1.453. Để đường sắt bắt kịp… hàng không: Hành chính hoá… thị trường

(DĐDN) – Nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường là tự do cạnh tranh một cách lành mạnh và bình đẳng. Trao đổi với DĐDN, LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, việc Bộ trưởng Bộ GTVT nói “hàng không vét khách của đường sắt” là vi phạm quyền tự do, tự chủ trong kinh doanh.

Theo LS Đức, Hiến pháp 2013 đã thừa nhận quyền tự do kinh doanh là một trong những quyền cơ bản của công dân. Điều 33 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.

– Nhưng không chỉ Hiến pháp, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều cố gắng đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho người dân và DN, thưa ông?

Đúng vậy! Thời gian vừa qua, người dân và DN rất đồng tình với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN được ghi tại Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp. Một trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu của chủ trương này là quyền tự do kinh doanh; quyền tự chủ kinh doanh; quyền chủ động điều chỉnh quy mô kinh doanh; quyền chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng kinh tế.

Dù đã cố gắng gia tăng chất lượng phục vụ toàn diện, nhưng dường như ngành đường sắt vẫn đang “đuối sức” trước tốc độ phát triển của các ngành vận tải khác, đặc biệt là ngành hàng không giá rẻ.

Thể chế hoá quyền này, Quốc hội cũng thông qua các luật như Luật DN, Luật Cạnh tranh. Theo quy định tại Điều 7 về “Quyền của DN”, Luật DN năm 2014. Những quyền cơ bản về tự do kinh doanh một lần nữa được ghi nhận đầy đủ và chi tiết thành 12 quyền khác nhau.

Nhưng nếu một cơ quan hành chính hoặc người đại diện cơ quan hành chính mà có ý kiến hạn chế ngành này, ưu đãi ngành kia, liệu có ảnh hưởng tới nguyên tắc của kinh tế thị trường không, thưa ông?

Chỉ đạo hạn chế ngành này vì cạnh tranh với ngành kia là vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh. Đơn cử như việc của ngành đường sắt và hàng không. Việc buộc DN, cá nhân phải mua dịch vụ của DN đường sắt và cản trở hay hạn chế hoạt động kinh doanh hợp pháp của DN hàng không là phân biệt đối xử.

Tại Điều 6 về “Các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước”, Luật Cạnh tranh năm 2014 quy định: “cơ quan quản lý nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường: 1. Buộc DN, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với DN được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; 2. Phân biệt đối xử giữa các DN; 3. Ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các DN liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các DN khác cạnh tranh trên thị trường; 4. Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của DN”.

Vận dụng điều luật này để thấy rằng, các chỉ thị hành chính cũng cần cẩn trọng.

Thực tế, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng mới chỉ nói tại cuộc họp thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia “không thể để các hãng muốn tăng chuyến là cho tăng… Chuyện hàng không “vét” hết khách của đường sắt thì chỉ có ở Việt Nam”. Ông đánh giá thế nào về tác động của ý kiến của một tư lệnh ngành này?

Theo tôi, trong những cuộc họp như vậy, phát ngôn của một tư lệnh ngành mang tính chỉ đạo để các cơ quan trực thuộc phải thực hiện. Điều này sẽ rất dễ gây nhiễu loạn thị trường. Phát ngôn đó chưa cần trở thành chỉ đạo chính thức cũng đã có thể gây ra tình trạng khan hiếm, tăng giá vé máy bay, gây thiệt hại cho người dân hoặc gây hoang mang cho DN.

Rõ ràng, lời nói của Bộ trưởng trong một không khí Chính phủ đang quyết liệt cải cách nền hành chính đảm bảo sự phát triển lành mạnh của một nền kinh tế thị trường, như dội gáo nước lạnh vào nền kinh tế. Môi trường đầu tư kinh doanh của các DN liên quan đến lĩnh vực GTVT rất có thể sẽ biến dạng, méo mó, không tuân theo quy luật cạnh tranh.

Điều này cũng gây hoang mang, lo lắng cho hàng triệu người dân sắp phải đối mặt với thực tế đi lại căng thẳng, khó khăn, mệt mỏi vào mỗi dịp lễ tết chuẩn bị mua vé về quê. Cảnh xếp hàng dài chờ mua vé tàu hoả sẽ càng trở nên ám ảnh đối với nhiều người. Cùng với đó là lo sợ vé máy bay tăng giá vì DN chần chừ không dám tăng chuyến do “nhắc nhở” của Bộ trưởng.

Nhưng đường sắt cần ưu ái hơn vì ngành này đang yếu cần phải hỗ trợ, thưa ông?

Hỗ trợ mà trái nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng thì chỉ mang lại lợi trước mắt và hại về lâu dài. Nói về chất lượng dịch vụ và vi phạm quy định về an toàn giao thông thì hiện nay chỉ có đường sắt mới dám tăng chỗ ngồi trái quy định. Cứ mỗi dịp tết, các toa tàu hầu như đều có chuyện xếp thêm ghế nhựa, ngồi ghép, nối toa… Trong khi, xe ôtô khách thì bị phạt ngay và máy bay thì không bao giờ có chuyện đó vì an toàn đã theo chuẩn quốc tế hoá.

Không nên lo sợ hàng không sẽ thay thế đường sắt mà mất cân đối về dịch vụ vận tải. Mỗi ngành đều có thế mạnh riêng, máy bay làm sao có thể cạnh tranh tốt với những tuyến đường sắt khoảng 300 km trở lại… và kể cả có biến mất một loại hình vận chuyển nào đó thì cũng chỉ là quy luật phát triển. Như câu chuyện của phim Kodak phải giải tán vì công nghệ kỹ thuật số cũng không thể dùng quyết định hành chính mà cứu vãn được.

– Xin cảm ơn ông!

 Bá Tú thực hiện 

———————-

Diễn đàn doanh nghiệp (Kinh doanh & Pháp luật) 12-12-2016:

http://enternews.vn/de-duong-sat-bat-kip-hang-khong-ky-ii-hanh-chinh-hoa-thi-truong.html

(1.149/1.149)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,580