bất cứ hình thức nào”, theo quy định tại điểm tiết d, điểm 2, phần III, quyết định số 201-CP ngày 01-7-1980 của Hội đồng Chính phủ về việc “Thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước”. Sau đó là cấm theo Hiến pháp 1980, Luật Đất đai 1987;
  • Từ ngày 01-9-1996 trở đi, các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản mới có quyền chuyển nhượng “quyền khai thác khoáng sản” theo Luật Khoáng sản năm 1996;
  • Từ ngày 01-9-2014 trở đi, các tổ chức, cá nhân mới được phép “chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet” (tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”), là tài nguyên quốc gia, tài sản công, theo quy định tại Quyết định số 38/2014/QĐ-TTg ngày 01-7-2014 của Thủ tướng Chính phủ “Quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet”;
  • Từ ngày 01-7-2015 trở đi, các tổ chức, cá nhân mới được phép “chuyển nhượng một phần” Dự án bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Trước đó, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 mới chỉ cho phép “chuyển nhượng toàn bộ” Dự án bất động sản hoặc chuyển nhượng các tài sản của Dự án.

3.2. Như vậy, trong các trường hợp nêu trên, thì các “quyền tài sản” đều có thể coi là loại tài sản thứ tư theo quy định tại khoản 1, Điều 105 của Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu trên và được phép chuyển nhượng. Về thuật ngữ thì đều được gọi là “chuyển nhượng” các “quyền tài sản”, nhưng về bản chất, thì đó chính là việc cho phép “mua bán” các “tài sản”, tương đương với việc chuyển giao “quyền sở hữu”. Riêng đối với “biển số” thì vẫn đang bị cấm “mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng” theo quy định tại khoản 22, Điều 8 về “Các hành vi bị nghiêm cấm”, Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

3.3. Trường hợp pháp luật cho phép “mua, bán biển số” thì điểm quan trọng khác biệt nhấtgiữa số “biển số” và các quyền tài sản khác là: “Biển số” phải gắn với xe theo một quy chuẩn thống nhất (không chỉ bán và quản lý “số biển” mà đi liền với cả “tấm biển”) để bảo đảm quản lý việc an toàn trật tự, trị an trong quá trình lưu hành, sử dụng phươngtiện giao thông. Tuy nhiên, việc quản lý Nhà nước được thực hiện bằng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật không có gì khó hơn so với việc không trao đầy đủ quyền sở hữu cho người mua, trong đó quyết định là 2 việc: Được quyền gắn vào xe khác và được “chuyển nhượng” cho người khác, tất nhiên là kèm theo những thủ tục nhất định.

4. Quyền của người mua “biển số”:

4.1. Đương nhiên, người mua “biển số” thông qua đấu giá được quyền sử dụng “biến số” đó. Trường hợp người mua chưa sử dụng (cất giữ hoặc gắn vào xe không được phép lưu hành), thì cũng có thể coi tương tự như các thuê bao điện thoại hay người đăng ký tên miền mà không sử dụng.

4.2. Điều 158 về “Quyền sở hữu”, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về “quyền sở hữu” đối với tài sản gồm 3 quyền như sau:

“Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”.

Quyền định đoạt là quan trọng nhất trong số 3 quyền kể trên. Như vậy, vấn đề mấu chốt về quyền sở hữu đối với các tài sản nói chung, đối với tài sản là “quyền tài sản” nói riêng là “quyền định đoạt”.

4.3. Nhà nước giao cho người khác “quyền sử dụng” tài sản thông qua việc bán đấu giá haycấp quyền sử dụng như “quyền sử dụng đất”, “quyền khai thác khoáng sản”, “quyền sử dụng tên miền Internet”, “quyền sử dụng số thuê bao”, cho tổ chức, cá nhân, dù chỉ là “quyền tài sản” (kể cả “quyền triển khai Dự án”) nhưng các tổ chức, cá nhân vẫn được quyền chuyển nhượng cho người khác, mà thực chất là “định đoạt” các “quyền tài sản”ấy. Tương tự như vậy, nếu Nhà nước đã bán hay cấp quyền cả 3 “quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt” hay chỉ bán 1 “quyền sử dụng” trong “quyền sở hữu” thì người mua vẫn có thể được quyền chuyển nhượng tiếp tài sản ấy, mà điển hình là “quyền sử dụng đất”. Do đó, Nhà nước bán cả 3 hay chỉ bán 1 quyền sử dụng “biển số”, thì cũng đều có thể cho phép người trúng đấu giá và những người có “quyền sử dụng” sau đó tiếp tục được hưởng một số quyền trong giao dịch dân sự như chuyển nhượng, tặng cho, để lại thừa kế “biển số”. Ngoài ra, có thể chấp nhận hay không chấp nhận một số quyền dân sự đầy đủ khác đối với “quyền tài sản” như trao đổi, cầm cố, thể chấp hay góp vốn thành lập doanh nghiệp. Khoản 1, Điều 295 về “Tài sản bảo đảm”, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “ Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm”. Do vậy, nếu “quyền sử dụng đất“ được thế chấp, thì “quyền tài sản” là “biển số” hoàn toàn đủ điều kiện để được thế chấp.

4.4. Vì vậy, nếu Nhà nước chỉ giao hay cấp “biển số” cho tổ chức, cá nhân sử dụng (không bán), thì “biến số” và quyền định đoạt “biển số” (phần dãy số) vẫn thuộc về Nhà nước, còn một khi Nhà nước đã “bán đấu giá” tài sản là kho số thì cần phải xác định rõ người mua không chỉ được trao “quyền sử dụng” mà còn cần được trao cả quyền quyền sở hữu, quyền định đoạt tài sản “biển số”, thể hiện bằng ít nhất ở 6 loại quyền sau: Được giữ “biển số” không có thời hạn, quyền được chuyển lắp “biển số” cho xe khác, quyền được chuyển nhượng “biển số” cho người khác, quyền được tặng cho “biến số”, quyền được thế chấp “biển số” và quyền được để lại thừa kế “biển số”. Việc pháp luật chấp nhận như vậy là điều hoàn toàn hợp lý, cần thiết, khả thi và không mâu thuẫn với các nguyên lý của pháp luật hay yêu cầu quản lý “biển số” của Nhà nước.

4.5. Cuối cùng, đương nhiên, việc chuyển nhượng “biển số” cần phải làm những thủ tục pháp lý nhất định và có thể phải nộp thuế chuyển nhượng tài sán hoặc thuế thu nhập (doanh nghiệp hoặc cá nhân) theo quy định của pháp luật.

Trân trọng!

——————

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, 44 phố Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội (đi cổng số 1 Đinh Lễ);

Điện thoại: 090.345.9070 – Email: anvi@anvilaw.com – Website: www.anvilaw.com.

 

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,738