1.519. Cá nhân sẽ thay hộ kinh doanh khi vay vốn ngân hàng

(CAND) – Theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 15-3, quy định về hoạt động cho vay của Tổ chức tín dụng (TCTD) chính thức có hiệu lực. Việc thu gọn chỉ còn hai đối tượng khách hàng là cá nhân và pháp nhân đủ điều kiện vay vốn tại các ngân hàng thương mại (NHTM) kỳ vọng sẽ xóa bỏ tình trạng rắc rối pháp lý khi các “chủ thể ảo” như hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác… không còn đủ tư cách pháp lý giao dịch vay vốn tại NH. 

Thông tin này đang khiến nhiều chủ hộ, gia đình làm ăn buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ lo ngại vì vay vốn ngân hàng sẽ khó khăn hơn. Đặc biệt, điều này gây ra hiểu lầm hộ kinh doanh sẽ bị “ép” nâng cấp thành doanh nghiệp hoặc sẽ phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao như vay tiêu dùng.

Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng, đây là cách hiểu không đúng. Bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình (hay hộ kinh doanh) chỉ là thay đổi cái vỏ hình thức là tên gọi, còn bản chất thì vẫn cơ bản như cũ. Khác là, từ năm 2017 trở đi, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch với tư cách của một hoặc một số cá nhân, chứ chủ hộ không còn đương nhiên đại diện cho hộ như trước đây nữa.

Bởi, trên thực tế, pháp luật các nước đều quy định chỉ có hai loại chủ thể pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân. Hộ gia đình, hộ kinh doanh hay tổ hợp tác là chủ thể ảo, thực chất là 1 hoặc một nhóm cá nhân, vì vậy bị xoá bỏ khỏi Bộ luật Dân sự năm 2015.

Đồng thời, để hình dung rõ hơn, thì có thể liên hệ sang một loại chủ thể tương tự là doanh nghiệp tư nhân, cũng không có tư cách pháp nhân, tuy nhiên, khi giao dịch vẫn “xưng danh” doanh nghiệp tư nhân. Nhưng trước đây hay hiện nay, về bản chất vẫn là giao dịch với cá nhân chủ doanh nghiệp tư nhân. “Do đó Thông tư cho vay số 39/2016/TT-NHNN bỏ chủ thể vay vốn “hộ gia đình” là đúng, phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015″, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank cho rằng, nhiều khách hàng đang có những băn khoăn liên quan đến Thông tư 39 và gây ra những hiểu nhầm không đáng có. Nhất là cách tiếp cận Thông tư 39, một số người hiểu rằng, với thông tư này, các NH sắp tới đây sẽ không đáp ứng vốn cho hộ kinh doanh. Tuy nhiên, đây là sự nhầm lẫn vì theo thông tư quy định, các NH tuy không còn cho vay hộ kinh doanh nhưng cá nhân có kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh hoặc là tự doanh vẫn được các NH cho vay vốn.

Theo giải thích của NHNN, việc TCTD tiếp tục ký hợp đồng cho vay với hộ kinh doanh và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân sẽ tiềm ẩn rủi ro cho TCTD cho vay vì có thể bị tuyên vô hiệu hợp đồng do bên vay không đủ tư cách chủ thể. Do vậy, một số lãnh đạo ngân hàng TMCP cho rằng, quy định mới của Thông tư 39 và Bộ luật Dân sự 2015 sẽ tạo thuận lợi hơn cho các ngân hàng trong việc ký kết hợp đồng vay vốn cũng như đòi nợ.

Ví dụ, trước đây, đại diện tổ hợp tác hay hộ gia đình đứng ra vay vốn, thì tất cả thành viên phải liên đới chịu trách nhiệm, song khi nợ xấu xảy ra, các thành viên phủ nhận trách nhiệm khiến sự việc kéo dài. Trong khi nếu ký hợp đồng với cá nhân, sự việc dễ xử lý hơn.

Phía NHNN cũng khẳng định rằng theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, từ 1-1-2017, hộ kinh doanh không còn là chủ thể ký kết tất cả các loại hợp đồng (không chỉ riêng đối với hợp đồng tín dụng ngân hàng). Việc vay vốn ngân hàng sẽ phải thực hiện theo tư cách cá nhân. Thông tư 39 đã có quy định này và không có bất kỳ quy định nào buộc hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp để vay vốn.

Liên quan đến lãi suất cho vay khi khách hàng chuyển từ “hộ gia đình” sang cá nhân, NHNN khẳng định, vấn đề này hoàn toàn tùy thuộc vào thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng giống như trước đây.

“Theo quy định của BLDS 2015 và Thông tư 39, trách nhiệm hoàn trả vốn vay là của cá nhân vay vốn. Việc vay vốn của cá nhân không ràng buộc trách nhiệm của hộ kinh doanh”. Đồng thời, các ngân hàng thương mại cho biết, lãi suất cho vay được căn cứ vào mục đích sử dụng và mức độ rủi ro chứ không phải căn cứ theo cá nhân hay hộ gia đình.

Hộ kinh doanh lâu nay vẫn là đối tượng của các ngân hàng, nên chắc chắn vẫn sẽ được ưu đãi lãi suất thời gian tới. Bởi, thống kê sơ bộ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện trên cả nước có khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh. Đây là một phân khúc khá tiềm năng trên thị trường.

Lưu Hiệp

————

Công an nhân dân (Thị trường) 17-02-2017:

http://cand.com.vn/tai-chinh-ngan-hang/Ca-nhan-se-thay-ho-kinh-doanh-khi-vay-von-ngan-hang-428762/

(254/981)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,798