1.570. “Choáng váng” với quy định cấm rượu không nhãn mác

(DĐDN) – Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ban hành Chỉ thị 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu. Trong đó, nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức.

Rượu không nhãn mác vẫn được bày bán tràn lan… Ảnh: T.L

Chỉ thị trên xuất phát từ việc thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc rượu đã xảy ra trên toàn quốc. Đa số các ca bệnh ngộ độc rượu là do uống rượu trắng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi trên thị trường.

Không quản được thì cấm

Chỉ thị 02 đã nói rõ, tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức. Tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.

Theo LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, trọng tài viên (VIAC), rượu là mặt hàng sản xuất và kinh doanh có điều kiện, với những quy định quản lý chất lượng an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt. Chính phủ đã phân cấp Bộ Công thương đặc trách quản lý ngành rượu. Đối với những cơ sở dưới 3 triệu lít/năm giao cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý.

Nếu nói về hệ thống văn bản pháp quy về quản lý rượu nói riêng, an toàn thực phẩm nói chung, Việt Nam đã có khá đầy đủ từ Luật An toàn thực phẩm các nghị định hướng dẫn luật. Chúng ta đã có nghị định 94/2012 riêng về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu. Tiếp theo là nhiều thông tư hướng dẫn chi tiết việc thi hành.

Ngộ độc methanol do rượu rõ ràng là vấn đề của khâu quản lý, khâu triển khai các quy định pháp luật còn kém hiệu quả. Việc Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ban hành Chỉ thị số 02 cũng chính nhằm đôn đốc việc triển khai các quy định pháp luật về quản lý sản xuất và kinh doanh rượu.

Tuy nhiên, thực tế, các lò rượu do người dân tự nấu đã trở thành một văn hoá tại hầu khắp các địa phương hiện nay. Vậy họ sẽ được quản lý ra sao?

Ông Trần Văn Hân – chủ một lò rượu tại Quận Hoàng Mai, TP Hà Nội cho biết, đã nhiều năm nay, ông vẫn nấu rượu để bán cho bà con trong phường và những người quen biết. Với phạm vi vừa phải của một người cán bộ về hưu, rượu của ông nấu ra bao nhiêu được đặt hàng và mua hết bấy nhiêu, không đủ sức để rao bán rộng rãi. Lò rượu của ông Hân đã bổ sung cho gia đình một nguồn thu đáng kể bù đắp vào khoản lương hưu it ỏi.
Những chai rượu không nhãn mác do ông Hân tự sản xuất ra được người sử dụng tin dùng từ nhiều năm qua, nay theo Chỉ thị 02 sẽ bị nghiêm cấm khiến ông Hân rất hoang mang. Ông Hân bức xúc, rượu do dân tự nấu từ các nông sản như gao, ngô, sắn cả ngàn đời nay đã bao giờ thấy ai ngộ độc methanol đâu. Nếu cứ đánh đồng rượu “dởm” pha chế công nghiệp có chứa methanol với rượu nấu truyền thống là bất công và quay lại tư duy quản lý: “không quản được thì cấm”.

Quản sao có lý?

Theo LS Trương Thanh Đức, quản lý chặt chẽ rượu là việc đáng phải làm từ lâu. Để xảy ra những vụ ngộ độc rượu thương tâm thời gian qua, chứng tỏ công tác quản lý còn yếu kém và có tội với dân. Nhưng cấm hết các cơ sở nấu rượu truyền thống cũng là có tội với dân, có tội với một nghề truyền thống.

Hiện nay, nhiều nơi đang có một xu hướng không dùng rượu được cho là chính hãng hay có tem, nhãn. Bởi vì, người dân cho rằng, đó chính là những loại rượu hay bị làm giả và có chất lượng thấp, kể cả rượu nhập khẩu. Người dân chỉ dùng những loại rượu do một cơ sở nấu tại địa phương.

Việc làm rõ ngộ độc methanol do rượu truyền thống hay do rượu pha chế công nghiệp cũng là một trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Các chuyên gia cho rằng, với một chỉ đạo “gộp tất cả vào một gói” như Chỉ thị 02 sẽ dẫn đến nguy cơ mỗi địa phương hiểu một kiểu và khó triển khai. Chúng ta không đủ lực lượng để xử lý, phá bỏ hết những lò rượu tự nấu. Thay vào đó, cần có những hướng dẫn chi tiết để các lò rượu được đăng ký, được kiểm định chất lượng và có nhãn mác, xuất xứ đầy đủ. Cùng với đó, việc vi phạm nhãn mác phải xử lý thật nghiêm để đưa công tác quản lý an toàn thực phẩm sản xuất và kinh doanh rượu đi vào nề nếp.

Ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế):Chặn từ các địa phương

Vấn đề quản lý rượu đã được quy định rất đầy đủ tại Luật An toàn vệ sinh thực phẩm và Nghị định 94/2012 quy định khá cụ thể về sản xuất kinh doanh rượu.

Việc ngộ độc rượu có chưa methanol hàm lượng quá cao phải được ngăn chặn từ các địa phương, từ cơ sở. Công tác quản lý và tuyên truyền đến từng phường xã nơi có các cơ sở nấu rượu nhỏ lẻ cần được triển khai đồng bộ. Các địa phương vừa phải xử lý thật nghiêm vừa tuyên truyền, vận động phương pháp kinh doanh và sử dụng rượu cho đúng pháp luật. Còn người tiêu dùng không nên sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ và rượu nấu thủ công không đúng quy trình, không được kiểm tra chất lượng. Người tiêu dùng quay mặt đi thì rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ không bán được và tự mất đi.

Ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội rượu bia nước giải khát VN:Quản lý buông lỏng một thời gian dài

Hiện nay việc phân cấp về chất lượng an toàn thực phẩm hợp quy về rượu được giao cho Bộ Y tế. Quản lý ngành là Bộ Công thương. Quản lý cơ sở trên địa bàn do địa phương. Tuy nhiên, công tác phối hợp quản lý yếu và không thường xuyên, thiếu nghiêm túc.

Chỉ thị số 02 của Bộ trưởng Bộ Công thương không chỉ là vấn đề bảo vệ quyền kinh doanh hợp pháp của DN mà là sức khoẻ của cộng đồng. Tuy nhiên, thực thi ra sao là vấn đề phải bàn? Ví dụ kiểm tra, kiểm soát, xử phạt phải là quản lý thị trường xử phạt, thậm chí công an cũng phải tham gia. Chỉ đạo của chính quyền địa phương, địa bàn phải thường xuyên và sâu sát.

 Bá Tú

—————

Diễn đàn doanh nghiệp (Kinh doanh & Pháp luật) 18-3-2017:

http://enternews.vn/choang-vang-voi-quy-dinh-cam-ruou-khong-nhan-mac.html

(318/1.315)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,738