2.182. Ông Bùi Kiến Thành nói về “quân xanh, quân đỏ” đục khoét tài sản nhà nước

(GDVN) – Có hai trường hợp cần lưu ý: Một là không muốn cổ phần hóa vì sợ mất ghế, mất lợi ích nhóm; hai là cổ phần hóa bán giá bèo nhằm “đục khoét”.

Trong phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 28/5, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải – ông Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với Bộ Giao thông vận tải khi cổ phần hóa 137 đơn vị, tất cả các công ty khi niêm yết và bán, giá bán được cao hơn giá niêm yết, do đó lợi nhuận đem lại tương đối cao.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin cụ thể, khi cổ phần hóa 12 tổng công ty, giá trị ban đầu nêu ra chỉ là 2.153 tỷ, thực tế cổ phần hóa được 2.785 tỷ, thặng dư là 632 tỷ.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng không đồng ý với báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Sau phần phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đã giơ biển tranh luận và thể hiện không đồng tình với đánh giá của tư lệnh ngành giao thông.

Đại biểu Nhưỡng nêu, tại kỳ họp thứ ba, ông đã có ý kiến với đồng chí Tổng Thanh tra chính phủ Phan Văn Sáu lúc đó là phải xem xét lại vấn đề cổ phần hóa Tổng công ty Vận tải thủy Việt Nam.

Trong đó tại sao 10 doanh nghiệp nhà nước với hàng trăm đoàn tàu, rất nhiều tài sản của nhà nước mà chỉ được định giá 327 tỷ, tức là chỉ tương đương với một căn nhà tại phố cổ Hà Nội.

Quá trình cổ phần hóa diễn ra khiến nhiều cán bộ công nhân viên rất nhiều người bức xúc và người đứng đơn trực tiếp tố cáo nguyên là Bí thư đảng ủy, Giám đốc Cảng Hà Nội.

Vừa qua, kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo lại kết luận không có vấn đề gì xảy ra. Đặc biệt, tài sản không những bị hạ giá thấp mà còn để ra ngoài một lượng lớn tài sản khác không đưa vào cổ phần hóa, giống như “quỹ đen”.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: “Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vừa qua khiến Nhà nước thất thoát một tiền lớn là vấn đề định giá, sai lệch giá trị của doanh nghiệp.

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước xảy ra hai trường hợp, thứ nhất là không muốn cổ phần hóa vì sợ mất ghế, mất chỗ ngồi. Trường hợp nữa, là muốn cổ phần hóa để bán với giá “bèo”, định giá thấp nhằm trục lợi, đục khoét. Như vậy, nhà nước và nhân dân đều thiệt hại nặng, còn lợi ích thì rơi vào một vài cá nhân”.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, có tình trạng đại gia đứng sau việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nhằm lấy đất vàng. Ảnh: Vũ Phương.

Ông Bùi Kiến Thành thẳng thắn cho rằng: “Rõ ràng khâu định giá khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là có vấn đề, gây thất thoát những khoản tiền vô cùng lớn cho Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước có sự xuất hiện của quân xanh, quân đỏ để thao túng việc cổ phần hóa. Như vậy thì làm sao ngân sách Nhà nước không thất thu.

Anh cổ phần hóa, anh bán ra với giá rất rẻ, thậm chí có doanh nghiệp nắm giữ nhiều đất vị trí đẹp, vị trí vàng nhưng giá chỉ bằng một phần rất nhỏ so với giá thị trường. Tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm từ đó mà ra chứ đâu, đã quá rõ.

Như câu chuyện cổ phần hóa ở hãng phim truyện Việt Nam cũng vậy, đằng sau việc thúc đẩy cổ phần hóa nhanh hãng phim này mục đích nhằm sở hữu, thâu tóm đất vàng”.

Cũng theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, có tình trạng nhiều doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hóa trở thành doanh nghiệp của bà con thân hữu, công ty gia đình của người có chức có quyền.

“Không thể chọn những đơn vị định giá, kiểm toán mà giám đốc doanh nghiệp Nhà nước nói gì nghe vậy thì làm sao định giá, kiểm toán một cách đúng đắn được.

Để đảm bảo tài sản nhà nước thu về đúng và đủ cần phải thuê các đơn vị định giá, kiểm toán nước ngoài có uy tín để làm việc cho nghiêm túc, đàng hoàng. Chứ cách cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước như hiện nay có quá nhiều vấn đề”, ông Thành nói.

Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam vừa qua đã gây bức xúc cho không chỉ nghệ sĩ mà dư luận cũng lo ngại có dấu hiệu của đại gia đứng sau nhằm lấy đất vàng. Ảnh: Báo Chính phủ. 

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Trương Thanh Đức – Thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng: “Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là một chính sách lớn của Nhà nước nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, giảm dần vai trò của tham gia trực tiếp của nhà nước vào sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề pháp lý vướng mắc, sơ hở, dẫn đến nguy cơ tiêu cực, tham nhũng và gây thất thoát tài sản của nhà nước”.

Luật sư Đức chỉ rõ: “Kẽ hở lớn nhất của cổ phần hóa là việc xác định giá trị của doanh nghiệp không sát thực tế, dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước.

Các nghị định về cổ phần hóa đều không tính đến yếu tố giá trị lợi thế của quyền sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm vào giá trị tài sản cổ phần hóa.

Trong khi đây thường là khoản có giá trị rất lớn, đôi khi là lớn nhất của doanh nghiệp, nhất là giá thuê đất của Nhà nước thường rất thấp so với với giá thị trường.

Bên cạnh đó là quy định về cổ phần hóa lâu nay theo hướng khá chặt chẽ về thẩm quyền, thủ tục và kinh phí triển khai cổ phần hóa nhằm hạn chế việc thất thoát tài sản của nhà nước.

Nhưng, điều này lại mới chỉ nhằm định giá đúng và giữ cho tài sản tránh bị thất thoát, mà không coi trọng yếu tố quan trọng nhất là thị trường, để sao cho đạt giá bán tối đa cho hàng hóa cổ phiếu.

Điều này dẫn đến tình trạng hạn chế việc chi phí thỏa đáng cho công tác truyền thông, phổ biến công khai, minh bạch, rộng rãi nhằm mời chào, thu hút được tối đa các nhà đầu tư quan tâm tham gia đấu giá khi cổ phần hóa cũng như mỗi khi thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp.

Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, việc bán cổ phần thiếu sự công khai, minh bạch, đã tạo kẽ hở cho một số cá nhân không chỉ tìm cách đánh giá thiếu khách quan giá trị thực của số tài sản hiện có đối với doanh nghiệp nhà nước mà còn tìm mọi cách để mua gom được cổ phiếu dưới nhiều thủ đoạn rất tinh vi nhằm thâu tóm quyền lực.

Ông Đức nhấn mạnh: “Đối với doanh nghiệp Nhà nước nào cổ phần hóa có vấn đề, dấu hiệu thất thoát tài sản lớn của Nhà nước cần phải điều tra để làm rõ sai phạm và xử lý nghiêm.

Anh có thể định giá 1 đồng, nhưng đấu giá một cách công khai, minh bạch, đấu giá thực chất vẫn có thể bán được 1 tỷ đồng. Nhưng ngược lại dù định giá 1 tỷ mà đấu giá kiểu quân xanh, quân đỏ thì có thể chỉ bán được 0 đồng.

Nhưng rõ ràng việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua xảy ra tình trạng vừa định giá thấp giá trị, tài sản doanh nghiệp vừa đấu giá theo kiểu quân xanh, quân đỏ nên Nhà nước thiệt hại nặng”.

(577/1.454)

Vu Phương

——-

Giáo dục (Kinh tế) 30-5-2018:

http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Ong-Bui-Kien-Thanh-noi-ve-quan-xanh-quan-do-duc-khoet-tai-san-nha-nuoc-post186612.gd

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,581