1.009. Sắp dừng gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng: Người dân ‘dở khóc dở cười’.

(TBTC) – Chỉ còn chưa đến 3 tháng nữa việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản sẽ kết thúc. Khi gói tín dụng này đang trên đường về đích thì người vay tiền mua nhà từ gói ưu đãi này như “ngồi trên lửa”, khi biết thêm những quy định từ gói hỗ trợ này…

Người vay gói tín dụng ưu đãi đang phải đối mặt với khoản lãi suất thả nổi theo thị trường kể từ ngày 1/6/2016.

“Bẫy” chính sách?

Dư luận những ngày gần đây đang “dậy sóng” bởi ngày hết hạn của gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng đã cận kề, và theo Thông tư số 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) (Thông tư 11) người vay đang phải đối mặt với khoản lãi suất thả nổi theo thị trường đối với số tiền vay kể từ ngày 1/6/2016. Điều này đã khiến không ít người vay mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp từ gói 30.000 tỷ đồng hiện rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Chị Nguyễn Thu Hiền, một khách hàng đang mua căn hộ tại tòa T2, dự án Thăng Long Victory (Hà Nội) chia sẻ, mấy ngày gần đây qua xem báo đài chị mới biết đến việc sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi từ sau ngày 1/6/2016. “Trước đây khi tìm mua nhà, chúng tôi chỉ được tư vấn về các điều kiện được vay, thủ tục vay… chứ không được tư vấn cụ thể về mức lãi suất nên không biết. Hiện công trình vẫn đang trong giai đoạn thi công chưa biết khi nào mới hoàn thiện. Sau 1/6 chúng tôi không biết xoay sở thế nào với khoản lãi suất thả nổi theo thị trường, chị Hiền tâm sự.

Bình luận về những quy định liên quan đến thời hạn kết thúc giải ngân và lãi suất của gói tín dụng này, luật sư Trương Thanh Đức, cho rằng, nếu khách hàng đã được ký hợp đồng khi đủ điều kiện vay và cho vay theo gói tín dụng ưu đãi này, thì việc giải ngân phải thực hiện theo đúng hợp đồng, đến khi nào hết số tiền cam kết thì mới chấm dứt. Thời hạn này có thể là vài tháng hay vài năm, đúng theo hồ sơ đã xét duyệt. Nếu dừng lại giữa chừng, dẫn đến người có thu nhập thấp không thanh toán được hết số tiền mua nhà, vi phạm hợp đồng, thậm chí mất nhà.

“Cần thiết tiếp tục phải giải ngân cho toàn bộ hợp đồng vay vốn mới đúng với tính chất nhân văn của chính sách và phù hợp với khả năng kinh tế của người thu nhập thấp. Nếu dừng lại sẽ đẩy người có thu nhập thấp vào tình trạng khốn khổ, như thế ưu đãi trở thành ngược đãi, giá mua có khi đắt hơn bình thường”, ông Đức nói.

Cảnh giác những chiêu “lách” giải ngân sớm

Để không phải chịu lãi suất vay thương mại, hiện một số dự án xuất hiện tình trạng chủ đầu tư (CĐT) và khách hàng bắt tay “lách” lãi suất cao bằng giải ngân trước hạn. Theo đó, CĐT và khách hàng thỏa thuận tăng tiến độ đóng tiền đến 95% giá trị căn hộ trước ngày 31/5/2016, bằng 1 văn bản phụ lục hợp đồng mua bán kèm theo hợp đồng chính.

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, theo quy định, việc đóng tiền căn cứ dựa trên tiến độ thi công của dự án và CĐT chỉ được phép huy động không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà cho khách hàng. Như vậy, nếu không bàn giao được nhà trước ngày 1/6 thì 30% còn lại không thể hưởng lãi suất ưu đãi. Đây là lý do khiến nhiều khách hàng dễ dàng tham gia cùng CĐT “lách” các quy định.

Tuy nhiên, theo ông Thành, với các dự án đang thi công dang dở thì cách CĐT thỏa thuận với khách hàng giải ngân gấp trước ngày 1/6 sẽ tiềm ẩn thiệt hại cho người mua nhà. Ông Thành cho rằng, cái lợi trước mắt người mua nhà thấy được chính là họ sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi cho các khoản giải ngân trước ngày 1/6. Còn hiểm họa tiềm ẩn đằng sau là nếu sau khi chấp nhận giải ngân nhanh hơn tiến độ thi công, lỡ CĐT nhận tiền nhưng không tiếp tục xây dựng mà sử dụng tiền vào mục đích khác hoặc bàn giao nhà nhưng chất lượng không như cam kết ban đầu thì người mua nhà lãnh phần thiệt. “Việc CĐT sau khi “ôm” được tiền huy động của khách hàng đã không triển khai dự án đúng như cam kết đã là bài học nhãn tiền trên thị trường bất động sản trong thời gian qua. Vì vậy, người mua nhà cần cẩn trọng suy tính thiệt hơn để tránh gặp phải những rủi ro đáng tiếc”, ông Thành nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bình luận thêm từ góc độ luật pháp, ông Trương Thanh Đức cho biết, với hành vi “lách” luật để giải ngân sớm, cả 3 chủ thể (CĐT, người mua nhà, ngân hàng) đều vi phạm các quy định pháp luật. Trong đó, vi phạm của ngân hàng là giải ngân không đúng mục đích, CĐT vi phạm về điều kiện huy động vốn, người mua nhà vi phạm về quy định đóng tiền lệch theo tiến độ thi công công trình… Những hành vi lách luật cần được xử lý nghiêm, thậm chí có thể không cho hưởng lãi suất ưu đãi…

Theo Bộ Xây dựng, sau 3 năm triển khai thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, đến nay tổng số tiền đã ký hợp đồng cam kết cho vay đạt trên 29.500 tỷ đồng (trên 98%), giải ngân trên 20.300 tỷ đồng (gần 70%).

Thiện Trần


Thời báo Tài chính (Tiền tệ – Bảo hiểm) 18-3-2016:

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2016-03-18/sap-dung-goi-tin-dung-uu-dai-30000-ty-dong-nguoi-dan-do-khoc-do-cuoi-29742.aspx

(306/1.064)

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.730. Ra mắt cuốn “cẩm nang” tra cứu về pháp...

(ND) - Cuốn sách “Cẩm nang pháp luật ngân hàng (Nhận diện những vấn...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,537