1.155. Luật Hỗ trợ DNNVV: Kiểm soát chặt để tránh lạm dụng

Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đem ra lấy ý kiến. Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng về nội dung dự thảo này, LS. Trương Thanh Đức, Trưởng Ban Tư vấn và phản biện chính sách Hội Các nhà quản trị DN, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, điều quan trọng hàng đầu là hỗ trợ cho những DN nào và hỗ trợ những gì, trong đó có việc bảo đảm sự bình đẳng pháp lý với DN lớn và thiết lập một số cơ chế pháp lý đặc thù đối với DN nhỏ. Đặc biệt là cần kiểm soát chặt để tránh lạm dụng…

Với đa số các DN Việt Nam hiện nay là nhỏ và vừa, việc ban hành một văn bản luật với các chính sách hỗ trợ đối tượng này phải chăng là thiếu tập trung, tốn nguồn lực, thưa ông?

Theo dự thảo Luật, mọi DNNVV thành lập và hoạt động theo quy định của Luật DN đều thuộc đối tượng được hỗ trợ. Trong khi đó, số liệu của Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết hiện nay có tới 97,5% tổng số DN là vừa và nhỏ. Theo tôi, việc quy định hỗ trợ cho quá nhiều DN là không hợp lý. Và càng bất hợp lý hơn khi đặt ra các hỗ trợ với mức cào bằng, không hề có sự phân biệt giữa các DN có quy mô doanh thu gần 100 tỷ đồng với đa số DN còn lại chỉ có doanh thu 10 tỷ đồng, thậm chí ước tính vài chục phần trăm chỉ có doanh thu dưới 1 tỷ đồng/năm.

Tôi cho rằng, chúng ta cần xem xét, loại trừ một số đối tượng không nên hỗ trợ, hoặc chỉ hỗ trợ một phần. Như đối với các công ty đại chúng, công ty niêm yết, đây là những DN làm ăn bài bản, có quy mô tương đối lớn. Đã niêm yết trên thị trường chứng khoán thì không tính là DN khởi nghiệp. Cũng cần xem xét tương tự đối với các DN là công ty con của DN lớn, họ đã được dựa vào thế mạnh rất lớn của công ty mẹ.

Mọi DNNVV thành lập và hoạt động theo quy định của Luật DN đều thuộc đối tượng được hỗ trợ

Một quan điểm khác cũng cho rằng, nên quy định để làm sao sự hỗ trợ đến đúng DN cần hỗ trợ?

DN lớn là nhóm có lợi thế, vì vậy cần kiểm soát chặt để tránh lạm dụng. Nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ là nhóm yếu thế, khó khăn, lúng túng, vướng mắc nên mới là đối tượng thật sự cần được hỗ trợ. Còn các DN vừa là nhóm ở giữa, bình thường, nên không cần có sự kiểm soát chặt hoặc hỗ trợ, mà để phát triển theo tự nhiên trở thành DN lớn hoặc giảm xuống thành DN nhỏ.

Bản thân nguồn lực hỗ trợ cũng yếu và hạn chế, nên không thể mở quá rộng, gánh quá sức, đứt gánh giữa đường. Vì vậy, cần tập trung hỗ trợ cho DN nhỏ và siêu nhỏ (với quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng doanh thu/năm và/hoặc từ 20 – 30 lao động trở xuống), chứ không nên hỗ trợ cho DN vừa hoặc có hỗ trợ thì chỉ cần hỗ trợ với mức độ ít hơn. Có thể tham khảo một trong những quy định đã có áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập DN 20%, đối với DN có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng, thấp hơn 2% so với các DN khác theo quy định tại Luật Thuế thu nhập DN sửa đổi.

Theo dự thảo Luật, DNNVV sẽ nhận được hỗ trợ từ rất nhiều nguồn như từ Hội đồng Phát triển DNNVV quốc gia, Quỹ Phát triển DNNVV (đã có), Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV (đã có), Quỹ Đầu tư khởi nghiệp… Nhưng các DN cho rằng, đa số các nguồn hỗ trợ trên là thiếu khả thi?

Với số lượng DN hỗ trợ lên đến trên nửa triệu, và dự kiến khoảng 5 năm nữa lên đến 1 triệu DN, với khoảng trên 100 nội dung hỗ trợ như dự thảo thì phải thành lập cơ quan chuyên trách cấp cục vụ ở Trung ương và cấp phòng mỗi tỉnh, thành để bảo đảm khả năng hỗ trợ cho DNNVV.

Về nội dung hỗ trợ DNNVV, dù có nhiều quy định, với nhiều cá nhân, tổ chức cả chuyên trách và không chuyên trách tham gia hỗ trợ DNNVV như trên, nhưng vẫn rất khó khăn, dàn trải, rất khó đáp ứng được một cách hữu hiệu nhu cầu của DN.

Theo ông, dự thảo Luật này cần bổ sung điều gì?

Theo tôi, nên có quy định được sử dụng nhà chung cư thuộc sở hữu của chủ DN tư nhân, thành viên hợp danh, thành viên hoặc cổ đông sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của công ty TNHH và công ty cổ phần với mục đích hỗn hợp vừa để ở, vừa để đặt trụ sở chính, chi nhánh và văn phòng đại diện của công ty, như quy định tại khoản 11, Điều 6 Luật Nhà ở năm 2014. Nhất là trên thị trường (Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng…) đã xuất hiện loại hình như của thế giới là loại căn hộ thương mại (shophouse – căn hộ vừa làm nhà ở vừa là nơi bán hàng) và căn hộ văn phòng (officetel – căn hộ vừa là nhà ở vừa là văn phòng làm việc).

Bên cạnh đó, cần quy định DN được trả mức lương tối thiểu bằng với mức lương cơ sở do Nhà nước trả cho cán bộ, công chức, thay vì phải trả mức lương tối thiểu như hiện nay là 2,4-3,5 triệu đồng trong giai đoạn khởi nghiệp 5 năm đầu. Hay, không nhất thiết phải có ít nhất 20% số thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập và có Ban Kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 13 về “Cơ cấu tổ chức quản lý CTCP”, Luật DN năm 2014, trong trường hợp CTCP nhỏ có từ 11 cổ đông trở lên lựa chọn mô hình quản trị công ty không có Ban Kiểm soát.

Đồng thời không nhất thiết phải có tối thiểu 3 thành viên Ban Kiểm soát và phải có hơn một nửa số thành viên thường trú ở Việt Nam, Trưởng Ban Kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty, theo quy định tại khoản 1 và 2, Điều 163 Luật DN năm 2014, trong trường hợp CTCP nhỏ có từ 11 cổ đông trở lên lựa chọn mô hình quản trị có Ban kiểm soát. Không bị hạn chế theo quy định về DN có vị trí độc quyền, các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm, theo quy định tại Điều 12 và Điều 13, Luật Cạnh tranh năm 2004, đối với các DNNVV.

Ngoài ra, cần xem xét quy định thêm cơ chế khuyến khích chuyển các hộ kinh doanh thành các DN, một trong những mục tiêu quan trọng để phát triển 1 triệu DN…

Dự thảo Luật quy định “DNNVV khởi nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực ưu tiên được áp dụng mức thuế suất thấp hơn 5% so với mức thuế suất phổ thông quy định tại Luật Thuế thu nhập DN trong thời hạn tối đa 5 năm kể từ khi DN bắt đầu có hoạt động sản xuất kinh doanh đã hợp lý, thưa ông?

Thời gian 5 năm đầu được định nghĩa là thời gian khởi nghiệp, số DN có lãi không nhiều, thậm chí chỉ hòa, lỗ và thất bại. Do đó, nếu chỉ giảm thuế thu nhập DN kể từ khi kinh doanh thì gần như DN khởi nghiệp không được hưởng ưu đãi. Vì vậy, đề nghị cần sửa lại là từ khi có lợi nhuận.

Xin cảm ơn ông!

Linh Đan thực hiện

——————

TB Ngân hàng (Kinh tế) 22-6-2016: (trang nhất báo giấy)

http://thoibaonganhang.vn/luat-ho-tro-dnnvv-kiem-soat-chat-de-tranh-lam-dung-50078.html

(1.474/1.474)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,541