1.597. Bước chuyển quan trọng trong quản lý các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu

(QĐND) – Ngày 5-4, Bộ Tư pháp tổ chức họp Hội đồng thẩm định để trình Chính phủ dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì soạn thảo (dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét và thông qua trong kỳ họp tháng 5 tới). Đây là dự luật quan trọng được chờ đợi và kỳ vọng tạo bước chuyển quan trọng trong quản lý các TCTD và xử lý nợ xấu thời gian tới.

Dự luật được chờ đợi

Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 11-1-2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nêu rõ: “Tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD theo quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo trong các TCTD có liên quan; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại. Ban hành các quy định hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD…”. Nhìn lại sau 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1-3-2012 và hơn 3 năm thực hiện Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, việc cơ cấu lại hệ thống TCTD đã đạt được một số kết quả tốt. Các TCTD yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát, giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn. Hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện; đã giảm được 22 tổ chức TCTD. Tính đến hết năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,46%. Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại cho thấy, hệ thống các TCTD còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. NHNN đã mua lại bắt buộc một số ngân hàng thương mại yếu kém để bảo đảm an toàn. Do khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của TCTD còn khó khăn và tiềm ẩn rủi ro, tổn thất nếu không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý để triển khai việc hỗ trợ.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, ý tưởng về một luật chuyên biệt xử lý các vấn đề tái cơ cấu, nợ xấu không phải là quá mới mà đã được đề xuất cách đây khoảng 4 năm. Những chính sách đưa ra tại dự thảo luật khá chi tiết, rõ ràng, gắn với vấn đề trọng tâm, trọng điểm cải tổ hệ thống TCTD, bao quát toàn diện để bảo đảm xử lý các vấn đề liên quan. Các chính sách đã nhằm vào những điểm quan trọng nhất trong xử lý TCTD yếu kém và nợ xấu là vấn đề minh bạch và đầy đủ thông tin; cách thức, nguồn lực để xử lý và quyền lực, quyền hạn của các cơ quan cũng như của các bên có liên quan.

Dự thảo đưa ra nhiều phương án khác nhau, mỗi phương án đều có những đánh giá, đề xuất cụ thể, chi tiết gắn với phân tích chi phí lợi ích về cả mặt được, chưa được tác động đến kinh tế, xã hội. Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam-VNBA), dự luật ra đời là vô cùng quan trọng và cần thiết. Lẽ ra dự luật cần được xây dựng từ năm 2010, thời điểm nợ xấu của nền kinh tế bắt đầu tăng cao để trở thành giải pháp pháp lý cơ bản. Nếu không có dự luật này, quá trình giải quyết nợ xấu sẽ chậm và rất lâu.

Ảnh minh họa/Vietnamplus.vn 

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém

Theo dự thảo luật, TCTD yếu kém là TCTD được NHNN đặt vào kiểm soát đặc biệt và trực tiếp. NHNN xem xét, quyết định đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi TCTD lâm vào một trong các trường hợp sau: Mất khả năng thanh toán; có nguy cơ mất khả năng chi trả; có nguy cơ mất khả năng thanh toán, bao gồm cả trường hợp nợ không có khả năng thu hồi hoặc mô hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro, hoặc hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) vi phạm pháp luật; khi số lỗ lũy kế của TCTD lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất; hai năm liên tục bị xếp loại ở mức xếp loại thấp nhất theo quy định của NHNN; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của NHNN trong thời hạn 1 năm liên tục, hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn 6 tháng liên tục; trường hợp khác trên cơ sở kiến nghị của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc theo đề nghị của TCTD… Trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày có quyết định thành lập, Ban kiểm soát đặc biệt phải hoàn thành việc đánh giá thực trạng tổng thể của TCTD yếu kém. Trên cơ sở đánh giá để đề xuất với NHNN chủ trương xử lý TCTD yếu kém. Trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận được đề xuất của Ban kiểm soát đặc biệt, căn cứ kết quả đánh giá của NHNN về thực trạng tổng thể của TCTD yếu kém, NHNN quyết định hoặc trình Chính phủ quyết định chủ trương phục hồi hoặc xử lý pháp nhân, hoặc mua bắt buộc đối với TCTD yếu kém. Trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của NHNN, Chính phủ quyết định chủ trương phục hồi hoặc xử lý pháp nhân hoặc mua bắt buộc đối với TCTD yếu kém. Đối với TCTD thuộc diện phục hồi, tuy nhiên hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi mà TCTD được kiểm soát đặc biệt không phục hồi theo các tiêu chí nêu tại phương án đã được phê duyệt hoặc NHNN xét thấy TCTD được kiểm soát đặc biệt không có khả năng phục hồi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt, thì NHNN quyết định hoặc trình Chính phủ quyết định việc thực hiện phương án phá sản, giải thể hoặc mua bắt buộc theo quy định. Việc xử lý pháp nhân được thực hiện theo một trong các hình thức sau: Sáp nhập; hợp nhất; bán toàn bộ vốn điều lệ; giải thể hoặc phá sản.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI đây là một dự luật đặc biệt mang tính chất thời điểm; vì vậy, cần tập hợp mọi vướng mắc cũ và mới để xử lý. Ví như thời hiệu khởi kiện, nếu theo đúng Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời gian đòi nợ cũng chỉ còn 3 năm, chứ không vô hạn như trước nữa. Đồng thời nên xem lại tên Luật “Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu”, vì như vậy rộng hơn nhiều so với phạm vi điều chỉnh tại chính Điều 1 chỉ là “xử lý TCTD yếu kém” và nợ xấu. Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, khi sứ mệnh được hoàn thành thì luật này hoàn toàn có thể hết hiệu lực. Nói như vậy không có nghĩa là khi luật này kết thúc, hệ thống TCTD không phát sinh thêm nợ xấu vì đã là kinh doanh, nhất là kinh doanh tiền bao giờ cũng có rủi ro. Nhưng sau khi trải qua giai đoạn cải tổ mạnh mẽ có tính chất pháp lý rõ ràng, hệ thống TCTD sẽ có kinh nghiệm hữu ích để chỉ xử lý vấn đề tương tự phát sinh và tăng cường khả năng ngăn chặn những vấn đề này trước khi xảy ra.

Phải khẳng định dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu đã cơ bản đáp ứng yêu cầu với các phương án khác nhau để xử lý nợ xấu và các TCTD yếu kém, cũng như đã tính toán chi phí lợi ích của từng phương án. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém và nợ xấu là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định để thực hiện hiệu quả và khả thi việc tái cơ cấu hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu.

HOÀNG TRƯỜNG GIANG

—————

Quân đội Nhân dân (Kinh tế) 05-4-2017:

http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/buoc-chuyen-quan-trong-trong-quan-ly-cac-to-chuc-tin-dung-va-xu-ly-no-xau-503949

(235/1.583)

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,135