1.550. Hành lang pháp lý chống chuyển giá, Nghị định và hơn thế nữa

(DĐDN) – Chính phủ vừa ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Đây được coi là văn bản pháp lí cao nhất, “vòng kim cô” để xử lý các doanh nghiệp sử dụng biện pháp này để chuyển giá, trốn thuế.

Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế đối với Metro Cash & Carry từng được Bộ Tài chính công bố với tổng giá trị vi phạm cần xử lý đã lên tới 507 tỷ đồng. Trong số này, vi phạm đáng chú ý nhất là hành vi chuyển giá thông qua giao dịch liên kết với công ty mẹ tại Đức. Tổng số lỗ bất hợp lý mà Metro buộc phải giảm sau thanh tra là 335 tỷ đồng.

Công cuộc chống chuyển giá trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ thuận lợi từ ngày 1/5/2017.

“Chìa khóa” hóa giải trốn thuế

Cụ thể, nghị định này đã quy định các nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục xác định giá giao dịch liên kết; nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá của giao dịch liên kết và kê khai nộp thuế; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý, kiểm tra, thanh tra thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.

Xác định được giá trong giao dịch liên kết là một trong những “cửa ải” khó nhằn mà bấy lâu nay, Việt Nam chưa vượt qua được. Không xác định được giá trong giao dịch liên kết khiến việc chống chuyển giá của Việt Nam cũng trở nên gian nan hơn.

Theo quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP, người nộp thuế có giao dịch liên kết phải thực hiện kê khai các giao dịch liên kết; loại trừ các yếu tố làm giảm nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động để xác định nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch liên kết tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện.

Cơ quan thuế thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giá giao dịch liên kết của người nộp thuế theo nguyên tắc giao dịch độc lập và bản chất quyết định hình thức để không công nhận các giao dịch liên kết làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước và thực hiện điều chỉnh giá giao dịch liên kết để xác định đúng nghĩa vụ thuế quy định tại Nghị định này.

Còn nguyên tắc giao dịch độc lập được áp dụng theo nguyên tắc giao dịch giữa các bên độc lập, không có quan hệ liên kết tại các Hiệp định thuế có hiệu lực thi hành tại Việt Nam.

Cũng theo quy định tại Nghị định, thì các bên có quan hệ liên kết là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp: một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia; các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia; hay cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp… sẽ được coi là các bên liên kết.

Người nộp thuế có giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này có trách nhiệm kê khai, xác định giá giao dịch liên kết, không làm giảm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt Nam theo quy định tại nghị định này. Họ cũng phải có trách nhiệm chứng minh việc lựa chọn phương pháp xác định giá theo quy định tại Nghị định này khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Thậm chí trong trường hợo cần thiết, người nộp thuế phải có trách nhiệm lưu giữ và cung cấp hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, trong đó bao gồm cả báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ tối cao.
Theo quy định tại Nghị định, để thực hiện Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp cung cấp dữ liệu đăng ký ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu về cơ cấu vốn đầu tư tại thời điểm cấp phép và các thời điểm điều chỉnh, sửa đổi giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin liên quan đối với các dự án đầu tư khi cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra xác định có dấu hiệu chuyển giá để trốn, tránh thuế theo đề nghị của cơ quan thuế.

Việt Nam là thiên đường chuyển giá?

Chuyện chuyển giá ở Việt Nam chỉ nóng lên từ khoảng năm 2012, với nghi án chuyển giá của Cocacola, PepsiCo, còn mới đây là hệ thống siêu thị Metro, BigC… Nhưng hầu hết mới chỉ dừng ở dạng “nghi án”. Thực tế, hiện cơ sở pháp lý của Việt Nam để chống chuyển giá còn rất sơ khai, khi mới chỉ dừng ở mức thông tư do Bộ Tài chính ban hành (Thông tư 66/2010 và Thông tư 201/2013). Không ít lần cơ quan thuế phải thừa nhận, công tác chống chuyển giá rất khó, không chỉ ở mức độ tinh vi của các doanh nghiệp (DN), tập đoàn đa quốc gia, còn tới từ khuôn khổ pháp lý vừa thiếu, vừa yếu của Việt Nam.

Luật sư Trương Thanh Đức – Công ty Luật TNHH ANVI cho biết, hiện cả công tác chống chuyển giá và cơ sở pháp lý cho hoạt động này của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo ông Đức, đối tượng chính hướng tới của chống chuyển giá phải là các tập đoàn đa quốc gia, vì đi liền với đầu tư nước ngoài luôn ẩn chứa chuyển giá. “Trong nước, quy định sao các doanh nghiệp phải làm vậy, nhưng với nước ngoài phải sòng phẳng. Quy định ở luật mới đủ tính pháp lý, còn nghị định, thông tư chỉ là văn bản hướng dẫn, giải thích thêm”, ông Đức nói.

Tuy nhiên, hiện quy định gốc về chuyển giá là ở các đạo luật của Việt Nam gần như trống không, nên khó xử lý kể cả khi ra tòa. Vì vậy, hoạt động chống chuyển giá gần như mang tính suy luận, đánh giá cảm tính của người thực hiện, không rõ ràng. Ông Đức dẫn lại trường hợp của Cocacola, PepsiCo Việt Nam, các tập đoàn này nắm rất rõ luật Việt Nam, họ làm không sai luật nên đấu tranh rất khó, chỉ ở mức hô hào, tuyên truyền lên án để gây sức ép.

Tuy lần đầu một nghị định về chống chuyển giá được xây dựng, nhưng theo Luật sư Trương Thanh Đức, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, vẫn phải quy định rõ trong một đạo luật. Cơ quan chức năng phải trả lời được câu hỏi: Quy định ra sao, thực thi thế nào mà các doanh nghiệp không thích nộp thuế ở Việt Nam?

Được biết, để chống chuyển giá, năm 2015, Bộ Tài chính đã thành lập 4 phòng thanh tra giá chuyển nhượng thuộc 4 cục thuế (Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương), nơi có số lượng lớn các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng lập 1 phòng thanh tra giá chuyển nhượng thuộc Tổng cục Thuế.

Qua thanh kiểm tra 420 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết trong năm 2015, cơ quan thuế đã truy thu, truy hoàn và phạt hơn 4.895 tỷ đồng; giảm lỗ 3.104 tỷ đồng; giảm khấu trừ 206 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 801 tỷ đồng. Năm 2014, cơ quan thuế thanh tra chuyển giá 5 doanh nghiệp cũng truy thu được 300 tỷ đồng.

Song Nhi

—————

Diễn đàn Doanh nghiệp (Kinh foanh & Pháp luật) 03-3-2017:

http://enternews.vn/hanh-lang-phap-ly-chong-chuyen-gia-nghi-dinh-va-hon-the-nua.html

(281/1.439)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,338