1.173. Nếu không khả khi, nên dừng đề án thành lập SkyViet để tránh lãng phí

Những vấn đề chưa làm rõ

Ngay từ khi đề xuất, đề án thành lập Công ty cổ phần hàng không SkyViet trên cơ sở tổ chức lại Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA) đã nhận rất nhiều ý kiến đóng góp, phản hồi của dư luận.

Tuy nhiên “lờ” đi những vấn đề được các cơ quan báo chí nêu ra và những văn bản pháp lý, Vietnam Airlines vẫn cấp tốc tiến hành các thủ tục xin cấp phép thành lập SkyViet.

Đề án tái cơ cấu VASCO thành lập hãng hàng không mới SkyViet tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận – ảnh nguồn VASCO.

Chính từ sự cấp tốc này, Vietnam Airlines đã bỏ qua việc dư luận đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến vấn đề định giá tài sản doanh nghiệp, lựa chọn nhà đầu tư tham gia góp vốn, hiệu quả hoạt động.

Cụ thể, thay vì thuê tư vấn định giá tài sản VASCO, Vietnam Airlines đưa ra con số ước lệ về quy mô vốn của SkyViet là 300 tỷ đồng, trong đó Vietnam Airlines sẽ nắm giữ 51% cổ phần (khoảng 153 tỷ đồng), còn lại 49% của đối tác (khoảng 147 tỷ đồng).

Việc góp vốn này được thực hiện một cách âm thầm. Vietnam Airlines không công khai đấu giá cổ phần cũng không đưa ra các tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược. Nhà đầu tư chiến lược cùng Vietnam Airlines thành lập SkyViet được Vietnam Airlines lựa chọn là một cổ đông cũ của công ty này.

Nhìn vào cách làm của Vietnam Airlines, LS.Trương Thanh Đức nhận định: Việc thực hiện góp vốn thành lập SkyViet trái với quy định tại các văn bản phê duyệt.

Theo đó, tại văn bản 1567/TTg-KTN ngày 22/9/2008, Thủ tướng Chính phủ (TTg) đã phê duyệt các dự án phát triển đội tàu bay của Vietnam Airlines và Công ty CP cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) trong đó có nêu: “Cho phép Vietnam Airlines thuê tư vấn định giá VASCO như một doanh nghiệp thông thường và cho phép chỉ định VietAir (sau khi được thành lập) mua lại VASCO theo giá trị đã được tổ chức tư vấn độc lập xác định”.

Theo LS. Trương Thanh Đức, cách làm này sẽ đảm bảo tài sản nhà nước tại VASCO không thất thoát.Như vậy bước đầu tiên của quy trình Vietnam Airlines phải định giá VASCO, xác định giá trị. Trên cơ sở đó, hãng hàng không mới thành lập (hiện nay là SkyViet) được chỉ định mua lại trên cơ sở giá trị được tổ chức tư vấn độc lập xác định.

Khi thành lập SkyViet trên cơ sở vốn góp của Vietnam Airlines và đối tác, căn cứ vào Nghị định số 30/2013/NĐ-CP, cụ thể hãng hàng không mới khai thác đến 10 tàu bay sẽ phải có số vốn tối thiểu 700 tỷ đồng mới đủ điều kiện khai thác hàng không quốc tế và 300 tỷ đồng với khai thác hàng không nội địa.

Trường hợp Công ty cổ phần hàng không SkyViet hướng đến khai thác hàng không nội địa phải có vốn tối thiểu 300 tỷ đồng. Như vậy Vietnam Airlines và đối tác phải góp ít nhất bằng tiền mặt 300 tỷ đồng, sau đó mua lại VASCO dựa trên cơ sở giá trị được tổ chức tư vấn xác định.

Không thể làm tắt theo kiểu mang tài sản nhà nước làm vốn góp để cho ra đời một hãng hàng không mới bằng việc chỉ thay cái tên.

Mục tiêu chiến lược SkyViet là gì?

Bên cạnh vấn đề pháp lý, theo LS. Trương Thanh Đức cần đặt câu hỏi mục tiêu thành lập SkyViet là gì?

Đặt câu hỏi đồng thời vị luật gia này phân tích, trên thị trường đang 3 hãng hàng không nội địa lớn là Vietjet, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific. Trong đó, ngoại trừ Vietjet là hãng hàng không tư nhân còn lại Vietnam Airlines và Jetstar vẫn là hãng hàng không nhà nước, bởi dù cổ phần nhưng nhà nước vẫn nắm giữ trên 65% cổ phần.

LS. Đức cho rằng, bản thân Vietnam Airlines đang mất dần thị phần trong nước vào Vietjet. Jetstar Pacific nhiều năm thua lỗ.

“Quản lý và lo giữ thị phần của Vietnam Airlines và Jetstar đã khó nay lại thêm SkyViet, liệu Vietnam Airlines có quản lý, phát triển được không?” LS. Đức đặt câu hỏi.

LS Đức cũng chỉ ra, do Vietnam Airlines nắm giữ 51% cổ phần SkyViet, vì thế khi hãng này ra đời mục tiêu hướng đến cạnh tranh chắc chắn không phải Vietnam Airlines mà là Jetstar với Vietjet. Trong khi thị phần thị trường hàng không nội địa đang ngày một thu hẹp cùng với sự lớn mạnh của Vietjet, liệu SkyViet có cạnh tranh được?

Từ những câu hỏi nêu trên, LS. Trương Thanh Đức cho rằng đề án tái cơ cấu VASCO cho ra đời một hãng hàng không mới cần xem lại ở cả vấn đề pháp lý cũng như những mục tiêu đề án hướng đến.

Theo đó nếu đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo lợi ích cho thị trường và người dân thì triển khai. Ngược lại, nên dừng đề án để tránh lãng phí thời gian của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, lãng phí tiền của nhân dân.

Mai Anh

——————

Giáo dục VN (Kinh tế) 30-6-2016:

http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Neu-khong-kha-khi-nen-dung-de-an-thanh-lap-SkyViet-de-tranh-lang-phi-post169001.gd

(371/992)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.730. Ra mắt cuốn “cẩm nang” tra cứu về pháp...

(ND) - Cuốn sách “Cẩm nang pháp luật ngân hàng (Nhận diện những vấn...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.277. Tìm hiểu kỹ về hợp đồng tín dụng

(FE) - Livetream: Finace explorers – Hiểu tiền bớt phiềnTập 6: Những...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,366