1.450. Không tạo tiền lệ xấu trong thu hồi tài sản

(QĐND) – Báo Quân đội nhân dân nhận được đơn của Công ty ATS liên quan đến tòa nhà số 5, phố Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội đang được Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Hà Nội thụ lý giải quyết. Sự việc này đang được dư luận chú ý, ẩn chứa nhiều vấn đề phức tạp cần được làm rõ.

Thu hồi nhà lúc hơn 3 giờ sáng

Theo đơn và trình bày của lãnh đạo Công ty ATS, vào hồi 3h30 phút thứ bảy, ngày 26-11-2016, một nhóm khoảng 100 người tự xưng là người của Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank) đã đến khống chế, xua đuổi tất cả cán bộ, công nhân, lao động tại tòa nhà số 5 Điện Biên Phủ do công ty đang quản lý, sau đó lấy dây xích khóa cửa văn phòng Công ty ATS, quây tôn toàn bộ tòa nhà, treo biển “Công trình của VPBank, không phận sự miễn vào”.

“Nhận được tin báo của người dân, tôi bàng hoàng lên hiện trường yêu cầu vào làm việc để bảo vệ tài sản cá nhân và công ty nhưng họ xô đẩy, ngăn cản. Tôi trình báo tại phường Điện Biên và xuất trình mọi giấy tờ hợp pháp, yêu cầu lập biên bản gỡ tôn và trả lại hiện trạng thì một số cán bộ nói: “Việc này to nên không đủ sức làm”. Chúng tôi đã lên quận, thành phố kiến nghị giải quyết thì đều bị từ chối. Hiện nay, đã nhiều ngày trôi qua, tòa nhà cùng nhiều tài sản, tiền bạc của công ty chúng tôi đang bị chiếm giữ”-bà Nguyễn Thị Thoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty ATS trình bày.

Nhiều câu hỏi về việc thỏa thuận, thi hành án

Đại diện Công ty ATS cho biết, Công ty ATS vốn là chủ sở hữu, sử dụng tòa nhà gắn liền với đất thuê tại địa chỉ số 5 Điện Biên Phủ (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 180273 được cấp năm 2005,  đứng tên Công ty Cổ phần Điện máy Miền Bắc đã sáp nhập vào Công ty ATS  năm 2011). Khi xây dựng tòa nhà gần xong, ngày 25-1-2011, VP Bank đến đưa ra phương án thuê toàn bộ tòa nhà và trả tiền trước 10 năm với tổng số tiền 29 triệu USD, khấu trừ vào tiền cho Công ty ATS vay và được Công ty ATS đồng ý. Tuy nhiên, để thực hiện phương án, ngoài tòa nhà trên, VP Bank lại yêu cầu Công ty ATS thế chấp 7 tài sản bất động sản lớn khác để bảo đảm cho khoản vay của Công ty ATS theo 4 hợp đồng tín dụng với tổng số tiền gốc vay hơn 796 tỷ đồng.

Chiếc xe ô tô và người phụ nữ xuất hiện tại cuộc thu hồi tài sản. 

Theo bà Nguyễn Thị Thoa, trong quá trình thực hiện các hợp đồng, từ số nợ vay gốc chỉ gần 800 tỷ đồng, VP Bank đã áp dụng nhiều điều khoản để nâng số nợ lên tới hơn 5.000 tỷ đồng, rồi hơn 2.500 tỷ đồng. Sau đó, bà Thoa được một số cán bộ “gợi ý” nên đồng ý ra tòa để “chốt” số nợ. Ngày 11-1-2013, VPBank đã có đơn khởi kiện Công ty ATS ra TAND quận Ba Đình. Ngày 26-5-2013, bà Thoa đã ký văn bản thỏa thuận để giải quyết các hợp đồng. Theo đó, Công ty ATS phải thanh toán cho VPBank tổng số tiền hơn 1.461 tỷ đồng theo hình thức chuyển nhượng 8/9 tài sản thế chấp để cấn trừ nợ. Tuy nhiên, sau đó VPBank lại không thực hiện theo đúng thỏa thuận, không rút đơn khởi kiện mà vẫn tiếp tục yêu cầu TAND quận Ba Đình giải quyết.

“Ngày 31-5-2013, lúc sắp lên máy bay đi công tác, tôi được gọi đến TAND ký các biên bản hòa giải và đến ngày 11-6-2013, TAND quận Ba Đình đã ra Quyết định số 05/2013/QĐST- KDTM  “Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự” với nhiều nội dung vô lý, không đúng thỏa thuận trước đó. Vì thế, Công ty ATS không đồng ý tiếp tục làm các thủ tục đăng ký sang tên các tài sản thế chấp cho VPBank, trong đó có tài sản tại số 5 Điện Biên Phủ và có đơn kháng nghị quyết định nêu trên và đã có các đơn, công văn gửi tới các cơ quan Nhà nước đề nghị dừng không thực hiện việc đăng ký sang tên tài sản cho VPBank”-bà Nguyễn Thị Thoa trình bày. Đáng chú ý, theo bà Thoa, đến nay cả biên bản hòa giải và quyết định thỏa thuận bà đều không được tòa án gửi theo quy định của pháp luật. Bà Thoa còn nghi ngờ sự việc bị “dàn xếp” nên đến nay vẫn không thấy có biên bản hòa giải dù bà đã nhiều lần yêu cầu cung cấp.

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 13-8-2015, UBND TP Hà Nội đã có công văn số 5648/UBND-TNMT giao Sở Tài nguyên và Môi trường chưa tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến việc đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại số 5 Điện Biên Phủ. Song sau đó, theo đề nghị của VPBank, ngày 2-11-2015, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự quận Ba Đình đã ban hành Quyết định số 140/QĐ-CCTHADS yêu cầu Công ty ATS phải thanh toán trả cho VPBank số tiền 900 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất thuê và tài sản gắn liền với đất thuê tại địa chỉ 5 Điện Biên Phủ… Công ty ATS đã khiếu nại nhưng ngày 22-7-2016, Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Ba Đình đã tiếp tục ra Quyết định số 05/QĐ-CCTHADS để sửa đổi, bổ sung Quyết định số 140/QĐ-CCTHADS. Công ty ATS đã làm đơn khiếu nại, tố cáo gửi Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội về hành vi cố tình ra quyết định thi hành án trái pháp luật. Ngày 29-9-2016, Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội đã ra Quyết định số 44/QĐ-CTHADS, chấp nhận đơn của Công ty ATS và yêu cầu Chi cục THADS quận Ba Đình thu hồi Quyết định số 05/QĐ-CCTHADS. Ngày 18-10-2016, Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Ba Đình đã ra Quyết định số 01/QĐ-CCTHADS thu hồi toàn bộ Quyết định số 05/QĐ-CCTHADS.

Sang tên “sổ đỏ” có hợp pháp?

Thế nhưng, ngày 21-10-2016, Công ty ATS bất ngờ phát hiện VPBank dán Thông báo số 172/2016/TB-VPB về việc “Cưỡng chế thu hồi tài sản tại số 5 Điện Biên Phủ” vì VPBank đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CE 039596 do UBND thành phố Hà Nội cấp ngày 24-8-2016…

Hiện trạng tòa nhà số 5 Điện Biên Phủ chiều 4-12-2016. 

“UBND TP Hà Nội không thể tự ý sang tên tài sản số 5 Điện Biên Phủ cho VPBank vì Chi cục THADS quận Ba Đình đang giải quyết vụ việc thì mọi việc phải thông qua cơ quan thi hành án, cụ thể là phải thông qua các quyết định của Chi cục THADS quận Ba Đình mới có hiệu lực pháp lý. Hơn nữa, Quyết định thi hành án số 05/QĐ-CCTHADS đã bị hủy thì không có cơ sở để UBND TP Hà Nội thực hiện việc sang tên tài sản cho VPBank. Mặt khác, chính trong Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM tại điểm 4 cũng nêu việc chuyển quyền sở hữu tòa nhà phải do “Công ty ATS có nghĩa vụ xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và hoàn tất các thủ tục” chứ không phải do VP Bank tự đi làm việc này”-ông Trần Phan Diên, Phó trưởng Ban Pháp chế Công ty ATS khẳng định. Ngày 24-10-2016, Công ty ATS đã có đơn yêu cầu UBND TP Hà Nội trả lời về việc đăng ký sang tên tài sản cho VPBank nhưng đến nay vẫn không nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào.

Công ty ATS đã có đơn gửi TAND TP Hà Nội khởi kiện và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CE 039596; khôi phục lại nguyên trạng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ số 5 Điện Biên Phủ. Ngày 17-11-2016 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã có thông báo số 52/TBTL-HCST thông báo về việc thụ lý vụ án hành chính sơ thẩm đề nghị tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác của VP Bank.

26 lần xin trả nợ không thành, bất thường thu hồi nợ

Ông Trần Phan Diên cho biết thêm: “Chúng tôi cho rằng, việc VPBank manh động cưỡng chế tài sản đêm 26-11 vừa qua có dấu hiệu cố tình tìm cách chiếm tòa nhà số 5 Điện Biên Phủ trái pháp luật. Tòa nhà này đã được chính VP Bank thẩm định giá trị hơn 1.000 tỷ đồng vào năm 2011 và các đối tác khác trả giá cao gấp nhiều lần; cộng với 8 tài sản thế chấp khác, chúng tôi thừa khả năng thanh toán các khoản nợ cho VP Bank. Trên thực tế, từ đầu năm 2014 đến 30-5-2016, Công ty ATS đã 26 lần gửi công văn và nhiều lần gặp trực tiếp lãnh đạo VP Bank đề nghị thanh toán các khoản nợ, nhưng phía ngân hàng cố tình làm ngơ, không làm việc với ATS”.

Chiều 4-12-2016, trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về sự việc, một cán bộ của VP Bank cho rằng: Nếu gọi là “cưỡng chế” thì không đúng vì ngân hàng chỉ thu hồi tài sản thuộc sở hữu của mình, tòa nhà đã được cấp sổ đỏ từ tháng 8-2016. Quá trình thực hiện được tuân thủ theo đúng pháp luật, có báo cáo, phối hợp với chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, trả lời phóng viên, ông Cồ Như Dũng, Chủ tịch UBND phường Điện Biên lại khẳng định: Chính quyền phường hoàn toàn không biết hay được báo cáo, phối hợp gì về việc cưỡng chế thu hồi tòa nhà lúc 3h30 phút sáng 26-11-2016. Đó là việc riêng do ngân hàng tiến hành.

Sự việc trên có tính chất giống với một số vụ việc xiết nợ thu hồi tài sản theo những cách phản cảm gây bức xúc dư luận thời gian qua, như lập “biệt đội đòi nợ” mang mặc như cảnh sát cơ động, làm hư hỏng, thất thoát tài sản, xâm hại quyền cư trú hợp pháp của công dân… Chuyên gia pháp luật ngân hàng, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) khi trao đổi với phóng viên cũng không tin có chuyện ngân hàng thu hồi tài sản lúc hơn 3 giờ sáng. Song về vấn đề ngân hàng thu hồi tài sản thế chấp thì Luật sư Trương Thanh Đức từng nhiều lần trả lời báo chí cho rằng, Ngân hàng có thể tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của khách hàng theo Điều 63, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, trước thời điểm thu giữ tài sản, ngân hàng phải gửi văn bản thông báo cho bên bảo đảm và UBND cấp phường, xã nơi tiến hành thu giữ tài sản.[1]

Trong sự việc trên, cả phía Công ty ATS và chính quyền địa phương đều không được thông báo sự việc và việc thu giữ tài sản có nhiều dấu hiệu bất thường. Theo Luật sư Bùi Quang Hưng (TP Hà Nội), Nghị định 163 không hướng dẫn cụ thể việc thu giữ tài sản cần tuân thủ theo quy trình nào. Thông thường bên nào vi phạm thì sẽ khởi kiện ra tòa án, việc thi hành sẽ do phán quyết của tòa. Việc thu hồi nợ cũng nên tiến hành theo quy trình này, sau khi có phán quyết của tòa, sẽ có cơ quan thi hành án thu hồi tài sản và trao trả lại cho bên cho vay.

Hiện nay, dư luận cho rằng: Vụ việc yêu cầu thu hồi “sổ đỏ”, quyền sở hữu tòa nhà đang được TAND TP Hà Nội thụ lý và đã ra thông báo thụ lý từ ngày 17-11-2016 mà ngân hàng tiến hành thu giữ tài sản theo cách như vậy là có dấu hiệu sai phạm, tạo ra tiền lệ xấu trong thực thi pháp luật. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm rõ sự thật và xử lý sự việc theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Bài và ảnh: NGỌC HOÀNG – CHÍ DŨNG

———————————————————

Quân đội Nhân dân (Điều tra) 05-12-2016:

http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:Fhp8VJsLvnkJ:www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/khong-tao-tien-le-xau-trong-thu-hoi-tai-san-494214+&cd=1&hl=vi&ct=clnk&gl=us

  (144/2.243)

[1] Dẫn sai ý, đây không phải là trường hợp thu giữ tài sản thế chấp mà là thu hồi tài sản sở hữu.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,289