1.500. Dự án Luật Chứng khoán: Cần xây mới hơn là cải tạo

(ĐTCK) – Chưa rõ tư duy đột phá, nội dung sửa đổi mang tính chắp vá, chạy theo khắc phục những bất cập đang tồn tại hơn là có những ý tưởng mới mang tính mở đường cho một giai đoạn phát triển ở tầm cao của thị trường…, đó là ý kiến của các thành viên thị trường liên quan đến những đề xuất của Bộ Tài chính về sửa Luật Chứng khoán.

Sau 17 năm phát triển của thị trường chứng khoán, “chiếc áo pháp lý” – Luật Chứng khoán thế hệ đầu tiên – theo nhìn nhận của các chuyên gia pháp lý, giới đầu tư, các công ty chứng khoán…, đã trở nên “chật chội” đối với sự phát triển của thị trường trong bối cảnh hiện tại.

Luật Chứng khoán được xây dựng năm 2006 và sửa đổi năm 2010 trong bối cảnh thị trường phát triển ở mức độ sơ khai, thể chế kinh tế thị trường còn nhiều khiếm khuyết, cơ cấu tổ chức cũng như phương thức hoạt động của bộ máy Nhà nước khác khá nhiều so với hiện tại…, theo nhìn nhận của lãnh đạo một công ty chứng khoán, đến nay mới khởi động “làm mới” là chậm.

Mặt khác, việc tổng kết, đánh giá thi hành Luật, cũng như đề xuất hướng sửa đổi còn chưa tương xứng với tầm quan trọng của một luật lớn trong bối cảnh phát triển mới, đòi hỏi yếu tố pháp lý vừa phải chứa đựng những ý tưởng cải cách lớn, vừa mở ra đường hướng phát triển cởi mở, rộng thoáng cho thị trường vận hành theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Trải qua 10 năm áp dụng với một lần sửa đổi, Luật Chứng khoán đang bộc lộ nhiều bất cập, trong khi tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật Chứng khoán mà Bộ Tài chính công bố mới đây chưa đề cập, hoặc đề cập chưa sâu những hạn chế, để có hướng xây mới luật quan trọng này, thay vì sửa đổi một số điểm nổi cộm hiện nay.

Tuy trong đánh giá của Bộ Tài chính đã đề cập những hạn chế về mô hình tổ chức và hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), nhưng chỉ mới đề cập ở khía cạnh cơ quan này chưa được trao thẩm quyền điều tra, nên gặp khó khăn trong thanh  tra,  xác minh vi phạm, mà chưa đề cập ở tầm bao quát hơn như đề xuất của một số chuyên gia và thành viên thị trường về định vị lại tư cách pháp lý của UBCK.

Đó là việc UBCK trực thuộc Bộ Tài chính tuy giai đoạn trước đã phát huy nhiều mặt tích cực, bởi cơ chế tạo hàng hóa cho thị trường từ nguồn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do Bộ Tài chính cầm trịch, nhưng có còn phù hợp không khi quy mô TTCK đã và đang lớn rất nhanh, theo đó, những vấn đề phức tạp phát sinh cũng ngày càng lớn dần.

Với đặc thù điều hành, quản lý thị trường đòi hỏi những ứng biến nhanh, sắc bén, nhưng UBCK phải báo cáo Bộ Tài chính, rồi Bộ báo cáo Chính phủ trước khi đưa ra giải pháp điều hành. Thực tế này đang làm cho các giải pháp quản lý, điều hành bị chậm và hạn chế hiệu quả. Do đó, có ý kiến cho rằng, đã đến lúc UBCK nên trực thuộc Chính phủ, để giảm bớt cấp quản lý trung gian (qua Bộ Tài chính).

Một hạn chế nữa của mô hình tổ chức vận hành thị trường hiện tại, theo nhìn nhận của lãnh đạo một số công ty chứng khoán, là tại mô hình ở nhiều thị trường phát triển, hệ thống lưu ký, thanh toán bù trừ nằm trong cơ cấu tổ chức của Sở Giao dịch chứng khoán, để khắc phục tình trạng phát triển hệ thống thiếu đồng bộ, dẫn đến gây khó khăn cho triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ mới cho thị trường, mà việc gặp khó khăn trong triển khai nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về, hay mua bán trong ngày (T+0) mà thị trường Việt Nam đang đối mặt là một ví dụ điển hình…

Mặt khác, quy định pháp lý hiện hành thiên về bên cung: hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ ra thị trường, trong khi các quy định về bên cầu lại chưa có sự tương xứng. Hệ quả là hệ thống quy định pháp lý chưa bảo vệ hiệu quả nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ. Điều này khiến cho họ chưa yên tâm bỏ vốn vào doanh nghiệp, chưa coi chứng khoán như là một biện pháp giữ tiền tương tự như nhiều thị trường phát triển. Trong bối cảnh sức cầu của thị trường ở mức cao như hiện tại, những hạn chế này khiến cho khả năng hấp thụ của thị trường chậm được cải thiện, tác động không tích cực đến nỗ lực thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, khu vực doanh nghiệp nhà nước nói riêng.

+ TTCK Việt Nam hiện có 700 loại cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; trên 400 loại cổ phiếu đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM và gần 600 mã trái phiếu niêm yết.

+ TTCK có 79 công ty chứng khoán, 46 công ty quản lý quỹ hoạt động với tổng số vốn điều lệ là 44.538 tỷ đồng (trong đó, các công ty chứng khoán là 40.753 tỷ đồng; công ty quản lý quỹ là 3.785 tỷ đồng). Các công ty quản lý quỹ hiện quản lý 30 quỹ đầu tư các loại, khối lượng tài sản khoảng 146.000 tỷ đồng.

+ Toàn TTCK có 6.800 chứng chỉ hành nghề đã được cơ quan quản lý cấp phép, trong khi năm 2006, thị trường mới có 335 người có chứng chỉ hành nghề.

+ Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong và ngoài nước đạt gần 1,7 triệu tài khoản, tăng hơn 15 lần so với năm 2006. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, số lượng nhà đầu tư tăng hơn 50%, đặc biệt nhà đầu tư có tổ chức tăng gấp 2 lần, nhà đầu tư nước ngoài tăng 30%.

Cần đổi mới tư duy theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI 

Thay vì sửa đổi, bổ sung, việc sửa Luật Chứng khoán lần này cần được xây dựng mới với nhiều ý tưởng cải cách táo bạo, đột phá để không chỉ đáp ứng yêu cầu của một giai đoạn phát triển mới của thị trường trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ở cấp độ sâu rộng, mà còn tạo ra dư địa phát triển mới ở cấp độ phức tạp, đa dạng hơn. Trong đó, việc chuyển đổi từ tư duy quản lý theo kiểu cấm đoán, sang hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia thị trường là đặc biệt cần thiết.

Luật chỉ nên đưa ra các quy định ở mức sàn tối thiểu, còn lại cần tạo dư địa cho các bên tham gia thị trường phát huy tính linh hoạt, chủ động, sáng tạo. Nếu chỉ cho phép thị trường phát triển trong khuôn khổ những gì cơ quan quản lý nghĩ ra và quản được, thì sẽ kìm hãm sự phát triển của thị trường. Bởi thực tiễn cho thấy, năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước còn chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, trong khi lẽ ra phải đi trước dọn đường pháp lý rộng mở cho thị trường phát triển năng động, hiệu quả…

Một bước cải cách về tư duy nữa cần có khi sửa Luật Chứng khoán là cần hình thành hệ thống đồng bộ cơ chế bảo vệ nhà đầu tư thực sự hiệu quả, mạch lạc và có tính thực tiễn cao, để khắc phục tính hình thức, thiếu khả thi như hiện tại.

Đặc biệt, trong lần sửa Luật Chứng khoán này, cũng như sửa các luật khác, cần thống nhất một khái niệm, một cách hiểu trong các luật khác nhau, chứ không thể cùng một khái niệm, cùng một câu chữ, nhưng ở các luật khác nhau thì lại hiểu khác nhau, gây xung đột, mâu thuẫn, làm khó cho áp dụng luật. Chẳng hạn, khái niệm “người có liên quan”, hay “người quản lý”…, phải đảm bảo tính thống nhất và cách hiểu như nhau giữa Luật Chứng khoán với các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng… Đây là điều Quốc hội, Chính phủ cần có tư duy cải cách, chứ không thể một hệ thống pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam mà cùng một khái niệm, nhưng lại được định nghĩa, được hiểu khác nhau theo mỗi luật.

 Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI)

Luật chứng khoán mới cần cơ chế đột phá trong khuyến khích, thu hút nhà đầu tư

Những ý tưởng sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán ban đầu mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các thành viên thị trường còn sơ sài, chưa thấy các ý tưởng đột phá và còn mang tính vá víu. Đây là một luật quan trọng, nên cần phải tiến hành trong 4-5 năm, chứ không thể làm qua loa, đại khái.

Việc quan trọng đầu tiên là cần đánh giá rất kỹ lưỡng những bất cập của hệ thống quy định hiện hành để hình thành các ý tưởng mang tính cải cách đột phá, thậm chí nhiều nội dung phải thoát ly hẳn những quy định hiện hành, để tạo ra sinh khí phát triển mới cho thị trường. Con đường pháp lý mới phải làm sao đủ thoáng rộng cho thị trường phát triển nhanh, bền vững trong 10 năm tới, chứ không chỉ giải quyết các yêu cầu trong ngắn hạn.

Luật Chứng khoán mới không chỉ cần khắc phục một hạn chế lớn của hệ thống quy định hiện hành là chưa bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ một cách hiệu quả, mà còn có những cơ chế đột phá trong khuyến khích, thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường.

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập thị trường chứng khoán với khu vực và thế giới ngày một sâu rộng.

Chậm chân trên con đường hiện đại hóa thị trường, bảo vệ nhà đầu tư hiệu quả, không chỉ khiến thị trường Việt Nam thua kém trong thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, mà một khi thị trường vốn Asean có sự kết nối và liên thông cao, thì chính các dòng vốn của nhà đầu tư nội địa có thể chảy ra khỏi Việt Nam để đổ vào các thị trường trong khu vực, thậm chí còn rộng hơn nữa.

Hữu Đạo

———————————————————————

Đầu tư Chứng khoán (Chứng khoán) 11-02-2017:

http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/du-an-luat-chung-khoan-can-xay-moi-hon-la-cai-tao-177713.html

(424/1.930)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,315