1.598. Chính sách “triệt: doanh nghiệp nhỏ

(DĐDN)- Trong khi chúng ta đang cố gắng khắc phục điểm yếu cố hữu là sự thiếu liên kết theo chuỗi sản phẩm và sản xuất chuyên sâu thì vẫn còn những quy định, những dự thảo luật đi ngược lại mong muốn này.

Tàu vỏ gỗ được sửa chữa, nâng cấp tại Công ty TNHH đóng sửa tàu thuyền Bạch Đằng, phường 5, TP.Vũng Tàu. Ảnh: SA HUỲNH

Nghị định 87/2016 về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy và dự thảo Luật Thuỷ sản sửa đổi là hai ví dụ điển hình nhất tạo rào cản hình thành chuỗi liên kết sản phẩm hiện nay.

Điều kiện kinh doanh “trói” liên kết

Thực tế, ngay từ khi đang lấy ý kiến đóng góp cho Nghị định 87, nhiều DN sản xuất mũ bảo hiểm đã chỉ ra sự bất hợp lý của một số quy định tại Nghị định này. Chẳng hạn, quy định bắt buộc DN phải đáp ứng đầy đủ trang thiết bị để sản xuất hoàn chỉnh một chiếc mũ bảo hiểm. Quy định này dẫn đến việc một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam nhưng do không có đủ điều kiện để sản xuất phải chia tay với thị trường. Ví dụ như mũ bảo hiểm mang nhãn hiệu Honda.

Việc buộc một DN phải đầy đủ dây chuyền thiết bị để sản xuất hoàn chỉnh một chiếc mũ bảo hiểm khiến các DN nhỏ khó có thể đáp ứng yêu cầu. Cùng với đó, quy định này cũng không khuyến khích DN đầu tư sản xuất chuyên sâu. Đại diện cho các DN sản xuất mũ bảo hiểm, ông Lương Thanh Liêm – Giám đốc Công ty Hùng Hậu cho biết, dây chuyền sản xuất mút xốp của mũ bảo hiểm đòi hỏi đầu tư vốn lớn. Cả nước chỉ cần vài công ty chuyên sản xuất mút xốp có thể đáp ứng cho cả thị trường. Các DN sản xuất phần vỏ nhựa và các phụ kiện kèm theo thì rất đa dạng và tạo nên những sản phẩm đặc sắc riêng.

Chỉ cần nhìn vào một sản phẩm đơn giản như chiếc mũ bảo hiểm cũng thấy sự chuyên sâu là cần thiết và phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường. Nhưng khi cơ quan xây dựng chính sách lại đưa ra các điều kiện đối với những sản phẩm lớn hơn và có nhiều chi tiết hơn thì sự phi thị trường sẽ càng thể hiện rõ.

Tại dự thảo Luật Thuỷ sản sửa đổi đang được Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN-PTNT) xây dựng, những quy định về điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá cũng đang khiến cộng đồng DN lo ngại. Dự thảo giao Chính phủ quy định chi tiết. Quy định này được cho rằng nhằm mục đích bảo đảm về chất lượng và an toàn tàu cá.

Tuy nhiên, theo công văn đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo, VCCI khuyến nghị cần cân nhắc kỹ hơn về sự cần thiết của các điều kiện này. Bởi vì theo phân tích của VCCI, tất cả các tàu cá được đóng mới hoặc cải hoán đều sẽ được đăng kiểm trước khi đưa vào khai thác thực tế. Như vậy, chất lượng và an toàn tàu cá đã được bảo đảm bằng một biện pháp rất chặt chẽ và không cần thiết phải tăng cường bằng việc quy định điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá.

Ngoài ra, việc quy định các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá phải có từng loại máy móc cụ thể được liệt kê sẽ làm giảm sự linh hoạt của thị trường. Ví dụ, một cơ sở sản xuất chỉ tập trung thi công phần máy, phần ngư cụ, hoặc phần gỗ, phần mỏ neo và bán lại cho các cơ sở khác để tiếp tục lắp ráp, hoàn thiện. Việc bắt buộc có đầy đủ các loại máy móc sẽ không giúp các cơ sở có thể chuyên môn hóa nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động. Như vậy sẽ không khuyến khích DN thành lập theo chuỗi.

Cởi trói từ tư duy

Muốn kiểm soát thị trường thì không cần quá nhiều công cụ, quá nhiều cơ quan tham gia vào một vấn đề.
Bình luận về nội dung nói trên, LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, trọng tài viên VIAC cho rằng, muốn kiểm soát thị trường, không cần quá nhiều công cụ, quá nhiều cơ quan tham gia vào một vấn đề. Chỉ cần tập trung vào một đầu mối kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Còn việc bao nhiều DN sản xuất ra được một sản phẩm là vấn đề của thị trường. Nhà nước không cần can thiếp quá sâu ở đây.

Theo LS Đức, Chính phủ đang khuyến khích phát triển DN nhỏ thì phải giúp họ đầu tư chuyên sâu. Chuyên sâu sẽ giúp DN nâng cao năng suất và chất lượng. Chuyên sâu cũng khiến họ buộc phải liên kết để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Trên thế giới để sản xuất một chiếc máy bay đòi hỏi hàng trăm cơ sở sản xuất tại hàng chục quốc gia khác nhau phối hợp thực hiện. Mỗi cơ sở chỉ sản xuất một vài chi tiết hoặc thực hiện một phần công đoạn của việc hoàn thiện một chiếc máy bay. Toàn bộ hệ thống đó hoạt động rất hiệu quả và tạo nên chuỗi giá trị toàn cầu. Chất lượng và an toàn của một chiếc máy bay được bảo đảm dựa vào giai đoạn kiểm định và bay thử, chứ không cần có quy định về máy móc của việc sản xuất – một chuyên gia bình luận.

Bên cạnh đó, cũng có người đặt câu hỏi: Phải chăng những quy định kiểu này như một loại rào cản kinh doanh nhằm loại trừ những DN sản xuất nhỏ ra khỏi thị trường hay tạo đất sống cho cơ chế xin – cho?

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Quan trọng là chất lượng

Đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) xem xét ban hành tiêu chuẩn riêng đối với khâu sản xuất mút xốp để doanh nghiệp có căn cứ sử dụng sản phẩm của nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không nhất thiết phải sản xuất tất cả các công đoạn mà có thể đặt các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn với trang thiết bị dây chuyền phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật sản xuất MBH với chất lượng phù hợp quy chuẩn quốc gia. Có thể làm như cách mà hãng Honda đang làm hiện nay là họ đặt các cơ sở sản xuất rồi mang tên của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI:Quy định thiếu cơ sở

Trong trường hợp việc đăng kiểm không đủ năng lực để bảo đảm chất lượng và an toàn tàu cá thì nên tăng cường cho hoạt động này chứ không nên đặt ra quy định điều kiện đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, dự thảo luật Thuỷ sản sửa đổi có nhiều điều kiện mới với DN ghi là “có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp”. Những điều kiện này không có quy định chi tiết hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết. Quy định như vậy sẽ nảy sinh vướng mắc trong quá trình thực thi. Bởi vì, cơ quan nhà nước và DN sẽ không có cơ sở khách quan nào để xác định tính phù hợp của cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, từ đó dễ nảy sinh tham nhũng tiêu cực.

Bá Tú, N. Vi

—————

Diễn đàn Doanh nghiệp (Kinh doanh & Pháp luật) 06-4-2017:

http://enternews.vn/chinh-sach-triet-dn-nho.html

(135/1.369)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,581