1.493. Độc quyền nhà nước: Cần xem xét kỹ !

(NLĐ) – Việc ban hành nghị định để hướng dẫn quy định về độc quyền nhà nước với một số mặt hàng, loại hình kinh doanh là không cần thiết nên cần sớm trả lại quyền kinh doanh cho thị trường

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2017, Chính phủ nghe báo cáo Tờ trình và bản dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại từ cơ quan soạn thảo là Bộ Công Thương.

20 mặt hàng độc quyền

Báo cáo về dự thảo nghị định nói trên, Bộ Công Thương cho biết đến thời điểm hiện nay, việc ban hành nghị định để hướng dẫn quy định về độc quyền nhà nước là hoàn toàn khả thi và cấp bách. Đồng thời, việc ban hành nghị định sẽ góp phần khắc phục khoảng trống pháp lý cũng như bảo đảm phù hợp với những thay đổi về chủ trương, chính sách, góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và tăng cường tính minh bạch trong hệ thống pháp luật để thực hiện các nội dung có liên quan tại các điều ước quốc tế.

Theo đó, có 20 loại hàng hóa, dịch vụ “lọt” vào danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động kèm theo dự thảo nghị định. Ví dụ như hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; vật liệu nổ công nghiệp; vàng miếng; vàng nguyên liệu; xổ số kiến thiết; thuốc lá điếu, xì gà; hoạt động dự trữ quốc gia; tiền; tem bưu chính Việt Nam; pháo hoa và các dịch vụ liên quan đến pháo hoa; hệ thống điện quốc gia; thủy điện đa mục tiêu…

Thủy điện đa mục tiêu là một trong những loại hình được đưa vào danh mục độc quyền nhà nước Ảnh: TUẤN NGỌC

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng thời điểm hiện nay, cho ra đời một nghị định hướng dẫn về độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại là phản thị trường, cản trở cạnh tranh, đi ngược lại xu thế cải cách. “Trong bối cảnh hiện nay không thể có một nghị định mà ngay từ tên gọi đã rõ ràng là quy định cái gì nhà nước nắm quyền. Những quy định trong Luật Thương mại đã lỗi thời thì phải loại bỏ, phải thay đổi” – ông Cung ý kiến.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam – cho rằng nhà nước cần từ bỏ vai trò kinh doanh, không nên nắm giữ bất cứ loại hình nào và trả quyền kinh doanh về thị trường.

Chỉ nên quy định điều kiện kinh doanh

Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, nội dung của dự thảo nghị định có thể nhầm lẫn giữa quy định về độc quyền và quy định về điều kiện kinh doanh. Trước đây, khi chưa có quy định về điều kiện kinh doanh, chưa quản lý được hoạt động của các ngành thì xây dựng nghị định về độc quyền trong lĩnh vực thương mại là hợp lý. Bối cảnh hiện nay đã khác rất nhiều với sự xuất hiện của những quy định mới về quyền tự do kinh doanh của Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN) thì dự thảo đã không còn thực sự phù hợp.

“Nghị định này không cần thiết bởi chúng ta không cần phải có danh mục độc quyền. Độc quyền sẽ làm méo mó thị trường, vi phạm Luật Cạnh tranh. Cần phải hiểu tinh thần của độc quyền nhà nước không phải là một thứ đặc quyền mà là trách nhiệm trong một số lĩnh vực cần thiết như an ninh, quốc phòng hoặc để chống việc tư nhân độc quyền làm ảnh hưởng xấu đến thị trường. Còn những cái khác thì buông ra cho thị trường tự hoạt động và quản lý bằng các quy định đã có sẵn. Lưu ý là không phải buông ngay nhưng thả dần và quản chặt” – ông Đức nêu quan điểm.

Phân tích cụ thể từng loại hình được Bộ Công Thương đề xuất đưa vào danh mục độc quyền nhà nước, ông Đức chỉ ra thực tế một số loại hình chỉ “mắc” phải vấn đề lo ngại về quản lý chất lượng, an toàn như: vật liệu nổ, pháo hoa… hoặc một số loại hình kinh doanh khác như kinh doanh xổ số, điện… thì tính chất có phần hơi đặc biệt. Những loại hình này chỉ nên quy định điều kiện kinh doanh.

Một chuyên gia kinh tế góp ý đối với những loại hình phải quản lý chặt thì chỉ cần đặt các điều kiện kinh doanh với yêu cầu rất cao, chặt chẽ thì tự khắc chỉ có những DN nhà nước đủ điều kiện mới tham gia được. Mặt khác, việc quy định điều kiện ngặt nghèo cũng tạo động lực thu hút, thúc đẩy DN tư nhân có tiềm lực mạnh tham gia vào quá trình xã hội hóa, đầu tư để tận dụng được nguồn lực phát triển kinh tế.

Muốn độc quyền vàng nguyên liệu

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Minh Hưng, đề xuất bổ sung danh mục đối với hàng hóa là vàng nguyên liệu và hoạt động độc quyền tương ứng là xuất khẩu và nhập khẩu để sản xuất vàng miếng. Bộ Công Thương đã tiếp thu và bổ sung vào danh mục. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đề xuất này không phù hợp bởi vàng nguyên liệu là nhu cầu của thị trường nhằm đáp ứng một số hoạt động khác chứ không riêng gì sản xuất vàng miếng. Đặc biệt là hiện nay, nền kinh tế không còn bị cảnh báo nguy cơ “vàng hóa” nữa thì việc quản lý như thế này là không cần thiết.

PHƯƠNG NHUNG

————————–

Người lao động (Thời sự trong nước) 09-02-2017:

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/doc-quyen-nha-nuoc-can-xem-xet-ky–20170208222545368.htm

(372/1.052)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,619