1.596. Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Miền Bắc Thiều Kim Quỳnh mắc nhiều sai phạm

(ANTT) – Báo cáo của Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam lên Hội đồng thành viên đơn vị này cho thấy Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVN NPC ông Thiều Kim Quỳnh đã ký quyết định không góp thêm vốn tại EC1, đồng thời không đấu giá công khai quyền mua cổ phiếu theo quy định, khiến tỷ lệ sở hữu nhà nước tại EC1 giảm từ 48,31% còn 9,66%. Các quyết định của ông Quỳnh được Tổng giám đốc EVN xác định là “chưa đúng quy định”.

Chủ tịch kiêm TGĐ EVN NPC Thiều Kim Quỳnh

Mắc nhiều sai phạm

Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ông Đặng Hoàng An vừa có báo cáo gửi Hội đồng Thành viên EVN liên quan tới vốn góp nhà nước tại CTCP Xây lắp Điện lực 1 (EC1).

Trước đó, báo chí đã phản ánh về dấu hiệu thất thoát tài sản nhà nước tại CTCP Xây lắp Điện lực 1 sau khi doanh nghiệp này tiến hành tăng vốn vào đầu năm ngoái.

Cụ thể, CTCP Xây lắp Điện lực 1 tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp điện thuộc Công ty Điện lực 1 ( nay là Tcty Điện lực Miền Bắc – EVN NPC), được tiến hành cổ phần hóa từ năm 2005.

Kể từ thời điểm đó, vốn điều lệ của Công ty ổn định ở mức 8 tỷ đồng, tương ứng 800.000 cổ phần. Trong đó nhà nước là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 48,31% bao gồm EVN NPC chiếm 29,21% và Công đoàn EVN NPC nắm giữ 19,1%.

Đầu năm 2016, EC1 chủ trương phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn từ 8 tỷ đồng lên 40 tỷ đồng. Tuy nhiên EVN NPC ngày 25/4/2016 có công văn số 1553 do Chủ tịch kiêm TGĐ Thiều Kim Quỳnh ký chỉ đạo không góp thêm vốn tại đây.

Quyết định có phần kỳ lạ của ông Thiều Kim Quỳnh khiến sau khi tăng vốn lên 40 tỷ đồng, tỷ lệ vốn nhà nước tại EC1 chỉ còn là 5,84%, của công đoàn EVN NPC là 3,82%, tỷ lệ nắm giữ của cổ đông bên ngoài tăng từ 51,69% lên 90,34%.

Điều đáng nói là EC1 đang sở hữu 2 mảnh đất sử dụng làm trụ sở và nhà làm việc ở An Dương – Tây Hồ (Hà Nội), có diện tích lần lượt là 3.350m2 và 8.109m2, được đánh giá là có vị trí đẹp, ngay giáp hai hồ điều hòa lớn nhất Thủ đô là hồ Tây và hồ Trúc Bạch.

Việc Chủ tịch kiêm TGĐ Thiều Kim Quỳnh ra những quyết định khiến tỷ lệ nắm giữ của EVN NPC ở EC1 giảm mạnh đặt ra nghi ngại về thất thoát tài sản nhà nước ở đây.

Theo báo cáo của Tổng giám đốc EVN ông Đặng Hoàng An, việc EVN NPC thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ tại CTCP nhưng không chuyển nhượng quyền mua là chưa đúng quy định tại khoản 5 Điều 38 Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, đồng thời chưa đảm bảo nghĩa vụ bảo toàn và phát triển vốn EVN đầu tư tại EVNNPC theo quy định tại Điều 10 Điều lệ EVNNPC.

Khoản 5 Điều 38 Nghị định 91/2015 quy định trường hợp vốn góp nhà nước đã đầu tư vào các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực nhà nước cần tiếp tục đầu tư thêm thì cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm. Nguyên tắc chuyển nhượng quyền mua cổ phần, quyền góp vốn thực hiện theo phương thức đấu giá công khai.

Bị thôn tính với giá bèo bọt

Trả lời vấn đề trên, EVN NPC cho rằng theo quy định EVN NPC là cổ đông hiện hữu nên được quyền mua hoặc chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành tăng thêm. Tuy nhiên căn cứ kết quả định giá doanh nghiệp, giá trị 01 cổ phần EC1 theo Báo cáo tài chính ngày 31/12/2015 là 8.869 đồng, thấp hơn mệnh giá phát hành là 10.000 đồng. Như vậy EVN NPC xác định quyền mua cổ phần thuộc quyền mua của EVN NPC là 0 đồng/ cổ phần, nên không thực hiện xem xét triển khai bán quyền mua theo quy định mà lựa chọn hình thức chuyển quyền mua cho cán bộ công nhân viên của EVN NPC.

Theo luật sư Trương Thanh ĐứcGiám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng – VNBA, giải thích như trên là chưa đúng với quy định luật pháp hiện hành. Nghị định 91/2015 áp dụng cho tất cả các trường hợp chuyển nhượng quyền mua đối với cổ đông nhà nước, không có chi tiết nào về việc giá trị sổ sách dưới mệnh giá phát hành thì không chịu sự điều chỉnh của khoản 5 Điều 38 Nghị định này. Quy định về bán đấu giá công khai quyền mua cổ phần là nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của nhà nước, tránh lợi ích nhóm thao túng doanh nghiệp, gây thất thoát cho ngân sách.

Trong khi đó, luật sư Trần Thu Nam, trưởng Văn phòng luật sư Tín Việt & Cộng sự cho rằng có dấu hiệu khuất tất đằng sau việc EVN NPC giảm tỷ lệ sở hữu đồng thời không chuyển nhượng phần vốn góp theo quy định của pháp luật.

“Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp nhà nước đang bị thôn tính với cái giá rất bèo bọt, với đích đến nhắm tới chính là những mảnh đất “vàng” mà các đơn vị này đang nắm giữ. Những lỗ hổng hiện tại của pháp luật (không hạch toán lợi thế đất đai vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa – PV) tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích tư nhân, với sự giúp đỡ của những cán bộ nắm chức quyền dễ dàng “sang tên” đất vàng với chiêu bài cổ phần hóa”, LS Trần Thu Nam cho hay, nhấn mạnh thực trạng trên đang rất phổ biến hiện nay, gây bức xúc trong dư luận.

Cuối năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Chỉ thị 31/CT-TTg trong đó yêu cầu xác định đầy đủ giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, tính đầy đủ giá trị lợi thế (vị trí địa lý) vào giá trị để cổ phần hóa nếu doanh nghiệp lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm. Cùng thời điểm, Thủ tướng cũng chỉ đạo rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, khi đơn vị nắm trong tay gần chục nghìn mét vuông đất vàng Hồ Tây rơi vào tay tư nhân với giá rẻ mạt.

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhận định để tối đa hóa lợi ích mang lại khi thoái vốn nhà nước, không có cách gì khác ngoài đấu giá công khai, minh bạch, tuyên truyền trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng để các nhà đầu tư có năng lực biết tới. Ví dụ tiêu biểu là trường hợp đấu giá cổ phần của SCIC tại Công ty CP Du lịch Kim Liên, đơn vị vận hành khách sạn Kim Liên. Việc đấu giá công khai đã mang về cho ngân sách khoản tiền lên tới 1.000 tỷ đồng, gấp 9 lần mức giá khởi điểm, là minh chứng rõ nhất về tính hiệu quả của phương án này.

Nghi Điền

An ninh Tiền tệ (Sự kiện) 05-4-2017:

http://antt.vn/tong-giam-doc-tong-cong-ty-dien-luc-mien-bac-thieu-kim-quynh-mac-nhieu-sai-phamrnrn-0124788.html

(128/1.338)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,123