1.593. Bổ sung tội kinh doanh đa cấp trái phép vào Bộ luật Hình sự sửa đổi?

(HQ) – Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Khánh (ảnh), Thứ trưởng Bộ Công Thương xung quanh việc quản lí BHĐC cũng như việc xử lí những hoạt động đa cấp bất chính.

Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tiếp xử phạt, rút giấy phép hàng loạt công ty đa cấp. Ông có thể khái quát những dấu hiệu vi phạm cơ bản của các công ty này? Để xảy ra những lỗi này, phải chăng là do khâu quản lí chưa nghiêm, chưa chặt chẽ?

Thời gian qua, chủ đề “đa cấp” luôn nóng trong dư luận và trên báo chí. Tuy nhiên, do không nắm được các quy định của Nhà nước về bán hàng đa cấp (BHĐC) nên đã có sự hiểu lầm rất lớn về đa cấp cũng như về trách nhiệm của các cơ quan chức năng.

Trước hết, Nhà nước chỉ cho phép sử dụng phương thức đa cấp để bán hàng, hay nói cách khác là các sản phẩm hữu hình. Bất kỳ ai sử dụng phương thức đa cấp để huy động vốn hay để bán dịch vụ hoặc các sản phẩm vô hình (như tiền ảo) đều là kinh doanh trái phép.

Bộ Công Thương chỉ được Nhà nước giao quản lí các hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp. Vì vậy, Bộ không có thẩm quyền xử lí các hoạt động huy động vốn hay bán dịch vụ, sản phẩm vô hình theo phương thức đa cấp. Các Sở Công Thương và cả lực lượng Quản lí thị trường cũng vậy.

Với hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp, có thể xảy ra vi phạm hành chính ở các mức độ khác nhau, nhẹ là vi phạm về chế độ thông báo, báo cáo, vi phạm về đào tạo… Những vi phạm này chủ yếu được xử lí bằng hình thức phạt tiền. Những vi phạm nặng hơn, ví dụ như duy trì nhiều mã số đối với cùng một người tham gia BHĐC, sẽ được xử lí bằng hình thức thu hồi giấy phép. Thời gian qua, các công ty bị thu hồi giấy phép chủ yếu là do mắc lỗi duy trì nhiều mã số đối với cùng một người tham gia BHĐC.

Với các hoạt động sử dụng phương thức đa cấp để huy động vốn hay để bán dịch vụ hoặc các sản phẩm vô hình, việc xử lí và ngăn chặn hiện nay rất khó khăn do ta đã bỏ tội “kinh doanh trái phép” trong Bộ luật Hình sự. Nếu còn tội này, cơ quan Công an đã có thể vào cuộc và xử lí các hoạt động đa cấp bất chính từ rất sớm và xã hội đã không bức xúc với hoạt động đa cấp đến vậy.

Như vậy là cần có sự phân biệt giữa BHĐC đúng nghĩa và các hoạt động đa cấp bất chính. Có lần ông nói quản lí BHĐC đúng nghĩa không khó, đa cấp bất chính mới khó. Vậy, có biện pháp gì để ngăn chặn những hoạt động bất chính này? Được biết, Bộ Công Thương có chủ trương mời một số chuyên gia quốc tế vào Việt Nam để tìm hiểu kinh nghiệm các nước trong việc phát hiện sớm và ngăn chặn các hành vi đa cấp bất chính. Cho đến nay, vấn đề này đã được triển khai như thế nào?

Để ngăn chặn việc sử dụng phương thức đa cấp huy động vốn hay bán dịch vụ hoặc các sản phẩm vô hình trong bối cảnh không có bất kì căn cứ pháp lí nào để xử lí các hành vi này từ khi chúng mới manh nha xuất hiện, chỉ còn cách đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời cố gắng phát hiện sớm các hành vi đó và đưa ra cảnh báo để người dân biết mà tránh. Thời gian qua, cả 2 công tác này đều được đẩy mạnh nên các hành vi này đã giảm hẳn.

Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan kiến nghị bổ sung tội kinh doanh đa cấp trái phép vào Bộ luật Hình sự sửa đổi để có cơ sở xử lí sớm và nghiêm minh các đối tượng vi phạm.

Chuyên gia quốc tế cũng đã đến Việt Nam nhưng họ cũng chỉ giúp chúng ta hoàn thiện các quy định về quản lí hoạt động BHĐC đúng nghĩa thôi. Với các hoạt động đa cấp khác, họ cho rằng có 2 cách xử lí. Nếu pháp luật không coi đó là kinh doanh trái phép thì tranh chấp giữa các bên, nếu có, cần phải được xử lí theo pháp luật dân sự. Nếu pháp luật coi đó là kinh doanh trái phép thì cơ quan Công an cần vào cuộc để xử lí hình sự. Cách tư duy của họ rất rõ ràng và đơn giản.

Ảnh minh họa. Nguồn: saigondautu.vn.

Nghị định 42 được coi là một trong những công cụ hữu hiệu để quản lí BHĐC. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều cuộc họp bàn để xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 42. Xin ông cho biết khi nào bản dự thảo sẽ hoàn thành để trình Chính phủ và việc sửa Nghị định 42 sẽ tập trung vào những điểm nào?

Để nâng cao hiệu quả quản lí hoạt động BHĐC, tôi xin nhấn mạnh là hoạt động BHĐC đúng nghĩa, nghị định thay thế Nghị định 42 sẽ có một số điểm mới. Trước hết là minh bạch hóa tối đa hoạt động BHĐC của DN thông qua việc yêu cầu DN phải có hệ thống phần mềm quản lí người tham gia với máy chủ đặt tại Việt Nam, phải có có website để công khai và cập nhật thông tin hoạt động thường xuyên, phải cung cấp quyền truy cập máy chủ cho cơ quan quản lí khi có yêu cầu, phải thanh toán tiền hoa hồng và tiền thưởng bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng. Nghị định cũng sẽ nâng cao trách nhiệm của người tham gia BHĐC thông qua các quy định như cấm thực hiện một số hành vi, trong đó có cấm tham gia vào các hoạt động BHĐC không phép. Khả năng tiếp cận và triển khai các hoạt động quản lí của địa phương cũng được tăng cường thông qua quy định buộc doanh nghiệp phải có người đại diện tại địa phương, phải lưu trữ hồ sơ tài liệu tại địa phương nơi doanh nghiệp có hoạt động…

Dự thảo Nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm định và Bộ Công Thương đang hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét thông qua.

Trên thực tế, BHĐC có sức hút rất lớn khi dùng lợi nhuận siêu khủng để thu hút một bộ phận rất lớn những người dân tham gia BHĐC. Vậy để tránh rủi ro, tránh rơi vào bẫy đa cấp bất chính, theo ông, công tác tuyên truyền sẽ phải triển khai như thế nào?

Xét về lí, với một người đã đủ hoặc trên 18 tuổi, khi đưa tiền cho một người khác để mong nhận được tiền lời, anh ta đã tham gia vào một giao dịch dân sự. Nếu không nhận được tiền lời như đã thỏa thuận, anh ta có thể kiện người kia ra tòa để đòi lại tiền. Nếu cho rằng người kia đã lừa mình, anh ta có thể trình báo với Công an để được xem xét, xử lí.

Câu chuyện thực ra rất đơn giản. Tuy nhiên, có nhiều người đã và đang tỏ ra rất vô trách nhiệm với chính mình và đồng tiền của mình. Họ sẵn sàng tin vào những lời hứa hão huyền và sẵn sàng đưa tiền cho người khác mà không đòi hỏi bất kì một văn bản thỏa thuận nào cả nên khi xảy chuyện rất khó xử lí. Nhiều người là vì cả tin nhưng cũng không ít người là vì lòng tham.

Không có cơ quan quản lí nhà nước nào quản lí được sự cả tin hay lòng tham nhưng có thể đẩy mạnh tuyên truyền để hạn chế bớt. Một khi lòng tham và sự cả tin không còn, đa cấp bất chính sẽ không có đất để phát triển. Vì vậy, chúng tôi đã và sẽ cố gắng đẩy mạnh tuyên truyền theo hướng làm rõ bản chất của BHĐC, khẳng định BHĐC chỉ là một phương thức bán lẻ hàng hóa, không phải là hình thức đầu tư để thu lợi nhuận và không phải ai cũng thành công khi tham gia BHĐC. Nghề này thực ra rất vất vả và nếu ai thực sự cố gắng, cũng chỉ có thu nhập trên trung bình mà thôi.

Hoạt động tuyên truyền cần được đẩy mạnh đến với càng nhiều người càng tốt, đặc biệt là truyền thông tại các địa phương, bởi hoạt động đa cấp bất chính thường nhằm đến các địa phương, nơi bà con quen sống trong tình làng nghĩa xóm nên dễ tin người.

Xin cảm ơn ông!

Ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI

Trên thực tế, hình thức BHĐC rất dễ phát sinh lừa đảo. Tuy nhiên trong thời gian qua, có nhiều vụ việc cứ nêu ra sai phạm nhưng vẫn để DN đó tiếp tục hoạt động trong một thời gian dài, dẫn đến họ có thời gian tiếp tục mở rộng sự lừa đảo đối với nhiều người. Việc ban hành nghị định thay thế Nghị định 42 về BHĐC với nhiều điểm mới để quy định rõ hơn, quản lí chặt hơn cũng là cần thiết. Dù vậy, nghị định này không phải là cây đũa thần, yếu tố quyết định để quản lí tốt hoạt động BHĐC nếu những vấn đề khác không được phối hợp tốt.

Việc thực hiện, thực thi pháp luật của chúng ta chưa nghiêm. Trong quy định cũ có nêu rõ hơn chục hành vi bị cấm, ai vi phạm thì đối chiếu vào đó là ra ngay nhưng có lẽ công tác kiểm tra, quản lí của chúng ta không chặt chẽ, nên đã xảy ra tình trạng như vậy.

Theo tôi, mấu chốt của BHĐC nằm ở 2 vấn đề. Thứ nhất, cơ quan quản lí buông lỏng, bao che, thông đồng nên kiểu gì cũng phát sinh “quan hệ”, phong bao phong bì, từ đó dẫn tới cơ quan quản lí làm ngơ. Thời gian qua, cơ quan quản lí đã kiểm tra và xử lí nhiều vụ việc nhưng tôi cho rằng cần phải đưa ra nhiều vụ việc hơn nữa và có chế tài xử lí nghiêm để người làm sai sợ và người dân nhìn thấy mà tránh. Mức phạt tăng lên không phải tiền triệu mà phải là tiền tỉ bởi trong nền kinh tế thị trường hình thức phạt nặng còn tốt hơn là bắt đi tù.

Thứ hai, khi mặt bằng dân trí không quan tâm đến sản xuất, làm ăn, toàn đi cầu cúng, xin xỏ, trông vào cơ may thì việc mất mát do bị dụ dỗ là không tránh khỏi và phải trả giá. Do vậy, cần phải tuyên truyền nhiều hơn nữa.

Phan Thu (thực hiện)

—————

Hải quan (Kinh tế) 02-4-2017:

http://www.baohaiquan.vn/Pages/Bo-sung-toi-kinh-doanh-da-cap-trai-phep-vao-Bo-luat-Hinh-su-sua-doi.aspx

(362/1.946)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,379