1.590. Đại gia ở nhà xã hội: Xem xét trách nhiệm hình sự?

(ĐV) – Chuyện người giàu tranh nhà của người nghèo không phải hiếm, ai cũng nhận ra nhưng lại chưa xử lý được.

Thực trạng phổ biến

Ngày 28/3, nói về câu chuyện đại gia có trăm tỷ đồng đang ở nhà của người thu nhập thấp tại dự án Ecohome 1 (Q. Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội), ông Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, đây là chuyện không hiếm.

Đặc biệt ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM có một nghịch lý đang tồn tại là người nghèo không có tiền mua nhà, sống chật chội trong vài ba mét vuông thì nhiều người có tiền lại dư thừa nhà ở vẫn tìm mọi cách mua thêm nhà mới từ các dự án nhà ở xã hội.

Chính bản thân ông Liêm cũng thường xuyên gặp tình cảnh này nên cảm thấy “chán nản” mà bỏ ra về ngay khi vừa đặt chân đến một dự án nhà ở xã hội ở huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội.

Ecohome 1 do Capital House làm chủ đầu tư đang khiến dư luận bức xúc bởi thông tin đại gia sở căn hộ tại đây.

“Khi tôi vừa bước vào một dự án dành cho người thu nhập thấp ở huyện Gia Lâm nhưng lại thấy bên dưới có hơn chục chiếc xe ô tô giá tiền tỷ/chiếc đỗ ở phía dưới. Trong đầu tôi nghĩ luôn, người nghèo gì mà lại có ôtô đi nhan nhản như thế?” – ông Liêm kể.

Theo ông Liêm, để giải quyết tình trạng này Nhà nước cần phải thay đổi chính sách hiện hành. Không thể trao quyền quyết định bán nhà ở xã hội cho chủ đầu tư mà nên phân chỉ tiêu cụ thể cho Công đoàn từng đơn vị, từ đó tập thể bình bầu để chọn ra đối tượng phù hợp.

Ông Liêm cho rằng: “Nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp nhưng chính sách lại ưu đãi trực tiếp cho chủ đầu tư, còn người dân chỉ nhận được sự hỗ trợ gián tiếp. Điều này là bất hợp lý”.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI

chia sẻ thêm thực trạng nhiều chủ căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội không có nhu cầu ở lại đem đi cho người khác thuê ngay khi mới nhận bàn giao nhà.

Ông Đức nói: “Toàn người giàu, có tiền, không đáp ứng đủ điều kiện nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội nhưng lại được mua loại nhà này. Từ đó mới phát sinh ra chuyện bán, chuyển nhượng cho người khác.

Pháp luật quy định là 5 năm mới được bán nhưng chủ căn hộ lại “lách luật” bằng cách đem cho thuê. Thậm chí cho thuê cả 100 năm, vẫn đúng luật mà không cần công chứng, chứng thực gì. Như thế có khác gì mua đâu!”.

Căn hộ của ông T. tại dự án Ecohome 1.

Cần xem xét trách nhiệm hình sự đại diện chủ đầu tư nếu sai phạm nghiêm trọng

Dự án nhà ở xã hội nhận được nhiều ưu đãi, Nhà nước quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lựa chọn đối tượng phù hợp để chuyển nhượng căn hộ.

Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư lại đang nhầm lẫn hoặc cố tính nhầm lẫn khiến chính sách của Nhà nước bị méo mó, người dân hiểu lầm để xảy ra nghi vấn tiêu cực, lợi ích nhóm.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, để xảy ra tình trạng này ngoài kẽ hổng chính sách thì trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ đầu tư của dự án nhà ở xã hội.

“Chủ đầu tư là đơn vị trực tiếp lựa chọn hồ sơ, bán nhà nên khi có sai phạm thì trước tiên trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Có thể chủ đầu tư nhầm lẫn hoặc cố tình mà để xảy ra vi phạm, tùy trong từng trường hợp cụ thể để xét mức độ vi phạm mới có hướng xử lý cụ thể” – ông Đức nói.

Đồng quan điểm, Luật sư Phạm Văn Hướng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, sự việc đại gia ở trong căn hộ dành cho người thu nhập thấp tại dự án Ecohome 1 có nhiều điểm nghi vấn. Nếu phát hiện sai phạm nghiêm trọng, có thể xem xét trách nhiệm hình sự đại diện chủ đầu tư.

“Người mua được nhà ở xã hội phải là đối tượng rất cần nhà. Khó có chuyện khi mới nhận bàn giao nhà chủ căn hộ đã đem đi cho người khác thuê luôn. Có nhiều giả thiết về việc này nhưng thế nào đi nữa thì cũng do chủ căn hộ không có nhu cầu ở trong căn hộ đó nữa nên mới đem cho thuê.

Từ đó thấy rõ, trách nhiệm ban đầu thuộc về chủ đầu tư dự án Ecohome 1 khi đã không thẩm định kỹ để dư luận mất niềm tin vào Nhà nước” – ông Hướng phân tích.

Ông M.X.T từng được biết đến là người sẵn sàng bỏ ra khoảng 110 tỷ đồng mua lại khách sạn Kim Liên, TP. Hà Nội vào năm 2015. Nhưng nhiều người không khỏi bất ngờ khi phát hiện, ông T. và gia đình đang ở trong căn hộ P801, E3, Sảnh A tại khu nhà ở xã hội Ecohome 1.

Lên tiếng về sự việc này, đại diện chủ đầu tư dự án Ecohome 1 – Công ty Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ Đô (Capital House) cho biết, ông M.X.T không có trong danh khách mua hàng tại dự án. Căn hộ ông T. đang ở đứng tên một người phụ nữ.

“Thực tế trong hồ sơ mua bán hợp pháp đang lưu tại Capital House, cư dân căn hộ nêu trên là một người khác. Capital House hoàn toàn chứng minh được điều này trước pháp luật” – đại diện chủ đầu tư Ecohome 1 nói.

Tiến Hoàng

—————

Đất Việt (Kinh tế) 29-3-2017:

http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/dai-gia-o-nha-xa-hoi-xem-xet-trach-nhiem-hinh-su-3332027/

(237/1.058)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,738