1.240. Có nên hình sự hóa việc chi trả vượt trần lãi suất?

(KTĐT) – Nếu bỏ lãi suất cơ bản (LSCB), tiến trình tự do hóa lãi suất của các ngân hàng (NH) sẽ đến gần và lãi suất thực tế của hệ thống thực chất hơn, sát với thị trường hơn và ngược lại.

Thị trường đủ điều kiện

Trong khi vấn đề giữ hay bỏ LSCB đang còn nhiều tranh cãi thì trong thực tế, công cụ điều hành này đã bị thị trường “vô hiệu hóa” từ lâu. Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế – Hiệp hội NH, LSCB không có ý nghĩa kinh tế, mang nặng tính hành chính và chỉ phù hợp với giai đoạn thị trường không ổn định. Nếu quay lại cơ chế trần lãi suất sẽ là bước lùi trong quá trình tiến tới tự do hóa lãi suất.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh VietinBank. Ảnh: Hải Linh

Thực tế đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên bỏ trần lãi suất hay không. Một số ý kiến cho rằng chỉ nên bỏ trần lãi suất khi hệ thống NH an toàn hoạt động, thanh khoản dồi dào và khả năng kiểm soát mọi vấn đề lo cho các NH nhỏ. Theo những người phản bác chuyện bỏ trần lãi suất huy động, việc tái cơ cấu hệ thống NH chưa được giải quyết dứt điểm, các NH yếu kém (chủ yếu là NH nhỏ) vẫn còn tồn tại, trong bối cảnh đó, nếu những NH nhỏ, yếu kém này huy động vốn bằng cách nâng lãi suất đầu vào cao hơn mặt bằng sẽ dễ tái diễn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giành giật khách hàng gửi tiền, thị trường xáo trộn như trước đây. “Tuy nhiên nếu chỉ vin vào lý do này là sai lầm về lập luận, vừa không hiệu quả. Nếu các NH khỏe thanh khoản trong hệ thống dồi dào, khi đó các NH thậm chí còn phải đua nhau hạ lãi suất huy động. Ngược lại, khi thanh khoản khan hiếm hơn thì ngay cả các NH khỏe nhất cũng có lúc vẫn cần phải chủ động tạo ra cuộc đua lãi suất, cuốn các NH khác theo cuộc đua. Mà tình trạng thanh khoản khan hiếm không phải là hiện tượng ít xảy ra. Đã là NH nhỏ thì dù họ có nâng lãi suất huy động cao hơn mặt bằng lãi suất chung, tác động của việc nâng lãi suất này lên mặt bằng lãi suất chung là không đáng kể. Nên hành động này khó có thể là ngòi nổ cho cuộc đua lãi suất, nếu các NH lớn không có vấn đề gì về thanh khoản” – chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc phân tích.

Cuối năm 2015, NH T.Ư Trung Quốc (PBOC) đã bỏ trần lãi suất huy động, với hy vọng sẽ buộc các NH phải cạnh tranh với nhau để tìm khách hàng bằng các điều khoản gửi tiền hấp dẫn. Từ đó giúp người gửi tiết kiệm có nhiều tiền hơn, NH phải đánh giá rủi ro cẩn thận hơn và cho vay nhiều hơn đến khu vực DN tư nhân vốn sẵn lòng trả lãi suất cao hơn.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực phân tích, thực tiễn thị trường hiện nay đang có rất nhiều điều kiện phù hợp để có thể “bỏ” được trần lãi suất huy động. Có thể kể đến các yếu tố nổi bật như như: Diễn biến thị trường tài chính trong suốt thời gian qua là tương đối ổn định và cho thấy nhiều nét tích cực; Vấn đề thanh khoản của hệ thống NH đã được cải thiện đáng kể và đặc biệt tín hiệu thị trường của lãi suất đi vay cũng không còn mạnh mẽ như trước đây. Nếu bỏ lãi suất cơ bản, tiến trình tự do hóa lãi suất của các NH sẽ đến gần và lãi suất thực tế của hệ thống thực chất hơn, sát với thị trường hơn và ngược lại.
Bỏ càng sớm càng tốt

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) khuyến cáo: Mặt bằng lãi suất huy động – cho vay nhiều khả năng sẽ chịu áp lực lớn nếu lạm phát tăng lên trong năm 2016. Do đó cơ quan này cho rằng, cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, từ đó các NH sẽ tính toán làm sao để giá vốn vừa theo thị trường vừa có hiệu quả cao nhất.

Luật sư Trương Thanh Đức cho hay, ở nhiều nước trên thế giới không quy định trần lãi suất mà thả nổi cho thị trường quyết định hoàn toàn. Còn một số quốc gia có áp dụng trần lãi suất thì mức quy định cũng rất hợp lý, đủ rộng để mọi giao dịch thông thường không bị vi phạm. Chẳng hạn, trong khi lãi suất cho vay của họ rất thấp chỉ 3%, 4% thì trần lãi suất họ quy định lên đến 25% – 30%. “Mà của ta, lãi suất cho vay thấp cũng khoảng 9- 10%, cao thì mấy chục phần trăm (thời kỳ lạm phát mạnh, tín dụng nóng) mà trần lãi suất lại chỉ có 5,5%. Không thể nào chấp nhận một giới hạn quá thấp như thế được” – ông Đức bày tỏ. Còn TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn – giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho rằng: “Áp trần lãi suất thực ra là một công cụ áp chế tài chính và nên bỏ càng sớm càng tốt”. Sự can thiệp hành chính này trái với những nguyên tắc thị trường và không phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam về cải cách hệ thống ngân hàng khi gia nhập WTO.

Với lo ngại việc tự do hóa lãi suất sẽ khiến các NH tăng mạnh lãi suất huy động và không đạt được mục tiêu duy trì lãi suất thấp, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn đặt câu hỏi ngược lại: Các nước khác không áp dụng trần lãi suất, họ quản lý lãi suất bằng cách nào? Thực tế NHNN có thể quản lý lãi suất bằng các công cụ của chính sách tiền tệ như: Nghiệp vụ thị trường mở (OMO), lãi suất tái chiết khấu… “NHNN nếu muốn duy trì lãi suất mục tiêu thấp thì bơm tiền ra, còn không dám bơm tiền vì sợ lạm phát và mất giá VND theo như cam kết thì cũng không được lạm dụng công cụ áp trần lãi suất, vì nó gây ra các hệ lụy tiêu cực cho hệ thống tài chính” – ông Tuấn nói.

Lãi suất tiết kiệm có dấu hiệu tăng
Từ đầu tháng 7 đến nay, lãi suất tiết kiệm được một số NH điều chỉnh tăng nhẹ như VPBank, VIB, Viet Capital Bank, Eximbank và Vietcombank hầu hết ở các kỳ hạn ngắn thêm khoảng 0,1% – 0,2%/năm…Ở một số NH, lãi suất huy động cũng tăng theo các chương trình khuyến mãi. Chẳng hạn, tại NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), khách hàng gửi tiết kiệm online kỳ hạn 1 tháng mức lãi suất 4,6%/năm nhưng nếu tham gia chương trình khuyến mãi “Gửi tiền nhanh tay, nhận quà như ý” lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 5,1%/năm.

Trâm Anh

——————

Kinh tế & Đô thị (Thị trường tài chính) 03-8-2016

https://kinhtedothi.vn/co-nen-hinh-su-hoa-viec-chi-tra-vuot-tran-lai-suat.html

(200/1.270)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,345