1.842. Taxi Vinasun, Mai Linh dán khẩu hiệu phản đối Grab, Uber: Vi phạm Luật Cạnh tranh hay chỉ là quyền tự do bày tỏ quan điểm?

(CFF) – Ngược quan điểm với hầu hết các luật sư được hỏi, TS. Võ Trí Hảo, Phó Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định việc các hãng taxi truyền thống dán khẩu hiệu phản đối Grab, Uber nên được nhìn nhận như biểu hiện của việc doanh nghiệp được tự do bày tỏ quan điểm của mình.

Quan điểm luật sư cũng trái chiều

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) nhận định việc các hãng taxi truyền thống dán khẩu hiệu phản ứng Uber, Grab như vậy là có dấu hiệu vi phạm của Luật Cạnh tranh, bôi xấu đối thủ.

Theo đó, Điều 43, Luật Cạnh tranh nêu rõ: Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Với những câu khẩu hiệu như: Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh hay Yêu cầu Uber và Grab tuân thủ pháp luật Việt Nam… là có dấu hiệu gièm pha, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp được nhắc đến.

Vì vậy, Grab và Uber có quyền khiếu nại đến các cơ quan quản lý cạnh tranh nếu thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại.

Quan điểm của luật sư Trương Thanh Đức tương đồng với khá nhiều luật sư khác trả lời báo chí, ví dụ ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam; Luật sư Nguyễn Anh Thơm, đoàn luật sư TP. Hà Nội.

Trao đổi trên báo chí, luật sư Nguyễn Anh Thơm nhấn mạnh cơ quan nhà nước hiện vẫn chưa có kết luận về việc Uber hay Grab trốn thuế gây thất thu thuế. Do đó, việc dán khẩu hiệu trên có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, TS. Võ Trí Hảo, Phó Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lại nhận định việc làm trên không vi phạm pháp luật.

“Nếu những khẩu hiệu này nói sai sự thật thì mới vi phạm Luật Cạnh tranh. Còn ở đây, họ tin rằng Uber, Grab vi phạm pháp luật. Việc chứng minh sai hay không là của cơ quan nhà nước. Đấy là điều bình thường, không xúc phạm danh dự và nhân phẩm, nó giống mít-tinh thôi”, ông Hảo nói.

Ví dụ, như việc người dân khiếu nại cơ quan nhà nước vì nghi ngờ cơ quan này làm sai. Về sau nếu cơ quan này được chứng minh là đúng thì không có nghĩa là công dân này vi phạm luật.

Câu chuyện này theo ông không đến mức được gọi là vi phạm Luật mà ở đây nên được nhìn nhận như việc doanh nghiệp được bày tỏ quan điểm của mình.

“Các doanh nghiệp taxi truyền thống có quyền nói, người tiêu dùng ở giữa thì có quyền lựa chọn, không vi phạm pháp luật”, ông cho biết.

Về phía cơ quan quản lý, ông Trinh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công thương cho biết hiện Cục đang yêu cầu các bên cung cấp thông tin và sẽ thông báo khi có kết quả. Ở thời điểm này, ông Tuấn không đưa ra bất cứ bình luận nào.

Đức Minh

Theo Trí thức trẻ

——————

CafeF (Vĩ mô) 09-10-2017:

https://cafef.vn/taxi-vinasun-mai-linh-dan-khau-hieu-phan-doi-grab-uber-vi-pham-luat-canh-tranh-hay-chi-la-quyen-tu-do-bay-to-quan-diem-20171009111153.chn

(200/630)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,181